11/06/2018, 08:41

Các biện pháp nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh cho sinh viên không chuyên

(ĐHVH HN) - Hoạt động nghe hiểu đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công tác giảng dạy và học ngôn ngữ. Theo Rubin và Thompson (1994), kỹ năng nghe là kỹ năng ngôn ngữ quan trọng nhất, bởi vì con người dành khoảng 60% thời gian của mình để nghe. Thêm vào đó, kỹ năng ...



(ĐHVH HN) - Hoạt động nghe hiểu đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công tác giảng dạy và học ngôn ngữ. Theo Rubin và Thompson (1994), kỹ năng nghe là kỹ năng ngôn ngữ quan trọng nhất, bởi vì con người dành khoảng 60% thời gian của mình để nghe. Thêm vào đó, kỹ năng nghe mang lại cho con người có cơ hội cảm nhận được ngôn ngữ và nâng cao toàn diện khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nếu không có kỹ năng nghe, người tham gia vào hoạt động giao tiếp sẽ không tiếp nhận được thông điệp, và do đó, họ cũng không thể phản hồi nhanh chóng và hiệu quả được. Tuy nhiên, đây lại là kỹ năng khó nhất trong bốn kỹ năng mà sinh viên cần phải nắm vững trong suốt quá trình học. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số các biện pháp giúp giáo viên có thể nâng cao kỹ năng nghe hiểu cho sinh viên.
  1. Định nghĩa về kỹ năng nghe hiểu
Murphy (1991) định nghĩa: Nghe hiểu là một quá trình diễn giải mang tính tương tác mà người nghe chủ động tham gia với vai trò xây dựng ý nghĩa. Nó đòi hỏi kiến thức về ngôn ngữ, kiến thức nền, xây dựng ý nghĩa và phản hồi. Nghe là sự tiếp nhận thông tin bằng lời nói và cả những thông tin phi ngôn từ chẳng hạn các đặc điểm cận ngôn hay ngôn ngữ cử chỉ.
Underwood (1989) định nghĩa: nghe là hoạt động chú ý và cố gắng hiểu những gì chúng ta nghe thấy. Mendelsohn (1994) cho rằng nghe hiểu là khả năng hiểu được ngôn ngữ nói của người bản ngữ.
Theo Helgesen (2003) nghe là kĩ năng chủ động và có mục đích. Trong quá trình nghe, người nghe không chỉ nắm bắt nội dung họ đang nghe mà còn có thể liên hệ nội dung nghe với những thông tin họ đã biết trước đó để hiểu bài nghe. Ngoài ra, Helgesen cũng cho rằng khi nghe, người nghe không chỉ đơn thuần là nghe từ ngữ mà cần phải hiểu được hàm ý ẩn chứa sau những từ ngữ ấy.
Tóm lại, nghe hiểu là quá trình chủ động lựa chọn và tích hợp các thông tin liên quan từ những thông tin người nghe thu nhận được. Quá trình này bị kiểm soát bởi mục đích của người nghe mà rất quan trọng đối với việc nghe hiểu. Điều này có nghĩa là hành vi nghe bị ảnh hưởng bởi những định hướng hiện tại của người nghe. Đó là những định hướng quen thuộc và hứng thú đối với họ. Ngoài ra, nó còn bị chi phối bởi thái độ, sở thích, các kỹ năng tự kiểm soát và niềm tin của con người.
  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nghe hiểu của sinh viên
Underwood (1989) đã đưa ra bảy khó khăn gây cản trở quá trình nghe hiểu hiệu quả như sau:
  • Người nghe không kiểm soát được tốc độ người nói. Nhiều người học tiếng Anh cho rằng khó khăn lớn nhất trong quá trình nghe hiểu đó là họ không kiểm soát được tốc độ của người nói.
  • Không được nghe lại nhiều lần những từ và câu chưa nghe rõ. Trong lớp học sinh viên không được quyết định việc nghe lại. Giáo viên là người quyết định nghe lại cái gì và nghe lại khi nào. Tuy nhiên, giáo viên cũng cảm thấy khó khăn trong việc đánh giá xem người học có hiểu những thứ mà họ vừa nghe hay không.
  • Người nghe thi thoảng gặp phải những từ mới khiến cho họ phải dừng lại để suy nghĩ nghĩa của từ đó. Vì thế, họ bị nhỡ những phần nghe tiếp theo.
  • Người nghe không thể  nhận ra những tín hiệu cho biết người nói đang chuyển sang vấn đề khác, đang lấy ví dụ hay nhắc lại vấn đề nào đó. Những tín hiệu đó như là:  những chỗ ngắt giọng, điệu bộ, tiếng ồn tăng lên, sự thay đổi rõ rệt về cao độ hay các kiểu ngữ điệu khác nhau. Những sinh viên trình độ kém sẽ không thể hiểu được những tín hiệu này.
  • Người nghe thiếu kiến thức ngữ cảnh. Nếu bối cảnh nghe không quen thuộc với người học, thì họ không thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa của văn bản.
  • Người nghe khó tập trung vào ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Trong khi nghe hiểu, chỉ cần một chút phân tâm cũng khiến người nghe không thể hiểu được nội dung của bài nghe.
  •  Sinh viên thường có mong muốn hiểu được từng từ khi nghe vì thế nếu họ không hiểu được một từ hay cụm từ cụ thể nào đó họ sẽ trở nên lo lắng và bị nhụt chí trước thất bại của bản thân. Tuy nhiên, theo Underwood (1989), người học phải làm quen với việc đôi khi mình hiểu mơ hồ hay không đầy đủ về vấn đề nào đó.
  1. Tiến trình nghe hiểu
Xét về mặt lý thuyết, nghe hiểu được xem là quá trình chủ động trong đó các cá nhân tham gia vào các khía cạnh được lựa chọn để nghe, xây dựng ý nghĩa từ các đoạn nghe được và liên hệ chúng với kiến thức sẵn có của họ. Tâm lý học tri nhận định nghĩa nghe hiểu là hoạt động xử lý thông tin. Lược đồ (Schema)là cấu trúc hướng dẫn trong quá trình nghe hiểu. Lược đồ được Rumelhart (1980) mô tả là một cấu trúc dữ liệu bao gồm các khái niệm chung lưu trữ trong bộ nhớ của con người. Nó được sử dụng để thể hiện kiến thức của con người về tất cả các khái niệm: đối tượng, tình huống, sự kiện, chuỗi sự kiện, hoạt động và chuỗi hoạt động cơ bản.
Theo lý thuyết về nghe hiểu tri nhận, lược đồ là cấu trúc văn bản tổng quát mà người nghe dùng để tìm hiểu ý nghĩa của văn bản cho sẵn. Người nghe sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ, tín hiệu tình huống và dự đoán của họ về ngữ liệu đầu vào mới để tạo ra lược đồ. Khi lược đồ được hình thành, nó sẽ trở thành cấu trúc hướng dẫn trong quá trình nghe hiểu. Nếu những thông tin mới thu nhận được khớp với lược đồ thì người nghe sẽ nghe hiểu thành công. Nếu chúng không tương thích thì một trong hai sẽ bị loại bỏ hoặc phải sửa đổi. Nguyên tắc của lược đồ gồm hai hình thức xử lý thông tin cơ bản: xử lý từ dưới lên và xử lý từ trên xuống. Tuy nhiên, hai hình thức này kết hợp với nhau phát triển thành quá trình xử lý mang tính tương tác. Bởi thế,  quá trình nghe hiểu được chia thành ba loại như sau:
  1. 1.Xử lý thông tin từ dưới lên (bottom-up processing)
Quá trình này xảy ra khi người nghe tiếp nhận những dữ liệu mới. Người nghe xử lý các đặc điểm dữ liệu thông qua lược đồ phù hợp nhất ở phần dưới cùng. Lược đồ được hình thành theo cấp bậc bắt đầu từ thông tin cụ thể nhất ở dưới cùng đến thông tin khái quát ở trên cùng. Điều này có nghĩa là nghe hiểu là quá trình giải mã âm thanh bắt đầu từ những đơn vị nhỏ nhất có nghĩa (được gọi là âm vị) cho đến văn bản hoàn chỉnh. Chính vì thế, các đơn vị ngữ âm được giải mã và kết hợp với nhau để tạo thành từ,  từ kết hợp với nhau tạo thành lời nói, lời nói kết hợp với nhau tạo thành văn bản hoàn chỉnh có nghĩa. Như vậy, ý nghĩa được hình thành là bước cuối cùng trong quá trình xử lý thông tin này. Một chuỗi  âm thanh mới thu nhận được sẽ kích hoạt lược đồ mà được sắp xếp theo cấp bậc trong tâm trí của người nghe như sau: kiến thức ngữ âm, kiến thức hình vị, từ vựng và cú pháp (hỗ trợ người nghe trong việc phân tích cấu trúc câu). Bởi thế, người nghe sẽ sử dụng kiến thức của mình về từ vựng, cú pháp và ngữ pháp trong quá trình này. Quá trình này gắn liền với kiến thức ngôn ngữ của người nghe.
Các bài tập trên lớp phát triển kỹ năng nghe từ dưới lên sẽ giúp sinh viên:
  • Nhận biết các loại từ và mệnh đề
  • Xác định các từ khóa
  • Nhận biết các dấu hiệu chuyển tiếp chính trong diễn ngôn
  • Nhận biết các mối quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố chính trong câu
  • Sử dụng trọng âm và ngữ điệu để nhận biết các chức năng của từ và câu
    1. 2. Xử lý thông tin từ trên xuống (top-down processing)
Trong quá trình này, người nghe sử dụng kiến thức nền của mình để tìm hiểu ý nghĩa của thông điệp. Người nghe chủ động xây dựng ý nghĩa ban đầu của người nói trên cơ sở những thông tin mà họ mới tiếp nhận. Trong quá trình tái thiết lập này, người nghe sử dụng kiến thức liên quan đến ngữ cảnh và tình huống của bài nghe để hiểu những gì mình nghe được. Ngữ cảnh và tình huống liên quan đến những thứ như kiến thức về chủ đề, người nói, mối liên hệ giữa người nói với tình huống nghe hay mối liên hệ giữa người nói với nhau và các sự kiện trước đây.
Các bài tập luyện nghe từ trên xuống giúp sinh viên có những khả năng sau đây:
  • Sử dụng từ khóa để thiết lập lược đồ của diễn ngôn
  • Phỏng đoán bối cảnh nghe
  • Phỏng đoán vai trò của người nói và mục đích của họ
  • Đưa ra kết luận về các nguyên nhân và kết quả
  • Suy luận các chi tiết tình huống chưa được nêu ra
  • Đoán trước các câu hỏi liên quan đến chủ đề và tình huống nghe
Một số hoạt động sau đây nhằm phát triển kỹ năng nghe từ trên xuống cho sinh viên:
  • Sinh viên tự đặt một số câu hỏi liên quan đến chủ đề nghe, sau đó nghe xem có câu trả lời cho các câu hỏi mình đưa ra hay không.
  • Liệt kê những điều người học biết về chủ đề, sau đó nghe và đối chiếu xem có đúng không.
  • Đọc trước phân vai của một người tham gia trong đoạn hội thoại, dự đoán phân vai của người còn lại, sau đó nghe và đối chiếu.
  • Đọc danh sách liệt kê các điểm chính được đề cập trong bài hội thoại, sau đó lắng nghe xem những điểm chính nào được đề cập đến.
  • Nghe một phần của câu chuyện, dự đoán phần kết thúc, sau đó nghe tiếp và đối chiếu.
  • Đọc tiêu đề tin tức, dự đoán những điều xảy ra, sau đó nghe đầy đủ các chi tiết xảy ra và so sánh với dự đoán của mình.
    1. 3. Kết hợp nghe từ dưới lên và nghe từ trên xuống
Trong các tài liệu giảng dạy hiện nay, một bài nghe điển hình thường gồm ba phần theo thứ tự như sau: trước khi nghe, trong khi nghe, sau khi nghe và cuối cùng là các hoạt động đòi hỏi sinh viên phải kết hợp cả kỹ năng nghe từ dưới lên và nghe từ trên xuống.
Giai đoạn trước khi nghe đòi hỏi sinh viên phải xử lý thông tin từ dưới lên và từ trên xuống thông qua các hoạt động sử dụng kiến thức của mình để tìm hiểu về chủ đề nghe, để dự đoán và cân nhắc để tìm ra các từ khóa.
Giai đoạn trong khi nghe tập trung vào việc nghe hiểu thông qua việc  hoàn thành các bài tập đòi hỏi kỹ năng nghe có lựa chọn, nghe tìm ý chính, sắp xếp theo trình tự câu chuyện,v.v.
Giai đoạn sau khi nghe chủ yếu liên quan đến việc đánh giá và kiểm tra mức độ hiểu bài của sinh viên. Giai đoạn này yêu cầu sinh viên đưa ra quan điểm, ý kiến của mình về chủ đề nghe. Tuy nhiên, nó cũng chú trọng hoạt động nghe từ dưới lên nếu giáo viên và sinh viên muốn tìm hiểu cả văn bản hay từng phần của văn bản một cách chi tiết, tập trung vào phần nào mà sinh viên không theo kịp. Hoạt động này đòi hỏi sinh viên phải phân tích chi tiết từng phần của văn bản, từ đó giúp họ có thể nhận biết các đặc điểm ngôn ngữ như các từ trộn (ví dụ: spork = spoon+ fork), từ rút gọn, hiện tượng tỉnh lược và các đặc điểm diễn ngôn khác mà sinh viên không thể nhận ra.
  1. Các biện pháp nâng cao kỹ năng nghe hiểu cho sinh viên
  2. 1. Trau dồi kỹ năng nghe cho sinh viên
Trau dồi kỹ năng nghe cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với giáo viên. Bởi vì các kỹ năng nghe thành công đòi hỏi phải có quá trình và phải luyện tập rất nhiều mới có được.
Đối với sinh viên mới bắt đầu học tiếng Anh, kỹ năng quan trọng nhất đó là phân biệt được cách phát âm tiếng Anh, ngữ điệu và cách liên kết trong ngôn ngữ ( chẳng hạn cách liên kết giữa các từ và các ý tưởng). Người học cũng cần phải có kỹ năng quan trọng khác, đó là kỹ năng xác định thông tin chính trong khi nghe. Theo Wu Zhengfu (1991) khi sinh viên có được kỹ năng phân biệt cơ bản thì họ có thể lựa chọn và phân tích được ý nghĩa những điều họ nghe thấy và từ đó nắm được nội dung chính của bài nghe. Như vậy, trong giảng dạy, giáo viên nên trau dồi kỹ năng lựa chọn thông tin chính cho sinh viên và hướng dẫn họ tìm ra nội dung khái quát của bài nghe. Chẳng hạn, giáo viên yêu cầu sinh viên nghe để tìm ý nghĩa khái quát của đoạn văn, rồi tổng hợp các ý quan trọng và thông tin chính.
 Ngoài ra, một kỹ năng nữa cũng rất quan trọng đó là kỹ năng phán đoán. Trong giao tiếp hàng ngày, con người liên tục phải phán đoán xem người khác sắp nói gì và hành động phán đoán phải dựa vào kiến thức về bối cảnh giao tiếp. Việc phát triển kỹ năng phán đoán gồm nhiều khía cạnh. Trước khi dạy nghe, giáo viên phải hỏi sinh viên các câu hỏi liên quan đến tài liệu nghe, hoặc giới thiệu những kiến thức cơ bản liên quan để kích thích suy nghĩ của họ, giúp họ nhận biết rõ mục đích và yêu cầu của việc hướng dẫn kỹ năng nghe cho họ. Khả năng đoán nghĩa từ mới là một kỹ năng không thể thiếu trong khi nghe hiểu. Nghe hiểu không có nghĩa là phải hiểu tường tận nghĩa của từng từ mà chỉ cần hiểu nghĩa của một số từ khóa. Việc không biết tất cả các từ mình nghe là chuyện bình thường. Tuy nhiên, người nghe có thể đoán nghĩa của từ mới dựa vào chủ đề nghe và hiểu được một số yếu tố ngôn ngữ khác dựa vào bối cảnh giao tiếp, cấu trúc ngữ pháp và hiểu biết cơ bản về chủ đề nghe.
  1. 2. Kết hợp sử dụng sách giáo khoa và các bối cảnh nghe khác
Các bài học nghe thường yêu cầu sinh viên tập trung vào nội dung và phản hồi ngay những gì họ nghe được. Nếu sinh viên thụ động và thiếu tự tin trong khi luyện nghe, thì họ sẽ cảm thấy lo sợ và không sẵn sàng đưa ra phản hồi. Vì thế, giáo viên nên áp dụng phương pháp giảng dạy không hình phạt với những lời đánh giá tích cực mang tính khích lệ người học. Ngoài ra, giáo viên phải thiết kế các giờ học nghe sao cho sinh động và thú vị bằng cách lựa chọn đa dạng các tài liệu nghe bên ngoài sách giáo khoa với nội dung phong phú để tạo sự thích thú cho sinh viên. Các tài liệu nghe nên gồm nhiều cấp độ từ dễ đến khó tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên, phong phú và sinh động. Ví dụ: giáo viên cho sinh viên luyện nghe hiểu qua các bài hát tiếng Anh, xem phim tiếng Anh không có phụ đề tiếng Việt. Áp dụng phương pháp này có thể làm tăng sự nhiệt tình, nuôi dưỡng niềm yêu thích của sinh viên đối với hoạt động nghe hiểu và từ đó giúp họ đạt được thành công trong học tiếng Anh.
  1. 3. Đưa những kiến thức văn hóa vào giảng dạy
Để có thể hiểu được một ngôn ngữ nào đó, sinh viên cần phải có những hiểu biết đầy đủ về văn hóa của các nước nói ngôn ngữ đó. Nếu như có sự khác biệt quá lớn giữa văn hóa của ngôn ngữ đích với văn hóa riêng của sinh viên thì sinh viên sẽ khó có thể hiểu được người khác muốn nói gì và vì thế sẽ tạo ra tâm lý không thoải mái khi tiếp nhận bài nghe. Điều này sẽ gây ảnh hưởng và hạn chế đến hoạt động của bộ nhớ và khả năng thu nhận ngữ liệu đầu vào (Cheng Huaiyuan, 1999).  Chính vì thế, giáo viên cần ý thức được rằng phá vỡ rào cản về văn hóa giữa văn hóa của người học và văn hóa ngôn ngữ đích là một phần quan trọng trong giảng dạy văn hóa và từ đó hình thành nên một khía cạnh khác không thể thiếu trong toàn bộ quá trình giảng dạy ngôn ngữ. Khía cạnh chuyển giao kiến thức văn hóa là một phần quan trọng giúp nâng cao kiến thức ngôn ngữ và phát triển kỹ năng nghe. Việc phát triển kỹ năng nghe có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành thói quen tư duy và sử dụng lối nói bằng ngôn ngữ đích. Như vậy, việc giảng dạy kiến thức văn hóa của ngôn ngữ đích có ảnh hưởng trực tiếp và cụ thể đến kỹ năng giao tiếp liên văn hóa của sinh viên. Khi sinh viên nắm vững được các kiến thức về văn hóa ngôn ngữ đích, họ sẽ hiểu được cách sử dụng ngôn ngữ này để phản ánh những suy nghĩ, hành vi cũng như phong tục của xã hội sử dụng ngôn ngữ đó. Chính vì vậy, trong giảng dạy kỹ năng nghe, giáo viên cần phát triển ý thức của sinh viên đối với việc giao tiếp liên văn hóa và cũng cần phải động viên, khích lệ họ để họ tự giác và vui vẻ thâm nhập vào nền văn hóa hoàn toàn khác đó.
Giáo viên nên quan tâm nhiều đến việc lựa chọn tài liệu nghe cho sinh viên. Việc lựa chọn các tài liệu có nội dung liên quan đến các kiến thức cơ bản về văn hóa Anh và Mỹ là rất quan trọng. Bởi vì những kiến thức này là trọng tâm cần nắm vững trên lớp trong giai đoạn rèn khả năng tư duy và nhận thức liên văn hóa cho sinh viên.
  1. 4.Kết hợp nghe mở rộng và nghe chuyên sâu; tập trung vào các hoạt động nghe hiểu
Nghe chuyên sâu đòi hỏi người nghe phải nắm được ý nghĩa của từng diễn ngôn, ý nghĩa của từng câu, từng chữ. Nói chung, trong khi nghe chuyên sâu, sinh viên cần phải: 1) nghe văn bản nhiều lần; 2) phân chia văn bản theo từng đoạn hay từng câu để nắm được ý của từng đoạn hay từng câu đó; 3) chép chính tả từng từ. Như vậy, mục đích của nghe chuyên sâu là hiểu được từng câu.
Ngược lại, nghe mở rộng không đòi hỏi người nghe phải hiểu được từng câu, từng từ mà khuyến khích người nghe nắm được ý khái quát của đoạn văn. Mục đích chính của nghe mở rộng là nắm được nội dung của văn bản.
Tóm lại, mục đích của nghe chuyên sâu là xây dựng các kỹ năng nghe cơ bản còn nghe mở rộng là để nâng cao và mở rộng tính hiệu quả cho kỹ năng nghe chuyên sâu, từ đó cải thiện khả năng nghe nói chung cho sinh viên. Do vậy, trong giảng dạy kỹ năng nghe hiểu, giáo viên nên hướng dẫn sinh viên kết hợp cả kỹ năng nghe mở rộng lẫn chuyên sâu cùng với việc rèn các kỹ năng cơ bản khác. Ngoài ra, giáo viên cần quan tâm phát triển thói quen nghe có đánh giá cũng như phát triển khả năng nghe hiểu văn bản cho sinh viên. Do đó, giáo viên phải khuyến khích người học tham gia vào nghe chuyên sâu ở trên lớp để có thể nắm được ý khái quát và quen thuộc với cách phát âm tiếng Anh, ngữ điệu cũng như những thay đổi trong cách liên kết ngôn ngữ. Đối với các hoạt động nghe bên ngoài lớp học, giáo viên khích lệ họ nghe mở rộng, nghe nhiều loại biến thể khác nhau của ngôn ngữ đích và tăng thêm hiểu biết thông qua nghe các chương trình trên truyền hình, đài phát thanh, trên mạng cũng như nhiều hình thức tiếp xúc ngôn ngữ khác mà họ tìm được để có thể luyện nghe. Sinh viên nên luyện nghe về các nội dung liên quan đến các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, khoa học và công nghệ hoặc các bài giảng về ngôn ngữ. Giáo viên phải tạo ta môi trường nghe thu hút được sự quan tâm của người học khiến họ thêm đam mê và nhiệt tình  đối với việc học tiếng Anh.
  1. 5. Kết hợp nghe với rèn các kỹ năng khác
Theo lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ, khả năng phân biệt được mục đích của ngôn ngữ với nội dung của ngôn ngữ là rất quan trọng trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ của người học. Bởi thế, khả năng nghe hiểu đóng vai trò quan trọng trong việc nắm vững và nâng cao các kỹ năng ngôn ngữ khác. Trong giảng dạy nghe hiểu, giáo viên nên kết hợp phát triển kỹ năng nghe cùng với các kỹ năng khác như nói, đọc và viết. Ví dụ: sau khi nghe, sinh viên cần phải kể lại và tham gia thảo luận về những gì họ nghe được để giúp họ tổng hợp hiểu biết của họ. Bằng cách này, họ học được cách kết hợp giữa nghe và nói sao cho phù hợp. Ngoài ra, để kết hợp nghe với viết, giáo viên chia hoạt động nghe thành hai hoạt động: 1) yêu cầu sinh viên viết câu trả lời cho các câu hỏi của giáo viên liên quan đến nội dung vừa nghe; 2) yêu cầu sinh viên viết về ý nghĩa của thông điệp vừa nghe hoặc tóm tắt lại những gì mình vừa nghe.
Tóm lại, thông qua việc tham gia các hoạt động đa dạng trên lớp như  nghe-nói, nghe-đọc, và nghe-viết, sinh viên không chỉ cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ của mình mà họ còn cảm thấy thích thú hơn và thêm động lực để học tập một cách hiệu quả.

Kết luận

Nghe hiểu là một kỹ năng quan trọng giúp sinh viên thành công trong giao tiếp. Kỹ năng này đòi hỏi sinh viên phải kiên trì luyện tập và luyện tập thường xuyên thì mới đạt được hiệu quả. Đối với phần lớn sinh viên không chuyên, kỹ năng này được đánh giá khó nhất trong quá trình học ngoại ngữ. Vì thế, làm thế nào để nâng cao kỹ năng nghe hiểu cho sinh viên, giúp họ nghe hiểu có hiệu quả và dễ dàng hơn là nhiệm vụ thách thức đối với giáo viên. Tác giả hy vọng những kiến thức liên quan đến kỹ năng nghe hiểu và các biện pháp nâng cao kỹ năng nghe được đề cập trong bài viết này sẽ hữu ích đối với giáo viên dạy ngoại ngữ trong việc cải thiện khả năng nghe hiểu cho sinh viên của mình.

--
Tác giả: Th.S Mai Lan Anh (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)

--
0