Thông tin

Số điện thoại

Email

Website

Địa chỉ

Bùi Giáng

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như "Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan", "Lục Vân Tiên", "Chinh phụ ngâm",... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá hoa cồn" (1963). Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới. Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ... Ông được xem như một "ngôi sao" trên vòm trời văn hoá văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là "thiên tài", là "bậc thượng trí", là "đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ... vạn đại" và tôn ông làm "thần tượng". Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi. Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như "Hamlet" của Shakespeare, "Hoàng tử bé" của Saint Exupéry, "Ngộ nhận" của Albert Camus, "Khung cửa hẹp", và "Hoà âm điền dã" của André Gide, "Kim kiếm điêu linh" của Ngoạ Long Sinh... Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như "Tư tưởng hiện đại", "Thi ca tư tưởng", "Lễ hội tháng ba", "Con đường ngã ba", "Con đường phản kháng", "Đi vào cõi thơ"... Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ "Mưa nguồn", "Lá hoa cồn"... đến "Trăng châu thổ", "Sương bình nguyên", "Bài ca quần đảo", "Rong rêu"... Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông... Bùi Giáng qua đời lúc 2h chiều ngày thứ tư, 7-10-1998 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi viếng linh cữu Bùi Giáng, đã viết lưu niệm trong sổ tang như sau: Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giàng Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không Lỗ không trời đất ngỡ ngàng Hoá ra thi thể là ngàn hư vô Nhớ thương vô cùng là từ Là từ vô tận ứ ừ viễn vông (Trịnh Công Sơn - 1998) Các tập thơ đã xuất bản: - Mưa nguồn (1962) - Lá hoa cồn (1963) - Màu hoa trên ngàn (1963) - Ngàn thu rớt hột (1963) - Bài ca quần đảo (1963) - Sa mạc trường ca (1963) - Sa mạc phát tiết (1969) - Mùi Hương Xuân Sắc (1987) - Rong rêu (1995) - Đêm ngắm trăng (1997) - Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994) - Thơ Bùi Giáng (California, 1994) - Mười hai con mắt (2001) - Thơ vô tận vui (2005) - Mùa màng tháng tư (2007) Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như "Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan", "Lục Vân Tiên", "Chinh phụ ngâm",... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá hoa cồn" (1963). Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới. Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươ… Mưa nguồn (1962) Bài ca quần đảo (1963) Lá hoa cồn (1963) Mưa nguồn hoà âm (1973) Rong rêu (1995) Đêm ngắm trăng (1997) Như sương (1998) Di cảo thơ Trang 123 trong tổng số 3 trang (25 bình luận) [ 1 ] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 01: Người viết sách với tốc độ kinh hồn Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:15 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:25 Tác giả: Trần Đình Thu Bùi Giáng là một con người gây kinh ngạc cho bất kỳ ai quan tâm đến ông. Làm thơ, dịch tiểu thuyết của các tác gia danh tiếng trên thế giới, viết sách nghiên cứu triết học đông tây kim cổ với những kiến thức vô cùng uyên bác… nhưng Bùi Giáng đồng thời lại còn chạy nhảy la hét ngoài đường trong bộ dạng của những con người mà ta quen gọi là điên. Cuộc đời Bùi Giáng vì vậy luôn được bao phủ bởi vô số những giai thoại ly kỳ, những thông tin hư hư thực thực. Trước nay, có khá nhiều bài viết về ông nhưng đều rất tản mạn, hầu hết chỉ là những bài lẻ tẻ đăng báo hoặc bài của nhiều người viết trong các tuyển tập hoặc đặc san kỷ niệm Bùi Giáng. Dựa trên những tài liệu có được và những tác phẩm của ông, chúng tôi cố gắng cung cấp cho bạn đọc những thông tin tương đối có hệ thống về diện mạo của con người tài năng thuộc hạng siêu phàm nhưng rất kỳ dị này. Từ năm 1962 trở đi, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Càng về sau càng nhiều hơn. Nói về số lượng, thì ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam trước giải phóng. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị ngàn bài. Tuy nhiên, ông hoàn toàn không phải một học giả cần mẫn, suốt ngày giam mình trong thư viện, miệt mài bên trang sách mà thậm chí còn ngược lại. Nhiều người từng gần gũi ông ngạc nhiên nói rằng họ chỉ thấy Bùi Giáng suốt ngày lang thang rong chơi nhàn nhã, bia rượu uống tràn, thế nhưng khi nhà xuất bản cần, chưa đến một ngày ông đã mang đến cả năm bảy trăm trang sách. Vậy ông viết sách vào lúc nào? Một nhà văn gần gũi với Bùi Giáng trước năm 1975 kể lại chuyện viết sách của ông như sau: "Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ (Giám đốc Nhà xuất bản An Tiêm lúc đó) vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, đã dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản tác phẩm của Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm". Nhà văn này kể tiếp: "Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà thầy Thanh Tuệ, chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi đó trước, tươi cười, ung dung trong cái phong thái của một con người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nhỏ nào của một người viết đang gió táp mưa rơi với ngàn ngàn trang sách". Ai cũng lấy làm ngạc nhiên và cố gắng tìm hiểu nhưng không thể nào hiểu nổi. Chưa bao giờ những người gần gũi Bùi Giáng bắt gặp ông đang ngồi viết sách. Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười: "Tôi cũng lấy làm kỳ. Ảnh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Đêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Nhưng ảnh viết tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Còn nói ảnh đem bản thảo tới thì nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Điều kỳ lạ là thể loại trước tác nào ảnh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết tới phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy". Có người ngạc nhiên quá, tìm cách rủ Bùi Giáng tới quán uống rượu để tìm hiểu. Nhưng chỉ tốn rượu đãi Bùi Giáng chứ chẳng khai thác được chút thông tin nào. Vặn hỏi mãi ông cũng không giải thích điều gì. Bùi Giáng chỉ cười cười, đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu và nói "vui thôi mà" trước sự ngơ ngẩn của người hỏi chuyện. Trước sau ông không hề giải thích bất cứ thắc mắc nào. Nhà văn kể trên nói tiếp: "Chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Ừ, vui, ba chữ "vui thôi mà" là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi sự tìm hiểu". Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78348.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 02: Bài thơ lạ lùng của anh chăn bò Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:17 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:23 Tác giả: Trần Đình Thu Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Sau này trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết: "-Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?/- Và cô có phải cô Bông năm nào?/- Anh còn nhớ rõ, ôi chao/Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/Anh điên mà dzui dzẻ thập thành/Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu". Mặc dù là người gặp may mắn trên đường học vấn nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Bùi Giáng từng viết rằng ông không có ý định học để lấy bằng cấp. Ông Bùi Văn Vịnh, một người em ruột cùng cha cùng mẹ khác của Bùi Giáng cho biết, sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Rồi Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học. Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam. Bỏ học trở về nhà, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tập Mưa nguồn để kỷ niệm cho khoảng thời gian này. Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm chăn bò, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Và ông đã gọi quãng thời gian này là 15 năm chăn dê, như Tô Vũ ngày xưa. Nhớ lại những tháng ngày này, ông viết: "Tôi bỏ học, chẳng biết chi sách vở. Chạy về quê làm thằng chăn bò. Bao nhiêu thơ làm ra, tôi âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu!". Bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ dài đến 60 câu, được nhiều người thích đọc. Bài thơ với những lời thơ hết sức thiết tha, đằm thắm, ông dành cho những nàng thơ đặc biệt của ông là những con bò, đọc lên nghe rất thú vị. Trong bài thơ, ông xưng anh với những con bò mà ông đã biến chúng thành dê cho giống chuyện Tô Vũ ngày xưa và gọi chúng là em: "Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện/Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi". Ông tặng các nàng thơ của ông những chiếc vòng bằng mây mà ông tự đan đủ màu sắc như người ta tặng kỷ vật cho người mình yêu: "Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm/Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu/Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh/Này đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu". Mỗi nàng dê một chiếc vòng, ông tự tay đeo vào cổ các nàng và thủ thỉ: "Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả/Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá/Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên". Tặng xong kỷ vật cho các nàng dê rồi ông mới thề thốt: "Và giờ đây một lời thề đã thốt/Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta/Cao lời ca bê hê em cùng thốt/Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha". Lấy dê, thực chất là bò, làm nàng thơ quả là một chuyện xưa nay chưa có ai làm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn nữa là ông so sánh chuyện đeo vòng mây cho dê với việc trao vòng cầu hôn cho vị hôn thê của mình: "Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ/Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi/Trao người em trăm năm lời ước thệ/Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi". Trong lần xuất bản đầu tiên của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn ghi chú rõ ý khổ thơ này là, ngày xưa khi ông cưới vợ, thì cái giây phút đeo chiếc vòng đính hôn kỳ diệu ấy không làm ông xúc động bằng bây giờ đeo vòng mây cho dê! Thật là một cảm xúc khác người. Sau này chúng ta sẽ thấy, thứ cảm xúc này không phải do ông cố nặn ra cho thành bài thơ lạ mà đó là những gì diễn ra thực tế trong tâm trí ông. Nỗi lòng Tô Vũ là một bài thơ độc đáo bởi đối tượng cảm xúc của tác giả không phải là cảnh đẹp, là người thơ mà là những con dê. Bài thơ không giống ai đó có những đoạn thơ đẹp lạ lùng: "Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ/Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya/Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ/Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"... Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78362.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 03: Chuyện ly kỳ của ông thầy giáo cuồng si nàng Kiều Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:17 Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:24 Tác giả: Trần Đình Thu Hai năm chăn bò có lẽ cũng quá đủ để nhà thi sĩ thả hồn mình rong ruổi theo những dặm đường du mục. Những ấn tượng sâu đậm trong thời kỳ này đã được Bùi Giáng tái hiện trong một số bài thơ mà ông sáng tác sau này. Ngoài bài thơ độc đáo Nỗi lòng Tô Vũ, còn có bài Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Tuy không hay bằng Nỗi lòng Tô Vũ nhưng bài thơ này cũng thể hiện một tình yêu thiên nhiên đắm say và mãnh liệt của Bùi Giáng: “Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa/Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh/Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả/Anh lim dim cho chết lịm hồn mình", "Cây lá bốn bên song song từng lứa/Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn/Hạnh phúc trời với đất mang mang/Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ/Với người ngó ngất ngây đương nằm đó/Không biết trời đất có ngó mình không". Quả thật là một tâm hồn quá khoáng đạt. Tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng bỏ lại sau lưng những đàn bò cùng "hồn hoa dại cỏ" trên những đồi sim trái chín để ra Huế thi lấy bằng tú tài tương đương. Bằng tú tài trước đây do Liên khu V thuộc Chính phủ Kháng chiến cấp, đổi lại để vào Sài Gòn là khu vực đang thuộc vùng địch tạm chiếm ghi danh theo học Đại học Văn khoa. Nhưng một lần nữa ông cũng quyết định bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở Đại học Văn khoa vì thấy không "tâm phục khẩu phục". Theo tác giả Thụy Khuê thì đây là lần cuối cùng ông bận tâm với chuyện học hành. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa. Sau khi kết thúc chuyện học hành, Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Sau đó ông bắt tay vào dịch tác phẩm văn học, giới thiệu tác gia danh tiếng của nước ngoài. Ngoài việc nghiên cứu và viết sách, Bùi Giáng còn đi dạy ở một số trường trung học. Và vì thế mới có những câu chuyện ly kỳ về việc giảng Kiều của Bùi Giáng. Câu chuyện sau đây do một tác giả thuật lại trong một đặc san về Bùi Giáng, không nói rõ là mình chứng kiến hay giai thoại. Chuyện kể rằng, một lần nọ Bùi Giáng giảng Kiều cho các em học sinh, đến đoạn Từ Hải bị chết đứng giữa trận tiền, ông cảm thấy uất ức quá. Ông không chịu nổi việc một người anh hùng như Từ Hải mà phải bỏ thân nơi chiến trường vì bị mắc lừa. Từ bức xúc thái quá dẫn đến kích động thần kinh nên Bùi Giáng la hét dữ dội. Càng căm tức Hồ Tôn Hiến bao nhiêu thì ông càng la hét bấy nhiêu. Rồi ông khóc tức tưởi, đập bàn đá ghế, gục đầu thổn thức trên bàn giáo viên. Hết hét lại khóc, hết khóc lại hét. Học sinh lúc đầu còn ngạc nhiên thích thú nhìn ông thầy mình thể hiện cảm xúc, nhưng sau thấy ông làm quá thì đâm ra sợ hãi. Bởi trước mặt chúng đang là một ông thầy đạo mạo bỗng nhiên trở thành một con người không còn biết gì đến chung quanh, chỉ la hét than khóc như cha chết mẹ chết. Quả thật Bùi Giáng đã biến tiết dạy của mình thành đám ma của Từ Hải, khiến từ học sinh cho đến ban giám hiệu phải một phen hết hồn. Sau sự cố "đám ma Từ Hải" đó, nhà trường đành phải mời thầy nghỉ dạy vì không dám để thầy làm các em học sinh phải thêm một phen hoảng hồn bạt vía nữa. Cung Tích Biền cũng kể một câu chuyện tương tự nhưng kỳ dị hơn nữa. Theo Cung Tích Biền thì đây chỉ là một giai thoại, tuy nhiên căn cứ vào những gì xảy ra với Bùi Giáng trước nay thì chúng ta có thể tin được đó là câu chuyện có thật. Câu chuyện xảy ra vào khoảng đầu thập niên sáu mươi. Bùi Giáng đi dạy môn Việt văn cho một trường trung học ở một vùng tỉnh lỵ nọ. Hiển nhiên dạy Việt văn thì phải đến lúc ông đụng đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Và chuyện gì đến phải đến. Trong một giờ Việt văn, khi giảng đến đoạn nàng Kiều phải bán mình chuộc cha để hồng trần lưu lạc, Bùi Giáng đã bật khóc òa, khóc tức tưởi, khóc nức nở ngay giữa lớp học. Có lẽ nước mắt cũng không làm ông nguôi bớt nỗi cảm thương người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Vì thế ông vừa khóc vừa nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, chạy bộ ra bến xe rồi đón xe đò về Sài Gòn tức thì. Học trò nam nữ trong lớp thì cứ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi rửa mặt cho sạch nước mắt để dạy tiếp hoặc đi đâu đó một lát rồi sẽ trở lại, bởi vì trên bàn thầy vẫn còn sách vở, bao thuốc lá. Nhưng hết tiết học cũng không thấy thầy trở lại. Ngày hôm sau cũng không thấy thầy trở lại. Cả tuần sau thầy cũng không quay lại. Bởi vì thầy đã quyết định bỏ lớp bỏ trường, bỏ luôn cả vùng đất tỉnh lỵ ấy đến nhiều năm sau. Hỏi thầy nguyên nhân vì sao thì thầy ngậm ngùi nói "mần răng mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn" ấy. Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78367.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ 1 5.00 Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 04: Cuộc đấu tranh bảo vệ nàng Kiều và tình yêu loài vật Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:18 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:25 Tác giả: Trần Đình Thu Đến Sài Gòn được ít lâu, Bùi Giáng bắt tay vào việc viết sách. Nhưng những cuốn sách đầu tiên Bùi Giáng viết ra, vì chưa có "thương hiệu" nên dĩ nhiên chưa có nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in, do vậy ông phải tự lo. Nhưng với một người vừa chân ướt chân ráo đi lập nghiệp như ông, làm sao có tiền để in sách. Vì vậy, ông phải xoay xở bằng nhiều cách. Một số người cho rằng Bùi Giáng đã nhờ người bà con đang làm ăn phát đạt lúc đó là bác sĩ Bùi Kiến Tín cho mượn tiền để in sách. Nhưng những người thân cận với Bùi Giáng cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa hưởng ở Quảng Nam để lấy tiền in sách. Theo chúng tôi, chi tiết này là chính xác, vì nó đúng với bản chất con người Bùi Giáng. Khởi đầu, Bùi Giáng tập trung vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Đây là tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông trong thời kỳ còn học trung học. Năm Bùi Giáng mười sáu tuổi, đọc những cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa, ông đã cảm thấy bức xúc vì những lời Nguyễn Bách Khoa đả phá Truyện Kiều quá nặng nề. Lúc đó, không khí tranh luận về Truyện Kiều khá sôi nổi. Bùi Giáng đã hăng hái bước vào cuộc. Cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần do Tân Việt xuất bản vào năm 1957 có những bài viết rất hay về Truyện Kiều. Cùng với một vài tác giả khác, ông chống lại những quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm phản đạo đức, không mang tính nhân bản. Ông bênh vực quyết liệt cho nàng Kiều. Lúc này, tác giả Nguyễn Sĩ Tế vừa tái bản tập sách Luận đề về Nguyễn Du, trong đó phê phán nhân vật Kiều nhu nhược, lẩn thẩn, ham mê vật chất... Bùi Giáng bèn "ra tay nghĩa hiệp" bênh vực giai nhân. Ông đối thoại thẳng thắn với Nguyễn Sĩ Tế, cho rằng Nguyễn Sĩ Tế hẹp hòi trong cách nghĩ: "Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi. Mười năm trước ông Nguyễn Bách Khoa từng lớn tiếng: hoàn cảnh xã hội chi phối con người. Nhưng khi đem cái nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người nào"..., rằng: "Ông tàn nhẫn quá. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận mà thôi - những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo quá". Với một giọng văn lúc thiết tha trầm lắng, lúc sôi nổi mạnh mẽ, Bùi Giáng góp phần làm cho người đọc cảm thương nàng Kiều hơn. Những cuốn sách đầu tiên của Bùi Giáng có lẽ bán chạy nên các nhà xuất bản bắt đầu chú ý đến ông. Những cuốn sau, Bùi Giáng không cần phải bỏ tiền ra in nữa mà ông giao bản thảo cho các nhà xuất bản in để lấy tiền. Từ lúc đó trở đi, Bùi Giáng kiếm được kha khá nhờ những khoản nhuận bút. Vừa dạy học vừa viết sách, nếu khéo thu xếp như Nguyễn Hiến Lê, hẳn ông đã tạo dựng được cơ ngơi. Thế nhưng Bùi Giáng hầu như không giữ lại cho riêng mình được cái gì. Một phần lớn khoản tiền nhuận bút ông đem tiêu pha rất lung tung, trong đó dành khá nhiều cho việc mua chó và khỉ về nuôi. Những người thần tượng hóa Bùi Giáng tỏ ra rất đắc ý với những việc làm khác người đó của ông. Vào những năm về sau, khoảng gần cuối thập niên sáu mươi, ông in được nhiều sách, tiền nhuận bút cũng nhiều, ông càng tiêu tiền một cách kỳ cục hơn. Nhiều người kể có lúc thấy đàn chó của ông lên đến mấy chục con. Phạm Mạnh Hiên cho biết: "Hồi đó, sách của Bùi Giáng thường in ở nhà xuất bản An Tiêm, mỗi lần thầy Thanh Tuệ đưa tiền nhuận bút, tôi phải đi với anh Bùi Giáng. Lại lên đường ngao du nhờ cái bộ vó thư sinh hiền lành của tôi mà nhiều lần mấy cái khách sạn ở Chợ Lớn đã để cho chúng tôi cùng vào trú ngụ, bởi bên cạnh tôi có cái ông trung niên kỳ dị, ăn mặc cổ quái chẳng giống ai, lại dẫn theo cả đàn chó hay vài ba chú khỉ nhỏ"... "Ngày đó hễ có tiền là anh Giáng ra ngay khu chợ Bến Chương Dương mua cả bầy chó, cả bầy khỉ". Cái thú đi giang hồ đã làm cho Bùi Giáng “nướng” hết những khoản nhuận bút vừa nhận. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè. Một người quen khác của Bùi Giáng kể: "Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm bà Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi". Khoảng năm 1974, một người em ruột của Bùi Giáng mua được ngôi nhà ở Thị Nghè và mời ông về ở. Ông đến, dắt theo cả đàn vừa chó vừa khỉ khiến hàng xóm hết sức kinh ngạc. Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78373.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ 1 1.00 Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 05: Văn chương Bùi Giáng trong những cuốn sách đầu tiên Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:21 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:27 Tác giả: Trần Đình Thu Nhiều độc giả từng biết đến một thứ văn dị thường của Bùi Giáng. Dị thường nhưng hồn nhiên trong trẻo, có lẽ đó là đặc điểm trong văn chương ông. Nhưng đã có thời văn chương ông chỉ hồn nhiên trong trẻo thôi, không có chút dị thường nào. Hãy đọc một số tác phẩm đầu tiên của Bùi Giáng thì biết, trước hết là những cuốn ông viết ra trong thời kỳ mới đến Sài Gòn. Chúng được đặt tựa một cách khiêm nhường, chẳng hạn Một vài nhận xét về..., xuất bản trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1959. Những cuốn sách này được viết ra nhằm phục vụ cho học sinh trung học. Trong sách có kèm theo những đề bài tập làm văn cho học sinh luyện tập, nội dung liên quan đến các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Trên thực tế, đây là những cuốn sách thuộc thể loại giới thiệu tác giả tác phẩm, người lớn cũng có thể đọc và tìm thấy nhiều điều thú vị. Ở đây không có những ngôn ngữ kỳ dị mà ta thường gặp đầy rẫy trong những tác phẩm sau này của ông. Hãy đọc một đoạn văn Bùi Giáng mở đầu phần bài viết về Lục Vân Tiên: "Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài. Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn"... "Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc". Đọc những đoạn văn đó ta có thể mường tượng ra ông là một người lịch thiệp, tóc tai, áo quần tươm tất, quá khác biệt với những gì mà ta thường hiểu về một thứ ngôn ngữ Bùi Giáng cà riềng cà tỏi được viết ra bởi một tác giả râu ria xồm xoàm, áo quần kỳ dị. Văn chương của ông lúc bấy giờ đẹp lung linh, không hề có những ngôn từ "lai rai theo điệu du côn" như ông tự nhận sau này. Chưa hết, hãy đọc tiếp một đoạn văn trong cuốn sách viết về Chinh phụ ngâm: "Rồi những buổi sáng, những buổi chiều, có sương, có khói, có cánh nhạn ở cuối ngàn, có mây hồng vây ải lạnh, người sẽ trở gót ra lại bên đầu cầu, nhìn lại làn nước trong như lọc, kể lể những gì với nước suối, tỉ tê những gì Ngàn dâu xanh ngày kia che khuất bóng chàng, ngày nào sẽ trả lại cho ta bóng chàng về giữa những hàng cờ bay phấp phới?". Không chỉ bóng bẩy và hoa mỹ, ngòi bút Bùi Giáng lúc này còn thể hiện sự sắc sảo, tinh tế lạ thường khi phân tích tác phẩm. Hãy đọc thêm một đoạn này nữa trong cuốn sách viết về Truyện Kiều: "Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu"... "Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ". Tuy nhiên, những áng văn tài hoa ngời sáng đó đã lùi dần để nhường chỗ cho một loại văn chương khác hẳn - một thứ văn chương vừa tài hoa vừa kỳ dị, tài hoa hơn và ngày càng kỳ dị hơn. Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78377.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 06: Nỗi ám ảnh Nguyễn Du và Heidegger Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:23 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:26 Tác giả: Trần Đình Thu Tiếp theo những cuốn sách giới thiệu các tác giả cổ điển Việt Nam, Bùi Giáng chuyển qua viết khá nhiều cuốn sách về con người, tác phẩm và tư tưởng của các nhà văn, nhà triết học phương Tây. Đầu tiên là cuốn Tư tưởng hiện đại in năm 1960, đề cập đến Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, André Malraux. Cuốn sách này thể hiện một kiến thức uyên bác của tác giả, tuy Truyện Kiều thứ thiệt, thơ giả Kiều do tác giả sáng tác, thơ Tản Đà, thơ của nhiều nhà thơ khác được đưa vào đây không ít. Năm 1963, bộ sách 2 tập dày ngót ngàn trang Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại ra đời. Đây là một cuốn sách vừa uyên thâm vừa kỳ lạ. Hãy đọc một đoạn văn ở phần Lời tựa: "Đã là con người quay chong chóng trên quả địa cầu tròn, có một ai không cảm thấy mình là lá cỏ lá rêu mù sương lá lách, lau cồn lìa kim dứt cải…Vậy phải biết nhắm hai con mắt lại để làm một cái giây leo như Tố-Như leo khắp mình mẩy Hoa Thi Đường Thi không chừa một chỗ". Người đọc có cảm giác như ông nhảy phóc vào trong tư tưởng của triết gia này và… quậy. Xin hãy đọc đoạn văn sau đây nằm trong chương Martin Heidegger và vấn đề hữu thể: "Người yêu ta xấu với người / Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau / Nỗi niềm tưởng tới mà đau / Hàng rào giun dế gặm sâu cẳng gà / Con ơi học lấy nghề cha / Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Bằng ba năm hay bằng hai? Bằng hai hay bằng bốn? Một đêm mà bằng bốn năm kia ư? / Nhiều quá? – Mấy thì vừa? – Hai năm? Ít quá? – Vừa bằng là ấy ấy ấy chính lààà BAAA. Và ta xin trở lại với nguyên ý của nguyên tình nguyên mộng lụy CA DAO LÀ MUÔN NĂM NGÀN ĐỜI VẠN ĐẠI NƯỚC VIỆT LÀ SƯƠNG TUYẾT KIỀU ĐẠM IN PHA: Con ơi! Nhớ lấy lời cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Vâng. Con nhớ lời cha. Tại sao nhớ? – Vì con có nghe. – Tại sao nghe? – Vì con có thấy. – Thấy gì? – Thấy rõ ràng lù lù trước mặt là… - Là gì? Là: Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Ai ăn trộm? – Sartre ăn trộm áo quần của Heidegger – Áo quần đẹp mới hay không? Đẹp mới vô ngần. Nhưng… Nhưng sao? Nhưng than ôi! Tại sao lại xảy ra cái chuyện này là cái nỗi nông kỳ bí… - Kỳ bí như thế nào? Cái nỗi nông nông nỗi gì? – Thưa rằng áo quần của Heidegger vốn của Heidegger thì vốn của Heidegger mặc áo Heidegger coi ra rỡ ràng thật đẹp là Heidegger rỡ ràng quắc thước là hùng dũng Heidegger rạng vẻ cân đai Heidegger râu hùm mày ngài Heidegger hàm én đồ sộ cả cười hàm én Heidegger có nhìn đêm tế ngộ trông mặt là Heidegger trông mặt cả cười với Kiều và Thúy và Tố và Như và Nguyễn Du là ấy chính Heidegger đúng điệu thiên tài vùng vẫy trong bấy nhiêu niên đáng lẽ từ thiên thu làm nên kinh thiên động địa nếu gặp người từ lâu tri kỷ là đúng điệu tri kỷ của Heidegger…". Đoạn văn kiểu như vậy dài ngót cả mấy chục trang sách. Đọc nó người ta thấy như bước vào một mê hồn trận. Trong hai tập sách dày hơn một ngàn trang này có rất nhiều đoạn văn như thế. Không ai có thể biên tập được những cuốn sách này. Bùi Giáng cũng biết điều đó nên trong phần mở đầu một chương của cuốn Tư tưởng hiện đại, Bùi Giáng viết: "Bài này trước kia chúng tôi đăng ở tạp chí MAI, ký tên chung với ông Hoàng Minh Tuynh. Ông Tuynh đã có nhã ý muốn bày tỏ niềm thông cảm đối với tôi là một kẻ xưa nay vốn chịu nhiều những hững hờ của độc giả. Bùi Giáng, đó là một danh từ có âm hưởng lăng nhăng, không gây được tin tưởng. Ông Tuynh đã chịu khó bỏ giúp tôi những đoạn nào tôi viết quá trớn theo điệu du côn của Sartre và loại hẳn những tiếng bê bối lai rai là những tiếng tôi quen dùng". Bùi Giáng đã cám ơn người biên tập cho ông trong phần mở đầu đó. Có lẽ đây là người duy nhất biên tập văn Bùi Giáng, và nhờ đó cuốn sách này trở nên gọn gàng, ta có thể hiểu được một số nội dung mà Bùi Giáng đưa ra. Nhưng bởi vì ông Tuynh là đồng tác giả. Còn nếu biên tập viên thì không thể làm được như ông Tuynh. Có một số người Bùi Giáng nhắc lại mãi trong những trang viết của mình như là một nỗi ám ảnh. Hình bóng họ đã ăn sâu vào tiềm thức ông do những ấn tượng mạnh mẽ lúc ban đầu. Khi bệnh tình bộc phát, những hình bóng đó sẽ xuất hiện trở lại trong văn thơ ông theo những cách khác nhau. Trên lĩnh vực tri thức, đại thi hào Nguyễn Du và triết gia người Đức Martin Heidegger được ông lặp lại nhiều nhất. Khi bước vào con đường nghiên cứu, Bùi Giáng quan tâm đến Nguyễn Du đầu tiên cùng với một số tác giả cổ điển khác. Chúng ta nhớ lại, cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần được ông viết vào năm 1957 thật sáng trong mạch lạc. Kể từ đó, thiên tài Nguyễn Du bắt dầu "nhập hồn" Bùi Giáng. Ước tính có đến cả ngàn lần Bùi Giáng nhắc tên Nguyễn Du. Trong thơ, trong văn, trong giới thiệu tư tưởng và triết học, thậm chí cả trong những bản dịch tiểu thuyết nước ngoài… đâu đâu ta cũng bắt gặp hình bóng Nguyễn Du. Bùi Giáng còn sáng tác nhiều bài thơ về Nguyễn Du. Một số bài thơ khác không liên quan, thì ông lại đề tặng Nguyễn Du. Tuy nhiên, không phải như thế là Bùi Giáng sẽ dành những câu chữ hay ho nhất để viết về "cố nhân" của mình. Ngược lại, phần lớn những bài thơ viết về Nguyễn Du đều rất cà rỡn. Ta hãy đọc vài đoạn thơ Bùi Giáng viết về Nguyễn Du. Đây là một đoạn trong bài Nhớ ông: "Nhớ hoài ông Nguyễn ông Du / Ông Như ông Tố Điếu Đồ biển Nam / Hồng Sơn Liệp Hộ hội đàm / Hồng Sơn sơn nguyệt minh quang một mình". Hoặc một đoạn khác trong bài Tố Như nhớ quê: "Tôi nay lão nhược hơn ông / Tôi ngoài bảy chục thong dong một mười / Ông chưa tới tuổi sáu mươi / Lìa đời lúc mới tuổi ngoài năm lăm". Đó là trong thơ. Vì thơ thì không phải lúc nào cũng đưa được một người nào đó vào mãi nên sự xuất hiện của Nguyễn Du cũng có giới hạn. Nhưng trong văn xuôi thì Bùi Giáng liên tục đưa Nguyễn Du vào. Đi sâu vào các trang sách của Bùi Giáng, ta thấy Nguyễn Du xuất hiện dày đặc. Khen thơ Hồ Dzếnh, Bùi Giáng viết: "Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì". Viết về một câu chuyện không đâu vào đâu, Bùi Giáng cũng lại nói về Nguyễn Du: "Lại cũng như ông Nguyễn Du ham có hơn ba trăm năm sau có kẻ khóc mình. Có một mẫu thân Phùng Khánh cho con bú trong hiện tại đã đủ rồi, hà tất phải dỗ con nín khóc ba trăm năm sau". Viết về Albert Camus, Bùi Giáng cũng không quên Nguyễn Du: "Rồi những điều Nguyễn Du nói với ma, thì quỷ lại tưởng là nói với quỷ. Những điều Nguyễn Du nói với quỷ, thì thần thánh lại tưởng là nói với thánh thần. Những ngộ giải chạy tràn lan. Quỷ không hài lòng về Nguyễn Du, thần thánh bực bội vì Nguyễn Du". Trong những cuốn sách như Mùa thu trong thi ca, Thi ca tư tưởng, Đường đi trong rừng… cứ một đôi trang là ta bắt gặp hình ảnh Nguyễn Du hiện lên qua cái lăng kính hài hước của Bùi Giáng: "Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị tẩu hỏa nhập ma, vùng vẫy rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach. Ông điềm nhiên làm Nam Hải Điếu Đồ. Kẻ câu ấy câu cái gì tại Nam Hải?"… "Và đó cũng là duyên do kỳ dị thiên biến vạn hóa đã khiến Nguyễn Du mở một trận Ẩn Tàng kỳ bí cổ kim bằng cách: cả hư không đặt để nên lời, cả nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung của song trùng tịch hạp thượng thừa huyền môn tâm pháp – Nguyễn Du đều đem gán vào môi miệng Bạc Bà Tú Bà"… Bùi Giáng còn có cái thú làm thơ giả Kiều để ký tên chung Bùi Giáng – Nguyễn Du hoặc Bùi Giáng – Tố Như. Đó là những đoạn lục bát chen vào giữa những đoạn văn xuôi, có tí chút "chất Kiều". Trong cuốn Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại có nhiều đoạn giả Kiều rất dài. Những câu giả Kiều ấy có khi sai cả vần sáu tám. Cùng với Nguyễn Du là Heidegger. Ông này cũng xuất hiện rất nhiều trong các trang viết của Bùi Giáng, không kém gì Nguyễn Du. Không rõ triết gia người Đức này "nhập hồn" Bùi Giáng lúc nào mà đến năm 1963, khi Bùi Giáng viết bộ sách hai tập Martin Hedegger và tư tưởng hiện đại thì đã thấy ông bị "tẩu hỏa nhập ma" bởi triết gia này rồi. Bùi Giáng đã viết đến năm sáu cuốn sách liên quan đến Heidegger. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn, ông lại đưa triết gia này vào trong rất nhiều cuốn sách khác. Tuy nhiên khác với Nguyễn Du, Bùi Giáng ít dám "sờ cằm vuốt râu" Heidegger, dù đôi lúc cũng cà rỡn kiểu như: "Ông Cụ Già Nua Nước Đức Heidegger", "Heidegger Đức Quốc Nua Già". Người ta có cảm giác Heidegger được ông kính nể như một người thầy còn Nguyễn Du thì ông mến yêu như một người ông vậy… Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78382.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 07: Vị trí hai người đẹp Kim Cương và Marilyn Monroe trong lòng Bùi Giáng Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:23 Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 07:43 Tác giả: Trần Đình Thu Bùi Giáng yêu cũng thật lạ lùng. Trong lòng ông có rất nhiều người đẹp, nữ nghệ sĩ Kim Cương và diễn viên điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe chiếm một vị trí đặc biệt. Đối với hai người này, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà không hề e ngại điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái đẹp nhân gian. Hiện có rất nhiều giai thoại về chuyện Bùi Giáng mê Kim Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả bao nhiêu phần trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp Marilyn Monroe, một người ở tận bên kia đại dương mà vẫn nhập vào hồn ông được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở ngay tại Việt Nam. Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số độc giả nữ cảm thấy "kỳ kỳ" nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự ám ảnh kinh khủng của người đẹp Kim Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết, nguyên văn như sau: "Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt/Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)/Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận/(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)". Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi. Nhưng không chỉ có vậy. Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị ám ảnh dữ dội hơn nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại "lời đề nghị" ở trên: "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt một lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể trùng sinh trên đống xương tơi tả của mình..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối hậu. Không cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một tiếng nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng khác..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn là ngôn ngữ tuyệt trù bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn năm sau riêng hình ảnh cô Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc tối sơ đi về hủy thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong rồi, thì từ nấm mồ của trần thổ hủy thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai nơi núi đá...". Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi. Nhưng sau đó, cách khoảng mấy trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ lời đề nghị trên nữa: "Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu". Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của từng câu chữ. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử của vô thức đối với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác giới tính của thi sĩ trong trạng thái tâm thần không bình thường. Theo sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng mê cuồng. Ông đã sáng tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn để xem Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào: "Trời xanh úp mặt nghe tin/Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi/Từ đây ta bỏ ngai trời/Thu thời gian đập tơi bời càn khôn/Giữa hư vô nếu em còn/Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta/Úp môi ôm mặt khóc òa/Cồn lê lên miệng là ba bốn lần". Đó là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong phần Mưa nguồn hòa âm, ông lại viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục câu bắt đầu từ chữ luống, một loạt câu khác bắt đầu từ chữ một. Bài thơ này có một số câu chữ đi vượt quá giới hạn "đố tục giảng thanh", không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó cho thấy rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm hứng của ông. Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng làm thơ về những người đẹp. Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông "phân loại đánh giá người đẹp" trong bài Quốc sắc Việt Nam sau đây: "Nam Phương Hoàng hậu đẹp một cách thong dong/Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái/Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở/Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời". Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu cũng đủ cho thấy "vị giám khảo cuộc thi Người đẹp Việt Nam" này có con mắt tinh đời lắm. Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78392.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 08: Những người phụ nữ đẹp thoát trần Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:24 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:26 Tác giả: Trần Đình Thu Không chỉ có Kim Cương và Marilyn Monroe, Bùi Giáng còn say đắm nhiều phụ nữ khác. Mỗi người một vẻ, họ hiện ra trong nhiều màu sắc kỳ bí khác nhau. Đó không phải là những nàng thơ theo nghĩa thông thường mà là hiện thân của cái đẹp. Một cách vô thức, Bùi Giáng phân biệt họ theo những tiêu chí khác nhau. Những người đầu tiên có thể kể đến là Hoàng hậu Nam Phương và ni cô Trí Hải. Khác với nghệ sĩ Kim Cương và cô đào rực lửa người Mỹ Monroe Marilyn là hiện thân của cái đẹp nhân gian trần tục, hai người này thuộc về thế giới của cái đẹp thoát trần. Một ngày nọ, Bùi Giáng nhận được một phong bì gửi đến, trên có dán con tem in hình Nam Phương Hoàng hậu. Sự kiện nhỏ nhoi ấy lập tức gây xúc động lớn với ông. Từ lúc đó, Hoàng hậu Nam Phương trở thành một hình bóng ám ảnh ông. Bà bắt đầu xuất hiện trong các trang viết của thi sĩ. Trong cuốn Mùa thu trong thi ca Bùi Giáng viết: "Suốt bao năm dài tại hạ làm thơ, chung quy chỉ vì cái màu xuân xanh bất tuyệt ban sơ của Dương Hoàng Hậu. Màu xuân ấy đã một lần tái sinh cách đây ba mươi năm trong hình hài máu me Nam Phương Hoàng hậu. Tại hạ yêu Dương Quý Phi bao nhiêu thì cũng yêu Nam Phương Hoàng Hậu bấy nhiêu". Mặc dù Bùi Giáng luôn tôn kính Nam Phương, nhưng ông cũng hài hước, cà rỡn, lan man trên hình ảnh của bà cũng bởi tính của ông như vậy. Tuy nhiên, Bùi Giáng cố gắng giữ "chuẩn mực", không bao giờ đi quá đà. Một đôi khi ngẫu hứng quá thì ông cũng chỉ viết như thế này: "Chiêm bao anh thấy Hoàng hậu Nam Phương dắt tay Marilyn Kim Cương nương tử tới gõ cửa xin vào thăm viếng anh thì anh bảo rằng anh đang bận viết lá thư cho em nên không thể nào đón tiếp Hoàng hậu được thì cảm phiền Hoàng hậu hãy lui gót chờ qua ngày mai anh sẽ ân cần chiếu cố". Bùi Giáng cũng có sáng tác một đôi bài thơ về Nam Phương. Trong bài Chiêm bao Nam Phương Hoàng hậu, dù là một bài thơ thuộc vào thể "điên loạn", nhưng ông vẫn đủ "tỉnh táo" để ngòi bút không chệch qua chỗ thiếu đứng đắn: "Kê bô tí xí đêm đà/Ki ba ri xí i à xán da/Xã dan xoàng xĩnh giang hà/Ồ mô pha cố cồ ri xa ì/Tử tì mỉm tí tì ti/Miệng vàng hợp nhất nhu mì nhị biên/Ra sông ngồi ngó diện tiền/Ngần sương sái diện uy quyền nữ vương". Bên cạnh Hoàng hậu Nam Phương, ni cô Trí Hải xuất hiện trong các trang sách Bùi Giáng một cách khá dày. Bà là một người có trình độ uyên thâm, tác giả của một số đầu sách. Có lúc Bùi Giáng gọi bà là Trí Hải ni cô, có lúc gọi là mẫu thân Phùng Khánh. Bùi Giáng làm rất nhiều bài thơ về bà. Có thể kể tên một số bài như Mẹ Phùng Khánh, Kính tặng Phùng mẫu thân, Mẹ Phùng Thăng Khánh, Phùng Khánh Mẫu Thân... Rất nhiều người thắc mắc vì sao Bùi Giáng gọi người này là mẹ, là mẫu thân. Bùi Giáng cũng từng "giải thích" chuyện đó trong Thi ca tư tưởng như sau: "Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư ? Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?". Có lẽ Bùi Giáng đã tìm thấy nơi người nữ tu này điều gì đó gần gũi với hình bóng người mẹ xa xưa của ông, hoặc là tấm lòng nhân ái của bà làm ông cảm động, hoặc là trí tuệ mẫn tiệp của bà khiến ông nể phục... Vì một trong những lý do nào đó mà ta không thể đoan chắc được, thi sĩ bật ra tiếng gọi mẹ trong vô thức một cách da diết. Những bài thơ của ông vì thế đọc lên thấy vừa tức cười vừa tội nghiệp: "Mẹ còn nhớ nữa con chăng/Mẫu thân Phùng Khánh con hằng chẳng quên/Tuy đôi phen chết nếp nền/Cung vang lừng bậc điệu đền bù xoang/Mẹ về ngõ vắng vườn hoang/Thừa thiên sông lạnh kéo sang khu rừng"..."Mẹ nhìn con nữa còn chăng/Mẹ đi đứng gót mẹ hằng hằng qua/Lúc vui buồn mẹ nhớ nhà/Quận châu xứ sở con đà lãng quên/Phùng thăng mẹ chớ xui nên/Từng cơn điên dại khôn đền cho con"... "Nghe tin con chết giữa đường/Mẫu thân Phùng Khánh càng thương con nhiều/Con bèn tái điệp giấn liều/Chết thêm một trận hoang liêu song trùng/Mẹ càng bất tuyệt nhớ nhung/Ngày đêm mẹ khóc vô cùng vì con"... "Con thương Phùng Khánh vô ngần/Phùng thăng thân mẫu cũng gần như nhiên/Nguyệt rừng lộng lẫy man nhiên/Trăng ngàn thơ dại ngậm nghiêng nghiêng vành"... Những câu thơ này, dù không được bình thường, nhưng nó lại gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm man mác. Phải chăng trong tiếng gọi mẹ thiêng liêng ấy là một sự cô độc tận sâu thẳm hồn người ? Nhưng Bùi Giáng là như vậy. Trong suy tư, trong cảm xúc, trong cuộc đời... ông lúc nào cũng hồn nhiên như con trẻ. Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78401.tno Lộ tòng kim dạ bạch, Nguyệt thị cố hương minh. ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Chưa có đánh giá nào Chia sẻ trên Facebook Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 09: Một năng lực phi thường của kẻ suốt ngày rong chơi Đăng bởi Vanachi vào 12/02/2006 05:25 Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 12/02/2006 06:27 Tác giả: Trần Đình Thu Con người rong chơi suốt ngày này đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đáng kinh ngạc. Tổng số sách Bùi Giáng viết hoặc dịch đã được in lên tới trên dưới 70 cuốn. Làm sao ông có thể tạo ra một khối lượng tác phẩm đồ sộ như vậy trong khi không ai thấy ông làm việc cả? Do Bùi Giáng viết với tốc độ quá nhanh chăng? Quả là như vậy thật. Câu chuyện do một nhà văn gần gũi với Bùi Giáng trước năm 1975 kể sau đây quả là kỳ lạ. Nhà văn này cho biết, khi một tạp chí văn học thực hiện số chuyên đề về Bùi Giáng vào năm 1973, ông được phân công giới thiệu những bài thơ mới nhất mà Bùi Giáng sáng tác. Những bài vở khác của số tạp chí đó đã được những người khác thực hiện xong, chỉ còn chờ đợi những bài thơ của Bùi Giáng thôi. Nhưng Bùi Giáng sống rày đây mai đó, không có một địa chỉ nào cố định, biết ông ở nơi đâu mà tìm. Thật là nan giải. Đang loay hoay chưa biết kiếm tìm ở đâu thì thi sĩ bất ngờ ghé vào tòa soạn. Trước mắt mọi người là một bộ da bọc xương trong quần áo rộng thùng thình, một mái tóc dài đạo sĩ rối như tổ quạ, một cái túi vải cộng với một cây gậy. Nhà văn mỉm cười kéo Bùi Giáng ra trước tòa soạn chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm rồi mới hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Bùi Giáng gật đầu đồng ý liền. Tưởng rằng Bùi Giáng sẽ lấy những bài thơ đã chép sẵn ở túi vải ra hoặc nếu không có sẵn thì ông nói để chờ ông về nhà lấy đem tới liền hoặc là ông sẽ khất hôm sau đem thơ đến. Nhưng tất cả mọi dự đoán đều không đúng. Bùi Giáng chỉ hỏi mượn tòa soạn một cây bút, xin một xấp giấy và một... chai bia. Xong rồi ông bắt đầu ngồi xuống bàn. Và ông viết. Không phải là ông ngồi nhớ để chép lại những bài thơ làm từ hôm qua hôm kia hoặc tuần trước, mà là ông ngồi để sáng tác thơ ngay tại chỗ. Bấy giờ mọi người mới kinh ngạc nhìn nét bút, trong tay ông "thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả", và những câu thơ lần lượt hiện ra trên giấy mà theo lời nhà văn trên là "như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón tay thôi". Chai bia còn sủi bọt thì Bùi Giáng còn ngồi viết không ngừng. Thơ cũng tuôn ra không ngừng trên những trang giấy. Nét chữ cũng nắn nót chỉn chu chứ không phải gạch đi xóa lại. Sau khi chứng kiến "gã phù thủy" Bùi Giáng sáng tác thơ ngay tại chỗ, nhiều người trong tòa soạn bấy giờ mới hiểu được một phần bí ẩn của con người ông. Một người khác chứng kiến chuyện này tâm sự: "Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Đúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ". Sau khi sáng tác đủ đơn đặt hàng của tòa soạn, Bùi Giáng uống cạn chai bia, cười và lặp lại ba tiếng cửa miệng "vui thôi mà", rồi đứng lên đi thẳng. Bùi Giáng ra khỏi tòa soạn mà mọi người vẫn còn ngồi ngẩn ra đó, ai nấy đều chưa hết bàng hoàng kinh ngạc. Quá trình tư duy và lao động sáng tạo trong con người Bùi Giáng như thế nào? Ông đã hình thành những tứ thơ ra sao? Vì sao ông có thể tuôn ra được những câu thơ mà không cần suy nghĩ? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều người tò mò muốn biết nhưng có lẽ không ai tìm hiểu được. Ông Huỳnh Ngọc Chiến, một người quen biết với Bùi Giáng kể, một lần nọ có mấy người bạn Quảng Nam cùng ngồi uống cà phê với Bùi Giáng, một người rất ái m

Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như "Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan", "Lục Vân Tiên", "Chinh phụ ngâm",... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá hoa cồn" (1963). Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.

Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...

Ông được xem như một "ngôi sao" trên vòm trời văn hoá văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là "thiên tài", là "bậc thượng trí", là "đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ... vạn đại" và tôn ông làm "thần tượng". Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi. Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như "Hamlet" của Shakespeare, "Hoàng tử bé" của Saint Exupéry, "Ngộ nhận" của Albert Camus, "Khung cửa hẹp", và "Hoà âm điền dã" của André Gide, "Kim kiếm điêu linh" của Ngoạ Long Sinh...

Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như "Tư tưởng hiện đại", "Thi ca tư tưởng", "Lễ hội tháng ba", "Con đường ngã ba", "Con đường phản kháng", "Đi vào cõi thơ"... Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ "Mưa nguồn", "Lá hoa cồn"... đến "Trăng châu thổ", "Sương bình nguyên", "Bài ca quần đảo", "Rong rêu"... Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông...

Bùi Giáng qua đời lúc 2h chiều ngày thứ tư, 7-10-1998 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi viếng linh cữu Bùi Giáng, đã viết lưu niệm trong sổ tang như sau:
Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể là ngàn hư vô

Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viễn vông

(Trịnh Công Sơn - 1998)
Các tập thơ đã xuất bản:
- Mưa nguồn (1962)
- Lá hoa cồn (1963)
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Ngàn thu rớt hột (1963)
- Bài ca quần đảo (1963)
- Sa mạc trường ca (1963)
- Sa mạc phát tiết (1969)
- Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
- Rong rêu (1995)
- Đêm ngắm trăng (1997)
- Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
- Thơ Bùi Giáng (California, 1994)
- Mười hai con mắt (2001)
- Thơ vô tận vui (2005)
- Mùa màng tháng tư (2007)
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như "Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan", "Lục Vân Tiên", "Chinh phụ ngâm",... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá hoa cồn" (1963). Ông là một nguời tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.

Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươ…

Mưa nguồn (1962)

Bài ca quần đảo (1963)

Lá hoa cồn (1963)

Mưa nguồn hoà âm (1973)

Rong rêu (1995)

Đêm ngắm trăng (1997)

Như sương (1998)

Di cảo thơ

 

Trang 123 trong tổng số 3 trang (25 bình luận)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 01: Người viết sách với tốc độ kinh hồn

Tác giả: Trần Đình Thu


Bùi Giáng là một con người gây kinh ngạc cho bất kỳ ai quan tâm đến ông. Làm thơ, dịch tiểu thuyết của các tác gia danh tiếng trên thế giới, viết sách nghiên cứu triết học đông tây kim cổ với những kiến thức vô cùng uyên bác… nhưng Bùi Giáng đồng thời lại còn chạy nhảy la hét ngoài đường trong bộ dạng của những con người mà ta quen gọi là điên.

Cuộc đời Bùi Giáng vì vậy luôn được bao phủ bởi vô số những giai thoại ly kỳ, những thông tin hư hư thực thực. Trước nay, có khá nhiều bài viết về ông nhưng đều rất tản mạn, hầu hết chỉ là những bài lẻ tẻ đăng báo hoặc bài của nhiều người viết trong các tuyển tập hoặc đặc san kỷ niệm Bùi Giáng. Dựa trên những tài liệu có được và những tác phẩm của ông, chúng tôi cố gắng cung cấp cho bạn đọc những thông tin tương đối có hệ thống về diện mạo của con người tài năng thuộc hạng siêu phàm nhưng rất kỳ dị này.

Từ năm 1962 trở đi, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Càng về sau càng nhiều hơn. Nói về số lượng, thì ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam trước giải phóng. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị ngàn bài. Tuy nhiên, ông hoàn toàn không phải một học giả cần mẫn, suốt ngày giam mình trong thư viện, miệt mài bên trang sách mà thậm chí còn ngược lại. Nhiều người từng gần gũi ông ngạc nhiên nói rằng họ chỉ thấy Bùi Giáng suốt ngày lang thang rong chơi nhàn nhã, bia rượu uống tràn, thế nhưng khi nhà xuất bản cần, chưa đến một ngày ông đã mang đến cả năm bảy trăm trang sách. Vậy ông viết sách vào lúc nào?

Một nhà văn gần gũi với Bùi Giáng trước năm 1975 kể lại chuyện viết sách của ông như sau: "Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ (Giám đốc Nhà xuất bản An Tiêm lúc đó) vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, đã dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản tác phẩm của Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm".

Nhà văn này kể tiếp: "Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà thầy Thanh Tuệ, chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi đó trước, tươi cười, ung dung trong cái phong thái của một con người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nhỏ nào của một người viết đang gió táp mưa rơi với ngàn ngàn trang sách". Ai cũng lấy làm ngạc nhiên và cố gắng tìm hiểu nhưng không thể nào hiểu nổi. Chưa bao giờ những người gần gũi Bùi Giáng bắt gặp ông đang ngồi viết sách. Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười: "Tôi cũng lấy làm kỳ. Ảnh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Đêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Nhưng ảnh viết tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Còn nói ảnh đem bản thảo tới thì nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Điều kỳ lạ là thể loại trước tác nào ảnh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết tới phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy".

Có người ngạc nhiên quá, tìm cách rủ Bùi Giáng tới quán uống rượu để tìm hiểu. Nhưng chỉ tốn rượu đãi Bùi Giáng chứ chẳng khai thác được chút thông tin nào. Vặn hỏi mãi ông cũng không giải thích điều gì. Bùi Giáng chỉ cười cười, đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu và nói "vui thôi mà" trước sự ngơ ngẩn của người hỏi chuyện. Trước sau ông không hề giải thích bất cứ thắc mắc nào. Nhà văn kể trên nói tiếp: "Chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Ừ, vui, ba chữ "vui thôi mà" là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi sự tìm hiểu".

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78348.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 02: Bài thơ lạ lùng của anh chăn bò

Tác giả: Trần Đình Thu


Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ chánh qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền.

Bùi Giáng là con thứ 2 của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Và Bùi Giáng cũng tỏ ra thích thú với tên gọi này. Thỉnh thoảng ông cũng tự xưng cái tên thứ đó trong những câu thơ của mình. Sau này trong một bài thơ khá hài hước, Bùi Giáng viết: "-Ủa, phải anh Sáu Giáng đó không?/- Và cô có phải cô Bông năm nào?/- Anh còn nhớ rõ, ôi chao/Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh/Anh điên mà dzui dzẻ thập thành/Còn chúng tôi tỉnh mà đành buồn thiu".

Mặc dù là người gặp may mắn trên đường học vấn nhưng Bùi Giáng luôn luôn phá ngang. Bùi Giáng từng viết rằng ông không có ý định học để lấy bằng cấp. Ông Bùi Văn Vịnh, một người em ruột cùng cha cùng mẹ khác của Bùi Giáng cho biết, sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa. Năm 1945, khi đang học lớp Đệ Tứ thì thời thế thay đổi. Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra, Nhật hất cẳng Pháp, rồi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung. Rồi Bùi Giáng lên đường đi theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương, rồi lên đường ra Liên khu IV, tới Hà Tĩnh, để tiếp tục vào học đại học. Từ Quảng Nam thuộc Liên khu V ra tới Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV phải đi bộ theo đường mòn trên núi hơn một tháng rưỡi trời. Nhưng khi ra đến nơi, không hiểu sao ngay trong ngày khai giảng, Bùi Giáng đã quyết định bỏ học để quay ngược trở về Quảng Nam.

Bỏ học trở về nhà, ông theo chân đàn bò rong ruổi khắp các vùng đồi núi. Sau này ông có sáng tác bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ in trong tập Mưa nguồn để kỷ niệm cho khoảng thời gian này. Một số tài liệu cho rằng Bùi Giáng đã có nhiều năm chăn dê nhưng thực ra ông chỉ trải qua 2 năm chăn bò, từ 1950 đến 1952 trên vùng rừng núi Trung Phước. Có lẽ đây là quãng đời lãng mạn nhất của ông. Và ông đã gọi quãng thời gian này là 15 năm chăn dê, như Tô Vũ ngày xưa. Nhớ lại những tháng ngày này, ông viết: "Tôi bỏ học, chẳng biết chi sách vở. Chạy về quê làm thằng chăn bò. Bao nhiêu thơ làm ra, tôi âm thầm tặng hết cho chuồn chuồn châu chấu!".

Bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ dài đến 60 câu, được nhiều người thích đọc. Bài thơ với những lời thơ hết sức thiết tha, đằm thắm, ông dành cho những nàng thơ đặc biệt của ông là những con bò, đọc lên nghe rất thú vị. Trong bài thơ, ông xưng anh với những con bò mà ông đã biến chúng thành dê cho giống chuyện Tô Vũ ngày xưa và gọi chúng là em: "Chiều hôm nay bên chó vàng chễm chện/Anh lặng nghe em bé hé bên sườn đồi". Ông tặng các nàng thơ của ông những chiếc vòng bằng mây mà ông tự đan đủ màu sắc như người ta tặng kỷ vật cho người mình yêu: "Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm/Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu/Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh/Này đây em Hoa Cà hỡi! Chiếc nâu". Mỗi nàng dê một chiếc vòng, ông tự tay đeo vào cổ các nàng và thủ thỉ: "Ngẩng đầu lên! Dê ơi anh thong thả/Đeo vòng vào em nghển cổ cong xinh/Ngẩng đầu lên! Đây lòng anh vàng đá/Gửi gắm vào vòng mây nhuộm tơ duyên". Tặng xong kỷ vật cho các nàng dê rồi ông mới thề thốt: "Và giờ đây một lời thề đã thốt/Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta/Cao lời ca bê hê em cùng thốt/Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha".

Lấy dê, thực chất là bò, làm nàng thơ quả là một chuyện xưa nay chưa có ai làm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn nữa là ông so sánh chuyện đeo vòng mây cho dê với việc trao vòng cầu hôn cho vị hôn thê của mình: "Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ/Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi/Trao người em trăm năm lời ước thệ/Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi". Trong lần xuất bản đầu tiên của tập Mưa nguồn, Bùi Giáng còn ghi chú rõ ý khổ thơ này là, ngày xưa khi ông cưới vợ, thì cái giây phút đeo chiếc vòng đính hôn kỳ diệu ấy không làm ông xúc động bằng bây giờ đeo vòng mây cho dê! Thật là một cảm xúc khác người. Sau này chúng ta sẽ thấy, thứ cảm xúc này không phải do ông cố nặn ra cho thành bài thơ lạ mà đó là những gì diễn ra thực tế trong tâm trí ông.

Nỗi lòng Tô Vũ là một bài thơ độc đáo bởi đối tượng cảm xúc của tác giả không phải là cảnh đẹp, là người thơ mà là những con dê. Bài thơ không giống ai đó có những đoạn thơ đẹp lạ lùng: "Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ/Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya/Vàng cao gót nai đầu buông hãi sợ/Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"...

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78362.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 03: Chuyện ly kỳ của ông thầy giáo cuồng si nàng Kiều

Tác giả: Trần Đình Thu


Hai năm chăn bò có lẽ cũng quá đủ để nhà thi sĩ thả hồn mình rong ruổi theo những dặm đường du mục. Những ấn tượng sâu đậm trong thời kỳ này đã được Bùi Giáng tái hiện trong một số bài thơ mà ông sáng tác sau này.

Ngoài bài thơ độc đáo Nỗi lòng Tô Vũ, còn có bài Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Tuy không hay bằng Nỗi lòng Tô Vũ nhưng bài thơ này cũng thể hiện một tình yêu thiên nhiên đắm say và mãnh liệt của Bùi Giáng: “Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa/Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh/Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lả/Anh lim dim cho chết lịm hồn mình", "Cây lá bốn bên song song từng lứa/Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn/Hạnh phúc trời với đất mang mang/Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ/Với người ngó ngất ngây đương nằm đó/Không biết trời đất có ngó mình không". Quả thật là một tâm hồn quá khoáng đạt.

Tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng bỏ lại sau lưng những đàn bò cùng "hồn hoa dại cỏ" trên những đồi sim trái chín để ra Huế thi lấy bằng tú tài tương đương. Bằng tú tài trước đây do Liên khu V thuộc Chính phủ Kháng chiến cấp, đổi lại để vào Sài Gòn là khu vực đang thuộc vùng địch tạm chiếm ghi danh theo học Đại học Văn khoa. Nhưng một lần nữa ông cũng quyết định bỏ học khi đọc danh sách các giáo sư giảng dạy ở Đại học Văn khoa vì thấy không "tâm phục khẩu phục". Theo tác giả Thụy Khuê thì đây là lần cuối cùng ông bận tâm với chuyện học hành. Sau sự cố này, Bùi Giáng không bao giờ đi học nữa.

Sau khi kết thúc chuyện học hành, Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Sau đó ông bắt tay vào dịch tác phẩm văn học, giới thiệu tác gia danh tiếng của nước ngoài. Ngoài việc nghiên cứu và viết sách, Bùi Giáng còn đi dạy ở một số trường trung học. Và vì thế mới có những câu chuyện ly kỳ về việc giảng Kiều của Bùi Giáng.

Câu chuyện sau đây do một tác giả thuật lại trong một đặc san về Bùi Giáng, không nói rõ là mình chứng kiến hay giai thoại. Chuyện kể rằng, một lần nọ Bùi Giáng giảng Kiều cho các em học sinh, đến đoạn Từ Hải bị chết đứng giữa trận tiền, ông cảm thấy uất ức quá. Ông không chịu nổi việc một người anh hùng như Từ Hải mà phải bỏ thân nơi chiến trường vì bị mắc lừa. Từ bức xúc thái quá dẫn đến kích động thần kinh nên Bùi Giáng la hét dữ dội. Càng căm tức Hồ Tôn Hiến bao nhiêu thì ông càng la hét bấy nhiêu. Rồi ông khóc tức tưởi, đập bàn đá ghế, gục đầu thổn thức trên bàn giáo viên. Hết hét lại khóc, hết khóc lại hét.

Học sinh lúc đầu còn ngạc nhiên thích thú nhìn ông thầy mình thể hiện cảm xúc, nhưng sau thấy ông làm quá thì đâm ra sợ hãi. Bởi trước mặt chúng đang là một ông thầy đạo mạo bỗng nhiên trở thành một con người không còn biết gì đến chung quanh, chỉ la hét than khóc như cha chết mẹ chết. Quả thật Bùi Giáng đã biến tiết dạy của mình thành đám ma của Từ Hải, khiến từ học sinh cho đến ban giám hiệu phải một phen hết hồn. Sau sự cố "đám ma Từ Hải" đó, nhà trường đành phải mời thầy nghỉ dạy vì không dám để thầy làm các em học sinh phải thêm một phen hoảng hồn bạt vía nữa.

Cung Tích Biền cũng kể một câu chuyện tương tự nhưng kỳ dị hơn nữa. Theo Cung Tích Biền thì đây chỉ là một giai thoại, tuy nhiên căn cứ vào những gì xảy ra với Bùi Giáng trước nay thì chúng ta có thể tin được đó là câu chuyện có thật. Câu chuyện xảy ra vào khoảng đầu thập niên sáu mươi. Bùi Giáng đi dạy môn Việt văn cho một trường trung học ở một vùng tỉnh lỵ nọ. Hiển nhiên dạy Việt văn thì phải đến lúc ông đụng đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Và chuyện gì đến phải đến. Trong một giờ Việt văn, khi giảng đến đoạn nàng Kiều phải bán mình chuộc cha để hồng trần lưu lạc, Bùi Giáng đã bật khóc òa, khóc tức tưởi, khóc nức nở ngay giữa lớp học. Có lẽ nước mắt cũng không làm ông nguôi bớt nỗi cảm thương người con gái tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Vì thế ông vừa khóc vừa nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, chạy bộ ra bến xe rồi đón xe đò về Sài Gòn tức thì. Học trò nam nữ trong lớp thì cứ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi rửa mặt cho sạch nước mắt để dạy tiếp hoặc đi đâu đó một lát rồi sẽ trở lại, bởi vì trên bàn thầy vẫn còn sách vở, bao thuốc lá. Nhưng hết tiết học cũng không thấy thầy trở lại. Ngày hôm sau cũng không thấy thầy trở lại. Cả tuần sau thầy cũng không quay lại. Bởi vì thầy đã quyết định bỏ lớp bỏ trường, bỏ luôn cả vùng đất tỉnh lỵ ấy đến nhiều năm sau. Hỏi thầy nguyên nhân vì sao thì thầy ngậm ngùi nói "mần răng mà trở lại nơi em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn" ấy.

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78367.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 04: Cuộc đấu tranh bảo vệ nàng Kiều và tình yêu loài vật

Tác giả: Trần Đình Thu


Đến Sài Gòn được ít lâu, Bùi Giáng bắt tay vào việc viết sách. Nhưng những cuốn sách đầu tiên Bùi Giáng viết ra, vì chưa có "thương hiệu" nên dĩ nhiên chưa có nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền ra in, do vậy ông phải tự lo.

Nhưng với một người vừa chân ướt chân ráo đi lập nghiệp như ông, làm sao có tiền để in sách. Vì vậy, ông phải xoay xở bằng nhiều cách. Một số người cho rằng Bùi Giáng đã nhờ người bà con đang làm ăn phát đạt lúc đó là bác sĩ Bùi Kiến Tín cho mượn tiền để in sách. Nhưng những người thân cận với Bùi Giáng cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa hưởng ở Quảng Nam để lấy tiền in sách. Theo chúng tôi, chi tiết này là chính xác, vì nó đúng với bản chất con người Bùi Giáng.

Khởi đầu, Bùi Giáng tập trung vào việc nghiên cứu Truyện Kiều. Đây là tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ông trong thời kỳ còn học trung học. Năm Bùi Giáng mười sáu tuổi, đọc những cuốn sách của Nguyễn Bách Khoa, ông đã cảm thấy bức xúc vì những lời Nguyễn Bách Khoa đả phá Truyện Kiều quá nặng nề.

Lúc đó, không khí tranh luận về Truyện Kiều khá sôi nổi. Bùi Giáng đã hăng hái bước vào cuộc. Cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần do Tân Việt xuất bản vào năm 1957 có những bài viết rất hay về Truyện Kiều. Cùng với một vài tác giả khác, ông chống lại những quan điểm cho rằng Truyện Kiều là một tác phẩm phản đạo đức, không mang tính nhân bản. Ông bênh vực quyết liệt cho nàng Kiều. Lúc này, tác giả Nguyễn Sĩ Tế vừa tái bản tập sách Luận đề về Nguyễn Du, trong đó phê phán nhân vật Kiều nhu nhược, lẩn thẩn, ham mê vật chất... Bùi Giáng bèn "ra tay nghĩa hiệp" bênh vực giai nhân. Ông đối thoại thẳng thắn với Nguyễn Sĩ Tế, cho rằng Nguyễn Sĩ Tế hẹp hòi trong cách nghĩ: "Sao ở mọi chốn khác ông Tế tỏ ra chu đáo là thế, mà riêng đây, ông nỡ cứ hẹp hòi. Mười năm trước ông Nguyễn Bách Khoa từng lớn tiếng: hoàn cảnh xã hội chi phối con người. Nhưng khi đem cái nguyên tắc ấy áp dụng trong việc phê phán nhân vật, bao lần ông đã không chịu xét cái cảnh ngộ nào đã trực tiếp chi phối tâm trạng con người nào"..., rằng: "Ông tàn nhẫn quá. Mà chúng tôi tự lượng sức mình không đủ để bênh vực cho giai nhân. Chúng tôi đành quay mặt đi, không dám thấy, và chỉ xin phép yếu ớt khẽ kêu lên một tiếng xuýt xoa một đôi bận mà thôi - những bận nào mũi dao của ông tỏ ra tàn bạo quá". Với một giọng văn lúc thiết tha trầm lắng, lúc sôi nổi mạnh mẽ, Bùi Giáng góp phần làm cho người đọc cảm thương nàng Kiều hơn.

Những cuốn sách đầu tiên của Bùi Giáng có lẽ bán chạy nên các nhà xuất bản bắt đầu chú ý đến ông. Những cuốn sau, Bùi Giáng không cần phải bỏ tiền ra in nữa mà ông giao bản thảo cho các nhà xuất bản in để lấy tiền. Từ lúc đó trở đi, Bùi Giáng kiếm được kha khá nhờ những khoản nhuận bút. Vừa dạy học vừa viết sách, nếu khéo thu xếp như Nguyễn Hiến Lê, hẳn ông đã tạo dựng được cơ ngơi.

Thế nhưng Bùi Giáng hầu như không giữ lại cho riêng mình được cái gì. Một phần lớn khoản tiền nhuận bút ông đem tiêu pha rất lung tung, trong đó dành khá nhiều cho việc mua chó và khỉ về nuôi. Những người thần tượng hóa Bùi Giáng tỏ ra rất đắc ý với những việc làm khác người đó của ông.

Vào những năm về sau, khoảng gần cuối thập niên sáu mươi, ông in được nhiều sách, tiền nhuận bút cũng nhiều, ông càng tiêu tiền một cách kỳ cục hơn. Nhiều người kể có lúc thấy đàn chó của ông lên đến mấy chục con. Phạm Mạnh Hiên cho biết: "Hồi đó, sách của Bùi Giáng thường in ở nhà xuất bản An Tiêm, mỗi lần thầy Thanh Tuệ đưa tiền nhuận bút, tôi phải đi với anh Bùi Giáng. Lại lên đường ngao du nhờ cái bộ vó thư sinh hiền lành của tôi mà nhiều lần mấy cái khách sạn ở Chợ Lớn đã để cho chúng tôi cùng vào trú ngụ, bởi bên cạnh tôi có cái ông trung niên kỳ dị, ăn mặc cổ quái chẳng giống ai, lại dẫn theo cả đàn chó hay vài ba chú khỉ nhỏ"... "Ngày đó hễ có tiền là anh Giáng ra ngay khu chợ Bến Chương Dương mua cả bầy chó, cả bầy khỉ". Cái thú đi giang hồ đã làm cho Bùi Giáng “nướng” hết những khoản nhuận bút vừa nhận. Có lần say ngất ngưởng, sáng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm ở vỉa hè.

Một người quen khác của Bùi Giáng kể: "Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm bà Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi". Khoảng năm 1974, một người em ruột của Bùi Giáng mua được ngôi nhà ở Thị Nghè và mời ông về ở. Ông đến, dắt theo cả đàn vừa chó vừa khỉ khiến hàng xóm hết sức kinh ngạc.

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78373.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
11.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 05: Văn chương Bùi Giáng trong những cuốn sách đầu tiên

Tác giả: Trần Đình Thu


Nhiều độc giả từng biết đến một thứ văn dị thường của Bùi Giáng. Dị thường nhưng hồn nhiên trong trẻo, có lẽ đó là đặc điểm trong văn chương ông. Nhưng đã có thời văn chương ông chỉ hồn nhiên trong trẻo thôi, không có chút dị thường nào.

Hãy đọc một số tác phẩm đầu tiên của Bùi Giáng thì biết, trước hết là những cuốn ông viết ra trong thời kỳ mới đến Sài Gòn. Chúng được đặt tựa một cách khiêm nhường, chẳng hạn Một vài nhận xét về..., xuất bản trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1959. Những cuốn sách này được viết ra nhằm phục vụ cho học sinh trung học. Trong sách có kèm theo những đề bài tập làm văn cho học sinh luyện tập, nội dung liên quan đến các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm... Trên thực tế, đây là những cuốn sách thuộc thể loại giới thiệu tác giả tác phẩm, người lớn cũng có thể đọc và tìm thấy nhiều điều thú vị. Ở đây không có những ngôn ngữ kỳ dị mà ta thường gặp đầy rẫy trong những tác phẩm sau này của ông.

Hãy đọc một đoạn văn Bùi Giáng mở đầu phần bài viết về Lục Vân Tiên: "Lục Vân Tiên. Không một cuốn truyện nào đã làm xúc động tuổi nhỏ của chúng ta nhiều bằng tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được người vú già kể cho nghe. Kể đi kể lại mãi, và tôi cứ đòi kể lại cho nghe hoài. Dường như mỗi lần nghe lại, lại thấy mới mãi ra. Từ đó hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên cứ ám ảnh tôi luôn"... "Thế rồi ngày nay tôi lại nói chuyện Lục Vân Tiên với bà con nghe. Tất nhiên là nói sẽ dở lắm. Vì tôi không làm sao có được cái giọng của người vú già là một lẽ. Cái giọng trịnh trọng, chậm rãi, cảm động, lạ lùng, sau khi đằng hắng đủ ba lần, rồi mới bắt đầu: Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Bao giờ cũng vậy, trước khi lựa lời kể lại, bà chậm rãi cao giọng ngâm mấy lời thơ đầu của cụ Đồ Chiểu. Và từ đó, cái câu Ai ơi lẳng lặng mà nghe mãi mãi trong tâm tư tôi sẽ còn vang một âm vang huyền hoặc".

Đọc những đoạn văn đó ta có thể mường tượng ra ông là một người lịch thiệp, tóc tai, áo quần tươm tất, quá khác biệt với những gì mà ta thường hiểu về một thứ ngôn ngữ Bùi Giáng cà riềng cà tỏi được viết ra bởi một tác giả râu ria xồm xoàm, áo quần kỳ dị. Văn chương của ông lúc bấy giờ đẹp lung linh, không hề có những ngôn từ "lai rai theo điệu du côn" như ông tự nhận sau này.

Chưa hết, hãy đọc tiếp một đoạn văn trong cuốn sách viết về Chinh phụ ngâm: "Rồi những buổi sáng, những buổi chiều, có sương, có khói, có cánh nhạn ở cuối ngàn, có mây hồng vây ải lạnh, người sẽ trở gót ra lại bên đầu cầu, nhìn lại làn nước trong như lọc, kể lể những gì với nước suối, tỉ tê những gì Ngàn dâu xanh ngày kia che khuất bóng chàng, ngày nào sẽ trả lại cho ta bóng chàng về giữa những hàng cờ bay phấp phới?".

Không chỉ bóng bẩy và hoa mỹ, ngòi bút Bùi Giáng lúc này còn thể hiện sự sắc sảo, tinh tế lạ thường khi phân tích tác phẩm. Hãy đọc thêm một đoạn này nữa trong cuốn sách viết về Truyện Kiều: "Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia câu chuyện tầm thường, giữa cuộc sống tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu"... "Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất, trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong lòng đau thương của thế kỷ".

Tuy nhiên, những áng văn tài hoa ngời sáng đó đã lùi dần để nhường chỗ cho một loại văn chương khác hẳn - một thứ văn chương vừa tài hoa vừa kỳ dị, tài hoa hơn và ngày càng kỳ dị hơn.

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78377.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 06: Nỗi ám ảnh Nguyễn Du và Heidegger

Tác giả: Trần Đình Thu


Tiếp theo những cuốn sách giới thiệu các tác giả cổ điển Việt Nam, Bùi Giáng chuyển qua viết khá nhiều cuốn sách về con người, tác phẩm và tư tưởng của các nhà văn, nhà triết học phương Tây.

Đầu tiên là cuốn Tư tưởng hiện đại in năm 1960, đề cập đến Gabriel Marcel, Karl Jaspers, Albert Camus, Simone Weil, Paul Claudel, Saint Exupéry, Jean Paul Sartre, André Malraux. Cuốn sách này thể hiện một kiến thức uyên bác của tác giả, tuy Truyện Kiều thứ thiệt, thơ giả Kiều do tác giả sáng tác, thơ Tản Đà, thơ của nhiều nhà thơ khác được đưa vào đây không ít.

Năm 1963, bộ sách 2 tập dày ngót ngàn trang Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại ra đời. Đây là một cuốn sách vừa uyên thâm vừa kỳ lạ. Hãy đọc một đoạn văn ở phần Lời tựa: "Đã là con người quay chong chóng trên quả địa cầu tròn, có một ai không cảm thấy mình là lá cỏ lá rêu mù sương lá lách, lau cồn lìa kim dứt cải…Vậy phải biết nhắm hai con mắt lại để làm một cái giây leo như Tố-Như leo khắp mình mẩy Hoa Thi Đường Thi không chừa một chỗ".

Người đọc có cảm giác như ông nhảy phóc vào trong tư tưởng của triết gia này và… quậy. Xin hãy đọc đoạn văn sau đây nằm trong chương Martin Heidegger và vấn đề hữu thể: "Người yêu ta xấu với người / Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau / Nỗi niềm tưởng tới mà đau / Hàng rào giun dế gặm sâu cẳng gà / Con ơi học lấy nghề cha / Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Bằng ba năm hay bằng hai? Bằng hai hay bằng bốn? Một đêm mà bằng bốn năm kia ư? / Nhiều quá? – Mấy thì vừa? – Hai năm? Ít quá? – Vừa bằng là ấy ấy ấy chính lààà BAAA. Và ta xin trở lại với nguyên ý của nguyên tình nguyên mộng lụy CA DAO LÀ MUÔN NĂM NGÀN ĐỜI VẠN ĐẠI NƯỚC VIỆT LÀ SƯƠNG TUYẾT KIỀU ĐẠM IN PHA: Con ơi! Nhớ lấy lời cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Vâng. Con nhớ lời cha. Tại sao nhớ? – Vì con có nghe. – Tại sao nghe? – Vì con có thấy. – Thấy gì? – Thấy rõ ràng lù lù trước mặt là… - Là gì? Là: Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Ai ăn trộm? – Sartre ăn trộm áo quần của Heidegger – Áo quần đẹp mới hay không? Đẹp mới vô ngần. Nhưng… Nhưng sao? Nhưng than ôi! Tại sao lại xảy ra cái chuyện này là cái nỗi nông kỳ bí… - Kỳ bí như thế nào? Cái nỗi nông nông nỗi gì? – Thưa rằng áo quần của Heidegger vốn của Heidegger thì vốn của Heidegger mặc áo Heidegger coi ra rỡ ràng thật đẹp là Heidegger rỡ ràng quắc thước là hùng dũng Heidegger rạng vẻ cân đai Heidegger râu hùm mày ngài Heidegger hàm én đồ sộ cả cười hàm én Heidegger có nhìn đêm tế ngộ trông mặt là Heidegger trông mặt cả cười với Kiều và Thúy và Tố và Như và Nguyễn Du là ấy chính Heidegger đúng điệu thiên tài vùng vẫy trong bấy nhiêu niên đáng lẽ từ thiên thu làm nên kinh thiên động địa nếu gặp người từ lâu tri kỷ là đúng điệu tri kỷ của Heidegger…". Đoạn văn kiểu như vậy dài ngót cả mấy chục trang sách. Đọc nó người ta thấy như bước vào một mê hồn trận.

Trong hai tập sách dày hơn một ngàn trang này có rất nhiều đoạn văn như thế. Không ai có thể biên tập được những cuốn sách này. Bùi Giáng cũng biết điều đó nên trong phần mở đầu một chương của cuốn Tư tưởng hiện đại, Bùi Giáng viết: "Bài này trước kia chúng tôi đăng ở tạp chí MAI, ký tên chung với ông Hoàng Minh Tuynh. Ông Tuynh đã có nhã ý muốn bày tỏ niềm thông cảm đối với tôi là một kẻ xưa nay vốn chịu nhiều những hững hờ của độc giả. Bùi Giáng, đó là một danh từ có âm hưởng lăng nhăng, không gây được tin tưởng. Ông Tuynh đã chịu khó bỏ giúp tôi những đoạn nào tôi viết quá trớn theo điệu du côn của Sartre và loại hẳn những tiếng bê bối lai rai là những tiếng tôi quen dùng". Bùi Giáng đã cám ơn người biên tập cho ông trong phần mở đầu đó. Có lẽ đây là người duy nhất biên tập văn Bùi Giáng, và nhờ đó cuốn sách này trở nên gọn gàng, ta có thể hiểu được một số nội dung mà Bùi Giáng đưa ra. Nhưng bởi vì ông Tuynh là đồng tác giả. Còn nếu biên tập viên thì không thể làm được như ông Tuynh.

Có một số người Bùi Giáng nhắc lại mãi trong những trang viết của mình như là một nỗi ám ảnh. Hình bóng họ đã ăn sâu vào tiềm thức ông do những ấn tượng mạnh mẽ lúc ban đầu. Khi bệnh tình bộc phát, những hình bóng đó sẽ xuất hiện trở lại trong văn thơ ông theo những cách khác nhau. Trên lĩnh vực tri thức, đại thi hào Nguyễn Du và triết gia người Đức Martin Heidegger được ông lặp lại nhiều nhất.

Khi bước vào con đường nghiên cứu, Bùi Giáng quan tâm đến Nguyễn Du đầu tiên cùng với một số tác giả cổ điển khác. Chúng ta nhớ lại, cuốn Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần được ông viết vào năm 1957 thật sáng trong mạch lạc. Kể từ đó, thiên tài Nguyễn Du bắt dầu "nhập hồn" Bùi Giáng. Ước tính có đến cả ngàn lần Bùi Giáng nhắc tên Nguyễn Du. Trong thơ, trong văn, trong giới thiệu tư tưởng và triết học, thậm chí cả trong những bản dịch tiểu thuyết nước ngoài… đâu đâu ta cũng bắt gặp hình bóng Nguyễn Du. Bùi Giáng còn sáng tác nhiều bài thơ về Nguyễn Du. Một số bài thơ khác không liên quan, thì ông lại đề tặng Nguyễn Du.

Tuy nhiên, không phải như thế là Bùi Giáng sẽ dành những câu chữ hay ho nhất để viết về "cố nhân" của mình. Ngược lại, phần lớn những bài thơ viết về Nguyễn Du đều rất cà rỡn. Ta hãy đọc vài đoạn thơ Bùi Giáng viết về Nguyễn Du. Đây là một đoạn trong bài Nhớ ông: "Nhớ hoài ông Nguyễn ông Du / Ông Như ông Tố Điếu Đồ biển Nam / Hồng Sơn Liệp Hộ hội đàm / Hồng Sơn sơn nguyệt minh quang một mình". Hoặc một đoạn khác trong bài Tố Như nhớ quê: "Tôi nay lão nhược hơn ông / Tôi ngoài bảy chục thong dong một mười / Ông chưa tới tuổi sáu mươi / Lìa đời lúc mới tuổi ngoài năm lăm".

Đó là trong thơ. Vì thơ thì không phải lúc nào cũng đưa được một người nào đó vào mãi nên sự xuất hiện của Nguyễn Du cũng có giới hạn. Nhưng trong văn xuôi thì Bùi Giáng liên tục đưa Nguyễn Du vào. Đi sâu vào các trang sách của Bùi Giáng, ta thấy Nguyễn Du xuất hiện dày đặc. Khen thơ Hồ Dzếnh, Bùi Giáng viết: "Cũng may cho ông Nguyễn Du sinh ra ở thế kỷ trước. Nếu sinh ra đồng thời với Hồ Dzếnh, ắt ông Nguyễn Du không còn chịu viết Đoạn Trường Tân Thanh làm gì". Viết về một câu chuyện không đâu vào đâu, Bùi Giáng cũng lại nói về Nguyễn Du: "Lại cũng như ông Nguyễn Du ham có hơn ba trăm năm sau có kẻ khóc mình. Có một mẫu thân Phùng Khánh cho con bú trong hiện tại đã đủ rồi, hà tất phải dỗ con nín khóc ba trăm năm sau". Viết về Albert Camus, Bùi Giáng cũng không quên Nguyễn Du: "Rồi những điều Nguyễn Du nói với ma, thì quỷ lại tưởng là nói với quỷ. Những điều Nguyễn Du nói với quỷ, thì thần thánh lại tưởng là nói với thánh thần. Những ngộ giải chạy tràn lan. Quỷ không hài lòng về Nguyễn Du, thần thánh bực bội vì Nguyễn Du". Trong những cuốn sách như Mùa thu trong thi ca, Thi ca tư tưởng, Đường đi trong rừng… cứ một đôi trang là ta bắt gặp hình ảnh Nguyễn Du hiện lên qua cái lăng kính hài hước của Bùi Giáng: "Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị tẩu hỏa nhập ma, vùng vẫy rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach. Ông điềm nhiên làm Nam Hải Điếu Đồ. Kẻ câu ấy câu cái gì tại Nam Hải?"… "Và đó cũng là duyên do kỳ dị thiên biến vạn hóa đã khiến Nguyễn Du mở một trận Ẩn Tàng kỳ bí cổ kim bằng cách: cả hư không đặt để nên lời, cả nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung của song trùng tịch hạp thượng thừa huyền môn tâm pháp – Nguyễn Du đều đem gán vào môi miệng Bạc Bà Tú Bà"…

Bùi Giáng còn có cái thú làm thơ giả Kiều để ký tên chung Bùi Giáng – Nguyễn Du hoặc Bùi Giáng – Tố Như. Đó là những đoạn lục bát chen vào giữa những đoạn văn xuôi, có tí chút "chất Kiều". Trong cuốn Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại có nhiều đoạn giả Kiều rất dài. Những câu giả Kiều ấy có khi sai cả vần sáu tám.

Cùng với Nguyễn Du là Heidegger. Ông này cũng xuất hiện rất nhiều trong các trang viết của Bùi Giáng, không kém gì Nguyễn Du. Không rõ triết gia người Đức này "nhập hồn" Bùi Giáng lúc nào mà đến năm 1963, khi Bùi Giáng viết bộ sách hai tập Martin Hedegger và tư tưởng hiện đại thì đã thấy ông bị "tẩu hỏa nhập ma" bởi triết gia này rồi. Bùi Giáng đã viết đến năm sáu cuốn sách liên quan đến Heidegger. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn, ông lại đưa triết gia này vào trong rất nhiều cuốn sách khác. Tuy nhiên khác với Nguyễn Du, Bùi Giáng ít dám "sờ cằm vuốt râu" Heidegger, dù đôi lúc cũng cà rỡn kiểu như: "Ông Cụ Già Nua Nước Đức Heidegger", "Heidegger Đức Quốc Nua Già". Người ta có cảm giác Heidegger được ông kính nể như một người thầy còn Nguyễn Du thì ông mến yêu như một người ông vậy…

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78382.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 07: Vị trí hai người đẹp Kim Cương và Marilyn Monroe trong lòng Bùi Giáng

Tác giả: Trần Đình Thu


Bùi Giáng yêu cũng thật lạ lùng. Trong lòng ông có rất nhiều người đẹp, nữ nghệ sĩ Kim Cương và diễn viên điện ảnh Mỹ Marilyn Monroe chiếm một vị trí đặc biệt. Đối với hai người này, Bùi Giáng mạnh dạn nói năng mà không hề e ngại điều gì. Bởi trong tâm thức ông, họ là hiện thân của cái đẹp nhân gian.

Hiện có rất nhiều giai thoại về chuyện Bùi Giáng mê Kim Cương, nhưng có lẽ ta cũng không cần tìm hiểu rằng chúng thật giả bao nhiêu phần trăm, bởi điều đó không mấy quan trọng. Vì như trường hợp Marilyn Monroe, một người ở tận bên kia đại dương mà vẫn nhập vào hồn ông được, huống gì là Kim Cương tài sắc ở ngay tại Việt Nam.

Kim Cương là đối tượng số một của Bùi Giáng. Hình bóng của người đẹp này dường như thường trú trong vô thức của ông chứ không phải thỉnh thoảng mới hiện ra như một số người khác. Bùi Giáng đã dùng mọi cách biểu đạt kỳ quái nhất để nói về Kim Cương. Bài thơ sau đây hẳn sẽ làm cho một số độc giả nữ cảm thấy "kỳ kỳ" nhưng đồng thời nó cũng cho thấy sự ám ảnh kinh khủng của người đẹp Kim Cương đối với ông. Đó là bài Cô Kim Cương ơi, in trong tập Sa mạc phát tiết, nguyên văn như sau: "Nếu ngày sau tôi chết đi, mà cô không thể giỏ cho một giọt nước mắt/Thì cô có thể giỏ cho một giọt nước tiểu cũng được/(Nhớ giỏ ngay trên nấm mồ)/Ở dưới suối vàng tôi sẽ ngậm cười mà đón nhận/(Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây)". Thật là một bài thơ không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhưng không chỉ có vậy. Trong cuốn sách Con đường ngã ba, Bùi Giáng còn bị ám ảnh dữ dội hơn nhiều. Suốt mấy trang liền, ông nhắc đi nhắc lại "lời đề nghị" ở trên: "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Thiên tài buổi Hoàng Hôn thốt một lời như thế. Nhưng Vũ Lâm Xuân của Thệ Đa Lâm vẫn không thể trùng sinh trên đống xương tơi tả của mình..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ. Đó quyết nhiên là lời rốt ráo tối hậu. Không cách gì nói khác. Nấm mồ tại hạ. Không thể đổi tiếng đó ra làm một tiếng nào khác. Hãy đi tiểu. Có thể nào đổi tiếng đi tiểu ra làm một tiếng khác..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ vẫn vĩnh viễn là ngôn ngữ tuyệt trù bất tận thi nhiên. Vì chỉ nói như vậy thì ngàn vạn năm sau riêng hình ảnh cô Kim Cương sẽ vĩnh viễn đi về Trong Tháng Ba Lễ Hội để giải oan cho Tượng Vương hồi xứ Hoa Nghiêm Kinh..."... "Cô Kim Cương hãy đi tiểu trên nấm mồ tại hạ là sự vụ cần yếu ban sơ cho cuộc tối sơ đi về hủy thân giữa trần thổ. Cô Kim Cương vén xiêm đi tiểu xong rồi, thì từ nấm mồ của trần thổ hủy thân đó sẽ nảy nở ra cuộc đầu thai nơi núi đá...". Cứ một ý như vậy mà Bùi Giáng nói dông nói dài mãi. Nhưng sau đó, cách khoảng mấy trang, Bùi Giáng lại đổi ý, không muốn giữ lời đề nghị trên nữa: "Hỡi mẫu thân Kim Cương! Mẫu thân hãy dừng cuộc đi tiểu trong một thời gian để suy ngẫm trở lại xem có thể tạo ra một vũ trụ khác để đi tiểu".

Chúng ta không cần quan tâm đến ý nghĩa của từng câu chữ. Nhưng chúng mang cái ý nghĩa tổng quát, đó là sự ứng xử của vô thức đối với từng khái niệm. Ở đây là sự ứng xử với cái đẹp khác giới tính của thi sĩ trong trạng thái tâm thần không bình thường.

Theo sau Kim Cương, Marilyn Monroe cũng được Bùi Giáng mê cuồng. Ông đã sáng tác một số bài thơ về người đẹp này. Ta hãy đọc bài Trời khóc Marilyn để xem Bùi Giáng viết về người đẹp này như thế nào: "Trời xanh úp mặt nghe tin/Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi/Từ đây ta bỏ ngai trời/Thu thời gian đập tơi bời càn khôn/Giữa hư vô nếu em còn/Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta/Úp môi ôm mặt khóc òa/Cồn lê lên miệng là ba bốn lần".

Đó là bài thơ ông in trong tập Hoa lá cồn, xuất bản năm 1963. Sau đó trong phần Mưa nguồn hòa âm, ông lại viết một bài thơ với cái tựa cũ là Trời khóc Marilyn. Bài thơ có mấy chục câu bắt đầu từ chữ luống, một loạt câu khác bắt đầu từ chữ một. Bài thơ này có một số câu chữ đi vượt quá giới hạn "đố tục giảng thanh", không thể trích dẫn vào đây được. Nhưng nó cho thấy rõ cái cách mà Bùi Giáng trình bày về cái đẹp trần tục theo cảm hứng của ông.

Có lẽ nói mãi cũng không hết được chuyện Bùi Giáng làm thơ về những người đẹp. Cho nên ta hãy đọc mấy câu thơ mà ông "phân loại đánh giá người đẹp" trong bài Quốc sắc Việt Nam sau đây: "Nam Phương Hoàng hậu đẹp một cách thong dong/Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái/Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở/Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời". Bài thơ này còn dài nhưng chỉ trích dẫn chừng này câu cũng đủ cho thấy "vị giám khảo cuộc thi Người đẹp Việt Nam" này có con mắt tinh đời lắm.

Nguồn: http://www.thanhnien.com....Vanhoa/2005/4/4/78392.tno
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị - Kỳ 08: Những người phụ nữ đẹp thoát trần

Tác giả: Trần Đình Thu


Không chỉ có Kim Cương và Marilyn Monroe, Bùi Giáng còn say đắm nhiều phụ nữ khác. Mỗi người một vẻ, họ hiện ra trong nhiều màu sắc kỳ bí khác nhau. Đó không phải là những nàng thơ theo nghĩa thông thường mà là hiện thân của cái đẹp.

Một cách vô thức, Bùi Giáng phân biệt họ theo những tiêu chí khác nhau. Những người đầu tiên có thể kể đến là Hoàng hậu Nam Phương và ni cô Trí Hải. Khác với nghệ sĩ Kim Cương và cô đào rực lửa người Mỹ Monroe Marilyn là hiện thân của cái đẹp nhân gian trần tục, hai người này thuộc về thế giới của cái đẹp thoát trần.

Một ngày nọ, Bùi Giáng nhận được một phong bì gửi đến, trên có dán con tem in hình Nam Phương Hoàng hậu. Sự kiện nhỏ nhoi ấy lập tức gây xúc động lớn với ông. Từ lúc đó, Hoàng hậu Nam Phương trở thành một hình bóng ám ảnh ông. Bà bắt đầu xuất hiện trong các trang viết của thi sĩ. Trong cuốn Mùa thu trong thi ca Bùi Giáng viết: "Suốt bao năm dài tại hạ làm thơ, chung quy chỉ vì cái màu xuân xanh bất tuyệt ban sơ của Dương Hoàng Hậu. Màu xuân ấy đã một lần tái sinh cách đây ba mươi năm trong hình hài máu me Nam Phương Hoàng hậu. Tại hạ yêu Dương Quý Phi bao nhiêu thì cũng yêu Nam Phương Hoàng Hậu bấy nhiêu".

Mặc dù Bùi Giáng luôn tôn kính Nam Phương, nhưng ông cũng hài hước, cà rỡn, lan man trên hình ảnh của bà cũng bởi tính của ông như vậy. Tuy nhiên, Bùi Giáng cố gắng giữ "chuẩn mực", không bao giờ đi quá đà. Một đôi khi ngẫu hứng quá thì ông cũng chỉ viết như thế này: "Chiêm bao anh thấy Hoàng hậu Nam Phương dắt tay Marilyn Kim Cương nương tử tới gõ cửa xin vào thăm viếng anh thì anh bảo rằng anh đang bận viết lá thư cho em nên không thể nào đón tiếp Hoàng hậu được thì cảm phiền Hoàng hậu hãy lui gót chờ qua ngày mai anh sẽ ân cần chiếu cố".

Bùi Giáng cũng có sáng tác một đôi bài thơ về Nam Phương. Trong bài Chiêm bao Nam Phương Hoàng hậu, dù là một bài thơ thuộc vào thể "điên loạn", nhưng ông vẫn đủ "tỉnh táo" để ngòi bút không chệch qua chỗ thiếu đứng đắn: "Kê bô tí xí đêm đà/Ki ba ri xí i à xán da/Xã dan xoàng xĩnh giang hà/Ồ mô pha cố cồ ri xa ì/Tử tì mỉm tí tì ti/Miệng vàng hợp nhất nhu mì nhị biên/Ra sông ngồi ngó diện tiền/Ngần sương sái diện uy quyền nữ vương".

Bên cạnh Hoàng hậu Nam Phương, ni cô Trí Hải xuất hiện trong các trang sách Bùi Giáng một cách khá dày. Bà là một người có trình độ uyên thâm, tác giả của một số đầu sách. Có lúc Bùi Giáng gọi bà là Trí Hải ni cô, có lúc gọi là mẫu thân Phùng Khánh. Bùi Giáng làm rất nhiều bài thơ về bà. Có thể kể tên một số bài như Mẹ Phùng Khánh, Kính tặng Phùng mẫu thân, Mẹ Phùng Thăng Khánh, Phùng Khánh Mẫu Thân...

Rất nhiều người thắc mắc vì sao Bùi Giáng gọi người này là mẹ, là mẫu thân. Bùi Giáng cũng từng "giải thích" chuyện đó trong Thi ca tư tưởng như sau: "Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy thì tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy. Nếu tôi không nhận Phùng Khánh là mẹ, thì chẳng ra tôi là người Lào? Hoặc là người Cao Miên? Hoặc con dân Âu Mỹ ư ? Huống nữa là: Phùng Khánh là bà mẹ loài người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng ra tôi chẳng phải con người? Chẳng ra tôi là con vật?".

Có lẽ Bùi Giáng đã tìm thấy nơi người nữ tu này điều gì đó gần gũi với hình bóng người mẹ xa xưa của ông, hoặc là tấm lòng nhân ái của bà làm ông cảm động, hoặc là trí tuệ mẫn tiệp của bà khiến ông nể phục... Vì một trong những lý
Bài liên quan

Âu Dương Quýnh 歐陽炯

Âu Dương Quýnh 歐陽炯 (896-971) người Hoa Dương, Ích Châu (nay thuộc Tứ Xuyên). Ông làm quan 3 triều Tiền Thục (quan tới Tể tướng), Hậu Đường và Tống (quan tới Hàn lâm học sĩ). Từ của ông hiện còn 48 bài được chép trong "Hoa gian tập", "Tôn tiền tập", sắc thái thanh lệ, tương tự như Ôn Đình Quân và Vi ...

Anna de Noailles

Công chúa Anna Brancovan (1876-1933) sinh tại Paris, Pháp ngày 15-11-1876, cha bà là thân vương Rumani, mẹ là nhạc sỹ người Hy Lạp. Năm 1897, bà lấy Mathieu de Noailles (1873-1942) và trở thành bà Bá tước Anna de Noailles. Bà mất tại Paris ngày 30-4-1933. Anna de Noailles là một gương mặt tiêu biểu ...

Alain Bosquet

Alain Bosquet (1919-1998) là nhà thơ Pháp. Sinh tại Odessa, Nga và mất tại Paris, Pháp, thọ 77 tuổi. Năm 1920, ông cùng gia đình chuyển đến Varna, học tiểu học và trung học tại Sophia (Bungari). Sau đó sang Brussels (Bỉ) học khoa ngữ học gốc Latinh tại trường Đại học Brussels. Từ năm 1941, ông ở hẳn ...

Aleksandr Trifonovich Tvardovsky Александр Трифонович Твардовский

Aleksandr Trifonovich Tvardovsky (Александр Трифонович Твардовский, 21/7/1910-18/12/1971) là nhà thơ Nga Xô viết ba lần được tặng giải thưởng Stalin (1941, 1946, 1947), giải thưởng Lenin (1961), giải thưởng Nhà nước (1971), là tổng biên tập tạp chí Thế giới mới (1950-1954, 1958-1970). Aleksandr ...

Aleksandr Andreevich Prokofiev Александр Андреевич Прокофьев

Alexander Andreevich Prokofiev (1900-1971) là nhà thơ Nga Xô Viết, anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa năm 1970. Sinh và mất tại Leningrad. Tác phẩm: - Buổi trưa (Полдень, 1931)

Afred de Vigny

Afred de Vigny (1797-1863) là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch Pháp. Ông sinh tại Loches. Làm sĩ quan, ông dự trận Y-pha-nho (Espagne) ở Tây Ban Nha. Trung đoàn của ông đóng ở biên giới Pháp. Trong dịp này ông đã viết bài "Le cor" (Chiếc tù và), kể sự tích Roland tử trận. Ngay từ năm 1920, ông đã ...

Agnia Lvovna Barto Агния Львовна Барто

Agnia Lvovna Barto (1906-1981) là một nhà thơ Xô-viết viết cho thiếu nhi. Bà xuất thân từ gia đình nông dân, thuở bé học trường múa ba-lê, rất thích thơ và sớm bắt đầu sáng tác thơ, phỏng theo Anna Akhmatova và Vladimir Mayakovsky. Chồng bà là Pavel Barto, một kỹ sư điện và cũng là một nhà thơ người ...

Aleksandr Petrovich Mezirov Александр Петрович Межиров

Aleksandr Petrovich Mezirov (1923-) là nhà thơ kiêm dịch giả Nga, sinh tại Moscova. Tác phẩm: - Trở về (Возвращение, 1955) - Móng ngựa (Подкова, 1967) - Lũng hẹp (Теснина, 1984)

Alfred Edward Housman

Alfred Edward Housman sinh năm 1859 tại Frockbury, Worcestershire. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Bromgrove, ông đã được học bổng của trường St. John, đại học Oxford. Ông đã trở thành một học giả kinh điển nổi bật và đến năm 1892, ông được chỉ định làm giáo sư môn Latin tại trường Đại học Luân ...

Alessandro Mazzolini

Alessandro Mazzolini (1857-1934) nhà thơ Italia, sáng tác bằng tiếng Esperanto. Là nhà giáo trong nhiều năm sau đó chuyển sang làm việc cho tạp chí Văn học thế giới (Literatura Mondo). Là người tích cực phổ biến và truyền bá Esperanto ra thế giới với các tác phẩm thơ văn, làm giàu thêm cho ngôn ngữ ...

Mới nhất

THPT Đinh Tiên Hoàng

THPT Đinh Tiên Hoàng đang không ngừng nỗ lực phát triển trở thành một ngôi trường với chất lượng giảng dạy tốt nhất, tạo ra những thế hệ học sinh chất lượng

THPT Thực nghiệm

Trường THPT Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trường là cơ sở giáo dục đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Trường dạy học theo chương trình giáo dục Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp ...

THPT Đông Kinh

Khẩu hiệu hành động: “ Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ học sinh để giảng giải giáo dục và xử lý công việc ” “ Tất cả vì học sinh thân yêu ”

THPT Hà Nội Academy

Những rào cản còn tồn tại kể trên sẽ được vượt qua bởi những công dân toàn cầu tích cực với nhiệm vụ chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu bao gồm, nhưng không giới hạn ở nhân quyền, đói nghèo và công bằng xã hội. Nhận ...

http://thptkimlien-hanoi.edu.vn/

Qua 40 năm nỗ lực phấn đấu trong các hoạt động giáo dục, vượt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường THPT Kim Liên đã tạo dựn được uy tín vững chắc, là 1 trong 5 trường THPT hàng đầu của Thủ đô có chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc ...

THPT Tô Hiến Thành

Trường THPT Tô Hiến Thành được thành lập từ năm học 1995-1996, theo quyết định của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 6/2010, trường chuyển đổi loại hình sang công lập. Suốt 20 năm phát triển, thầy, cô giáo, thế hệ học sinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước phát triển ...

THPT Mai Hắc Đế

Trường THPT Mai Hắc Đế được thành lập năm 2009, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong đào tạo bậc THPT trên địa bàn Hà Nội.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm xây dựng và trưởng thành , các thế hệ giáo viên và học sinh trường Nguyễn Gia Thiều có thể tự hào về truyền thống vẻ vang của trường ; tự hào vì trường đã đóng góp cho đất nước những Anh hùng , liệt sĩ , những người chiến sĩ , nhà khoa học , trí thức , những cán bộ ...

Trường Trung học phổ thông MV.Lô-mô-nô-xốp

Sứ mệnh Xây dựng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp có môi trường học tập nền nếp, kỉ cương, chất lượng giáo dục cao; học sinh được giáo dục toàn diện, có cơ hội, điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực và tư duy sáng tạo, tự tin hội nhập.

Trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc Hà Nội

Trường thực hiện việc giảng dạy và học tập theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Song song với chương trình này là chương trình học bằng tiếng Anh được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên bản ngữ giàu ...