31/05/2017, 12:33

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 37

Thơ ca lãng mạn trước Cách mạng thường thích nói tới những tấm lưng ong, lưng , eo thon thả, gợi cảm của thiếu nữ (Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon - Vũ Hoàng Chương). Còn ở đây là tấm lưng sạm đen, cháy nắng của một người lao động. Chỉ với chi tiết ấy thôi - một chi tiết hết sức hiện thực - tác ...

Thơ ca lãng mạn trước Cách mạng thường thích nói tới những tấm lưng ong, lưng , eo thon thả, gợi cảm của thiếu nữ (Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon - Vũ Hoàng Chương). Còn ở đây là tấm lưng sạm đen, cháy nắng của một người lao động. Chỉ với chi tiết ấy thôi - một chi tiết hết sức hiện thực - tác giả đã gợi lên được rất chính xác cảnh sống cay cực phải vật lộn thường xuyên với miếng cơm, manh áo của những người dân miền núi Việt Bắc.

Câu 1.

Hãy sắp xếp lại các câu sau để có được đoạn văn hoàn chỉnh. Cho biết tại sao anh (chị) lại sắp xếp như vậy. Trong đoạn văn đã sắp xếp lại, các câu liên kết với nhau theo cách thức nào? Tóm tắt nội dung của đoạn văn bằng một câu ngắn gọn.

Nhân vật trong thơ Hồ Chí Minh thường hiện ra ở trung tâm của bức tranh phong cảnh với tư thế con người hành động, con người làm chủ (1). Nhưng thơ Hồ Chí Minh không hẳn là thơ cổ điển (2). Con người ấy một mặt có phong thái ung dung tự tại, dường như đứng ngoài dòng chảy của thời gian, một mặt lại sống cao độ với từng giờ từng phút (3). Cảnh trong thơ xưa thường tĩnh tại (4). Nhân vật trong thơ xưa thường ẩn mình giữa thiên nhiên (5). Cảnh trong thơ Hồ Chí Minh luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai (6).

Câu 2.

Viết một bài văn (khoảng 600 từ) nêu suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm của Benjamin Disraeli - một nhà chính trị người Anh thế kỉ XIX: "Biết mình không biết là một bước tiến dài dẫn đến sự hiểu biết".

Câu 3.

Phát biểu cảm nhận của anh (chị) về tiếng nói ân tình, ân nghĩa được bộc lộ trong đoạn thơ sau:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Dịu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa...

 

(Tố Hữu, Việt Bắc)

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

-   Các câu đã cho có thể sắp xếp lại để thành đoạn văn như sau (theo thứ tự: (2), (4), (6), (5), (1), (3):

Nhưng
thơ Hồ Chí Minh không hẳn là thơ cổ điển. Cảnh trong thơ xưa thường tĩnh tại. Cảnh trong thơ Hồ Chí Minh luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Nhân vật trong thơ xưa thường ẩn mình giữa thiên nhiên. Nhân vật trong thơ Hồ Chí Minh thường hiện ra ở trung tâm của bức tranh phong cảnh với tư thế con người hành động, con người làm chủ. Con người ấy một mặt có phong thái ung dung tự tại, dường như đứng ngoài dòng chảy của thời gian, một mặt lại sống cao độ với từng giờ từng phút.

-   Việc sắp xếp này trước hết dựa vào nội dung các câu. Câu (2) nêu ý bao quát, khẳng định thơ Hồ Chí Minh tuy có màu sắc cổ điển, nhưng vẫn là thơ hiện đại. Các câu sau đó tạo thành từng cặp, đối sánh giữa cảnh thiên nhiên trong thơ cổ và cảnh thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh, nhân vật trong thơ cổ và nhân vật trong thơ Hồ Chí Minh. Ở những cặp đối sánh này, dĩ nhiên thiên nhiên phải được nói trước con người, thơ cổ điển phải được nói trước thơ Hồ Chí Minh, vì vậy chúng được sắp xếp theo thứ tự (4), (6), (5), (1) là hợp lí. Còn lại câu (3) được mở đầu với hai từ “con người”, chắc chắn tiếp nối ý nói về con người ở câu (1).

-   Trong đoạn văn được sắp xếp lại, các câu liên kết với nhau bằng nhiều cách thức khác nhau. Câu đầu liên kết với các câu sau đó chủ yếu bằng nghĩa có tính khái quát, đóng vai trò là câu chủ đề. Câu (4) và câu (6); câu (5) và câu (1) liên kết với nhau theo kiểu song hành ý (cảnh đi với cảnh; nhân vật đi với nhân vật). Câu cuối đoạn liên kết với câu trước đó bằng biện pháp lặp từ vựng.

-   Đoạn văn trên có thể tóm tắt: sự khác biệt giữa thơ cổ điển và thơ Hồ Chí Minh.

Câu 2.

Câu hỏi yêu cầu luận bàn về mối quan hệ giữa biết và không biết, thực chất là bàn về sự tự ý thức và nỗ lực hoàn thiện mình của mỗi cá nhân, trước hết trên lĩnh vực tri thức.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Biển học vô bờ - người xưa từng nói vậy. Không ai có thể biết hết được mọi điều, do vậy, con người ta cần phải học hỏi không ngừng suốt cả cuộc đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ nhiều đối tượng khác nhau.

-   Sự hiểu biết ở mỗi con người là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài, đi từ chưa biết đến biết. Nhưng khi đã có một hiểu biết nhất định, người ta dễ thoả mãn. Chính sự thoả mãn này là lực cản khiến cho quá trình nhận thức của ta chững lại. Vốn kiến thức do vậy không được làm đầy thêm. Tự nhiên, ta bỗng trở thành một kẻ thiếu hiểu biết.

-   Từ thời cổ đại, đức Khổng Tử đã dạy: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, ấy mới gọi là biết vậy). Đây là lời dạy đòi hỏi ta phải vượt lên bản thân, thừa nhận sự không biết của mình để thể hiện chí tiến thủ. Việc thừa nhận đó không làm ta trở nên bé nhỏ mà ngược lại, biến ta thành kẻ tự tin, có thể làm chủ được mình.

Tuy nhiên, muốn tiến bộ thực sự, con người không thể dừng lại ở chỗ thừa nhận sự không biết của bản thân, vấn đề quan trọng là phải biết điều mình không biết để đặt kế hoạch chiếm lĩnh nó trong tương lai. Có lẽ, đây chính là tư tưởng cốt lõi mà Benjamin Disraeli muốn phát biểu trong câu: “Biết mình không biết là một bước tiến dài dẫn đến sự hiểu biết”. Nếu câu nói của Khổng Tử tập trung luận về chữ biết (tri) có dáng dấp tĩnh tại thì câu của Benjamin Disraeli lại nghiêng về vạch ra con đường chiếm lĩnh tri thức cho mỗi chúng ta.

Biết điều mình không biết đồng nghĩa với việc nhận ra sự thiếu hụt của bản thân với tư cách là người hiểu biết, người có khát vọng vươn lên hoàn thiện nhân cách. Đã thiếu hụt thì phải tìm cách lấp đầy. Con người ở đây là con người đi tới chứ không phải là con người đứng lại để chiêm nghiệm. Từ quan điểm này, ta có thể nhận ra những nét khác biệt giữa hai mẫu hình con người mà nhà chính trị - tư tưởng muốn xây dựng.

-   Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập để tạo ra những con người đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại tôn vinh tri thức. Có quá nhiều thứ chúng ta phải biết để trở thành kẻ đứng ngang tầm lịch sử. Tuy nhiên, ngay một lúc chúng ta chưa thể làm được điều đó. Tầm nhìn phải rộng xa nhưng kế hoạch thực hiện phải thật gần, thật cụ thể. Có thể, ta mới đặt được những bước vững chãi trên con đường chinh phục tri thức.

Câu nói của Benjamin Disraeli trước hết muốn khơi dậy nỗ lực hoàn thiện mình ở những cá nhân con người cụ thể. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó còn rộng hơn thế. Ta nhận

ra ở đây những vấn đề mang tầm nhân loại. Biết điều mình không biết là một nhận thức then chốt. Từ nhận thức đó, con người sẽ có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ các giới hạn hiện tại của tri thức, hiểu biết và tạo ra chân trời tri thức, hiểu biết mới. Đây là một hành trình vô tận. Vô tận nhưng đầy đam mê. Là những thanh niên đầy nhựa sống, có lẽ nào chúng ta lại từ chối một hành trình như thế?

Câu 3.

Tiếng nói ân tình, ân nghĩa thấm đượm trong mọi chi tiết cấu tạo của đoạn thơ (cũng như cả bài thơ Việt Bắc), bởi vậy, phát biểu cảm nhận về nó thực chất cũng là phát biểu cảm nhận về đoạn thơ. Người làm bài cần chú ý: đoạn thơ (cũng như cả bài thơ) nói về những ân tình, ân nghĩa trong cuộc đời, giữa những con người yêu nước, yêu cách mạng, bằng một giọng thơ, phong cách thơ cũng rất mực ân tình, ân nghĩa. Chính sự cộng hưởng đó làm nên vẻ đẹp đằm thắm và sức lan toả dịu dàng mà mãnh liệt của những dòng thơ.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Bài thơ Việt Bắc được tổ chức dựa trên chuỗi lời đối đáp của hai nhân vật hư cấu, một bên đại diện cho Việt Bắc và một bên đại diện cho những người kháng chiến. Tuy các đại từ mình, ta được dùng xuyên suốt bài thơ, nhưng độc giả không thấy có nhu cầu phân định xem kẻ ở và người đi, ai là nam, ai là nữ, mà phân định cũng không được vì rất khiên cưỡng. Chính nội dung các lời đối đáp đã tạo nên quy ước ngầm đó. Phải nói rằng đây là điểm hết sức độc đáo trong nghệ thuật thơ Tố Hữu, trên phương diện tiếp nhận những kinh nghiệm nghệ thuật phong phú của nền thơ dân gian.

-    Bước vào thế giới nghệ thuật của bài thơ, ta gặp ngay những câu hỏi dồn dập, thiết tha mà Việt Bắc nêu lên cho người ra đi. Những câu hỏi đó một mặt tạo nên áp lực tình cảm, mặt khác tạo cớ cho người ra đi biểu hiện bao nỗi nhớ đang trào dâng trong lòng mình. Nếu trong lời của kẻ ở trong khổ thơ đầu xuất hiện liên tục hai từ có nhớ biểu thị sự băn khoăn, nhắc nhở, thì trong lời người đi, theo một quan hệ hô ứng nhịp nhàng, các cụm từ nhớ từng, nhớ sao đã có mặt để dứt khoát khẳng định tình cảm sâu nặng của những người kháng chiến đối với quê hương cách mạng.

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nưong

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thìa, sông Đáy, suối Lê Ươi đầy.

+ Dòng đầu tiên của đoạn thơ trên có một hình ảnh so sánh đáng chú ý. Không phải nhân vật trữ tình đang biểu lộ nỗi nhớ người yêu mà biểu lộ nỗi nhớ đối với Việt Bắc. Như ta đã biết, thơ Tố Hữu hầu như không nói về tình yêu trai gái, nhưng điều đó không có nghĩa là cảm xúc trong thơ ông không đạt tới độ ngây ngất, mặn nồng. Chiếm trọn sự chú ý của ông là những vấn đề lớn, những tình cảm lớn hướng về đất nước, nhân dân. Khi thể hiện những vấn đề, những tình cảm ấy, ông đã nói bằng ngôn ngữ của một tình nhân say đắm nhất. Quả thực, sau câu thơ, ta vẫn nhận ra được nỗi nhớ nhung dịu ngọt như nỗi nhớ nhung của những người yêu nhau. Nỗi nhớ nhung ấy cứ lửng lơ, ám ảnh hoài tâm trí, khiến người đi không nén được, phải thốt lên một câu nửa như cảm thán, nửa như nghi vấn chứa đựng một vẻ gợi cảm rất đặc biệt.

+ Trong 5 dòng thơ tiếp đó, những cảnh sắc thân thuộc của quê hương Việt Bắc đã được tái hiện bằng bút pháp chấm phá. Quả thực, nhà thơ đã không tả cái gì thật chi tiết mà chỉ làm việc nhắc gợi. Đối với độc giả, nhất là những người trong cuộc, chừng ấy cũng đủ khiến họ bồi hồi. Hình ảnh trăng lên đầu núi có thể đánh động kí ức về một buổi gặp gỡ, hẹn hò; nắng chiều lưng nương thì gợi nhớ về những khoảnh khắc cuối ngày đong đầy niềm xao xác; bếp lửa lại làm sống dậy trong tâm trí người đọc cảnh quần tụ ấm cúng; khói cùng sương khơi lên nỗi cảm thương đối với những bản làng chìm khuất sau mây mù... Cụm từ nhớ từng được lặp lại hai lần như muốn khẳng định rằng người đi không quên bất cứ một sự vật, sự việc, một địa điểm nào. Từ ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê đến những bờ tre, rừng nứa, tất cả đều có chỗ đứng trong tình cảm của người từng có một thời sống, gắn bó với mảnh đất này. Suối Lê có thể khi đầy, khi vơi, nhưng nỗi nhớ về suối Lê, cũng như nỗi nhớ về Việt Bắc nói chung có lẽ lúc nào cũng cứ tràn đầy...

-     Mặc đù chia xa, người ra đi không thể nào quên một thời gian khổ được sống giữa lòng dân Việt Bắc:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Tình người sáng lên giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, cam go bao giờ cũng để lại những ấn tượng đậm đà. Việt Bắc đã chia sẻ với những người kháng chiến từ bát cơm, củ sắn rất cụ thể của đời sống vật chất đến những ngọt bùi, đắng cay không tả xiết của đời sống tinh thần. Chúng ta luôn bên nhau, lúc nào cũng mình đây, ta đó quấn quýt. Các chi tiết được nêu trong đoạn thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng. Tất cả chúng đều hướng người đọc tới chỗ nhận thức được giá trị to lớn của tinh thần "chung lung đấu cật", "đồng cam cộng khổ" mà Việt Bắc cùng những người kháng chiến từng nêu cao. Hình ảnh chăn sui đắp cùng rất gợi không khí, vốn đã được nói tới không ít lần trong thơ kháng chiến chống Pháp, giờ lại xuất hiện ở đây với những thông tin nghệ thuật mang tính khái quát. Chăn sui dĩ nhiên chưa thể chống lại được cái rét thấu xương nơi núi rừng, nhưng trên thực tế, nó đã sưởi ấm được hồn người, đã gắn kết được tình người, cũng như củ sắn dù chưa đủ no lòng nhưng vẫn có thể làm dịu đi những cơn đói rất thật bằng hương vị tinh thần ngọt bùi của nó.

-     Nhắc tới những khó khăn mà mình đã trải, người ra đi càng thương sự vất vả của đồng bào Việt Bắc. Có cái gì thật ám ảnh, thật day dứt trong hình ảnh tấm lưng trần của người mẹ vùng cao:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

-     Vẫn tiếp tục nói về một thời gian khổ nhưng các câu thơ sau lại nghiêng về nhấn mạnh tinh thần lạc quan của những người kháng chiến:

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đòi vẫn ca vang núi đèo.

Các câu thơ trên đã đưa ra được những chi tiết khá điển hình về đời sống chiến khu: có cơ quan, có lớp học, có tiếng đọc bài, có tiếng hát "khai hội", có ánh đuốc bập bùng cháy giữa đồng khuya... Tinh thần "trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi" quả đã thấm sâu vào nhận thức của mỗi người, chi phối cách tổ chức cuộc sống cũng như trạng thái tinh thần phấn chấn của họ. Nhưng điều đáng nói hơn là ta đọc thấy sau các câu thơ ấy một tâm trạng nôn nao khó tả. Hai từ nhớ sao được dùng lặp đi lặp lại trong đoạn thơ cho thấy người đi đang thực sự sống trong nỗi nhớ chứ không phải chỉ làm cái việc kể chuyện khách quan đơn thuần. Ta có cảm tưởng người đi đang muốn kêu lên những nỗi niềm dồn chứa trong lòng.

-     Đợt sóng thứ nhất của cảm xúc dần lắng xuống theo âm ba của những thứ tiếng có tính đặc trưng của núi rừng Việt Bắc:

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa...

Ai đã từng sống ở miền núi hẳn đều thừa nhận rằng tiếng mõ trâu lúc chiều về và tiếng chày giã gạo thậm thình bên suối trong đêm khuya vắng là những tiếng động có một cái gì đó thật khó tả, khó quên. Chúng vừa thân thuộc lại vừa hoang dại, vừa gần gũi bên tai lại vừa như vọng về từ một cõi nào xa lơ xa lắc. Câu thơ cuối đoạn có âm hưởng thật hay với sự luân phiên đều đặn của những thanh bổng, thanh trầm. Đọc nó lên, ta tưởng nghe được bên tai một dạ khúc tha thiết.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0