Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 14
Nói nhớ một vùng đất thì trung tâm của nỗi nhớ đó chắc hẳn phải là con người. Với nhà thơ, con người đó là “em". Mới nói tới em, nỗi nhớ đã mang một sắc thái nôn nao rất đặc biệt. Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét là một câu thơ đa nghĩa. Ta có thể hiểu: chuyện anh nhớ em thì cũng tự nhiên như là ...
Nói nhớ một vùng đất thì trung tâm của nỗi nhớ đó chắc hẳn phải là con người. Với nhà thơ, con người đó là “em". Mới nói tới em, nỗi nhớ đã mang một sắc thái nôn nao rất đặc biệt. Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét là một câu thơ đa nghĩa. Ta có thể hiểu: chuyện anh nhớ em thì cũng tự nhiên như là chuyện mùa đông thì có rét, như là mùa đông đến thì nhớ rét, thì nghĩ về cái rét. Nhưng sự thực, chủ thể của động từ “nhớ” thứ hai rất khó xác định, chính vì vậy, ta có cảm tưởng cả đất trời, cả mùa, ...
Câu 1.
Bình về hai câu thơ Ngư ca tam xướng vu hồ khoát / Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao của Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh viết:
Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra; chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trong bầu trời được đẩy cao hơn. Hồ rộng thêm vì làndân ca toả ra trên mặt nước, lan dần ra, man mác, vô biên. Trăng vọt lên cao hơn vì tiếng sáp vút thẳng trong bầu trời, không biết dừng lại ở đâu. Tả lời hát, tả tiếng sáo, đồng thời tả cảm giác của người ta khi nghe ca, nghe nhạc, ý tứ thật là hàm súc sâu xa. Không gian rộng thêm ra, cao thêm lên mà chính cũng là tâm hồn con người mở rộng ra, lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải năng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế.
(Đinh Gia Khánh, Văn học Việt Nam thế kỉX đến nửa đầu thế kí XVIII, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1978, tr. 353)
1. Trong đoạn văn trên có phần diễn xuôi các câu thơ, có phần bình về chúng. Anh (chị) hãy xác định ranh giới giữa hai phần đó.
2. Ở đoạn văn trên, tác giả nhấn mạnh điểm đặc sắc gì của các câu thơ?
3. Tác giả đã chọn hình thức lập luận nào khi triển khai đoạn văn này? Nêu những dấu hiệu giúp anh (chị) nhận ra điều đó.
4. Anh (chị) hiểu thế nào về vấn đề: Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn.
Câu 2.
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) vói nhan đề: Những đèn đỏ trên đường đời.
Câu 3.
Trong bài thơ Tiếng hát con tàu có đoạn:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 144 - 145)
Hãy phát biểu điều anh (chị) cảm nhận được về vẻ đẹp của tấm lòng gắn bó với đất nước và nét độc đáo của phong cách thơ Chế Lan Viên thể hiện qua đoạn thơ trên.
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Phần diễn xuôi các câu thơ nằm gọn trong câu thứ nhất của đoạn văn. Phần bình bắt đầu từ câu: “Hồ rộng thêm...” đến hết.
2. Điểm đặc sắc được tác giả đoạn văn nhấn mạnh: các câu thơ không chỉ tả khung cảnh, sự vật mà còn thể hiện được cảm giác, cái nhìn của con người khi đứng trước khung cảnh, sự vật đó.
3. Khi triển khai đoạn văn này, hình thức lập luận được lựa chọn là hình thức quy nạp. Tất cả những lời bình đều nhằm đến một kết luận được phát biểu ở câu cuối cùng: “Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế”.
4. “Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn” - luận điểm này đề cập đến một số chức năng cơ bản của văn học: chức năng bồi đắp tâm hồn con người, giáo dục, định hướng về lối sống. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của văn nghệ, do văn nghệ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng và là tiếng nói của tình cảm. Nhờ vậy, những điều muốn nói của văn nghệ dễ dàng lan thấm vào tâm hồn độc giả, gây nên những rung động thấm thìa.
Câu 2.
Phải hiểu ý nghĩa của biểu tượng đèn đỏ trên đường đời, từ đó, người viết có thể trình bày được chủ kiến của mình trước vấn đề được nêu trong câu hỏi và rút ra được bài học cho bản thân.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Trên những con đường giao thông thời hiện đại, ở các ngã tư, ta thường gặp những đèn xanh, đèn đỏ. Đèn xanh báo hiệu được đi, đèn đỏ yêu cầu dừng lại. Thử hình dung, ở những nút giao thông quan trọng, nếu không có sự “điều hành” của những ngọn đèn màu ấy, điều gì sẽ xảy ra? Hẳn là, mạnh ai nấy đi, bất chấp luật lệ, gây ùn tắc giao thông và nghiêm trọng hơn là rất dễ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
- Có thể hình dung cuộc sống cũng như một dòng chảy bất tận, như một đại lộ không có điểm cuối. Cái “đại lộ cuộc đời” đó được tạo nên bởi vô số “con đường” gắn với mỗi đời người, mỗi số phận. Trên những con đường ấy, thỉnh thoảng có những “đèn đỏ” yêu cầu người đi phải biết dừng lại.
- Trên đường đời có vô số đèn đỏ. Có loại đèn đỏ do nhà nước đặt ra. Ấy là những điều cấm đoán, công dân không được làm, nếu làm là vi phạm, phải bị xử phạt bằng những hình thức khác nhau tuỳ theo sự vi phạm nặng hay nhẹ. Trên thế giới, có nước nào dung thứ nạn buôn bán ma tuý, nạn trộm cắp, xâm hại thân thể và quyền lợi người khác? Có nước nào dung thứ cho tội phản quốc, tội tiết lộ bí mật quốc gia? Để cấm đoán những hành động bất lương, nước nào cũng có hệ thống luật pháp của mình. Những điều cấm đối với công dân được quy định chặt chẽ trong các bộ luật tiến bộ thực sự là những ngọn đèn đỏ tích cực. Không ai có quyền đứng ngoài luật lệ. Nhờ đó mà an ninh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, cần thấy rằng, một số điều cấm đoán không phải bao giờ cũng họp lí. Xã hội văn minh thường biết điều chỉnh, loại bỏ những điều luật không chính đáng, đảm bảo cho quyền lợi của công dân và cho sự phát triển của cuộc sống.
- Có loại đèn đỏ được đặt trên mỗi con đường riêng gắn với từng cá thể. Loại đèn đỏ này không tạo nên bởi luật pháp của nhà nước, mà bởi những điều luật tối thượng của lương tâm. Bằng lương tâm, mỗi người phải tự nhận thức được những điều không nên làm, không được làm. Chẳng lẽ gian lận trong học tập, thi cử là không ảnh hưởng đến quyền lợi người khác? Chẳng lẽ sống vô cảm với mọi người, kể cả người thân là quyền của cá nhân? Chẳng lẽ sống hẹp hòi ích kỉ, bất chấp tất cả, miễn sao thoả mãn dục vọng của mình lại là điều chính đáng? Chẳng lẽ tham quyền cố vị vì lợi lộc riêng của bản thân là điều không đáng lên án? Rõ ràng, phía trước mỗi bước ngoặt hiểm nguy đều có những ngọn đèn đỏ vô hình cảnh báo. Ở đây không có sự bắt buộc, cưỡng chế của xã hội, mà mỗi người phải biết tự giác để tuân thủ những luật lệ của lương tâm. Biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ, ấy là dấu hiệu của nhân cách, ngược lại, nếu bất chấp, ấy là biểu hiện của sự tha hoá.
Câu 3.
Yêu cầu của câu hỏi khá đơn giản và sáng rõ. Tuy nhiên, cái khó lại nằm ở chỗ làm sao “đi qua” được những “ngón” kĩ thuật ngôn từ mà tác giả đã sử dụng để lĩnh hội thấu triệt các thông điệp tình cảm - triết lí của đoạn thơ. Nên chia tách đoạn thơ thành từng đơn vị nhỏ, có thể là hai câu một, để hình thành ý cho bài viết. Việc vận dụng các tri thức khoa học để giải thích một số câu thơ như Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng cần được tiến hành một cách thận trọng, nếu không bài viết dễ đi xa vấn đề với những bàn luận, suy diễn chưa chắc đã phù hợp. Nhằm nhận ra phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên, có thể so sánh đoạn thơ này với một số đoạn thơ khác đều cùng thể hiện nỗi nhớ về một vùng đất nào đó của các tác giả như Tố Hữu (với Việt Bắc), Quang Dũng (với Tây Tiến)...
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa (1960) là một bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Chế Lan Viên: giàu tính triết lí, giàu hình ảnh và biểu tượng. Bài thơ thể hiện rất tài hoa niềm hăm hở, mê say của nhà thơ trên hành trình về với nhân dân, về với cội nguồn sáng tạo - một thứ cảm xúc rất mới, được nhóm lên sau biết bao trải nghiệm của cuộc đời. Như tiếng hát chân thành, bài thơ lôi cuốn, hấp dẫn từ câu đầu đến câu cuối, trong đó đoạn thơ từ câu Nhớ bản sương giăng... đến câu Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương có thể xem là đoạn thơ hay nhất của bài thơ.
- Đoạn thơ nhắc đến những kỉ niệm về một mảnh đất vừa cụ thể, vừa mang tính biểu tượng là Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đấy là thời kì nhà thơ được sống hoà mình với nhân dân và lần đầu tiên thấm thìa ý nghĩa của một cuộc đời gắn bó với dân tộc, với Tổ quốc. Tiếp theo những khổ thơ nêu lên các sự việc và chi tiết cụ thể về "người anh du kích”, “thằng em liên lạc”, bà mế chiến sĩ... với nỗi hàm ơn sâu xa, đến đoạn thơ này, nhà thơ đi vào phát biểu những khái quát mang tính triết lí.
- Đầu tiên, nhà thơ nêu lên một câu hỏi có màu sắc tự vấn, tự nhắc nhở: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ / Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thưong?. Đây là hỏi để mà khẳng định: không thể quên được bất cứ vùng đất nào mình đã qua, đã ở. Tác giả không dùng hình thức diễn đạt thông thường, kiểu như: Nơi nao qua, lòng cũng thấy yêu thương, chính vì thế, câu thơ gây ấn tượng mạnh hơn, nói lên tính chất hiển nhiên của nỗi nhớ, không có gì đáng phải ngờ vực. Đồng thời với sự khẳng định đó, nhà thơ, bằng ý thức trách nhiệm cao, tự đưa mình vào thế bị ràng buộc. Đây là một sự chuyển biến mới trong tư duy nghệ thuật của nhà thi sĩ lãng mạn vốn chỉ biết đến sự tự do cá nhân và nghĩ rằng mình đến đâu, đi đâu, nhớ hay quên gì là hoàn toàn mặc ý.
- Hai câu tiếp theo thật cô đúc nhưng cũng gây bất ngờ vì một cách nói nghe có vẻ trùng lặp: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn!. Thực ra, sự trùng lặp ấy đầy tính nghệ thuật. Nó đập mạnh vào tri giác của độc giả, buộc ta phải chú ý để nhận ra một vấn đề có tính quy luật vừa được nêu lên. Đó là, thời gian và khoảng cách thường giúp con người nhận thức được sâu sắc hơn về bản chất của sự việc đã xảy ra. Khi đã rời xa mảnh đất mình từng ở, ta mói cảm nhận được hết chiều sâu của tình cảm mà mình đã dành cho nó, mặt khác, mới hiểu hết “trọng lượng” của những kỉ niệm mà miền đất ấy đã chất lên hành trang tinh thần - nghệ thuật của mình. “Đất ở” thôi là “đất ở” vô tri để “hoá tâm hồn”, thôi là một vị trí địa lí thuần tuý để trở thành giá trị tinh thần lớn lao, cao cả. Nhà thơ đã không phóng đại chút nào khi viết những dòng thơ trên, bởi quả thực bất cứ miền đất kháng chiến nào (như Tây Bắc chẳng hạn) cũng vẫn còn lưu giữ bao kỉ niệm khó quên. Nó vẫn còn gợi nhớ một thời Gian nan, đời vẫn ca vang núi đèo, một thời Các anh về mái ấm nhà vui, một thời Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son... Nói tóm lại, nó đã trở thành máu thịt của đời ta, khiến ta không thể không yêu thương, không thể không bồi hồi xúc động khi lật giở từng trang kí ức cho hình ảnh xa xôi của “bản sương giăng”, “đèo mây phủ” hiện về.
- Nói nhớ một vùng đất thì trung tâm của nỗi nhớ đó chắc hẳn phải là con người. Với nhà thơ, con người đó là “em". Mới nói tới em, nỗi nhớ đã mang một sắc thái nôn nao rất đặc biệt. Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét là một câu thơ đa nghĩa. Ta có thể hiểu: chuyện anh nhớ em thì cũng tự nhiên như là chuyện mùa đông thì có rét, như là mùa đông đến thì nhớ rét, thì nghĩ về cái rét. Nhưng sự thực, chủ thể của động từ “nhớ” thứ hai rất khó xác định, chính vì vậy, ta có cảm tưởng cả đất trời, cả mùa, cả thời tiết cũng đang sống trong nỗi niềm thương nhớ.
- Trong hai câu tiếp, tác giả đã sử dụng những hình ảnh rất đắt để nêu bật bản chất của tình yêu: tình yêu “như cánh kiến hoa vàng”, tình yêu như xuân đến với “chim rừng lông trở biếc”. Anh với em yêu nhau keo sơn, bền chặt (ý này xuất hiện khi ta nghĩ tới đặc tính của cánh kiến) và tình yêu ấy có sức cải hoá kì diệu, làm cho mọi vật đẹp hơn, xôn xao hơn, rực rỡ và “biếc” hơn. Quan trọng hơn cả, nó làm cho “đất lạ hoá quê hương”, làm cho nơi chốn xa xôi cũng trở nên gần gũi, thân thiết với lòng mình. Các hình ảnh ở khổ thơ này đưa lại những thông tin “kép”. Chúng vừa như sự hình tượng hoá những mệnh đề triết lí, lại vừa như những hình ảnh có vẻ đẹp tự thân, tác động mạnh vào thị giác. Bỏ những từ chỉ màu sắc như “vàng” và “biếc” đi, ý thơ tưởng như vẫn được giữ nguyên, kì thực, không khí huyền nhiệm, kì ảo của khổ thơ sẽ bị bay biến hết. Như vậy, thêm một lần nữa, một câu thơ cô đúc như châm ngôn, kết tụ bao nhiêu chiêm nghiệm sâu sắc được nói ra hết sức tự nhiên, không hề lên gân, không hề cố ý, gắng gượng. Đây cũng là đặc điểm chung của sự triết lí trong toàn đoạn thơ. Nó thấm đẫm tình cảm, chứa đựng niềm xúc động lớn lao, do vậy có sức lay thức đời sống tâm hồn của chúng ta một cách mạnh mẽ.
- Cả đoạn thơ nói lên nỗi nhớ của nhà thơ đối với những vùng đất vốn không phải là quê hương nhưng nhờ vô vàn kỉ niệm kháng chiến mà trở thành tâm hồn, máu thịt. Chữ “tình yêu” trong câu Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương đã được dùng với nghĩa rộng, khác với chữ đó trong câu Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng. Với sự mở rộng nghĩa như thế, tác giả đã gửi gắm vào đoạn thơ ý nguyện thiết tha muốn bằng một tình yêu mới, lớn lao, ôm lấy cả mọi miền đất nước. Đây cũng là một biểu hiện của tâm niệm tìm về với nhân dân, tìm về với “chân trời tất cả” từ “chân trời một người” cô đơn, lẻ loi khi xưa.
- Con tàu của Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu là con tàu hăm hở tìm về với nhân dân, tìm về với cuộc đời rộng lớn. Động lực của nó, nguồn năng lượng của nó không có gì khác hơn là tình yêu, tình cảm gắn bó với đất nước. Điều này đã được nói một cách thật tài hoa trong đoạn thơ mà ta vừa chia sẻ cùng nó những xúc cảm và suy nghĩ.