Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 35
Thực chất, cơ hội không hoàn toàn là vận may. Nó vốn là điểm hội tụ của những điều kiện thuận lợi, nhưng những điều kiện ấy chỉ nảy sinh nhờ quá trình tương tác tích cực giữa con người và công việc, giữa con người và đối tượng. Người hành động năng nổ dường như biết cơ hội nằm ở đâu và họ nỗ lực ...
Thực chất, cơ hội không hoàn toàn là vận may. Nó vốn là điểm hội tụ của những điều kiện thuận lợi, nhưng những điều kiện ấy chỉ nảy sinh nhờ quá trình tương tác tích cực giữa con người và công việc, giữa con người và đối tượng. Người hành động năng nổ dường như biết cơ hội nằm ở đâu và họ nỗ lực làm cho nó lộ diện. Từ đó, cũng chính họ là người sẽ nắm bắt cơ hội nhạy bén nhất và sử dụng nó có hiệu quả nhất. Rõ ràng, họ đã có một quan niệm khác về cơ hội so với quan niệm đã nói ở trên. Nhìn từ ...
Câu 1.
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Nhân vật văn học là hình tượng con người (có thể là loài vật hay cây cỏ... được nhân cách hoá) được miêu tả trong văn bản văn học. Nhân vật thường có tên tuổi, lai lịch, ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ, tình cảm... Mỗi nhân vật còn có mối quan hệ với những nhân vật khác và thường được bộc lộ qua diễn biến của cốt truyện. Trong mỗi tác phẩm có thể có nhiều loại nhân vật. Tuỳ theo vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhân vật trong tác phẩm, người ta chia ra nhân vật chính và nhân vật phụ. Mỗi nhân vật chính đều gắn liền với một số sự việc cơ bản của cốt truyện.
1. Cần hiểu thế nào về khái niệm “hình tượng con người” trong văn học?
2. Với cách giải thích trong đoạn văn trên, theo anh (chị), chú Dế Mèn (trong truyện Dê Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài) con hổ (trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ), con chó Vàng (trong truyện ngắn Lão Hạc, của Nam Cao), trường hợp nào là nhân vật, trường hợp nào không phải nhân vật? Vì sao?
3. Với cách giải thích ở đoạn văn trên, trong các nhân vật sau đây, nhân vật nào là nhân vật chính, nhân vật nào là nhân vật phụ?
- Thuý Kiều, Thuý Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến (các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du).
- Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức, Đội Tảo, Tự Lãng, thị Nở, bá Kiến, lí Cường (các nhân vật trong Chí Phèo của Nam Cao).
Câu 2.
Trong sách Bill Gates: 11 lời khuyên cho học sinh, sinh viên (Dương Mạnh biên soạn, NXB Thế giới, 2006) có mục: Kẻ ngu chờ cơ hội, người thông minh sáng tạo cơ hội.
Viết một bài văn (khoảng 600 từ) phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về những điều được gợi mở từ đề mục sách nói trên.
Câu 3.
Những đặc sắc về nghệ thuật của truyện Chí Phèo (Nam Cao) trong cảm nhận của anh (chị).
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Khái niệm hình tượng con người trong văn học cần được hiểu là dáng nét, tính cách, số phận con người... được miêu tả, phản ánh bằng các phương tiện riêng của văn học. Không thể đồng nhất hình tượng con người với con người có thực ngoài đời, vì nó đã được nhào nặn bởi nhà văn, thể hiện lí tưởng thẩm mĩ, lí tưởng xã hội riêng của nhà văn. Nhìn chung, hình tượng con người tồn tại trong tác phẩm văn học như một kí hiệu, giúp nhà văn gửi đến độc giả một thông điệp nào đó.
2. Trong ba trường hợp nêu trên, con chó Vàng (trong Lão Hạc của Nam Cao) không phải là nhân vật. Tuy là đối tượng được miêu tả, nhắc đến, được nhân vật lão Hạc gọi là “cậu Vàng” nhưng nó không có đời sống riêng, khác biệt hoàn toàn với các nhân vật còn lại của tác phẩm. .
3. - Trong số các nhân vật trong Truyện Kiều đã kể, chỉ có Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là nhân vật chính; các nhân vật còn lại là nhân vật phụ.
- Trong số các nhân vật của tác phẩm Chí Phèo đã nêu trên, Chí Phèo, thị Nở, bá Kiến là nhân vật chính; các nhân vật còn lại là nhân vật phụ.
Câu 2.
Lời khuyên được dẫn trong câu hỏi tuy có hình thức diễn đạt hơi cực đoan nhưng nội dung rất nghiêm túc, bàn về thái độ cần có của mỗi người đối với cơ hội. Người viết phải hiểu rõ thế nào là chờ cơ hội và thế nào là sáng tạo cơ hội, đồng thời phải thể hiện được quan điểm của mình trước hai thái độ khác nhau đó.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Trong lời khuyên này, cơ hội là khái niệm chỉ dịp thuận lợi hay điều kiện may mắn có thể giúp ta thực hiện được một cách thành công điều đã dự định. Cơ hội, do vậy, là cái mà người hành động nào cũng mong có, mong được nắm bắt. Việc từ chối cơ hội, nếu đích thực đó là cơ hội, thường để lại hậu quả tiêu cực, có thể khiến sau này người ta phải tiếc nuối.
- Nhưng cơ hội là thứ hiếm gặp, có khi chẳng bao giờ ta được gặp. Nếu chỉ biết trông chờ cơ hội, rất có thể ta sẽ trở thành một kẻ thất bại với tiến độ công việc ì ạch, kết quả công việc dở dang. Lúc đó, ta có thể bị đánh giá là một “kẻ ngu”, hiểu theo nghĩa là một kẻ thụ động, thiếu sáng kiến. Trong trường hợp này, cơ hội hoàn toàn được hiểu như vận may trời cho hay như một món quà tặng ngẫu nhiên từ đâu đó.
- Thực chất, cơ hội không hoàn toàn là vận may. Nó vốn là điểm hội tụ của những điều kiện thuận lợi, nhưng những điều kiện ấy chỉ nảy sinh nhờ quá trình tương tác tích cực giữa con người và công việc, giữa con người và đối tượng. Người hành động năng nổ dường như biết cơ hội nằm ở đâu và họ nỗ lực làm cho nó lộ diện. Từ đó, cũng chính họ là người sẽ nắm bắt cơ hội nhạy bén nhất và sử dụng nó có hiệu quả nhất. Rõ ràng, họ đã có một quan niệm khác về cơ hội so với quan niệm đã nói ở trên. Nhìn từ phía khách quan, ta có thể đánh giá họ là người tạo ra cơ hội, cũng là người thông minh.
- Cuộc sống hiện nay đang đặt ta trước nhiều thách thức. Nhiều người chỉ biết than vãn mình không có cơ hội: cơ hội được học trường mong muốn, cơ hội du học, cơ hội tìm việc làm, cơ hội phấn đấu tại các đơn vị công tác... Không phải mọi lời than đều phi lí, nhưng ta nghĩ như thế nào khi có rất nhiều người ở hoàn cảnh giống ta, thậm chí tệ hơn ta, vẫn tìm thấy, vẫn sở hữu được điều chính ta cũng mong muốn mà không đạt tới? Thì ra, trở lực nằm chính trong ta. Ta đã không biết tạo ra cơ hội, đã là người không thông minh, nói nặng hơn là “kẻ ngu”. Nếu ta biết chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để chững chạc bước vào đời, để đảm đương công việc, như chuẩn bị về tri thức, vốn ngoại ngữ, về khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm và hàng loạt kĩ năng mềm khác, đâu phải trước ta chỉ có những bức tường! Thậm chí, ta phải rèn luyện cho mình có khả năng đục thủng, phá vỡ bất cứ bức tường nào! Sáng tạo ra cơ hội chính là ở chỗ đó.
- Có nhiều tiêu chí để phân biệt “kẻ ngu” với “người thông minh”. Từ góc độ của một người hành động và hành động cực kì có hiệu quả, Bill Gates đề xuất tiêu chí "sáng tạo cơ hội”. Đây rõ ràng là một tiêu chí quan trọng, phù hợp với tính chất của thời đại ngày nay và được nhiều tầng lớp xã hội hưởng ứng.
- Xét rộng ra, lời khuyên của Bill Gates không chỉ có ý nghĩa đối với quá trình phấn đấu của từng cá nhân mà còn có ý nghĩa chung đối với sự vận động của một xã hội. Xã hội muốn phát triển thì toàn bộ những con người của xã hội đó cũng phải biết chủ động tạo ra những thời cơ để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Câu 3.
Giải quyết câu hỏi này, người viết phải nắm được những phương diện của nghệ thuật tự sự: xây dựng cốt truyện, khắc hoạ nhân vật, kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ... Phân tích các mặt đó trong truyện Chí Phèo để làm nổi bật những thành công xuất sắc của tác phẩm. Tuy câu hỏi chỉ yêu cầu làm rõ những đặc sắc về nghệ thuật, nhưng trong quá trình phân tích, phải luôn thấy được mối quan hệ giữa hình thức và nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Trong di sản văn học mà Nam Cao để lại, Chí Phèo là một tác phẩm có vị trí đặc biệt. Có thể nói, đó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao và cũng là một thành tựu lớn của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện cái nhìn xoáy sâu vào hiện thực, trong đó, tâm điểm là sự tha hoá của người nông dân dưới áp lực của một cuộc sống phi nhân; là những mâu thuẫn gay gắt trong thực tại; là khát vọng được sống, được làm người của những kẻ dưới đáy xã hội... Chủ nghĩa nhân đạo độc đáo của Nam Cao cũng được biểu hiện sắc nét nhất ở tác phẩm này. Những giá trị ấy gắn chặt với nghệ thuật tự sự hết sức già dặn của tác giả.
- Truyện Chí Phèo hấp dẫn người đọc trước hết ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Đó là một cốt truyện giàu kịch tính, gay cấn, nhiều mâu thuẫn, xung đột và sự bất ngờ của các tình huống. Một Chí Phèo hiền lành, lương thiện bỗng trở thành một con quỷ dữ, tác oai tác quái trong cộng đồng; một kẻ đang ở đáy vực của sự tha hoá, biến chất, bỗng trỗi dậy khát vọng hoàn lương. Những bất ngờ đó được dẫn dắt một cách hợp lí bằng các chuỗi tình tiết, sự kiện trong cốt truyện. Truyện ngắn thường là những “nhát cắt” của cuộc sống, thường chỉ miêu tả nhân vật ở một khoảng thời gian tương đối ngắn. Nhưng Chí Phèo của Nam Cao lại là câu chuyện về một đời người - điều thường chỉ thấy ở những cuốn tiểu thuyết. Đây cũng là nét độc đáo trong cốt truyện của tác phẩm.
- Sự thành công vượt bậc của Nam Cao trong truyện Chí Phèo thể hiện rõ ở nghệ thuật khắc hoạ nhân vật. Dưới ngòi bút của ông, các nhân vật hiện lên vô cùng sinh động, thậm chí “thật hơn cả con người thật ngoài đời” như có người đã nói. Có được điều đó là bởi nhà văn đã cá biệt hoá nhân vật một cách tài tình. Cái ngoại hình gớm ghiếc cùng tiếng chửi của Chí Phèo sau khi ở tù về, cái mặt xấu ma chê quỷ hờn của thị Nở, cái cười kiểu Tào Tháo cũng như cái khôn róc đời và thói sợ vợ của bá Kiến... là những điều khiến ai đã một lần đọc truyện khó có thể quên. Mọi yếu tố từ lai lịch, ngoại hình, lời nói, hành động, đến tâm lí của nhân vật đều được Nam Cao miêu tả sắc nét, toát lên nhiều ý nghĩa sâu xa. Nam Cao đặc biệt có sở trường phân tích tâm lí nhân vật, nhất là những trạng thái dồn nén, căng thẳng, với những nghịch lí, những xung đột dữ dội. Miêu tả những diễn biến trong tâm lí Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở, ngòi bút Nam Cao đạt đến độ tinh tế hiếm có.
- Lối kể chuyện và nghệ thuật kết cấu của Nam Cao trong truyện Chí Phèo cũng gây được ấn tượng sâu sắc. Nam Cao thường vào chuyện tự nhiên, cứ y như độc giả đã được sống trong không khí của câu chuyện tự bao giờ. Cách dẫn dắt câu chuyện rất khéo léo, quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen vào nhau, phục vụ tối đa cho yêu cầu thể hiện số phận con người và thực tại đời sống. Viết Chí Phèo, Nam Cao chọn lối kết cấu vòng tròn và chính lối kết cấu ấy đã tạo được hiệu quả bất ngờ. Vào chuyện, ta gặp hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không, nơi Chí Phèo được người ta nhặt về; kết chuyện, cái lò gạch cũ lại hiện ra trong đầu óc thị Nở khi thị hốt hoảng nghĩ đến chuyện có con với Chí Phèo. Phải chảng, trong dự cảm của Nam Cao, cuộc sống không bao giờ hết "Chí Phèo”? Loại “Chí Phèo” ấy không nhất thiết phải là đứa con mang dòng máu Chí Phèo, do chính thị Nở đẻ ra.
- Truyện Chí Phèo còn lôi cuốn người đọc bởi ngôn ngữ và giọng điệu của nó. Nam Cao đã sử dụng một thứ ngôn ngữ rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Từ ngữ thông tục trở nên rất đắc dụng. Câu văn thường ngắn, đanh, đầy ắp thông tin. Thủ pháp vật hoá (dùng tính chất của loài vật để nói về con người) được sử dụng rất táo bạo. Lời kể chuyện mang màu sắc đa thanh, tức là cùng một lúc vang lên nhiều tiếng nói. Tương ứng với những điều đó, Nam Cao đã tạo nên một giọng điệu rất phong phú. Giọng lạnh lùng, tàn nhẫn pha giọng trữ tình, xót xa, làm nên một "tạng” văn độc đáo không lẫn vào đâu được.