Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 34
Tình huống truyện độc đáo: Sức hấp dẫn của Chiếc thuyền ngoài xa trước hết là ở tình huống truyện. Các tình huống đều là những biến cố bất ngờ, ngoài sự hình dung của các nhân vật. Chúng không chỉ làm cho câu chuyện thêm phần lôi cuốn, mà hơn thế, có tác dụng lay động mạnh mẽ tình cảm, nhận thức ...
Tình huống truyện độc đáo: Sức hấp dẫn của Chiếc thuyền ngoài xa trước hết là ở tình huống truyện. Các tình huống đều là những biến cố bất ngờ, ngoài sự hình dung của các nhân vật. Chúng không chỉ làm cho câu chuyện thêm phần lôi cuốn, mà hơn thế, có tác dụng lay động mạnh mẽ tình cảm, nhận thức của người đọc, khiến họ không thể bàng quan hoặc nhìn nhận một cách giản đơn về cuộc sống.
Câu 1.
Phê bình văn học là một bộ phận của văn học, có chức năng phẩm bình, đánh giá và lí giải các hiện tượng văn học như tác phẩm, tác giả, khuynh hướng, trào lưu văn học. Do đó, phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học. Phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những cảm thụ tinh tế, phong phú trước những giá trị văn chương; nhưng cái đích của phê bình văn học là phải đưa ra những nhận định đúng đắn về các hiện tượng văn học. Vì đối tượng của phê bình văn học là các sản phẩm nghệ thuật, nên phải có sự rung cảm với nghệ thuật thì mới đánh giá đúng được. Vìthế, mỗi bài phê bình văn học đích thực bao giờ cũng vừa là công trình khoa học, vừa có tính nghệ thuật nhất định. Trong diễn đạt, văn phê bình cũng cần kết hợp được cả hai yêu cầu: vừa chính xác, chặt chẽ, vừa giàu cảm xúc, hình ảnh.
(Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr. 108)
1. Dựa vào đoạn văn, hãy xác định đối tượng của phê bình văn học.
2. Anh (chị) hiểu thế nào về câu: “Phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học”
3. Theo những gì mà đoạn văn trên đề cập, một bài phê bình văn học có giá trị phải đạt được những yêu cầu nào?
4. Anh (chị) đã biết đến bài phê bình văn học nào có lối diễn đạt vừa chính xác, chặt chẽ, vừa giàu cảm xúc vừa có tính nghệ thuật?
Câu 2.
Hãy bắt đầu việc lớn từ những việc nhỏ.
Anh (chị) có đồng tình với quan điểm trên không? Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày ý kiến của mình.
Câu 3.
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một truyện ngắn thành công về nghệ thuật. Theo anh (chị), biểu hiện của những thành công đó là gì?
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Đối tượng của phê bình văn học, theo sự xác định của đoạn văn là các hiện tượng văn học như: tác phẩm, tác giả, khuynh hướng, trào lưu văn học.
2. Luận điểm cho rằng phê bình văn học “là sự tự nhận thức của văn học, thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học” đã khẳng định vị trí rất quan trọng của phê bình.
Nhờ phê bình với những thang chuẩn đánh giá chặt chẽ của nó, một nền văn học biết mình đang ở trình độ nào, đã đạt được những thành tựu gì và cần xác định con đường phía trước ra sao. Do vậy, trong sự phát triển của một nền văn học lớn luôn có phần đóng góp rất tích cực của phê bình.
3. Một bài phê bình văn học có giá trị - theo tác giả đoạn văn trên - phải là công trình khoa học đưa ra những nhận định đúng đắn về các hiện tượng văn học và phải thể hiện bằng lời văn giàu tính nghệ thuật.
4. Người viết có thể nêu tên những bài phê bình đã đọc trong SGK, trong các tài liệu tham khảo mà mình thích, chẳng hạn, bài Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh (Ngữ văn 11, tập hai).
Câu 2.
Câu hỏi chứa đựng hai khái niệm đối lập: việc lớn (hay đại sự) và việc nhỏ. Phải cố gắng lí giải được mối quan hệ giữa hai khái niệm cùng tồn tại trong mệnh đề này. Có thể không đồng tình với quan điểm đã nêu nhưng phải lập luận một cách thuyết phục.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Trong cuộc sống luôn xuất hiện những lời phát biểu to tát, những kế hoạch vĩ đại, những dự án lớn lao, tuy vậy, không phải mọi điều đều có thể được hiện thực hoá, đều đạt kết quả tốt đẹp. Vì sao? Hình như đã có một sự “trục trặc” giữa mong muốn quá độ và chương trình hành động cụ thể.
- Có việc lớn của cá nhân, có việc lớn của cả cộng đồng. Việc lớn thành công có thể làm biến đổi sâu sắc cuộc sống của chúng ta theo hướng tốt đẹp. Không ai không muốn việc lớn hoàn thành, nhưng làm thế nào đạt tới điều đó lại là một câu hỏi khó.
- Mọi kế hoạch đầy tham vọng nhưng có tính khả thi đều được xây dựng dựa trên sự tổng hoà của nhiều kế hoạch nhỏ, có quy mô vừa phải. Do vậy, việc thực hiện kế hoạch lớn kia không thể không đi qua khâu giải quyết những việc tưởng rất bình thường, thậm chí tầm thường. Bảo vệ “sức khoẻ” của trái đất - hành tinh xanh là đại sự liên quan tới toàn nhân loại. Nhưng đại sự này hoàn toàn có thể được bắt đầu từ việc hưởng ứng lời kêu gọi “một ngày không dùng bao nilon”. Chống HIV / AIDS là chiến dịch có quy mô toàn cầu. Chiến dịch này không hề coi nhẹ những việc ai cũng làm được như thu nhặt kim tiêm bị vứt bừa bãi, thực hiện cam kết không dùng ma tuý, thực hiện biện pháp an toàn trong quan hệ tình dục... Xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia hiển nhiên là đại sự của nhà nước. Muốn thực hiện được chúng, không thể bỏ qua việc giải phóng mặt bằng, việc di dời nhà dân, việc đền bù, mà những việc đó muốn thành công lại phải gắn với các cuộc đối thoại bình đẳng giữa công dân và chính quyền, tiến hành từ những đơn vị dân cư nhỏ nhất như làng, xóm, khối, phường...
- Thật ra, khái niệm việc nhỏ ở đây chỉ thuần tuý xác định quy mô của hoạt động. Đó là quy mô dễ thực hiện đối với bất kì ai. Còn ý nghĩa của nó thì không hề nhỏ vì mục đích hướng tới là thành công của đại sự. Đã từ lâu, chúng ta quen với câu nói: Việc nhỏ nghĩa lớn.
- Các cá nhân đều có thể có những kế hoạch lớn của đời mình: vào được đại học, tìm được việc làm, dựng được một cơ nghiệp đáng nể... Ai cũng biết những kế hoạch lớn hoàn toàn có thể trở thành không tưởng nếu chúng ta không tự biết phải bắt đầu bằng những việc cụ thể, ngay từ bây giờ.
Câu 3.
Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm có nội dung tư tưởng sâu sắc và có tìm tòi về nghệ thuật thể hiện. Tuy nhiên, câu hỏi này chỉ yêu cầu người viết nêu những thành công về nghệ thuật của tác phẩm. Để đáp ứng được yêu cầu, người viết phải nắm được các phương diện nghệ thuật của truyện ngắn, soi vào tác phẩm để đánh giá thoả đáng những ưu điểm nổi bật về hình thức nghệ thuật của nó.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Tính luận đề của tác phẩm: Trong di sản văn học của Nguyễn Minh Châu, Bức tranh và Chiếc thuyền ngoài xa là hai truyện ngắn tiêu biểu chứa đựng những suy tư của ông về nghệ thuật. Tuy mỗi truyện đề cập đến những vấn đề khác nhau, nhưng điều đáng nói là những luận đề nghệ thuật chứa đựng trong đó đã không làm suy giảm giá trị của tác phẩm. Sở dĩ như vậy là bởi tác giả không xem nhân vật, câu chuyện là cái cớ để ông phát biểu một cách lộ liễu những ý tưởng của mình. Ngược lại, những ý tưởng, những quan niệm nghệ thuật được gửi gắm một cách kín đáo thông qua số phận của những con người, những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, có khả năng bật mở những suy tư phong phú của người đọc.
-
Trong truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng ba tình huống giàu ý nghĩa. Tình huống thứ nhất: Phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt gặp cái đẹp bất ngờ ở một vùng biển miền Trung; tình huống thứ hai: Phùng được tận mắt chứng kiến cảnh bạo hành trong một gia đình làng chài ngay sau khi anh vừa trải qua khoảnh khắc tràn ngập hạnh phúc của sự sáng tạo; tình huống thứ ba: Phùng và Đẩu cùng chứng kiến thái độ của người đàn bà ở toà án huyện. Đó là kiểu tình huống nhận thức, nghĩa là qua các tình huống ấy, người đọc sẽ nhận thức sâu sắc hơn về con người và những vấn đề của nghệ thuật.
- Thay đổi điểm nhìn trần thuật. Trong nghệ thuật kể chuyện, Nguyễn Minh Châu luôn có ý thức đặt các nhân vật, các sự kiện dưới nhiều điểm nhìn khác nhau. Chẳng hạn, thói vũ phu của người chồng, nếu như dưới cái nhìn nghiêm khắc của Phùng và Đẩu là đáng lên án, dưới ánh mắt phẫn nộ của thằng Phác là đáng trừng trị, thì với người vợ - nạn nhân, đó là điều có thể thông cảm. Cũng vậy, nhìn một cách khách quan, theo lẽ thường, sự nhẫn nhục của người đàn bà là hết sức phi lí, nhưng nếu ta thử đặt mình vào cảnh ngộ của chị để tìm lối thoát, thì mới thấy sự thể không dễ dàng như ta vẫn tưởng.
- Lựa chọn nhân vật kể chuyện có chủ ý: Chiếc thuyền ngoài xa được kể bằng lời của một phóng viên nhiếp ảnh - một người làm nghệ thuật. Với kiểu trần thuật này, tác giả có điều kiện gửi gắm, phát biểu những quan niệm nghệ thuật của mình. Mặt khác, với lời kể của Phùng theo lối thấy gì kể nấy, tác giả muốn thể hiện sự khách quan trong tái hiện hiện thực đời sống cũng như trong cách bộc lộ thái độ đối với con người. Mọi sự lựa chọn ở đây, từ các đại từ nhân xưng dùng cho nhân vật, cách bộc lộ cảm xúc, cho đến những lời bình luận ngoại đề... đều có chủ ý. Chúng thể hiện một sự tiết chế tình cảm cần thiết trong trần thuật khách quan. Tuy nhiên, đằng sau những lời kể khách quan trầm tĩnh ấy, có thể nhận thấy nỗi day dứt của nhà văn trước thảm trạng đau khổ của con người. Ta chợt nhận thấy có nét tương đồng nào đấy trong cách biểu hiện cảm hứng nhân đạo giữa Nguyễn Minh Châu với Nam Cao ngày trước.