Bình Thuận - Chùa Đá Xưa
Cổ Thạch Tự có nghĩa là “chùa đá xưa”, còn có tên gọi mộc mạc dân dã là “chùa Hang”- một trong những danh thắng nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận và khu vực miền Nam. Ngự trong những hang động trên đồi núi thấp ở độ cao hơn 64m so với mặt biển, chùa ...
Theo vị sư Thích Quảng Đức trụ trì ở chùa đá xưa, dưới Triều Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XIX, thì chùa Hang thuộc Bình Thuận phủ, Tuy Phong huyện, Bình Thạnh thôn, nay là xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Chùa cách thị xã Phan Thiết 98km về phía Bắc, cách thị trấn Liên Hương 8km về phía Đông. Phía Đông Nam của chùa giáp với biển Đông, ba mặt còn lại là rừng núi và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp. Cổ Thạch Tự mang một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, gối đầu trên vùng đồi núi với hàng ngàn phiến đá và hang động muôn màu đa dạng vô cùng huyền bí. Nơi đây quanh năm chan hòa ánh nắng, khí hậu mát mẻ trong lành được chắt lọc bởi những luồng gió biển mặn mà, mát lạnh. Tất cả tạo nên một thiên cảnh trầm lặng lý tưởng cho việc tu hành của các nhà sư và trở thành điểm du lịch thú vị cho người phàm trần.
Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, Cổ Thạch Tự đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Ngoài việc đạo, bước đi của chùa còn gắn với việc đời, việc nước cùng với nhân dân góp phần giải phóng quê hương. Chùa Hang còn là điểm bí mật nuôi giấu cán bộ, trong đó có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ. “Hang âm phủ” ở phía sau Lầu Trống (nay đã lấp kín), chính là con đường độc đạo ngầm sâu trong lòng đất có lối ra tận bờ biển đã giúp cho nhiều cán bộ cách mạng thoát khỏi nhiều trận càn quét, bắn phá của giặc trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến.
Gần 170 năm đã trôi qua, Cổ Thạch Tự từ một thảo am nhỏ đã được tôn tạo theo thời gian và mở rộng thêm một số công trình phụ cảnh để phục vụ cư dân bản địa và khách du lịch. Vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có của chùa từ lâu đã trở nên nổi tiếng được nhiều người khắp nơi biết đến, khách du lịch thường xuyên hành hương về chùa viếng Phật và tham quan.
Về phía Tây Nam của chùa có một eo biển khá rộng, với bãi cát vàng rực là bãi tắm hoang sơ lý tưởng thứ hai. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa - xưa lắm, vào những đêm trăng rằm, tại nơi bãi tắm hoang vu này đã từng có nhiều Tiên nga xuống trần tắm gội, nô đùa. Sau đó, các nàng tiên ấy bay đến cái giếng Tiên có hình dấu chân người ở phía dưới chân chùa Cổ Thạch uống nước, ca hát . Đến gần sáng, các nàng Tiên lại bay trở về trời.