13/01/2018, 10:51

Bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – Văn hay lớp 7

Bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – Văn hay lớp 7 Bình luận câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Bình Hưởng thụ và cống hiến là hai vấn đề được mọi người quan tâm nhất trong xã hội hiện nay. Ta ...

Bình luận câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – Văn hay lớp 7

Bình luận câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Bình

Hưởng thụ và cống hiến là hai vấn đề được mọi người quan tâm nhất trong xã hội hiện nay. Ta cần phải lựa chọn cách sống như thế nào cho đúng? Đó là câu hỏi luôn đặt ra trong đời sống thanh niên chúng ta. Ta phải sông phục vụ cho mọi người hay sống và xử thế như quan niệm của người xưa:

Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”.

Chúng ta phải giải quyết và chọn cách xử thế ra sao cho phù hợp?

Câu tục ngữ là lời phê phán gián tiếp thái độ của những người khi đi ăn cỗ thì đến trước để được ăn trước. Họ muốn hưởng cái ngon trước người khác. Nhưng khi lội nước, những người đó lại đi sau mọi người để tránh nguy hiểm, đỡ nhọc nhằn. Mặt khác, câu tục ngữ còn mang ý nghĩa phê phán cách xử thế của con người trong cuộc sống. Đó là những người mà khi hưởng quyền lợi thì luôn đến nhanh nhất, trước nhất để giành phần hơn. Nhưng trước một nhiệm vụ khó khăn gian khổ thì họ chính là người tụt lại sau cùng. Câu tục ngữ đã nêu rõ cách xử thế trước hai vấn đề: hưởng thụ và cống hiến.

“ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” rõ ràng là lời phê phán chứ không phải lời răn dạy như những câu tục ngữ khác. Đó là lời mỉa mai, chỉ trích gián tiếp thái độ xử thế của những hạng người khôn ranh trong xã hội: hưởng thụ thì giành phần trước, còn đối với nhiệm vụ khó khăn thì nhụt chí, lùi bước. Lối sống đó cần phải được phê phán mạnh mẽ, vì đó là lối xử thế thể hiện sự khôn ngoan vặt, chỉ chăm lo tranh giành quyền lợi cho bản thân mình. Họ đã lấy cá nhân mình làm điểmxuất phát, không nghĩ gì đến người khác. Đó là những hạng người ích kỉ, tư cách hèn kém, đáng để cho chúng ta chỉ trích, phê phán. Đối với nhiệm vụ, vấn đề phải cống hiến thì họ là những con người hèn yếu. Trước những công việc khó khăn thì trốn tránh trách nhiệm, lùi bước, sự gian nan, sợ nguy hiểm. Họ đúng là loại người thấp kém:

“Ăn thì ăn những miếng ngon làm thì chọn việc cỏn con mà làm”.

Họ đã không biết hòa mình vào tập thể, không thực hiện chủ trương “mình vì mọi người”, đây là những con người chỉ đòi hưởng thụ và không biết cống hiến.

Hiện nay, đất nước ta đang từng bước khắc phục nền kinh tế khó khăn, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả mọi người dân phải đồng lòng, đồng sức, đoàn kết lao động để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đặt trường hợp nếu ai cũng giữ thái độ “lội nước theo sau” thì xã hội bao giờ mới tiến bộ, đất nước bao giờ mới vững mạnh, phát triển nền kinh tế và gia đình của mỗi người bao giờ mới ấm no, hạnh phúc? Những ai chọn cách xử thế trên là những kẻ ích kỉ, họ sẽ bị xã hội loại trừ.

Muốn xây dựng thái độ xử thế đúng đắn, bản thân chúng ta phải hiểu rằng mỗi người là một thành viên của tập thể, của xã hội. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm góp sức, góp công xây dựng một xã hội tốt đẹp. Bản thân mỗi người công dân phải hiểu và thực hiện theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa: “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đặc biệt, đối với những người là cán bộ,'đảng viên, đoàn viên, họ phải là những người luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu phục vụ nhân dân. Là người cán bộ lãnh đạo thì họ phải biết “lo trước thiền liạ, vui sau thiên hạ” chớ không thể nào “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” được.

Tóm lại, hai quan niệm “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” và “lo trước thiển hạ, vui sau thiền hạ” là hai quan niệm đôi lập nhau. Em hoàn toàn không tán thành lối sống ích kỉ trong câu tục ngữ. Chúng ta là người công dân, ta có quyền phê và tự phê, ta có quyền dân chủ. Vậy ta cần phải phê phán thái độ sống ích kỉ cá nhân, vụ lợi và xây dựng, ca ngợi lối sống đẹp, đầy ý nghĩa: sống vì mọi người, vì nhân dân, vì tổ quốc, luôn là người biết “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Bình luận câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" – Bài làm số 2

Từ xưa đến nay “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, như một kinh nghiệm ứng xử khôn khéo, biết lựa miếng ngon để ăn, việc nhàn hạ để làm. Đó chẳng qua là lối sống khôn vặt, chăm chăm hưởng lợi, đùn đẩy khó khăn cho người khác. Khi tới dự đám cưới, mừng tân gia hay phúng viếng chia buồn…thì nhanh chân đi trước, ấy là tránh cái việc phải ăn những mâm cỗ thừa, cỗ dồn. Không chỉ “ăn” mới đi trước để có được miếng ngon mà cái sự nhanh chân để hưởng lợi tồn tại với đủ hình, đủ vẻ. Nhiều vị thủ trưởng nhờ rò rỉ thông tin biết được mảnh đất nọ sắp được quy hoạch, giá nâng lên thì lập tức biến nó thành của riêng. Người dân khi bán đất xong mới vỡ lẽ bị “hớt tay trên”.

Hay cơ quan đang có đợt tuyển nhân viên, thế là các bậc cha mẹ vội vàng “đi trước”. Và việc thi tuyển chỉ còn là hình thức. Chọn việc dễ, dù mất mát tiền của, nhưng rõ ràng an toàn hơn so với “lội nước”. Còn khi phải đối diện với những việc không lường được nguy hiểm, thì cứ từ từ, chờ xem người đi trước, có qua được an toàn hay không, rồi mới “liệu cơm gắp mắm”. Trong cơ quan, xí nghiệp có nhiều vấn đề bức bối lắm. Mà giám đốc lại mới về, chẳng biết tính cách thế nào. Phản ánh tiêu cực, không may vị giám đốc mới kia là tuýp chỉ thích ngợi khen lại cho mình lắm chuyện. Thôi, cứ để anh nào có lá gan to. Họa anh ta chịu, mà nếu thấy được phúc thì lội theo sau cũng chưa muộn. Cứ thế, cấp trên ngại khó đẩy việc cho cấp dưới, cấp dưới lại ỷ lại. Có lần, đêm đã khuya, một người bạn cùng làm công an xã với bố tôi đến đập cửa. Theo lời chú, có vụ đánh lộn giữa thanh niên mấy thôn ở quán rượu, công an xã cần xuất hiện ngay để dẹp. Trong khi bố tôi hối hả chuẩn bị, thì chú ung dung ngồi rít thuốc lào, phả từng bụm khói vẻ khoan khoái. Và chú bảo bố tôi không việc gì phải vội, để cho “bọn nó” đến trước. Lát nữa chỉ cần bố tôi và chú đến lập biên bản, đợi chúng bớt men rượu rồi giải vài đứa về đồn là xong. Bây giờ lũ choai choai ấy đang say chẳng phân biệt ai với ai, léng phéng nó phang cho thì thiệt. Hoá ra, việc chú “xung phong” đến gọi bố tôi chỉ là nguỵ trang cho hình thức trốn tránh trách nhiệm. Sự khôn vặt nguy thay, được người lớn truyền lại cho trẻ em- những chủ nhân tương lai của đất nước. Khi lớp có lao động, hay một hoạt động ngoại khoá quét dọn đường phố, không ít bậc phụ huynh vì thương, vì xót mà bảo con đến muộn một chút, khi các bạn làm gần xong. Hay khi mấy đứa trẻ cùng phạm lỗi, thầy cô giáo hỏi, bạn nào đứng ra “tự thú” rồi, thì thôi. Dần dần, các em sinh thói ỷ lại, chỉ muốn đùn việc cho người khác. Bắt đầu từ việc nhỏ đến việc lớn hơn. Như thế, việc tránh khó, chọn dễ vẫn diễn ra từng ngày. Nó hình thành thói quen ứng xử ích kỷ, chỉ lo lắng cho bản thân, không mảy may để tâm đến lợi ích mọi người. Nếu tất cả công dân trong xã hội đều nấn ná, chờ người khác “lội” trước thì cái vũng nước kia bao giờ mới được lấp đi? Thời chiến, thanh niên nô nức tòng quân. Có người vì muốn ra chiến trường mà phải khai gian tuổi, trốn gia đình. Nếu ai cũng sợ đổ máu, không dám hi sinh thì làm sao có được cuộc sống hoà bình hôm nay? Nếu không có những con người chẳng ngại đổ mồ hôi, chẳng quản nắng mưa, dùng bàn tay khối óc đi mở đất thì làm sao những vùng đất giàu tiềm năng mới được khai phá? Mùa hè, màu áo tình nguyện của sinh viên lại phủ xanh khắp những mảnh đất xa xôi, còn nhiều khó khăn. Các cử nhân tương lai, đã tạm gác bỏ mấy tháng nghỉ ngơi để cùng bà con nông dân cuốc đất trồng rau, kèm cặp trẻ em không có điều kiện đến trường. Chấp nhận mọi thiếu thốn, khó khăn. Người Việt mình, không phải ai cũng “ăn trước thiên hạ, làm sau thiên hạ”. Vẫn còn rất nhiều người không ngại ngần trước bất cứ công việc gì, miễn đem lại ích lợi cho xã hội. Nhưng thói quen cứ thấy việc gì hưởng lợi cho bản thân mới làm, khó khăn thì tìm cách tránh né vẫn tồn tại. Nó đã trở thành căn bệnh trong cuộc sống thường nhật. Có thay đổi thói quen cố hữu ấy thì cuộc sống mới tốt lên được.

Bình luận câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" – Bài làm số 3

Trong xã hội có rất nhiều loại người. Bên cạnh những người tốt lấy lao động,cống hiến làm niềm vui,còn có không ít những kẻ chỉ biết thủ lợi cho riêng mình,khi hưởng thụ thì có mặt trước nhưng lúc khó khăn nguy hiểm thì tìm cách tránh né,đùn đẩy cho người khác.Lối sống cá nhân,ích kỉ ấy đã bị nhân dân ta phê phán qua câu tục ngữ: “Ăn cỗ đi trước,lội nước đi sau”.

Nghĩa tường minh của câu tục ngữ này tương đối dễ hiểu bởi nó nêu lên hai sự việc khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày.Thường thường,nếu được mời đi “ăn cỗ” (dự đám giỗ,đám tiệc,…),người đi trước (đến sớm) sẽ được chủ nhân mời ngồi chỗ tốt ở bàn trên,mâm trên,thức ăn đầy đủ,ngon lành.Ai chậm chân đến sau tất nhiên sẽ thiệt thòi hơn.Còn “lội nước” thì “đi sau” để còn biết nông sâu ra sao mà tránh,vì đi trước sẽ không lường được nguy hiểm.

Nhưng ý nghĩa câu tục ngữ này không dừng ở đó.Nó nêu lên quan điểm sống thực dụng của những kẻ tham lam và ích kỉ.Khi hưởng thụ,họ sẽ có mặt đầu tiên để tranh giành quyền lợi,vơ vét phần hơn về mình.Khi cảm thấy có sự bất trắc,không thuận lợi cho bản thân thì né tránh,nhất là lúc gian nan vất vả,hiểm nguy thì chẳng thấy họ đâu.

Đây là quan điểm sống của kẻ cơ hội.Họ chỉ giành thuận lợi về mình và đẩy khó khăm,vất vả,thậm chí hiểm nguy cho người khác.Đó là cách sống đi ngược với đạo lí dân tộc.Chúng ta thử suy ngẫm xem: nếu ai cũng như vậy thì cuộc sống sẽ ra sao? Xã hội loài người được phát triển như ngày nay là do công sức của bao thế hệ xây dựng,vun đắp.Những sản phẩm vật chất,tinh thần to lớn là kết quả của mồ hôi,nước mắt,thậm chí cả xương máu của nhiều người đổ xuống mới có được.Rõ ràng là chúng ta phải cống hiến trước rồi mới được quyền hưởng thụ.

Cách sống trên không phải là cách sống của con người chân chính.Nó chỉ là sự ranh mãnh,láu cá vặt của kẻ tiểu nhân.Nó dễ dàng đẩy người ta đến những hành vi tội lỗi,vô trách nhiệm,dối trá,lừa gạt…Những kẻ sống theo kiểu này khó có thể làm nên sự nghiệp lớn vì thiếu hẳn nền tảng đạo đức là tấm lòng nhân ái,dám hy sinh vì người khác.Trước sau thì cái bản chất cơ hội,ích kỉ của họ sẽ bộc lộ và họ sẽ bị dư luận lên án,bị mọi người xung quanh coi thường và xa lánh.

Vậy thì sống như thế nào là đúng đắn nhất?

Sinh thời,Bác Hồ đã nêu ra quan điểm sống: “Mình vì mọi người,mọi người vì mình”.Quan điểm này của Bác Hồ là sự kế thừa có sáng tạo quan điểm tiến bộ của Nguyễn Trãi – vị anh hùng dân tộc: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu,hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước mọi người,vui sau mọi người).Mình hãy cứ lo cống hiến cho quyền lợi chung trước đã thì mọi người tất sẽ quan tâm đến mình.Nếu ai cũng coi làm việc,cống hiến cho gia đình,xã hội là mục đích sống,là hạnh phúc của bản thân,biết gắn quyền lợi cá nhân cới quyền lợi cộng đồng thì lối sống ích kỉ,tiêu cực sẽ bị đẩy lùi và xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

“Ăn cỗ đi trước,lội nước đi sau” là quan điểm sống cá nhân ích kỉ,không thể chấp nhận được.Thái độ của nhân dân ta đối với cách sống này là phê phán và lên á.Trong hoàn cảnh đổi mới hiện nay,đất nước ta,nhân dân ta đang rất cần đến đội ngũ đông đảo những người dám nghĩ,dám làm,đi đầu trong mọi lĩnh vực khó khăn,gian khổ nhất.Đội ngũ ấy chính là lực lượng rường cột của đất nước – thế hệ thanh niên có đức có tài.Mỗi chúng ta hãy tự rèn luyện cho mình một quan điểm đúng đắn về cống hiến và hưởng thụ,một lí tưởng sống đẹp để trở thành người hữu ích cho xã hội.

Bình luận câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" – Bài làm số 4

Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Với mấy câu thơ trên, nhà thơ Tố Hữu nêu lên quan niệm của mình sống là cống hiến. Đông đảo thanh niên ta lâu nay đặc biệt là trong thời kì chống Mĩ cứu nước cũng đã dấy lên phong trào thi đua “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”.

Các anh đã xung phong gương mẫu sẵn sàng lao đến những điểm nóng gian khổ nhất, những công việc nặng nề khó khăn nhất và cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

 Lẽ sống cao đẹp này hoàn toàn trái ngược với câu tục ngữ quen thuộc: "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau".

Câu đó có giá trị như một lời khuyên nhủ răn dạy hay một lời phê phán thói khôn ranh thủ lợi.

Chúng ta hiểu và tiếp nhận câu tục ngữ này như thế nào?

Nghĩa đen của câu này là khi được mời đi ăn cỗ thì đi trước mọi người để dành lấy miếng ngon. Đến trước sẽ được ăn trước các món ăn nóng sốt và đầy đủ không lo ai tranh giành. Nhưng khi nào phải lội nước thì phải đi sau, những cái khó khăn, nguy hiểm lại cho người khác. Đi sau chắc chắn sẽ biết rõ chỗ cạn chỗ sâu, không khi nào phải sa xuống hố cả.

Ai cũng biết câu tục ngữ không bao giờ dừng lại ở nghĩa đen cả. Bởi vậy, ta dễ dàng nắm bắt ngay nghĩa bóng. Câu này ý nói khi hưởng quyền lợi thì tranh thu để đến nhanh nhất, trước nhất để khỏi mất phần nhưng trước khó khăn, gian khổ, nguy hiểm thì tụt lại sau nhường cho người khác làm trước.

Như thế câu tục ngữ này nói về vấn đề hưởng thụ và cống hiến. Cụ thể hơn câu này phản ánh và phê phán một cách sống khôn ranh, thực dụng xưa nay trong xã hội.

Điều chúng ta cần phải khẳng định là câu này chỉ đúng khi dùng với mục đích phê phán nhằm chê bai chỉ trích cái thói khôn vặt, láu cá, một lối sống thực dụng chỉ chăm chăm vào việc thủ lợi cho riêng mình.

Nhưng nếu được dùng làm một lời khuyên bảo, răn dạy về một cách sống thì câu này hoàn toàn sai trái. Chúng ta không sao chấp nhận được ý nghĩa đó. Vì sao? Ai cũng biết tục ngữ là túi khôn của cha ông ta, là lời hay, ý đẹp, cỏ lạ, hoa thơm tư tưởng từ ngàn xưa lắng đọng, đúc kết lại nhằm nêu ra những bài học có ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống ở đời, về đạo lí làm người, nhất định là không thể cổ vũ cho lối sống thấp hèn như thế. Do đó mà câu tục ngữ chỉ có mục đích phê phán.

Ai lại không tán thành thái độ phê phán cách sống Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau? Đó chính là lối xử thế của những người chỉ biết có quyền lợi cá nhân của mình nên sẵn sàng lấy đó làm xuất phát điểm để hành động. Không bao giờ họ chịu mở mắt ra, nới tầm suy nghĩ ra để nghĩ cho người khác, mở rộng lòng ra để quan tâm đến người khác. Họ là hạng người tự tư tự lợi, vị kỉ, hèn kém chỉ biết có hưởng thụ không hề nghĩ đến cống hiến, chỉ biết nhận chứ không biết cho. Trước một nhiệm vụ khó khăn, họ sẵn sàng lẩn tránh, không chút ý thức trách nhiệm nào cả. Đó là những kẻ Ăn thì ăn những miếng ngon. Làm thì chọn việc cỏn con mà làm, vì tôn thờ chủ nghĩa cá nhân nên họ cố vun vén, giành giật quyền lợi, bổng lộc về riêng cho mình. Số người ấy thời nào cũng có nhưng không nhiều bởi lẽ nếu xưa nay ai cũng ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau cả thì chúng ta làm sao có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Lối sống ranh ma, khôn vặt vừa phân tích trên hoàn toàn đối lập với đạo đức xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay. Sống trong xã hội mới này, chúng ta mỗi người đều là thành viên, nghĩa là đều có trách nhiệm phái đóng góp công sức để xây dựng cuộc sống xã hội mới ngày một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Với lẽ sống cao đẹp: Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người khi đời sống của xã hội được nâng cao lên thì đời sống mỗi cá nhân cũng được nâng cao.

Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ này, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải ra sức rèn luyện phấn đấu để có được một lối sống vị tha, cao đẹp, biết nhận nhưng cũng biết cho, biết hưởng thụ nhưng cũng sẵn sàng cống hiến. Là cán bộ, là đảng viên, là đoàn viên, hơn ai hết, chúng ta phải tâm niệm lời dạy của người xưa. Lo trước cái to của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ và sẵn sàng làm theo lời Bác dạy: Đảng viên đi trước, làng nước đi sau.

Tóm lại, hai quan niệm sống: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau và lo ít trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ đối lập nhau hoài toàn. Chúng ta không thể nào chấp nhận thái độ sống ích kỉ, cá nhân vụ lợi. Nói theo nhà thơ Thanh Hải, mỗi con người chúng ta phải là một mùa xuân nho nhỏ cống hiến sức lực và cuộc đời của mình để góp phần làm nên mùa xuân chung của đất nước, của toàn dân tộc.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ, hậu học văn – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới – Văn hay lớp 10
  • Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Giấy rách phải giữ lấy lề – Văn hay lớp 12
  • Nghị luận xã hội về câu nói: Lí tưởng là ngọn đèn soi sáng – Văn hay lớp 12
  • “Không thầy đó mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn” – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về vấn đề lý tưởng sống của thanh niên – Văn hay lớp 12
  • Bình luận câu tục ngữ “Ăn cây nào, rào cây nấy” – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về câu cổ ngữ: Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều – Văn hay lớp 12
0