04/06/2017, 00:34

Bình giảng bài Tương tư của Nguyễn Bính (Bài 2)

Tương tư (rút trong tập thơ Tâm hồn tôi) được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính. Khác với Lỡ bước sang ngang, Tương tư là tình yêu đơn phương của một chàng trai với những cung bậc cảm xúc khá phức tạp. Song liệu đó có đơn thuần chỉ là một bài thơ tình ...

Tương tư (rút trong tập thơ Tâm hồn tôi) được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính. Khác với Lỡ bước sang ngang, Tương tư là tình yêu đơn phương của một chàng trai với những cung bậc cảm xúc khá phức tạp. Song liệu đó có đơn thuần chỉ là một bài thơ tình yêu?

Xưa kia, Nguyễn Công Trứ cũng đã viết một bài thơ để nói cả nỗi niềm tương tư: ;
 
Tương tư không biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi có được nào?
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện;
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước.
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào,
Một nước một non, người một ngả,
Tương tư không biết cái làm sao?
 
Nguyên Bính thì chỉ mất có hai câu thơ để định nghĩa "căn bệnh" này
 
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 
Chỉ đơn giản vậy thôi, đó là "căn bệnh” trong tình yêu. Căm bệnh này không mới. Nó đã có từ lâu. Thế nhưng cách định nghĩa, cách nói lại ý mới.
 
Và đâu là nguyên nhân của bệnh tương tư này? Nguyễn Bính được giải thích rõ ngay từ đầu bài thơ:
 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
 
Thôn Đoài, thôn Đông là những địa danh phiếm chỉ thường xuất hiện trong ca dao dân ca. Thực chất, thôn Đoài ở đâu, thôn Đông ở chô nào không ai biết, cả tác giả cũng không xác định được. Vậy nên đó chỉ là cách nói phiếm chỉ, làm cho bài thơ có cái dáng dấp đồng quê mộc mạc mà thôi.
 
Cấu trúc câu thơ cân xứng, lặp lại:
 
"Một người chín nhớ mười mong một người".
 
"Một người" ở đầu câu, rồi lặp lại ở cuối câu tạo nên một nguyên do và biểu hiện rõ nét của bệnh tương tư Một tổ chức ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo và tuyệt khéo. Câu thành ngữ "chín nhớ mười mong" như một nhịp cầu bắc qua dòng nhớ giữa hai người. Nối liền người này đến người kia. Cấu trúc này tương tự với cấu trúc một bài ca dao cổ của Trung Quốc:
 
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thuỷ.
 
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
 Nhớ nhau mà không gặp
 Cùng uống nước sông Tương)

Cũng là tương tư, nhưng tương tư trong bài ca dao kia có gì khác. Nó đơn thuần chỉ là nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong tình yêu. Và nỗi nhớ là khoảng cách trong tình yêu. Nếu tương tư trong bài ca dao kia chỉ đo bằng chiều dài con sông, thì trong thơ Nguyễn Bính, nỗi nhớ được đo bằng nhịp cầu "chín nhớ mười mong". Nhịp cầu lênh đênh không đo đếm được, vậy nên nỗi nhớ mênh mông hơn, rộng lớn hơn và khó xác định hơn. Tương tư, căn bệnh do nỗi nhớ gây ra và đặc biệt chỉ có trong tình yêu. Nguyễn Bính đã lấy cái hiện tượng bình thường trong tự nhiên (gió mưa) để nói đến một hiện tượng bình thường trong tình yêu (tương tư). Tương tư là cái vô hình (khác với cái hữu hình là gió mưa), là cái thuộc về trái tim, thuộc về thế giới tâm hồn, thuộc về tình yêu, chỉ riêng tình yêu. ở đây tương tư là nỗi lòng của một người thôn Đoài đối vói một người thôn Đông. Cái tài ở Nguyễn Bính là hai câu thơ nghe rất ca dao mà lại rất Nguyễn Bính. Nó tạo nên phong cách riêng cùa Nguyễn Bính.
 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
 Một người chín nhớ mười mong một người
 Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 
Nguyễn Bính chàng ca sĩ của đồng quê, chàng thi sĩ của thương yêu. Những ngôn từ mộc mạc, giản dị mà thắm thiết người đọc vì dành để tặng riêng ông. Bởi trong thơ Nguyễn Bính, ta không chỉ tìm lại người nhà quê trong chúng ta, mà ta còn tìm thấy cái hồn quê, tình yêu quê sâu lắng và đằm thắm:
 
Hai thôn chung lại một làng
 Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
 
 ở đây tác giả không dùng chữ "cùng" mà lại dùng chữ "chung"'. Chung một làng, rất gần vậy mà lại rất xa. Bên ấy và bên này, lại là cách nói phiếm chỉ, là hình ảnh ẩn dụ cho tâm trạng con người khi yêu. Và như thế để thấy rõ hơn tâm trạng cô đơn khi cứ "một chiều tương tư" của chàng trai trong bài thơ. Tâm trạng ấy phải chăng chính là tâm trạng của thi nhân.
 
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
 
Cái thời gian ngày lại qua ngày đã lột tả sự mong mỏi chờ đợi của chàng trai khi yêu. Khi yêu, người ta khao khát được gần bên người mình yêu, khao khát được hoà chung một nhịp đập con tim, được chung nhịp thở, được hoà hợp làm một.
 
Xuân Quỳnh từng viết:
 
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
 
Đó là khát vọng được hoà tan, quyện hoà làm một giữa hai tâm hồn.

Tình yêu của chàng trai trong thơ Nguyễn Bính rất đằm thắm, rất mãnh liệt và cũng rất chân quê. Khi chưa là một và dĩ nhiên không thể là một được thì người ta vẫn cứ luôn thắc mắc về người mình yêu. V. Huy Gô từng nói: "Yêu là tin một nửa". Những dấu hỏi nhiều lần lặp lại trong bài diễn tả một cách hữu hiệu nhất về những thắc mắc ấy. Người ta chờ đợi một câu trả lời cho các thắc mắc bằng cái thời gian mà Nguyễn Du diễn đạt là: "Ba thu dồn lại một ngày dài ghê". Còn Nguyễn Bính lại đếm thời gian theo tùng ngày, từng chiếc lá xanh đã nhuộm vàng.
 
Để gửi gắm nỗi buồn người ta có rất nhiều cách. Huy Cận từng viết:
 
Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
Để mang về cái nhớ bâng quơ...
 
Với Xuân Diệu:
 
Anh nhớ em, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh
Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi.
 
Với Lí Bạch xưa kia thì lại viết:
 
Tương tư hoàng diệp tàn
Bạch lộ thập thanh đài
(Tương tư vàng lá rụng
Sương trắng đẫm rêu xanh)
 
Nguyễn Bính lại gặm nhấm nỗi buồn theo thời gian. Thòi gian là con dao hai lưỡi, nhất là trong tình yêu. Nó vừa như phương thuốc màu nhiệm giúp người ta xoa dịu nỗi nhớ nhung. Thế nhưng nó lại cũng làn nỗi nhớ khoét mãi thêm sâu. Để rồi có ngẫm nghĩ bao lâu cũng không thể tìm ra được lí do chính đáng cho sự xa cách.
 
Bảo rằng cách trở đò ngang
Không sang là chẳng đường sang đã đành,
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
 
Khoảng cách bây giờ rút lại chỉ có một "đầu đình" thôi, tại sao vẫn xa xôi? Sụ thắc mắc ấy cứ dồn mãi lên, rồi sau đó dẫn đến trạng thái cô đơn, như "hờn đỗi". Giữa hai nhân vật trữ tình có một khoảng cách vô hình nào đó, không thể xoá nổi. Khoảng cách ấy ngày càng rộng ra, càng sâu thêm. Và nó làm ta đau đớn. Ấy là tình đơn phương. "Biết cho ai, hỏi ai người biết cho". Những dấu châm hỏi đặt ra mà không có câu trả lời.
 
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau ?
 
Bến và đò là những hình ảnh ẩn dụ rất quen thuộc trong ca dao dân ca:
 
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
 
Từ những ẩn dụ dân gian mở rộng một chi tiết tạo cho bài thơ vốn mang âm hưởng ca dao một nét lãng mạn mới, có dấu ấn thời đại và có cốt cách riêng của một mối tình thi sĩ. "Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?". Một tình yêu ngang trái mang đậm màu sắc lãng mạn. Bến và đò biết bao giờ mới gặp nhau? Sự gặp gỡ ở đây không phải là sự gặp gỡ thông thường mặt đối mặt. Ấy là sự gặp gỡ của hai trái tim, của hai tâm hồn; là sự “khao khát gặp gỡ; hoà hợp trong tình yêu, vượt qua mọi ranh giới để đến với yêu thương.
 
Đi sâu vào nghiên cứu thơ Nguyễn Bính, có người cho rằng trong thơ ông có một ranh giới phân định giữa các giá trị. Chính ranh giới ấy đặc biệt là ranh giới không gian đã tạo nên những nét khác biệt trong thơ Nguyễn Bính. Các ranh giới ấy đôi khi là hữu hình (đầu đinh) đôi khi là vô hình không chạm tới được. Thế nhưng nó lại là cái ngăn cách tâm hồn con người. Vượt qua ranh giới ấy chính là sự khát khao vươn đến hạnh phúc, không chỉ của con người, một lớp người mà có thể nói là của cả một thời đại. vậy cái ranh giới nào ngăn cách bến gặp đò? Ranh giới vô hình nào chia cắt tôi và em; Để rồi hoa khuê các, bướm giang hồ mãi mãi ở phương trời riêng của mình, tùng giống như cau vẫn ở vườn nhà tôi và giầu vẫn ở vườn nhà em.
 
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
 
Trầu và cau (cùng bến, đò, đình ...) là những hình ảnh qưen thuộc trong ca dao, dân ca. Đặc biệt trầu và cau là biểu tượng của văn hoá truyền thống dân tộc. Chả thế mà ông cha ta thường nói: "Miếng trầu là đầu câu chuyện” đó sao? Hơn thế nữa trầu ( giầu như cách nói của nhà thơ ) và cau lại là biểu tượng đẹp của cưới hỏi, của tơ duyên, của hôn nhân. Chàng trai trữ tình trong một bài ca dao nổi tiếng đã khéo léo nhắc tới buồng cau, khi chàng kết thúc "lời tỏ tinh hết sức ý nhị”:
 
Giúp em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
 
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cũng có một câu chuyện hết sức thương tâm và lại cũng rất đẹp, ca ngợi tình cảm đôi lứa. Sự tích trầu cau. Ở đó và  cả trong bài ca dao trên cũng vậy, trầu và cau quấn quýt lấy nhau, Cuộc sống liền nhau. Và quy luật tự nhiên cũng là vậy đây thôi. Có trầu thì thì có cau và ngược lại. Thế mới nên truyện trầu cau. Thế nhưng ở Tương tư thì sao? Trầu vẫn ở nhà "em", cau vẫn ở nhà "tôi" mãi mãi, không bao giờ hoà hợp được với nhau. Giống như chàng hoàng tử của thơ tình - Xuân Diệu từng nói:
 
Anh là anh em vẫn cứ là em,
Có thể nào qua vạn lí trường thành
Của hai thế giới chứa đầy bí mật?

Em vẫn là em, tôi vẫn là tôi. Lẽ dĩ nhiên. Thế nhưng cũng là sự đáng tiếc bởi tôi vẫn cô đơn. Cau và trầu không thể hoà làm một như chuyện xưa. Tôi và em không thể hoà hợp và khoảng cách vô hình giữa chúng ta ngày một xa, không còn là cái đầu đình nữa: Để rồi không biết "Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?". Một loạt những cấu hỏi, những dấu chấm hỏi đặt ra mà không có câu trả lời, không thể tự trả lời được. Vậy phải hỏi ai, trách ai đây? Không ai cả, bởi tình yêu vốn dĩ là vậy, dù là đơn phương hay từ hai phía. Tình yêu có lí lẽ riêng, ngôn ngữ riêng của nó. Trái tim cũng vậy, có nhạc điệu riêng.
 
Câu thơ cuối diễn tả một ước mơ quá đỗi bình thường: ước mơ hợp nhất của con người khi yêu, một khát khao cháy bỏng. Thế nhưng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Chỉ có điều đơn giản ấy vẫn chưa làm được. Vì sao? Vì nó vẫn còn nằm trong nỗi tương tư, vì trầu cau chưa thể hoà hợp làm một. Và có lẽ đó chỉ là tình cảm đơn phương của chàng trai chưa hề thổ lộ bao giờ. Thế nên những trách móc, những xúc cảm kia vẫn là của một chàng trai đang yêu, đừng tương tư một chiều. Chàng trai đó phải chăng cũng là thi sĩ của chúng ta? Chả phải vì thế mà có người gọi ông là "người lừ hành cô độc” đó sao? Yêu nhiều, si mê nhiều, say nhiều nhưng Nguyễn Bính vẫn mãi là người lữ hành cô độc trong tình yêu. Phải chăng vì thế mà thơ tình Nguyễn Bính đượm buồn sâu sắc, và đằm thắm đến vậy?
 
Từ ẩn dụ thôn Đoài, thôn Đông cho đến bến, đò rồi trầu, cau đã làm xuất hiện một nội dung mới trong bài thơ. Ấy là niềm khát khao giao cảm, là ước mơ được hoà hợp, được hợp nhất với người mình yêu. Khát khao đập vỡ mọi khoảng cách, mọi ranh giới giữa hai người để được yêu, được hạnh phúc. Điều đó khiến cho một bài thơ với rất nhiều thi liệu của ca dao mà không thể lẫn với bất kì bài ca dao nào. Và đặt trong hệ thống thơ Nguyễn Bính, Tương tư cũng không đơn thuần chỉ là một bài thơ tình. Ẩn chứa đằng sau nó, tác giả muốn gửi gắm đến các thế hệ bạn đọc vẻ đẹp đằm thắm, vẻ đẹp của tâm hổn người, của làng quê, của người dân quê ngay cả trong tình yêu.
 
Nhà thơ cũng đã gửi vào đấy ước mơ, tâm sự của mình. Và một phần ta cảm thấy được vẻ đẹp truyền thống của nền văn hoá dân tộc mà Nguyễn Bính muốn gìn giữ để lưu truyền cho mọi thế hệ bạn đọc.
 
Có người nói Nguyễn Bính đã làm hết thiên chức của một nhà thơ lãng mạn, đã nói hết cái tình ý nhất của trái tim, của tâm hồn người. Tương tư cùng Lỡ bước sang ngang và một số bài thơ khác là những minh chứng cho điều đó. Và Tương tư nói riêng, thơ Nguyễn Bính nói chung cũng như tên tuổi ông mãi sống trong tim các thế hệ độc giả. "Chàng thi sĩ" của đồng quê xứng đáng được khắc tên mình trên phiến đá hoa cương, ghi dấu tên một đời thi sĩ bất tử cùng năm tháng.

0