31/05/2017, 12:12

Bình giảng bài thơ “Xuất dương lưu biệt” của Phan Bội Châu

Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn bình giảng bài thơ Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu. Phiên âm: Sinh vi nam tử yếu hi kì, Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di. Ư bách niên trung tu hữu ngã, Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy. Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si! Nguyện trục ...

Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn bình giảng bài thơ Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu. Phiên âm: Sinh vi nam tử yếu hi kì, Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di. Ư bách niên trung tu hữu ngã, Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy. Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si! Nguyện trục trường phong Đông hải khứ, Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi. Dịch thơ: Làm trai phải lạ ở trên đời, Há để càn khôn tự chuyển dời. Trong khoảng trăm năm cần có tớ Sau này muôn ...

Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn bình giảng bài thơ Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu.

Phiên âm:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

Dịch thơ:

Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
(Tôn Quang Phiệt dịch)

GỢI Ý LÀM BÀI

Xuất dương lưu biệt (Lưu biệt trước khi ra nước ngoài) là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng, tâm hồn và phong cách nghệ thuật của Phan Bội Châu. Bài thơ đã được bình giảng, phân tích ở nhiều tài liệu. Về nội dung, cơ bản các tài liệu thống nhất trong cách đánh giá lý tưởng của Phan Bội Châu gắn với hoàn cảnh đất nước ta lúc bấy giờ (thực dân Pháp xâm chiếm, nhân dân nô lệ, chế độ phong kiến suy tàn, bạc nhược). Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật, có những đánh giá khác nhau. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú luật Đường, nhưng không thể chỉ căn cứ vào hình thức thể loại để khẳng định đây là một sáng tác hoàn toàn nằm trong phạm trù văn học trung đại. Chính tư tưởng, quan niệm mới mẻ của Phan Bội Châu trước thời đại đã khiến bài thơ, cùng với nhiều sáng tác khác của ông, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của văn học Việt Nam trên con đường hiện đại hóa. Vì thế, Xuất dương lưu biệt chưa phải là bài Thơ mới, nhưng cũng không thuần túy là một sáng tác của những nhà nho ở thế kỉ XVIII, XIX. Khi phân tích, bình giảng cần thấy được đặc điểm này để hiểu đúng giá trị của tác phẩm.

BÀI LÀM

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thời kì nào cũng xuất hiện những đấng anh hùng làm rạng danh sông núi. Có người anh hùng lẫy lừng chiến công. Có người anh hùng “thất thế nhưng vẫn hiên ngang”. Những anh hùng ấy được văn chương ghi tạc hay tự mình bày tỏ chí khí. Bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu là một cách bày tỏ thật mạnh mẽ chí khí của đấng anh hùng trong hoàn cảnh đầy bi kịch của đất nước ta ở những thập niên đầu của thế kỉ hai mươi.

Phan Bội Châu xuất hiện trên vũ đài chính trị vào lúc ở nước ta những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã lần lượt thất bại. Con đường cứu nước đứng trước viễn cảnh đen tối. Ông muốn tìm kiếm một hướng đi mới. Sau khi thành lập Hội Duy tân (1905), Phan Bội Châu ra nước ngoài, mở đầu phong trào Đông du. Xuất dương lưu biệt được sáng tác trong buổi nhà thơ chia tay với các đồng chí để lên đường, nhưng bài thơ lại không phải là những lời bịn rịn, lưu luyến thường tình. Trái lại, bài thơ thể hiện ý chí, lòng quyết tâm vì sự nghiệp lớn lao của một nhà cách mạng:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

Lập nên sự nghiệp là khát vọng của những bậc tài danh trong lịch sử. Thời nào, khát vọng ấy cũng được thể hiện. Chúng ta từng có hoài bão của Phạm Ngũ Lão:

Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thu
Tam quẩn tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Và, cách Phan Bội Châu trước đó không xa, là chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ:

Thông minh nhất nam tử,
Yếu vi thiên hạ kì.

(Người con trai thông minh phải làm việc kì lạ cho thiên hạ).

Khẩu khí có lẽ giống nhau, nhưng ý tứ mồi thời đã có khác. Phạm Ngũ Lão thời Trần cảm thấy hỗ thẹn Gia Cát tiên sinh vì chưa trả xong nợ công danh. Nguyễn Công Trứ quả quyết đà là người tài trai thì phải làm nên những việc kì lạ cho thiên hạ. Dĩ nhiên, cái “công danh” hay việc “kì lạ” mà họ Phạm và họ Nguyễn từng nêu không phải là chuyện cá nhân, tất thảy đều mang ý nghĩa cao cả. Song, dù sao đi nữa cả hai ông đều nói đến sự phấn đấu của đấng nam nhi nhưng không vượt ra ngoài “con Tạo”. Có lẽ, thời Phạm Ngũ Lão, “thiên định” đang rất phù hợp với lòng người. Thời Nguyễn Công Trứ tuy có suy vi, xáo trộn, song vẫn còn đang ở trong bối cảnh chung ấy. Nhưng đến Phan Bội Châu, chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra: non sông đất nước lần lượt rơi vào tay giặc, những người “thừa mệnh trời” vẫn còn ở đó nhưng bất lực, yếu đuối. Vì thế, chuyện “kì lạ” mà Phan Sào Nam muốn làm không phải là tôn vinh hay duy trì một trật tự đã có. Ông khao khát làm việc lớn hơn nhiều:

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

Càn khôn là trời đất nước, cũng là Tạo hóa, thời thế. Nên nhớ, Phan Bội Châu xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, từng đỗ đầu xứ nên ông hiểu rõ cái gọi là “thiên mệnh”, tức là sự sắp đặt sẵn của con Tạo mà con người không thể thay đổi. Song, đến lúc xuất dương, nhà thơ nói điều ngược lại: kẻ nam nhi phải làm những điều lạ chớ để Tạo hóa tự thay đổi. Bởi vậy, chí nam nhi của Phan tiên sinh mang khẩu khí của bậc trượng phu thời trước, những tư tưởng đã hoàn toàn khác trước. Con người không cam chịu bất kì một sự sắp đặt có sẵn nào mà tự thân mình phải xoay chuyển, tạo ra sự sắp đặt mới!

Hai câu đề đã nói khá rõ chí nam nhi của Phan Bội Châu. Soi rọi vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước Việt Nam thời kì đó sẽ thấy sự mãnh liệt của nó. Câu thơ có thể biến thành một khẩu hiệu, một lời tuyên ngôn mới của một thế hệ, một giai đoạn lịch sử.

Hai câu thực bày tỏ niềm tin tưởng của nhà thơ vào tiền đồ của đất nước:

Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.

Có người đã bình một ý của câu thơ này như sau: “Cụm từ “trăm năm này (hiện nay) phải có ta” đối lập cụm từ “ngàn năm sau không có ai” – câu trên khẳng định, câu dưới phủ định – thể hiện một ý thức cao cả và một nỗi lo, một dự cảm xa rộng của nhà cách mạng trẻ tuổi đối với hiện trạng đất nước lúc bấy giờ”. Thực ra, ở đây chẳng có câu phủ định nào cả. “Trong khoảng trăm năm cần có tớ / Sau này muôn thuở há không ai” là sự khẳng định một nhân cách, một tài năng, một bản ngã, dĩ nhiễn sắc thái có phần cường điệu để bày tỏ thật triệt để khát vọng của mình chứ không phải đề cao cá nhân. Vì thế, câu thơ kế tiếp cũng là một lời khẳng định dưới hình thức câu hỏi. Phan Bội Châu là bậc trượng phu luôn hiểu rõ và đề cao lịch sử, truyền thống của dân tộc. Đồng thời, ông cũng là người lại luôn có niềm tin vào những thế hệ mới. Chỉ thấy Phan Bội Châu đề cao chí khí của mình là hạ thấp một nhân cách kì vĩ và không hiểu vì sao chính ông đã luôn tìm cách đưa những người trẻ tuổi ra nước ngoài để học tập đặng trở về cứu nước.

Để thực hiện được hoài bão của mình, Phan Bội Châu phải kiếm tìm con đường cứu nước. Ở vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước thời đó, Phan Bội Châu đã nhìn thấy trước sự thất bại nếu đứng lên khởi nghĩa khi lực lượng quá yếu so với kẻ thù. Khoa cử là con đường lập thân của biết bao đấng nam nhi ngày trước bây giờ đã không còn phù hợp, vì cả triều đình đă trở thành bù nhìn cho ngoại bang. Vì thế, hai câu luận thực chất là sự cắt nghĩa về tính tất yếu của cuộc “lưu biệt”:

Giang sơn tử hi sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
(Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài).

Non sông đất nước một khi đã rơi vào tay giặc coi như đã mất. Sống cam chịu, nhục nhã trong kiếp nô lệ thực chất là đã chết. “Hiền thánh” là những người kì tài, xuất chúng, nhưng cũng có nghĩa là các bậc khai sáng ra một hệ tư tưởng (Nho giáo) không còn (và bản thân hệ tư tưởng ấy không còn cơ sở hiện thực) thì việc học và xa hơn là sự lập thân bằng con đường cử nghiệp liệu có ích gì? Luận bàn về lý do mình phải ra đi như vậy thật triệt để. Có thể nói, Phan Bội Châu đã thực sự phủ định hệ tư tưởng mà mình vốn đã từng tiếp thu, Vì thế không thể xem chí làm trai của Phan Bội Châu vẫn còn nằm trong phạm trù ý thức hệ Nho gia như cố người đã từng đánh giá.

Hai câu kết là sự thể hiện khát vọng được biến hoài bão của đấng nam nhi thành hiện thực:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi).

Con đường phía trước không bằng phẳng. Trái lại, đầy phong ba bão tố. Nhưng đấy mới chính là chỗ để đấng nam nhi thể hiên ý chí, khát vọng của mình.

Cuộc đời Phan Bội Châu như ông từng nhận xét, trăm lần thất bại, không một lần thành công, song ông đã sống đúng với lý tưởng, hoài bão của mình. Nhà chí sĩ không thành công trong sự nghiệp mong được cứu nước, cứu dân, nhưng hình bóng, nhân cách, tâm hồn ông vẫn luôn là một biểu tượng đẹp đẽ và hào hùng cho những thế hệ trẻ Việt Nam. Và cũng chính nhân cách, tâm hồn ấy, khi được thể hiện bằng thơ, dù trong lớp áo cũ kĩ của thể thơ thất ngôn luật Đường, đã vang lên mạnh mẽ, như khúc tráng ca, lời ly biệt trở thành tiếng thúc giục lên đường vì non sông đất nước.

0