10/01/2018, 19:27

Bình giảng bài ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa"

“Trèo lên cây bưởi hái hoa …” được lưu truyền và cảm nhận là một bài ca dao tình yêu mang tính bi kịch “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Duyên xưa dù lỡ hẹn, nhưng vẫn “để thương, để nhớ, để sầu cho ai …” Năm tháng đã trôi qua, tuổi xuân trinh trắng đâu còn. Chuyện trăm năm không thể có được nữa ...

“Trèo lên cây bưởi hái hoa …” được lưu truyền và cảm nhận là một bài ca dao tình yêu mang tính bi kịch “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Duyên xưa dù lỡ hẹn, nhưng vẫn “để thương, để nhớ, để sầu cho ai …”

Năm tháng đã trôi qua, tuổi xuân trinh trắng đâu còn. Chuyện trăm năm không thể có được nữa rồi, nhưng chàng trai vẫn không nén nổi tình cảm, đành phải thốt lên than thở. Nuối tiếc bao nhiêu thì lại đau buồn bấy nhiêu. Hái hoa bưởi… rồi lại hái nụ tầm xuân, anh đã “trèo lên” rồi lại “bước xuống”, khác nào anh đã “cầm vàng mà lội qua sông …”.
 
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
 
Mùa xuân đã qua rồi, hoa bưởi đã kết trái, thời con gái son trẻ đâu còn nữa, giờ đây “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. Một cách nói, một ẩn dụ biểu lộ một ý tứ tế nhị, dịu dàng. Trước thực tế phũ phàng, chàng trai chí còn biết thở dài ngao ngán:
 
“Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!”.
 
“Anh tiếc lắm thay” bởi lẽ “Vàng rơi chẳng tiếc, tiếc công cầm vàng”. Sao anh chẳng buồn chẳng tiếc?
 
“Từ phen ra tới giang tân,
Sơm theo dặm tuyết, đêm lần ngàn mưa.
Tiếc công anh chứa nước đan lờ,
Để cho con cá vượt bờ nó đi …”
 
Em xinh em giòn như nụ tầm xuân, em trinh trắng như hoa bưởi bởi thế nên trước nông nỗi này “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!”. Đó là lời than, là nỗi đau muôn đời, nỗi hận khôn nguôi. Tâm trạng ấy của anh trai cày cũng là tâm trạng của chàng Trương Chi ngày xửa ngày xưa:
 
“Kiếp này đã dở dang nhau,
Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành…”
 
Sáu câu ca tiếp theo là lời phân trần của cô gái. Cô trách “cố nhân” ngập ngừng, chậm trễ. Em đã trải qua chín đợi mười chờ: “Chờ chàng xuân mãn hè qua – Bông lan đã nở, sao mà vắng tin!”
 
“Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”
 
Còn có dị bản: “Vẻ chi một mớ trầu cay”, đọc lên nghe ý vị hơn. Chuyện trăm năm đành dang dở. Hai tiếng hỏi “Sao anh” vừa trách móc vừa an ủi. Tình yêu phải đi đến một hôn nhân. Phải dạm trầu bỏ ngõ. “Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không? “Ngày còn không” là ngày em còn con gái, còn ở với mẹ cha. Tục ngữ có câu: “Gái có chồng như gông đeo cổ – Trai có vợ như lỗ tiền chôn”. Gái về nhà chồng đâu còn tự do nữa. Lễ giáo và đạo đức (tam tòng, tứ đức), anh có hiểu chăng?
 
“Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
 
Hai so sánh liên tiếp: “Như chim vào lồng, như cá cắn câu” diễn tả thật đắt cảnh ngộ bó buộc, chật hẹp của gái “đã có chồng”. Hai câu hỏi tu từ xuất hiện thể hiện một bi kịch trong tình yêu: vẫn còn quyến luyến “người xưa” nhưng không thể nào vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo lí, của lễ giáo. Những vần trắc (gỡ – thuở) của hai câu thất ngôn cuối đoạn làm cho âm điệu câu thơ bị thắt lại, bị nén lại như nỗi đau chứa chất trong lòng, như một tiếng thở dài ngao ngán. Bài ca dao buông lửng. Lứa đôi chỉ còn biết an bài theo số phận, bởi lẽ “cá biết đâu mà gỡ” khi đã cắn câu? “Chim biết thuở nào ra” khi đã vào lồng? Lứa đôi tuy chẳng đưa được con thuyền tình cập bến hạnh phúc, nhưng “chút nghĩa cũ càng” đâu dễ nguôi, dễ quên? Cả bài ca dao là nỗi buồn, sự nuối tiếc cho mối tình xưa. Đó là bi kịch, là tâm trạng: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” (Nguyễn Du). Tuy còn nhiều lưu luyến nhưng đã có điểm dừng và khoảng cách hợp lí của anh và em khi đối diện với bi kịch tình yêu.
 
Bài ca dao diễn tả thật cảm động tâm trạng của trai gái làng quê xưa trong bi kịch tình yêu: “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!…” Và bây giờ “em đã có chồng – như chim vào lồng, như cá cắn câu”. Nội dung đích thực của bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” là giá trị nhân bản sâu sắc. Nó là nỗi buồn trong những mối tình lỡ hẹn trong cuộc đời. Cô gái được nói đến trong bài ca dao thật đáng thương và đáng trọng.
0