18/06/2018, 12:15

Bình Định - Thắng cảnh Ghềnh Ráng

Vị trí: Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía đông nam. Đặc điểm: Ghềnh Ráng đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1991 và được đánh giá là danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ...

Vị trí: Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía đông nam.

Đặc điểm: Ghềnh Ráng đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1991 và được đánh giá là danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái "sắc nước, hương trời" ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là "Ghềnh Ráng Tiên sa".

Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số "tác phẩm" tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá hình đầu sư tử chồm ra biển như muốn lao xuống dòng nước sâu thẳm. Tượng Vọng phu trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp.

Nơi đây có bãi Đá Trứng hay còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây để tắm. Cách bãi Đá Trứng không xa về hướng tây là mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử, được chuyển dời từ nghĩa địa trại phong Qui Hoà về. Phía sau mộ là nhà lưu niệm có nhiều ảnh, tư liệu về cuộc đời ông.

0