Biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội

a. Vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội Sự quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, tồn tại xã hội là nguồn gốc khách quan, cơ sở khách quan của sự hình thành, ra đời của ý thức xã hội (nghệ thuật, tư tưởng, chính trị, pháp quyền). ...

a. Vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội
Sự quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, tồn tại xã hội là nguồn gốc khách quan, cơ sở khách quan của sự hình thành, ra đời của ý thức xã hội (nghệ thuật, tư tưởng, chính trị, pháp quyền).

Thứ hai, tồn tại xã hội quyết định nội dung, tính chất, đặc điểm của ý thức xã hội nói chung, của các hình thái ý thức xã hội nói riêng.

Thứ ba, tồn tại xã hội thay đổi sớm hay muộn sẽ kéo theo sự thay đổi của ý thức xã hội. Tất nhiên, mức độ, nhịp độ thay đổi của các bộ phận trong ý thức xã hội diễn ra khác nhau. Có những bộ phận biến đổi nhanh hơn (ví dụ như chính trị, pháp luật), có bộ phận thay đổi chậm hơn (ví dụ như nghệ thuật, tôn giáo).

Thứ tư, trong xã hội có giai cấp thì ý thức xã hội cũng mang tính giai cấp.

b. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội

Trong quá trình phát triển của mình, ý thức xã hội có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội.

Có điều này là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở đây, ý thức xã hội là cái phản ánh, tồn tại xã hội là cái được phản ánh. Cái được phản ánh là cái có trước và biến đổi nhanh, còn cái phản ánh là cái có sau và thường biến đổi chậm hơn cái được phản ánh. Mặt khác, một số bộ phận của ý thức xã hội, đặc biệt trong các hiện tượng tâm lý xã hội, đã ăn sâu vào tiềm thức con người, nên nó có tính bảo thủ, có sức ỳ rất lớn. Trong xã hội thường có lực lượng bảo thủ muốn duy trì những ý thức xã hội lạc hậu theo hướng bảo vệ lợi ích của mình.

Khắc phục những biểu hiện lạc hậu của ý thức xã hội bằng con đường phát triển kinh tế – xã hội, phát triển khoa học – kỹ thuật và tuyên truyền giáo dục ý thức tiến bộ, cũng như phải đấu tranh chống lại những lực lượng bảo thủ, phản tiến bộ.

Thứ hai, ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội.

Ý thức xã hội thể hiện trong lý luận khoa học là sự khái quát dự báo khoa học sự vận động và phát triển xã hội. Với tính cách là lý luận khoa học, ý thức xã hội có vai trò dẫn đường, định hướng cho hoạt động thực tiễn của con người, nó tác động tích cực đối với tồn tại xã hội. Do dựa trên cơ sở khoa học, những quan điểm tiến bộ có thể dự báo được khuynh hướng vận động, phát triển của xã hội. Do vậy, ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội là vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi vượt trước, ý thức xã hội cũng vẫn bị chi phối bởi tồn tại xã hội.

Thứ ba, ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển của mình.

Ý thức xã hội một mặt phản ánh tồn tại xã hội, trong sự phát triển của nó với tính cách là một chỉnh thể, nó không nảy sinh đơn thuần chỉ từ tồn tại xã hội, phản ánh tồn tại xã hội ấy mà luôn có sự kế thừa trong dòng chảy phát triển của mình. Vì vậy, chúng ta không thể giải thích một tư tưởng, quan niệm nào đó, đơn thuần từ tồn tại xã hội mà không chú ý đến sự phát triển của tư tưởng, quan niệm đó trước đấy trong lịch sử, hay sự kế thừa những di sản, giá trị của các thời đại trước, của các dân tộc khác trên thế giới. Trong lịch sử nhân loại, có những quốc gia kinh tế không phát triển so với các nước láng giềng nhưng tư tưởng triết học lại phát triển rực rỡ hơn các nước có kinh tế phát triển. Ví dụ, nước Pháp thế kỷ XVIII, kinh tế không phát triển bằng nước Anh, nhưng triết học phát triển hơn nước Anh. Nước Đức nửa đầu thế kỷ XIX kinh tế không phát triển bằng nước Anh, Pháp nhưng triết học Đức phát triển hơn triết học Anh, Pháp. Tính chất, nội dung kế thừa phụ thuộc vào địa vị và lợi ích giai cấp. Các giai cấp khác nhau thì kế thừa những yếu tố khác nhau của ý thức xã hội.

Vì vậy, chúng ta phải biết kế thừa những gia trị của nhân loại, của cha ông trước đây trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá mới, tinh thần mới.

Thứ tư, sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội trong sự phát triển của chúng

Các hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội ở các góc độ khác nhau; nhưng giữa chúng có sự tác động qua lại, ảnh hưởng chi phối lẫn nhau. Ví dụ, ý thức chính trị và ý thức pháp luật tác động qua lại, trực tiếp lẫn nhau. Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật tác động, bổ sung cho nhau. Ở mỗi thời đại nhất định, có một số hình thái ý thức nổi lên, có vai trò chi phối ảnh hưởng đến các hình thái ý thức khác. Ví dụ, triết học thời cổ đại, thần học thời trung cổ, chính trị trong thời cận hiện đại.

Thứ năm, sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội

Ý thức xã hội ra đời trên cơ sở tồn tại xã hội, nhưng sau khi ra đời trong hình thức hoàn chỉnh của nó, ý thức xã hội tác động trở lại đối với tồn tại xã hội. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội là nhiều chiều, đan xen, phức tạp, nhưng nhìn chung theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Hướng tích cực tức là thúc đẩy tồn tại phát triển, hướng tiêu cực là kìm hãm tồn tại xã hội phát triển.

Mức độ tác động và hiệu quả tác động của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội tùy thuộc vào các yếu tố sau:

– Tính tiến bộ, cách mạng hay lạc hậu, phản động của chủ thể mang ý thức xã hội (địa vị lịch sử của giai cấp – chủ thể của ý thức xã hội).

– Tính khoa học (hay không) của ý thức xã hội.

– Mức độ thâm nhập vào đời sống xã hội, vào quần chúng nhân dân của ý thức xã hội.

– Năng lực triển khai, hiện thực hóa ý thức xã hội vào trong thực tiễn của các giai cấp.

c. Ý nghĩa phương pháp luận

Tồn tại xã hội và ý thức xã hội là hai mặt thống nhất biện chứng trong đời sống xã hội. Do vậy, để xây dựng xã hội mới cần chú ý phát triển cả tồn tại xã hội cả ý thức xã hội. Phát triển cơ sở vật chất xã hội trên cơ sở phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời cần thấy rằng, không chỉ những thay đổi trong tồn tại xã hội mới làm thay đổi đời sống xã hội mà cả những thay đổi trong ý thức xã hội cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong tồn tại xã hội.

Tiến hành đồng bộ công tác giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa, trong xây dựng đời sống văn hoá mới xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa và đổi mới trong việc phát huy các giá trị truyền thống dân tộc trong xây dựng đời sống văn hoá mới, con người mới.

0