22/06/2018, 08:57

Bầu cử ở Vương quốc Anh diễn ra như thế nào?

Nguồn: “How British elections work,” The Economist , 12/04/2015. Biên dịch: Trần Mai Khánh Ngọc | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng Vào ngày mùng 7 tháng 5 sắp tới, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra chính phủ mới. Đất nước này có một ...

11Election-2015

Nguồn: “How British elections work,” The Economist, 12/04/2015.

Biên dịch: Trần Mai Khánh Ngọc | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày mùng 7 tháng 5 sắp tới, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra chính phủ mới. Đất nước này có một trong những hệ thống bầu cử lâu đời nhất trên thế giới, đã tồn tại và dần phát triển qua nhiều thế kỷ. Nhưng ngày nay nó diễn ra như thế nào?

Vương quốc Anh là nước quân chủ lập hiến, vì vậy cử tri sẽ chỉ đi bỏ phiếu để bầu ra nghị sĩ của địa phương mình thay vì bầu trực tiếp ra người đứng đầu nhà nước (chẳng hạn như Tổng thống ở Hoa Kỳ). Thủ tướng mới là người có khả năng chỉ huy đa số nghị sĩ ở Hạ viện và sau đó sẽ được bổ nhiệm bởi nguyên thủ quốc gia không qua bầu cử là Nữ hoàng Elizabeth.

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống bầu cử tại Anh, thường được gọi là mô hình Westminster, là hệ thống “người dẫn đầu giành ghế” (“first past the post” – tức tại mỗi đơn vị bầu cử, các cử tri chỉ được bầu cho một người duy nhất trong danh sách các ứng viên, và ứng viên nào nhận được nhiều phiếu nhất sẽ là người chiến thắng, không quan trọng số phiếu đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu – NHĐ).

Đa số các nước hiện nay đang áp dụng một số hình thức của hệ thống bầu cử “đại diện theo tỉ lệ” (“proportional representation”), theo đó số lượng nghị sĩ trong quốc hội ít nhiều phản ánh số lượng phiếu bầu cho mỗi đảng phái chính trị. Tuy nhiên, ở Vương quốc Anh, số lượng nghị sĩ thay vì số lượng cử tri mới là nhân tố quyết định.

Có 650 ghế trong Quốc hội để các bên tranh cử, trong đó phần lớn (533 ghế) thuộc về Anh (England), vùng lãnh thổ rộng lớn nhất và đông dân nhất của Vương quốc Anh.[1] Scotland có 59 ghế, Wales có 40 ghế và Bắc Ireland có 18 ghế. Trung bình, mỗi ghế tương ứng với 92.000 người, hay 68.000 cử tri.

Theo thông lệ, dưới hệ thống bầu cử “người dẫn đầu giành ghế”, các đảng phái chỉ cần đạt hơn một phần ba số phiếu phổ thông là đã có thể đảm bảo chiếm đa số ghế trong Quốc hội và như vậy có thể thành lập Chính phủ. Chiến thắng vang dội của cựu Thủ tướng Tony Blair trong cuộc bầu cử năm 2005 cũng chỉ đạt được 35% số phiếu phổ thông. Dù sao điều này cũng đủ để ông giành được đa số 64 ghế trong Quốc hội.[2] Khi còn là Thủ tướng, Margaret Thatcher đã hai lần giành được mức đa số ghế lớn trong Quốc hội ở mức hơn 100, nhưng xét về số phiếu phổ thông, bà chưa bao giờ giành được hơn 42%.

Hệ thống bỏ phiếu này ủng hộ chế độ cai trị một đảng mạnh (thay vì chính phủ liên minh nhiều đảng- NBT), và như vậy bộ máy hành pháp sẽ hoạt động mạnh mẽ (vì không phải chia ghế nội các cho các đảng khác như trong một chính phủ liên minh – NBT). Theo đó, chẳng mấy cần đến những thỏa hiệp bất tận (nhằm thành lập chính phủ liên minh) với các đảng thiểu số khác (thường là rất nhỏ) như đặc trưng của hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ ở Đức và Israel.

Điều đó giờ đây có thể đang thay đổi, chủ yếu vì các đảng phái nhỏ hơn đang chiếm tỷ lệ lớn hơn bao giờ hết trong tổng số phiếu phổ thông, và vì vậy họ có thể đang bắt đầu giành được nhiều ghế hơn trong Quốc hội. Trong cuộc bầu cử năm 2010, Đảng Quốc gia Scotland (SNP), Đảng Xanh (Green Party), và Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) tổng cộng chỉ giành được 6% tổng số phiếu. Với kết quả này, các đảng phái này chỉ giành được 01 ghế trong Quốc hội Anh (do Đảng Xanh nắm giữ) và 6 ghế Quốc hội Scotland (đều do SNP nắm giữ). Tuy nhiên, lần này, theo kết quả thăm dò, mỗi đảng này có thể thu về được hơn 5% tổng số phiếu mỗi đảng, trong đó Đảng SNP có kết quả tốt hơn ở Scotland, nơi đảng này được kỳ vọng là sẽ vượt qua Công Đảng lần đầu tiên trong lịch sử.

Vì vậy, khả năng thành lập một chính phủ liên minh trong cuộc bầu cử lần này xem ra còn cao hơn so với năm 2010, khi thủ lĩnh Đảng Bảo thủ David Cameron còn thiếu 20 ghế nữa mới đạt được tỉ lệ đa số ghế trong Hạ viện,[3] và vì vậy phải thành lập Chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Tự do. Theo các dự đoán hiện tại, rất có khả năng một lần nữa cả Công Đảng và Đảng Bảo thủ đều không giành được đa số ghế trong Quốc hội. Nhưng đây cũng có thể là thời điểm đến lượt Đảng SNP tận dụng ảnh hưởng của mình trong việc thành lập Chính phủ sắp tới, giống như Đảng Dân chủ Tự do đã làm trước đây (trong cuộc bầu cử năm 2010).

Kể cả UKIP, nếu như giành được vài ghế, cũng có thể có vai trò trong việc thỏa thuận chính phủ liên minh. Rõ ràng là việc đạt được đa số ghế áp đảo và kết quả dễ định đoạt đang dần trở nên giống như những di tích của một thời đã qua.

——————–

[1] Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) bao gồm bốn quốc gia là Anh (England), Scotland, Wales, và Bắc Ireland – NHĐ. Trong bài viết này, Vương quốc Anh được hiểu là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

[2] Chỉ số đa số này được  tính bằng cách lấy số ghế của đảng dẫn đầu trừ đi tổng số ghế của tất cả các đảng còn lại (NBT).

[3] Trong cuộc bầu cử năm 2010, số ghế cần thiết để chiếm đa số là 326/650 ghế, nhưng Đảng Bảo thủ chỉ giành được 306 ghế. Khi đảng dẫn đầu không giành được đa số ghế cần thiết để có quyền thành lập chính phủ thì sẽ dẫn tới tình trạng “quốc hội treo” (hung parliament) cho đến khi đảng này tìm được đối tác để đạt số ghế đa số và lập chính phủ liên minh (NBT).

0