Bảo tồn, trùng tu
Bảo tồn Di tích Kiến trúc Triều Nguyễn ở Huế Di tích kiến trúc được xem như là một loại hình tài sản văn hoá. Điều đặc biệt là tài sản này chứa đựng những giá trị rất cô đọng của một giai đoạn lịch sử nhất định của một dân tộc, một đất nước và của những giai đoạn lịch sử nối ...
Bảo tồn Di tích Kiến trúc Triều Nguyễn ở Huế
Di tích kiến trúc được xem như là một loại hình tài sản văn hoá. Điều đặc biệt là tài sản này chứa đựng những giá trị rất cô đọng của một giai đoạn lịch sử nhất định của một dân tộc, một đất nước và của những giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau. Tài sản đó biểu hiện sự kết tinh những giá trị trong những cấu trúc về kỹ thuật xây dựng, tổ hợp không gian kiến trúc, sự biểu đạt về thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức về sự giao cảm giữa thiên nhiên, môi trường và con người. Tất cả gắn liền với giá trị nhân văn về những giá trị văn hoá phi vật thể.
Tháp Phước Duyên - Chùa Thiên Mụ |
Với ý nghĩa đó, bảo tồn di tích kiến trúc đã thực sự được thừa nhận là một lĩnh vực hoạt động khoa học, kỹ thuật tổng hợp để nhằm hướng đến giữ gìn, bảo lưu và chuyển giao một cách toàn diện, đầy đủ và chân xác các giá trị hữu hình và vô hình của tài sản văn hoá kiến trúc cho các thế hệ mai sau.
Cửa Hiển Nhơn - Ảnh chụp năm 1993 |
Như vậy, bảo tồn di tích kiến trúc cũng luôn mang tính lịch sử như bản thân di tích kiến trúc. Nó có sự phát triển và thừa nhận các thành tựu mới cũng như kế thừa các kinh nghiệm quý báu của giai đoạn trước để lại. Nó cũng gắn bó với các tập thể, những con người cụ thể ở trong những điều kiện khác nhau với những nhận thức và với trình độ chuyên môn khác nhau và đã đạt được kết quả hoạt động nghề nghiệp khác nhau.
Tổng thể Di tích triều Nguyễn có niên đại không ‘‘già lắm’’ so với toàn bộ kiến trúc của dân tộc. Là một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam (1802-1945), triều Nguyễn đã để lại cho chúng ta một di sản văn hoá khá đồ sộ về quy mô, loại hình di tích và chúng vẫn đang còn gắn bó với các nhân chứng sống. Sự thừa nhận di tích triều Nguyễn là di sản văn hoá nhân loại, đứng ngang hàng với các di tích có hàng nghìn năm tuổi trên thế giới đã gạt bỏ ý nghĩa tuổi tác để thừa nhận sự bình đẵng của các giá trị văn hoá nổi bật toàn cầu của mỗi dân tộc. Tuy công cuộc bảo tồn di tích Huế là một sự nghiệp đang còn rất mới mẻ nhưng cũng đã đạt được những thành tựu nổi bật căn bản bền vững cho sự phát triển chuẩn mực và đã được quốc tế thừa nhận.
Lịch sử bảo tồn di tích Huế còn ghi nhận là mặc dầu Đạo luật về bảo vệ di tích từ những năm 1913 dưới thời kỳ Pháp thuộc đã được ban hành ở Việt Nam với danh sách xếp hạng các di tích do Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) đưa ra, nhưng cho đến năm 1945 vẫn không có danh mục di tích Huế, đó là điều hiển nhiên vì chúng vẫn đang còn là công trình được sử dụng thuộc sở hữu của triều đình. Mọi việc sửa chữa, thay đổi đều do triều đình, mà trực tiếp là bộ Lễ và bộ Công đảm nhận. Điều đó nói lên rằng một số công trình đã được xây dựng thời Gia Long, Minh Mạng và đến thời Khải Định, Bảo Đại còn ghi lại các dấu ấn về sửa chữa và cải tạo. Các dấu ấn này điều được xem xét phân tích khoa học với quan niệm là ‘‘ nguyên gốc’’ để bảo tồn và tu bổ.
Lăng Đồng Khánh |
Giai đoạn 1975-1982 việc bảo tồn di tích Huế thuộc Sở văn hoá Bình Trị Thiên quản lý và Ban quản lý di tích cùng với Xí nghiệp tu sửa di tích thực hiện...Mặc dầu ở trong giai đoạn kinh tế khó khăn, song một số công việc cấp bách đã được tiến hành, chủ yếu tu bổ ở Ngọ Môn, hồ Kim Thuỷ, tu sửa cửa Hiển Nhơn và Hữu Vu...Với sự giúp đỡ bước đầu của UNESCO, một số lớn công trình đã được chống đỡ và lợp tạm bằng tôn kẽm. Ở giai đoạn này người ta chưa xem trọng các công tác như lập hồ sơ khoa học, thiết kế tu bổ... nên không ít các sai sót xảy ra. Việc phục chế ngói lợp thanh lưu ly, hoàng lưu ly chưa thành công. Không gian di tích lộ rõ vẻ hoang phế, cây cối xâm thực. Để chống mối, giai đoạn này đã áp dụng một số thuốc dùng cho nông, lâm nghiệp như DDT, 666 (ở Thế Miếu). Các hoá chất này đã làm cho gỗ bị xám màu và các lớp sơn son thếp vàng bị hư hại khá nặng nề - Di chứng của các hư hại này bước đầu được các chuyên gia Ba Lan khi tu bổ Thế Miếu(1996-1997) đã khắc phục bằng phương pháp tẩy rửa khoa học.
Như vậy, việc đánh giá tình trạng kỹ thuật quần thể di tích Huế lúc này là rất nghiêm trọng và mục tiêu ‘‘cứu vãn’’ di tích như một nhiệm vụ cấp bách là phù hợp. Trên thực tế, giai đoạn cứu vãn này đã kéo dài trong 15 năm (1982-1997) với các hoạt động bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị từng bước của các di tích do Công ty quản lý di tích lịch sử và văn hoá Huế, sau này là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đảm nhiệm.
Phục hồi tranh tường nội thất Cung An Định |
Từ năm 1982, công cuộc bảo tồn di tích đã có những bước chuyển tiếp đáng kể. Lần đầu tiên một ‘‘Luận chứng kinh tế kỹ thuật’’ được thiết lập và những tinh thần cơ bản về khoa học bảo tồn đã được nêu trong luận chứng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, công tác nghiên cứu khoa học đã được chú ý và từng bước được đẩy mạnh, công tác thiết lập hồ sơ đo đạc, hoạ và thiết kế phục hồi đã được xác lập. Lần đầu tiên khi phục hồi Hoàng thành đã chú ý đến việc phân tích gạch Vồ với các tiêu bản khác nhau để phục chế chân xác. Phương pháp tu bổ hoàn nguyên bằng cách tổ hợp các thành phần nguyên gốc (anastylos) đã được ứng dụng tu bổ sân Đại Triều Nghi với việc ghép các viên gạch Bát tràng bị vỡ, gắn chắp những con rồng, con giao, phẩm sơn bằng đá bị khuyết. - Phục chế thành công vật liệu gốm tráng men thanh lưu ly, hoàng lưu ly. Từ giai đoạn 1990 đến nay, đã có trên 80 hạng mục công trình được tu bổ vừa và nhỏ. Điều đáng chú ý là các công trình đều được lập hồ sơ khoa học với các bản thiết kế có chất lượng cao. Nhiều di tích quan trọng đã được trả lại các giá trị nguyên xưa vốn có (Ngọ Môn, Thái Hoà Điện, Thiên Định Cung, Hưng Miếu,...). Bên cạnh đó, sự hợp tác khoa học với UNESCO, với các chuyên gia của Pháp, Italia, Nhật Bản, Canada, BaLan, và các cơ quan, trường Đại học trên thế giới... đã được thúc đẩy và thu được nhiều thành tựu quan trọng.
Bên cạnh đó, một số công trình bằng gỗ đã được tu bổ với việc gia cường, ghép, chắp nối,...Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ nhất trong việc tu bổ ở giai đoạn này là việc bảo quản vật liệu, các vấn đề sơn thếp chưa đặt ra, cũng như sự lúng túng về mái lợp, nên một loạt các công trình đã xuống cấp trong vòng 5 đến 10 năm sau khi tu bổ (như Hiển Lâm Các, Triệu Miếu, Xung Khiêm Tạ, Tả Vu, ...)
Sự tiến bộ rõ nét trong công tác bảo tồn trùng tu di tích có thể được xác định từ năm 1990 đến nay mà các thành tựu nổi bật có thể nêu lên là:
- Lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ theo đúng pháp lệnh của Nhà nước.
- Xây dựng hồ sơ khoa học để đưa di tích Huế vào danh mục "Di sản Thế giới" và nhạc Cung đình Huế vào danh mục "Kiệt tác Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại".
- Lập dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Xây dựng bộ Định mức cho công tác trùng tu di tích.
- Quản lý di tích trên hệ thống thông tin địa lý GIS.
- Kiểm kê khoa học, xây dựng danh mục và quản lý bằng máy vi tính đối với cổ vật.
- Xây dựng Phòng hoá nghiệm bảo quản gỗ và các vật liệu khác (vữa truyền thống, sơn truyền thống, bảo quản chống mối mọt, nấm, côn trùng, bảo quản kim loại, bảo tồn cây cổ thụ,...)
Chắc chắn những kết quả Bảo tồn di tích Huế đã khẳng định sự đi lên bền vững của việc giữ gìn các tài sản ở Huế và đã gây được niềm tin cho cả nước và quốc tế để bước sang giai đoạn ổn định phát triển.
Nhìn nhận đánh giá quá khứ về bảo tồn để rút ra bài học kinh nghiệm, song điều quan trọng là sự nghiệp cao đẹp về bảo tồn tài sản văn hoá luôn hướng đến tương lai để các giá trị văn hoá sẽ muôn đời tồn tại xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước 4000 năm văn hiến./.