18/06/2018, 12:22

Trần Quang Khải

Trần Quang Khải, tự Chiêu Minh, sinh vào mùa đông năm Tân Sửu (1241), là con trai thứ ba Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Dưới triều Trần Thánh Tông, ông giữ chức Tướng quốc thái úy, tước Đại vương; được thăng chức Thượng tướng Thái sư dưới triều vua Nhân Tông. Cùng với Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải ...

Trần Quang Khải, tự Chiêu Minh, sinh vào mùa đông năm Tân Sửu (1241), là con trai thứ ba Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Dưới triều Trần Thánh Tông, ông giữ chức Tướng quốc thái úy, tước Đại vương; được thăng chức Thượng tướng Thái sư dưới triều vua Nhân Tông. Cùng với Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cũng là một nhân vật trọng yếu của vương triều, đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông (1284 - 1288), ông đã tham gia trận phản công lớn, đánh tan quân giặc ở Hàm Tử và Chương Dương, giải phóng Thăng Long.

Trần Quang Khải là người học rộng, biết nhiều, văn võ song toàn, ngoài ra ông còn là một nhà ngoại giao, nhà thơ có tài.

Trong số các thi sĩ - chính khách thời Trần, Trần Quang Khải có lẽ là người để lại cho người đọc một ấn tượng tươi tắn mà sâu đậm. Trước hết, tuy chỉ còn lại vẻn vẹn có 10 bài thơ thôi (Trong 10 bài thơ này thì có một bài Đề đền Bạch Mã, chỉ được chép trong Việt điện u linh tập, một bài Hạ Hồ Thành trúng Trạng nguyên, e không đúng, và một bài Đề dã thự trùng với bài Tĩnh Bang cảnh vật của Trần Tung trong Thượng Sĩ ngữ lục. Điều kiện tư liệu hiện nay chưa cho phép khẳng định dứt khoát vấn đề tác giả đích thực của các bài đó), song, thơ ông bài nào cũng mang cốt cách khoáng đạt của một thi nhân cỡ lớn. Trần Quang Khải có làm thơ xã giao thù tạc cũng là cái thù tạc không cần phải gắng gượng hay khách sáo, mà trái lại dung dị, tự nhiên, hiếm người có được:

Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân quệ,
Cộng xướng thù gian, tích đối sàng.

(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh) (Tức Sài Thung)

(Vừa nói cười đó mà thoắt đã ngậm ngùi dứt áo,
Tiếc những lúc hai giường đối diện, xướng họa cùng nhau).

Và Trần Quang Khải có ngắm nhìn đồng quê trong tư cách một vị chủ nhân trang trại thì vẫn là cái nhìn đột xuất, tình tứ khác thường:

Dã thự tân khai, cảnh vật tân,
Phương phi đào lý, tứ thời xuân.
Nhất thanh ngư địch, thanh lâu nguyệt,
Kỷ phiến nông thoa, bích lũng vân.

(Đề dã thự)

(Trang trại mới mở, cảnh vật thật mới mẻ,
Đào mận tốt tươi, xuân suốt cả bốn mùa.
Một tiếng sáo trẻ chăn trâu, xanh thêm mặt trăng trên lầu,
Vài tấm áo tơi nông phu, biếc hẳn đám mây dưới lũng).

Sau nữa, ấn tượng tươi tắn của chúng ta đối với Trần Quang Khải - thi nhân còn ở chỗ, ta biết tác giả những vần thơ khoáng đạt này là một vị Thái sư Thượng tướng, cùng với Trần Quốc Tuấn là hai nhân vật đứng đầu hàng văn và hàng võ, đã từng góp nhiều công lao hiển hách vào công cuộc dựng nước và giữ nước đời Trần. Là con trai thứ ba vua Trần Thái Tông, em ruột Trần Thánh Tông, sinh năm 1241 và mất năm 1294, với tước Chiêu Minh vương, Trần Quang Khải đã thực sự đóng một vai trò chủ chốt trong triều chính nhà Trần suốt nhiều năm tháng, kể từ khoảng mươi năm sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258). Ròng rã gần hai thập niên tạm gọi là hòa bình mà kỳ thực là chuẩn bị lực lượng rất khẩn trương ấy, với cương vị một ông quan đầu triều, Trần Quang Khải đã ra sức chèo chống về nội trị, ngoại giao, đưa vương triều Trần vượt qua nhiều thử thách, nhất là những cuộc đấu trí mệt nhọc, căng thẳng với đám sứ giả Nguyên Mông. Những bài thơ ông làm trong các dịp này cũng giống như những bài thơ tiếp sứ của Trần Nhân Tông và nhiều người khác, có cái mềm mỏng, nhún nhường về lời lẽ, nó là một sách lược nhất quán trong quan hệ nhiều đời giữa nước ta với các đế chế phương Bắc vốn luôn luôn tự thị vào cái "lớn", cái "khỏe" của mình:

Khẩu hàm uy phúc quân bao biếm,
Thân bội an nguy quốc trọng khinh.
Cảm chúc tứ hiền quân phiếm ái,
Hảo vi noãn dực Việt thương sinh.

(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh, Lý Chấn Văn đẳng).

(Miệng nói lời oai phúc thay vua mà khen chê,
Thân mang theo sự an nguy quan hệ đến việc lớn nhỏ của nước nhà.
Dám xin cầu chúc bốn vị sứ giả hiền tài có lòng yêu thương rộng lớn,
Ra sức che chở cho con dân nước Việt).

Nhưng hết sức mềm mỏng đấy - và có thể không kém thân tình nữa kia đấy - mà vẫn giữ được hiên ngang cứng cỏi sau từng chữ từng câu, nó là cái tư thế bình đẳng của chủ đối với khách, cái phong thái đàng hoàng của những con người luôn luôn tự chủ được mình:

Tống quân quy khứ độc bàng hoàng,
Mã thủ xâm xâm chỉ đế hương.
Nam Bắc tâm linh huyền phản bái,
Chủ tân đạo vị phiếm ly trường.
Nhất đàm tiếu khoảnh, ta phân quệ,
Cộng xướng thù gian, tích đối sáng.
Vị thẩm hà thời trùng đổ diện,
Ân cần ác thủ tự huyên lương.

(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh)

(Tiễn ông ra về, mình tôi luống những bâng khuâng,
Ngựa xăm xăm hướng về nẻo quê hương nhà vua.
Nỗi lòng Nam Bắc lưu luyến trên ngọn cờ người ra đi,
Tình chủ khách dạt dào trong chén rượu giã biệt.
Vừa nói cười đó mà thoắt đã ngậm ngùi dứt áo,
Tiếc những lúc hai giường đối diện, xướng họa cùng nhau.
Biết bao giờ lại được gặp mặt,
Để nắm tay ân cần kể nỗi hàn huyên).

Thế rồi, khi tình thế xã tắc không còn tài nào ngăn được cuộc xâm lăng ào ạt của lũ giặc Mông Thát, Trần Quang Khải lập tức cởi áo phòng văn, khoác áo tướng sĩ, dẫn đầu một đạo quân, ra đi. Và cứ thế, dưới quyền tiết chế của quốc công Trần Quốc Tuấn, ông xông pha trận mạc khắp nơi, hết Nghệ An ra Thăng Long, lại đi các trấn phía bắc... cho đến ngày toàn thắng.

Cái tấm lòng hăng hái bất kỳ việc gì cũng không từ nan, cũng thung dung nhận lấy và làm hết mình đó, Trần Quang Khải giữ được cho mãi đến già. Và cái nét dung dị mà khoáng đạt, hào hùng trong con người ông cũng vậy, vẫn là một cốt tính đặc sắc làm trẻ trung mãi ngòi bút của nhà thơ. Bài thơ Cảm xuân có lẽ làm ít lâu trước lúc mất là biểu hiện kết hợp cả hai mặt khoáng đạt và hăng hái nói trên.

Vũ bạch phì mai tế nhược ti,
Bế môn ngột ngột tọa thư si.
Bán phần xuân sắc nhàn sai quá,
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri.
Cố quốc tâm tùy phi điểu quyện,
Ân ba hải khoát túng lân trì.
Sinh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

(Cảm xuân, I)

(Lâm râm mưa bụi gội hoa mai,
Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi.
Già nửa phần xuân cam bỏ uổng,
Tới năm chục tuổi biết suy rồi.
Mơ màng nước cũ chim bay mỏi,
Khơi thẳm nguồn ân, cá khó bơi.
Đảm khí ngày nào rày vẫn đó,
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi!)

(Ngô Tất Tố dịch)

Bài thơ gợi một cảm xúc thực man mác, bâng khuâng! Trước mặt người đọc hiện ra hai con người: một người thơ và một anh hùng. Người thơ ngồi lặng trong phòng như si như ngây, suy tưởng mênh mang về đất nước, về tuổi trẻ và những tháng năm đã trôi vào dĩ vãng; còn người anh hùng thì luôn luôn tỉnh táo, nghiêm trang canh giữ xã tắc trong bao nhiêu năm không lúc nào lơi lỏng, và vẫn chờ đợi với tấm lòng hăng hái những nhiệm vụ hệ trọng mà xã tắc phó thác cho mình! Tưởng chừng hai con người là hai nhân vật khác hẳn nhau, đồng hành trên suốt một chặng đường dài... vừa chẵn năm mươi năm. Nhưng nào đâu có phải! Phải nói, có được cái mê si đầy khoái cảm của chàng thi nhân kia - mê si trong khung cảnh yên bình, nhàn nhã của đất nước - cũng là nhờ cái tỉnh táo trường kỳ, không biết mệt mỏi của người tráng sĩ nọ, và quả tình là ở phần cuối bài thơ, cả anh hùng và thi nhân đều đã nhập trở lại trong một hình tượng nhất trí. Cảm hứng của người thơ có vẻ như lâng lâng, dàn trải ở phần đầu, đến đây cũng được xác định lại cụ thể, là niềm hứng khởi, là ý thức sắc bén trước nhiệm vụ đối với đất nước, đúng y như cảm hứng của anh hùng:

Sinh bình đởm khí luân khuân tại,
Giải đảo đông phong phú nhất thi.

(Chí khí dũng lược lúc bình sinh hãy còn hăng hái,
Muốn quật ngã gió đông mà ngâm lên một bài thơ).

Như vậy, nền tảng của sự thống nhất giữa hai con người trong thơ Trần Quang Khải chính là sức mạnh và yêu cầu thường trực về sự vững mạnh của xã tắc giang sơn; nhờ có nó người ta nhận thức được rằng mình vẫn còn và tất yếu phải còn nguyên "đởm khí" - dồi dào sức trẻ. Cũng nhờ có nó, mặt khác, người ta lại cảm thấy cái hạnh phúc được sống và quên bẵng rằng mình đang sống, nghĩa là được thoải mái đắm mình theo nhịp trôi chảy của thời gian, để rồi đôi khi nhìn lại mà bỗng thốt giật mình.

Sự thống nhất giữa người thơ và anh hùng trong thơ Trần Quang Khải còn là sự thống nhất giữa hai bình diện khác nhau của cùng một con người Việt Nam ở thời đại Lý - Trần: con người biết mê mải vui say trong nhiều niềm vui của cuộc sống đang lên, và ngược lại, cũng biết tự cảnh giác với mọi đam mê vô ích, để nhân sức mạnh của mình lên mà tỉnh táo chống trả với mọi kẻ thù đang dòm ngó sơn hà xã tắc.

Con người đó, ngay trước khi bước vào giấc ngủ cũng đã mở to con mắt: "đề phòng" dõi nhìn về những miền biên giới thân yêu:

Nam vọng lang yên vô phục khởi,
Đồi nhiên nhất tháp, mộng thiên an.

(Phúc Hưng viên)

(Trông về Nam khói lửa không còn tái diễn,
Trên giường nằm ngủ yên tâm trong giấc mộng).

Con người đó, giữa lúc chuếnh choáng vài chén giải khuây vẫn không quên phận sự, trái lại, còn biết nâng cao tấm lòng tráng chí: "Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa", làm cho sự giải khuây tăng thêm phần ý nghĩa:

Khử sầu lại hữu tam bôi tửu,
Phủ kiếm du du ức cố sơn.

(Cảm xuân, II)

(Tiêu khiển nay nhờ ba chén rượu,
Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa)

(Ngô Tất Tố dịch)

Và con người đó, khi soi bóng trên dòng sông mà mặc cảm về mái tóc bạc trắng, cũng vẫn giữ được niềm lạc quan thanh thản, vì biết tin vào lịch sử trường tồn của đất nước, nó là cái bảo đảm vững chắc nhất cho những gì còn lại của cá nhân mình và sự nghiệp của mình:

Thái bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lá đại quan hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

(Lưu Gia Độ)

(Cơ đồ đất nước lúc thái bình rộng mấy nghìn dặm,
Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.
Khách thơ trở lại đây đầu đã bạc,
Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi trời tạnh).

Từ một con người đặc sắc nhiều mặt như thế, Trần Quang Khải đã để lại rất nhiều mối cảm tình cho người đọc thơ ông. Có thể nói, chân dung một Trần Quang Khải nhà thơ đã hòa quyện với chân dung một Trần Quang Khải ở trong sử sách, cũng như một Trần Quang Khải ở trong sử sách, đã làm giàu thêm sức sống và thi liệu cho một Trần Quang Khải trong thơ. ấn tượng sâu sắc của người đọc thơ Trần Quang Khải càng trở nên rất đẹp khi được gắn liền với những giai thoại trong mối quan hệ giữa ông và Trần Quốc Tuấn: hai ông đã vì việc nước lúc ấy mà bỏ hết hiềm khích cũ, trở thành hai ông quan đầu triều gương mẫu, cũng là hai người anh em rất mực thân tình. Đại Việt sử ký toàn thư đã có những dòng rất cảm động để kể về điều này: "Một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới về. Lại tính Quang Khải lười tắm gội, Quốc Tuấn thì thích xông tắm, từng nói đùa với Quang Khải rằng: "Thân cáu bẩn xin tắm giùm". Rồi Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, lấy nước thơm tắm cho ông và nói: "Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được Quốc công tắm cho". Từ đấy hai người vui chơi với nhau, tình thân càng mặn" (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Tập II. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tr.72).

Trong vô vàn cái đẹp của đời sống, tưởng không có gì đẹp hơn là những con người biết tự vượt mình. Nhưng trong số những con người biết tự vượt mình, tưởng không có gì cao cả hơn là những người biết gắng sức theo cùng tầm thước lịch sử mà lớn vượt lên. Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và nhiều nhân vật đời Trần đã chiến thắng oanh liệt kẻ thù phương Bắc và sống mãi cho đến ngày nay, chính là những con người như vậy!

*
* *

Nhưng tất cả những điểm nổi bật ở thi sĩ Trần Quang Khải mà ta vừa viện dẫn cũng sẽ không hoàn toàn thu hút được sự chú ý rộng rãi của các thế hệ sau, nếu như trong văn nghiệp của ông không có một bài thơ tuyệt tác: bài Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá trở về kinh). Bài thơ làm vào khoảng những ngày cuối thượng tuần tháng Bảy năm 1285, tức là trong những ngày thắng lợi tưng bừng của cuộc kháng chiến lần thứ hai. Ngày 9 tháng Bảy năm này, Trần Quang Khải được lệnh hộ giá hai vua Trần trở lại kinh đô đã sạch bóng quân giặc. Và bài thơ của ông đã ra đời vào dịp ấy, gồm vẻn vẹn 4 câu thơ 5 chữ:

Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.

Bốn câu thơ thật ngắn gọn, ý tứ cũng không có gì hóc hiểm, nhưng đã sống trong mọi trí nhớ, đem lại niềm bồi hồi, xúc cảm cho rất nhiều thế hệ, không khác gì một bài Bình Ngô đại cáo, một bài Hịch tướng sĩ, một bài Nam quốc sơn hà.

Hãy bàn về hai địa danh Chương Dương, Hàm Tử của bài thơ. Đối với tác giả thì đây là những sự kiện hãy còn quá mới mẻ. Chỉ mới trước khi ông đặt bút viết bài thơ đúng hai tháng thôi, hai trận thắng oanh liệt Chương Dương, Hàm Tử đã diễn ra, làm kinh hoàng quân giặc, và cũng mở ra cơ hội để quân Trần lật lại thế cờ. Nhưng mới có hai tháng mà hai địa danh chưa ai quen biết đã bước hẳn vào địa hạt của thơ, y như những điển cố quen thuộc nói về chiến công vẫn thường gặp trong sách vở. Trước Trần Quang Khải, chiến công anh hùng của dân tộc cũng đã có nhiều, và thơ nói về chiến công cũng không ít, nhưng một địa danh cụ thể của một chiến công nào được văn thơ ghi lại thì chưa hề có. Thế mà ở đây, lần đầu dùng những địa danh Việt Nam để nói về chiến trận, người viết lại không chút bỡ ngỡ, lúng túng, trái lại, vẫn dồi dào cảm xúc. Đấy quả là điều lạ!

Vậy, cái lý do gì làm cho Trần Quang Khải nói đến Chương Dương, Hàm Tử mà xúc động thành thơ? Phải nói đây là hai cái tên tượng trưng cho cả một chiến dịch lớn của quân dân nhà Trần. Bấy giờ, sau nhiều ngày tháng liên tiếp đuổi theo hai vua Trần không có kết quả, đạo quân Nguyên Mông hùng hổ và kiêu căng, chỉ biết ỷ vào sức mạnh đã dần dần lâm vào thế bị động. Hai vua Trần và Trần Quốc Tuấn liền hạ lệnh cho quân sĩ phản công. Tháng Năm năm 1285, Trần Nhật Duật cùng một số tướng sĩ được lệnh đem quân đến đón giặc ở cửa Hàm Tử - nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giặc Nguyên đại bại. Thừa thắng, Trần Quang Khải cùng một số tướng sĩ khác lại được lệnh đem quân đánh úp Chương Dương - nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây. Cuốn Kinh thế đại điển tự lục đời Nguyên đã thừa nhận: "Thủy lục đến đánh vào đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông. Quan quân - nhà Nguyên - sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều kiệt" (Dẫn theo Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr. 235). Và thế là bắt đầu một cuộc tháo chạy của đám tàn quân Trung Quốc ra khỏi thủ đô của Đại Việt, rồi từng bước, từng bước rút lui thục mạng về nước.

Trên đường trở về kinh đô đúng giữa ngày toàn thắng, tất cả những hình ảnh sốt dẻo của cái chiến dịch mà chính mình vừa tham gia, chắc vẫn chưa thôi xôn xao trong tâm trí Trần Quang Khải, chưa hết làm ngạc nhiên, sảng khoái tâm hồn nhà thơ. Cái nhân tố gì đã giúp cho non sông xã tắc ta giành được thắng lợi? Trước một kẻ địch thiện chiến và kiêu hùng đến như vậy, làm sao quân ta lại có thể giáng cho chúng những đòn thất điên bát đảo, và thần tốc đến chính người trong cuộc cũng ít ai có thể ngờ? Lạ lùng quá đi thôi! Nhưng mà sự thực vẫn còn kia: này đây là Chương Dương, này đây là Tây Kết, này đây là Hàm Tử. Lòng nhà thơ bỗng rộn lên một niềm bâng khuâng khôn tả. Ông ngẫm lại những ngày long đong xa giá triều đình đã phải ra đi, ngẫm lại bao nhiêu cái giá đã phải trả cho cuộc chiến thắng... và đột nhiên, một chân lý bỗng lóe hiện trong óc ông: chiến thắng này phải đâu giờ đây mới đến. Nó đã được chuẩn bị từ ngày đất nước còn thanh bình. Vì chính vào những ngày đó, cả nước đã biểu hiện sự chung sức chung lòng; người trên biết "nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc"; kẻ dưới biết quyết tâm "Sát Thát" và có tinh thần thắng giặc. Chân lý đến với Trần Quang Khải và cảm hứng thi ca cũng đến cùng một lúc. Nhà thơ thấy không thể không thốt lên, bằng những lời rất tiết kiệm và súc tích, để nhắc nhở con cháu, cũng là để nhắc nhở với lòng mình:

Cướp giáo Chương Dương đó!
Bắt thù Hàm Tử đây!
Thái bình nên gắng sức,
Muôn thuở nước non này!

(Trinh Đường dịch)

Không có gì gọn ngắn và đơn giản hơn nữa. Quả là buột thốt thành thơ! Song cái ý chứa đựng bên trong, cái ý nhắc nhở của nhà thơ, thì không chút tầm thường và đơn giản. ở đâu và bao giờ cũng cần một lời nhắc như vậy! Những chiến công chói lọi của ông cha thật đáng tự hào cho con cháu. Nhưng càng tự hào, càng không quên quá khứ, thì càng phải làm sao sống những phút giây hiện tại cho thật ý nghĩa. Trên hay dưới, ai cũng như ai, đều phải sử dụng thích đáng từng phút từng giây thanh bình vô giá đó. Có thế mới xứng đáng tiếp nối được cái "nước non" mà cha ông trao vào tay mình, mới làm cho "nước non này" trở thành "nước non muôn thuở".

*
* *

Hơn một trăm năm sau bài thơ của Trần Quang Khải, chúng ta lại được đọc bài Quá Hàm Tử quan của Trần Lâu, một nhà thơ đồng thời là nhà giáo đời Hồ. Không ai biết nhiều về cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ họ Trần này, chỉ biết ông đỗ đến Tiến sĩ (Thái học sinh) và để lại cho hậu thế chỉ có bài thơ duy nhất, cảm tác về cửa Hàm Tử ấy. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ bài thơ duy nhất đó mà tên tuổi ông còn được lưu truyền. Bài thơ như sau:

Thuyết trước sa trường cảm khái đa,
Nhi kim Hàm Tử mạn kinh qua.
Cổ chinh húng dũng triều thanh cấp,
Kỳ bái sâm si trúc ảnh tà.
Vương đạo hồi xuân nồng cổ thụ,
Hồ quân bão hận thấu hàn ba.
Toa Đô thụ thủ tri hà xứ?
Thủy lục sơn thanh nhập vọng xa.

(Cảm khái bao nhiêu cuộc chiến này!
Mà nay Hàm Tử mới qua đây.
Trống chiêng rộn rịp: triều lên gấp,
Cờ xí tưng bừng: tre lả lay.
Vương đạo hồi xuân, cây thắm lại,
Quân Hồ ôm hận, sóng vùi thây.
Toa Đô nộp mạng nơi nào nhỉ?
Nước biếc non xanh mắt chứa đầy!)

Rõ ràng là trên cùng một sự kiện lịch sử mà cảm hứng thơ đã khác xưa. ở đây, nhịp điệu thơ trầm tĩnh hơn, hình tượng thơ tỏa rộng xen lẫn chất trầm tư, tứ thơ trở nên man mác. Quả là lời thơ của người đời sau, tức cảnh mà cảm khái về lịch sử, chứ không còn là người trong cuộc hào hứng xúc động về sự kiện nóng bỏng của thời đại mình.

Và nói chung, những điều nhận xét về Trần Lâu cũng hoàn toàn đúng đối với tất cả những thơ văn cảm tác về Chương Dương, Hàm Tử làm ra sau bài Phò giá trở về kinh: chúng đều là những đóng góp có tính chất bổ sung hay tô đậm thêm vào cái phần sáng tạo căn bản của Trần Quang Khải; song chúng không thể làm lu mờ, càng không thể thay thế bốn câu thơ tinh túy của nhà thơ đời Trần.

Lại cũng có thể ngờ rằng mấy câu:

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bắt mạch xa gần từ trong hình tượng thơ của bài Phò giá trở về kinh. Mấy chi tiết lẫn lộn về lịch sử ở đây - Toa Đô không phải bị bắt ở Hàm Tử mà bị giết chết ở trận Tây Kết lần thứ hai; trái lại Ô Mã Nhi không phải bị giết mà bị bắt sống ở Bạch Đằng chẳng làm người đọc bận lòng cho lắm, nhưng cái hình ảnh bắt giặc ở cửa Hàm Tử thì cứ y như thoát thai từ nguồn cảm hứng tươi rói của câu thơ: Hàm Tử bắt quân thù.

Còn như mấy câu lục bát của tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca.

Chương Dương một trận phong đào,
Kìa ai cướp giáo ra vào có công.
Hàm Quan một trận ruổi rong,
Kìa ai bắt giặc uy phong còn truyền.

Thì không nghi ngờ gì nữa, đó là dư âm trực tiếp của hai câu thơ đầu trong bài Tụng giá... nổi tiếng của Trần Quang Khải.

0