18/06/2018, 12:22

Lương Văn Can

Lương Văn Can (Giáp dần 1854 - Đinh mão 1927) Chí sĩ cận đại, tự Ôn Như, hiệu Sơn Lão. Quê làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Có sách chép là Lương Ngọc Can. Năm Giáp tuất 1874, ông đỗ cử nhân năm 20 tuổi nên thường gọi là" cụ Cử Can" . ...

Lương Văn Can
(Giáp dần 1854 - Đinh mão 1927)

Chí sĩ cận đại, tự Ôn Như, hiệu Sơn Lão. Quê làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).

Có sách chép là Lương Ngọc Can.

Năm Giáp tuất 1874, ông đỗ cử nhân năm 20 tuổi nên thường gọi là" cụ Cử Can" . Ông ra ở nhà phố Hàng Đào, Hà Nội dạy học, đến 1908 liên kết vơí các đồng chí, lập ra trường Đông Kinh nghĩa thục, khởi xướng phong trào Duy tân. Các sĩ phu yêu nước và nhân dân tiến bộ nhiệt liệt tham gia, khiến thực dân hoảng hốt khủng bố trắng, ra lệnh đóng cửa trường, bắt giam một số người, ông cũng bị gọi nhiều lần, nhưng chúng không đủ bằng cớ để giam giữ ông. Đến năm 1914, nhân vụ ném tạc đạn ở Hà Nội Hôtel (Khách sạn Hà Nội), chúng bắt cả trăm người trong đó có ông, rồi kết án ông 10 năm biệt xứ, lưu đày ở Nam Vang (Phnom-penh-Campuchia). Bị giam hơn 7 năm chúng giảm án cho ông và cho trở về Hà Nội ngày 25-11-1921.

Trở về Hà Nội ông vẫn dạy học, mở trường Ôn Như và chuyên tâm soạn sách. Các con trai ông: Lương Trúc Đàm, Lương Nghị Khanh, Lương Ngọc Quyến đều hi sinh vì nước. Rể ông là chí sĩ Nguyễn Phương Sơn hãy còn lưu đày ở Đốc Vàng Thượng, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang).

Ngày 13-6-1927 ông mất tại Hà Nội vì bịnh già thọ 73 tuổi. Khi ,mất lưu lại lời trối dạy con cháu:" Bảo quốc túy, tuyết quốc si và các tác phẩm:

- Quốc sự phạm lịch sử
- Hán tự tuyệt kính
- ấm học tùng đàm
- Gia huấn
- Hán tự quốc âm
- Hạch đàm loại ngữ (trích dịch sách Luận ngữ)
- Châu thư loại ngữ (trích dịch sách Mạnh tử).

Ông mất, sĩ phu đều thương tiếc. Cảm khái nhất là giới công nhân lao động, do ông Chu Văn Tấn đại diện có bài thơ tưởng niệm ông đăng ở Đông Pháp thời báo ngày 24-6-1927, thơ khá dài, có những câu mở đầu thật tha thiết kính yêu ông:

"Hỡi đồng bào
Lương chí sĩ nước nhà tạ thế
Cái buồn chung há dễ riêng ai
Tôi là lao động thiển tài
Lòng thành tỏ dấu bi ai anh hùng.
Hỡi đồng bào Lạc Hồng Nam Việt
Cái buồn chung phải quyết cùng nhau
Thương nhà chí sĩ công lao
Vì dân vì nước tiêu hao một đời? (...")

0