Tổng trấn Lê Văn Duyệt có xử tội “cha vợ” vua Minh Mạng
Tôn Thất Thọ Sử nhà Nguyễn đã ghi khá rõ và đầy đủ sự kiện vụ án Huỳnh (hay Hoàng) Công Lý, Phó Tổng Trấn Gia Định thành vào năm 1820. Công Lý là cha của một bà phi của vua Minh Mạng (1820-1840) có tên là Huệ Phi. Ông ta bị tố cáo tham ô một số tài sản rất lớn. Ban đầu, Tổng trấn Lê ...
Tôn Thất Thọ
Sử nhà Nguyễn đã ghi khá rõ và đầy đủ sự kiện vụ án Huỳnh (hay Hoàng) Công Lý, Phó Tổng Trấn Gia Định thành vào năm 1820. Công Lý là cha của một bà phi của vua Minh Mạng (1820-1840) có tên là Huệ Phi. Ông ta bị tố cáo tham ô một số tài sản rất lớn. Ban đầu, Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1763-1832) đã khởi tố vụ án, vụ việc được ông chuyển ra Huế, vua Minh Mạng đã giao do triều đình nghị tội, sau đó chính đích thân nhà vua đã ban án tử hình Huỳnh Công Lý, bà Huệ Phi cũng bị giáng chức. Bản án được thi hành ngay tại Gia Định. Sách Đại Nam Thực Lục chép :
“Năm Minh Mệnh thứ nhất( 1820)…tháng 9…Phó Tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Văn Xuyên rằng:” Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó Tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân dã khốn khó rồi “.
Sai đình thần hội bàn. Đều nói:” Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét thì tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Hình Bộ Thiêm sự Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà tra xét…” ( ĐNTL T2, sđd, trang 93).
“… Vua nói: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Hoàng Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn cậy vào đâu…”(ĐNTL T2, sđd, trang 105).
Kể từ đó, Vua Minh Mạng luôn lấy vụ án này để nhắc nhở thuộc quan:
“Án trấn ở Bình Định là Trương Phúc Đặng vào chầu, vua dụ rằng:” Hạt ngươi dân khổ chưa hồi, việc làm kho thực là bất đắc dĩ. Ngươi làm trọng thần của nước, nên răn dạy thuộc viên không được tạ sự bóc lột. Chẳng thấy gương Hoàng Công Lý đấy sao ? “ ( tr 124).
“ Năm 1821 tháng 5, Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định ( tức Lê Văn Duyệt- TTT ghi chú ) đòi hỏi, Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại binh dân.
Vua dụ rằng: “ Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều. Hoàng khảo ta mưu tính, thành lập quân lữ, khôi phục dư đồ, cái nền móng xây dựng cơ nghiệp thực là ở đấy. Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đén muôn vàn, bắt người làm việc ( riêng ) mỗi lần đến mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ đến người vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình.
Công Lý khi làm Tả thống chế quân thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng, từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc Lý làm răn…”( ĐNTL T2, Sđd, tr 134 ).
Trong nội dung bản Dụ đình thần, ngoài việc y án lệnh tử hình đối với Huỳnh Công Lý, nhà vua còn lệnh phát mãi tài sản của y để lấy tiền sung công quỹ nuôi quân. Nguyên văn bản Dụ được trích trong tập Ngự chế văn (Dụ Văn) ( sđd trang 30) và được dịch giả Trần Văn Quyền dịch như sau:
“ Lại Dụ đình thần
Dụ : Trước đây, khi phạm tội Hoàng Công Lý làm Thị trung Tả thống chế, đã không làm rõ được ý trẫm là yêu thương binh lính. Trái lại còn (lợi dụng) làm giàu cho mình, làm hại người khác, sai riêng cấm binh mở ba cửa hàng gạch ngói mưu lợi riêng. Tất cả gỗ đá gạch ngói đều cho chở về xây dựng, nhưng chưa bị phát giác. Đến khi y trở lại nhận chức Phó Tổng trấn Gia Định, lòng tham lại càng quá đáng. Nay bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác. Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn sau này. Lời nghị tội thật xác đáng. Vậy ngoài việc y lệnh thi hành ra, việc xin sung công cửa hàng: nghĩ binh lính Thị trung là đời cấm quân, vốn vất vả với nhiều triều ta, ngày còn sống, Hoàng khảo ta rất ưu đãi họ, không ngờ gặp tên tham lam này mưu mô dùng nhiều thủ đoạn bóc lột, nay đã phát giác, nếu không trả lại công lao cho họ thì sao an ủi được tấm lòng của thị vệ của ta. Vậy hãy bán cửa hàng đó, được bao nhiêu giao cho Tả dực thống chế Tôn Thất Dịch phân phát cho 5 vệ Tả dực sao cho công bằng, để cho binh lính túc vệ của ta đều được ban ơn
Từ nay về sau bất kể quân lính trong ngoài, gặp phải các viên biền tham lam ngược đãi như vậy mà vướng chỗ quyền thế không nói ra được thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng. Hãy kính theo Dụ này.
Ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 2.”
***
Vụ án trên đã được lưu truyền thành giai thoại trong dân gian: Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã đích thân xử tử hình “cha vợ vua”, dù vua Minh Mạng có bao che, nhưng cũng chẳng làm gì được ! Câu chuyện càng được công chúng đón nhận rộng rãi hơn, qua những vở cải lương hay kịch bản sân khấu…!
Với những dẫn chứng trong chính sử nói trên, ta thấy rằng vua Minh Mạng không hề có ý bao che trong vụ án Huỳnh Công Lý, cũng như Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã KHÔNG tự mình xử án “cha vợ” vua. Ở đây ta thấy đích thân nhà vua đã ký án tử hình kẻ phạm tội, chiếu theo phép nước “Quân pháp bất vị thân” .
Cho dù muốn đề cao vai trò quan trọng của Lê Văn Duyệt trong vụ án này thế nào đi nữa, cũng không thể nêu lên một trường hợp mà ông không tự làm. Là một Tổng trấn đại thần, hơn ai hết ông biết rằng, thực hiện mọi việc phải đều theo phép nước. Một người mưu lược, tài năng như ông, lẽ nào làm một công việc độc đoán, vượt quá quyền hạn của mình…?