Bản tuyên bố về lịch sử vương triều Mạc (bài 3)
Nguyễn Xuân Lung Phần III: Sự kiện số II NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 6 ĐỘNG: TÊ PHÙ, KIM LẶC, CỔ SÂM, LIỄU CÁT, AN LƯƠNG, LA PHÙ CHÂU VĨNH AN TRẤN YÊN QUẢNG CHO NHÀ MINH KHÁI QUÁT SỰ KIỆN: Qua ngòi bút sử gia Lê trung hưng cuối năm 1540 một lần nữa nhà Mạc tiếp tục cắt ...
Nguyễn Xuân Lung
Phần III: Sự kiện số II
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 6 ĐỘNG: TÊ PHÙ, KIM LẶC, CỔ SÂM, LIỄU CÁT, AN LƯƠNG, LA PHÙ CHÂU VĨNH AN TRẤN YÊN QUẢNG CHO NHÀ MINH
- KHÁI QUÁT SỰ KIỆN:
Qua ngòi bút sử gia Lê trung hưng cuối năm 1540 một lần nữa nhà Mạc tiếp tục cắt đất sáu động tại biên giới đông bắc Đại Việt cho nhà Minh, sau khi đã “hoàn thành” việc cắt đất hai châu Quy Thuận năm 1528. Lần cắt đất thứ hai này của nhà Mạc được sử ghi chép tỉ mỉ, rõ ràng về số lượng, đơn vị hành chính, địa danh nơi bị cắt đất, nhân chứng và vật chứng cùng thời gian xảy ra, sử chép:
“Mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Chí Vĩnh, qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, rập đầu quỳ dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân, quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc vào Khâm Châu”
[ĐVSKTT, tr621, q2, NXB VHTT, 2004]
Qua nội dung sử chép, hai sự kiện lịch sử của nhà Mạc đồng thời xảy ra cùng một thời điểm.
* Nhà Mạc đầu hàng nhà Minh
* Nhà Mạc cắt đất 6 động của Đại Việt cho nhà Minh
Sự kiện nhà Mạc đầu hàng nhà Minh chúng tôi xin tách ra đưa vào một sự kiện riêng. Tại sự kiện số II này chỉ giành cho việc phân tích, đánh giá, phục hồi sự kiện để trả lại lịch sử khách quan việc dâng nộp 6 động đất đai mà sử đã chép.
Trong quá trình khảo cứu diễn biến sự kiện số II sẽ xuất hiện liên tiếp 2 địa danh quan trọng đó là:
– Châu Như Tích
– Châu Thiếp Lãng
Cùng với địa danh 6 “động” từ các nguồn sách khác nhau, chúng thường được viết ra không thống nhất. Chính vì vậy, việc làm đầu tiên cần phải: Thống nhất tên các địa danh khác nhau này về đúng, chính xác, địa danh chuẩn. Địa danh chuẩn theo thông lệ căn cứ trong bản dịch quốc sử Đại Việt, quốc sử Trung Hoa: Tống, Nguyên, Minh cùng sự kết hợp các loại sách dư địa chí khác nhau cần tìm đến trong quá trình nghiên cứu về sau.
- Thống nhất địa danh
1.1. Châu
Chọn địa danh chuẩn là: – Như Tích
– Thiếp Lãng
Như vậy các tư liệu có tên châu như sau;
– Thạch Tích (Phan Bội Châu chép)
– Như Âm (Lê Tắc chép)
Cùng là một địa danh: Như Tích
Nghĩa là: Thạch Tích = Như Âm = Như Tích
Các tư liệu có tên là:
Chiêm Lãng (Nguyễn Văn Siêu chép, Hải Đoan chép)
Thiệm Lãng (Phan Huy Chú chép)
Cùng là 1 địa danh: Thiếp Lãng
Nghĩa là: Chiêm Lãng = Thiệm Lãng = Thiếp Lãng
1.2. Động
Chọn địa danh chuẩn là:
– Động Tư Lẫm
– Động Thìn La
– Động Kim Lặc
– Động Liễu Cát
– Động Cổ Sâm
Do vậy các tư liệu chép là:
* Tê phù, Tư phù, Tê Lẫm, Bài Lẫm = Tư Lẫm (cùng 1 địa danh)
* Thời La = Thìn La (cùng 1 địa danh)
* Tư Lặc, Khả Lặc = Kim Lặc (cùng 1 địa danh)
* Nha Cát, Cát, Cá Cát = Liễu Cát (cùng 1 địa danh)
* Cổ Xung = Cổ Sâm (cùng 1 địa danh)
Lấy một ví dụ “Đại Nam nhất thống chí” chỉ ra việc sử thần Lê trung hưng nhầm lẫn (hay cố tình?) dùng địa danh: TÊ PHÙ như sau:
“Động TƯ LẪM sử nhà Lê chép là TÊ PHÙ là nhầm”
[ĐNNTC, q2, tr1300, NXB lao động, 2012]
- Các đơn vị hành chính cần chú ý
* Nhà Tống dùng đơn vị hành chính là “quản”
“Quản” tương đương với “động” ở Đại Việt.
* Nhà Minh sử dụng đơn vị hành chính là “Đô”.
1 “Đô” bao gồm 1 hoặc 2,3 “động”.
* Nhà Lê Đại Hành dùng đơn vị hành chính là “trấn”
VD: Trấn TRIỀU DƯƠNG, “trấn” nhà Lê Đại Hành tương đương với “thừa tuyên” nhà Lê
Sau đây là một số đơn vị hành chính thường được dùng tại thời Lê – Mạc:
– Thừa Tuyên: Là đơn vị hành chính cao nhất trong một quốc gia tương đương 2,3 tỉnh ngày nay (nhà Lê nước ta có 13 thừa tuyên)
– Phủ: Là một đơn vị hành chính sau thừa tuyên phủ được dùng tại miền núi
– Huyện: Là đơn vị hành chính sau trấn, phủ, châu
– Động: Là một đơn vị hành chính tương đương huyện, sau phủ, châu được dùng tại miền núi.
– Xã: Là một đơn vị hành chính sau huyện tương đương một làng lớn 500 hộ dân tại miền đồng bằng.
– Thôn: Là đơn vị hành chính sau xã tương đương 100 hộ dân
– Trang, nguyên: Là một đơn vị hành chính tương đương thôn được dùng ở miền trung du.
– Sách: Là một đơn vị hành chính nhỏ hơn thôn hay được dùng tại các trung du và miền núi.
– Hương, giáp: Là đơn vị hành chính nhỏ hơn thôn thường được dùng ở đồng bằng.
1 thôn = 1, 2 giáp, hương.
- Các chức danh cổ cần được quan tâm
Chúng tôi xin cung cấp một số chức danh cổ hay gặp trong các tư liệu sử dụng tại sự kiện số II này để người đọc dễ hình dung địa vị chức trách của các nhân vật lịch sử tham gia sự kiện:
– Đô Ty: Tên gọi tắt của thượng thư sảnh tả hữu ty thời Đường – Tống tên gọi tắt của đô chỉ huy sứ nhà Minh.
– Đô đốc thiêm: Được dùng đời Hồng Đức nhà Lê, trật tòng nhị phẩm, ngang hàng thượng thư và thái tử tam thiếu bên văn.
– Đô ngự sử: Là trưởng quan của ngự sử, đài, trật chính tam phẩm, vinh phong tư chính thượng khanh, giữ phong hóa pháp độ.
– Kinh lược đại sứ: Chức tạm thời do vua ban ủy nhiệm đi kinh lý một công việc nào đó.
– Kinh lược sứ đồng tri: Là chức danh cấp phó của kinh lược sứ, chức của võ quan, trật tòng lục phẩm.
– Tả Thị Lang: Trật tòng tam phẩm là chức quan tứ nhị của thượng thư tại lục bộ.
– Binh bộ thị lang: Bộ trưởng một bộ trong triều đình lục bộ: Lại, hộ, lễ, binh, hình, công.
– Tri Châu: Tổng quan của một châu, nắm giữ công việc của 1 châu.
– Tuần Vũ: Chức danh đứng đầu một tỉnh nhỏ, trật tòng nhị phẩm.
– Trấn điện tướng quân (VD: Trấn tướng Hoàng Đình Nhã)
Trật tòng ngũ phẩm, võ quan cai quản một trấn thời Lê Đại Hành, Lý, Trần.
– Khâm sai đại thần: Là đại thần trong triều được đặc phái ra ngoài làm việc nội chính hay ngoại giao, xong công việc, bỏ đi.
[Mười ba chức danh cổ được tham khảo từ sách: “Từ điển chức quan Việt Nam”, tác giả: PGS – TS. Đỗ Văn Ninh – viện sử học]
Tương tự như tại sự kiện số I, chúng tôi xin chép ra các phản ứng hai chiều từ dư luận xã hội đối với sự kiện lịch sử số II này do sử cũ chép.
- PHẢN ỨNG TỪ DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐỐI VỚI SỰ KIỆN SỐ II
- Những nhận thức đồng quan điểm với sử
Cho đến ngày nay, nhận thức của xã hội về sự kiện I, sự kiện II do sử gia Lê trung hưng biên chép về nhà Mạc nhìn chung là chưa thay đổi, dù rằng từ năm 1985 đến nay đã có bốn cuộc hội thảo cấp quốc gia về vương triều Mạc.
Lần thứ nhất: Năm 1994, hội thảo vương triều Mạc tại Hải Phòng.
Lần thứ hai: Năm 2010, hội thảo về lịch sử vương triều Mạc tại Hà Nội, nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
Song song với những hội thảo quy mô quốc gia trên, đã có trên 10 đầu sách được biên soạn về nhà Mạc, các tác giả đa phần là sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử đương đại. Đầu tiên là cuốn sách: Vương triều Mạc (1527 – 1592) do viện sử học ấn hành năm 1992. Sau đó là những cuốn sách tập hợp các nghiên cứu từ các hội thảo được in và phát hành ra công chúng. Đặc biệt, PGS – TS. Đinh Khắc Thuân đóng góp ba đầu sách nghiên cứu về nhà Mạc, trong ba cuốn đó, có một luận án bảo vệ chức danh Tiến sĩ của ông tại Paris (Pháp). Gần 30 năm qua, những quan điểm mới của giới sử học về vấn đề nhuận triều, ngụy triều của nhà Mạc và một số vấn đề khác đã được đánh giá khách quan hơn, một vài giáo sư sử học đã nhìn nhận lại sự kiện I và sự kiện II của nhà Mạc trên quan điểm khác nhằm tìm kiếm sự trung thực cho lịch sử giai đoạn này.
Nhưng trên thực tế từ những công trình biên soạn riêng rẽ của các công trình đã biên soạn về nhà Mạc, sự kiện 1 và sự kiện II của nhà Mạc đã không được giải quyết đến tận gốc, những nhận thức mới này không lan tỏa được ra ngoài xã hội, nhất là những người đọc sử yêu thích lịch sử dân tộc.
Năm 2012 trên tờ báo “Thanh Niên” phát hành ngày 10/11, PGS-TS. Tạ Ngọc Liễn – viện sử học đã viết một bài báo dài với tựa đề: “Nên công bằng với nhà Mạc”. Chúng tôi không đi sâu vào nội dung bài báo, nhưng với cách đặt tên bài báo, tác giả vừa mong muốn vừa đề nghị toàn xã hội có cái nhìn khách quan công bằng hơn với lịch sử nhà Mạc. Sau đây chúng tôi xin điểm qua một số đánh giá sự kiện số II của nhà Mạc, mà giới sử học nước nhà đã viết.
1.1.“Việt sử thông giám cương mục” chép:
“Đăng Dung lại xin dâng đất các động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu nhà Minh”
[Việt sử thông giám cương mục, q11, tr1338, NXB văn sử địa, 1959]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 6 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.2. Tại mục dư địa chí phủ Hải Đông, trong sách: “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú chép:
“Nhà Mạc buổi đầu” đem dâng 2 châu, 4 động cho nhà Minh, cõi đất mới hẹp đi (*)”
(*: Là chú thích của Phan Huy Chú)
“*”: 2 châu là châu Như Tích, châu Thiệm Lãng, 4 động là: Động Cổ Sâm, động Tê Lẫm (hay Phù), động Kim Lặc, động Liễu Cát”
[Lịch triều hiến chương loại chí, t1, tr112, NXB KHXH, 1962]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 2 CHÂU, 4 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.3. Trong sách: “Việt Nam quốc sử khảo” Phan Bội Châu chép về sự kiện II này như sau:
“Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, sợ nhà Minh hỏi tội, đã lấy 2 châu: Thạch Tích và Niệm Lãng và 4 động: Cổ Sâm, Tư Lẫm, Kim Lặc, Liễu Cát hiến cho nhà Minh. Bản án kết tội bọn ấy nên ghi là: “Lấy đất đai của nước, nhân dân nước tặng người nước ngoài, tội đáng chém ” chúng nó lấy lời gì để biện bạch được.”
[Việt Nam quốc sử khảo, tr 112, NXB khoa học xã hội, 1982]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 2 CHÂU, 4 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.4. Trong sách: “Việt Nam sử lược” do Trần Trọng Kim biên soạn, tới sự kiện II này, sử gia viết:
“Đến tháng 11 năm Canh Tý (1540) Mạc Đăng Dung thấy quân nhà Minh sửa soạn sang đánh sợ hãi quá chừng, bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng với bọn Vũ Như Quế cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam Quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng đất 5 động: Tê Phù, Cổ Sâm, Kim Lặc, Liễu Cát, La Phù và đất châu Khâm, lại đem vàng bạc dâng riêng cho nhà Minh”
[Việt Nam sử lược. tr294-295, NXB văn hóa thông tin. 2008]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.5. Nhà sử học phía nam Phạm Văn Sơn trong “Việt sử toàn thư” của ông, đánh giá sự kiện II như sau:
“Trong bối cảnh lịch sử như vậy, Mạc Đăng Dung chỉ mất một ít vàng bạc và 5 động mà tránh được tai họa chiến tranh. Đối với những nhà sử học chân chính chúng ta không có gì phải đòi hỏi hơn nữa”
[Việt sử toàn thư, tr436, NXB Sài Gòn 1960]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.6. Giáo trình giảng dạy trường đại học sư phạm Hà Nội, do Nguyễn Phan Khoa, Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Cảnh Minh biên soạn, viết về sự kiện 2 như sau:
“Run sợ trước thế lực của quân Minh, Mạc Đăng Dung sai người lên biên giới gặp quan tướng nhà Minh dâng biểu xin hàng, sau đó Đăng Dung còn cử người sang tận kinh đô nhà Minh dâng biểu xin hàng và cắt đất 5 động ở phía đông bắc (các động: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù) cho sát nhập vào Khâm châu”
[Lịch sử Việt Nam, q2, đại học sư phạm Hà Nội, tr73, NXB giáo dục, 1980]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.7. Lê Thành Khôi tác giả cuốn:
“Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX” đã viết về sự kiện 2 như sau:
“Để lấy lòng nhà Mình vốn đang phải đối phó với các cuộc nổi dậy của nông dân, cũng như áp lực của người Mông Cổ tại biên giới. Mạc Đăng Dung đã dâng cho họ 5 động, 5 động này được sáp nhập vào Khâm châu (1541)”
[Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, tr287, NXB Nhã Nam 2014]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.8. Hội thảo vương triều Mạc 1994 tại Hải Phòng, PGS – TS Đỗ Văn Ninh Viện sử học viết về sự kiện II như sau:
“Năm 1540, Mạc Đăng Dung từng cùng cháu và một số bầy tôi lại từng qua trấn Nam Quan tự buộc dây vào cổ bò rạp ở mạc phủ nhà Minh dâng biểu xin hàng, nộp 6 động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An, đất Yên Quảng cho vào Khâm Châu”
[Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, tr303, hội khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản 1996]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.9. Sách giáo khoa lớp 10: “Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 10” do Nguyễn Thị Côi (chủ biên), Nguyễn Thị Thế Bình, Nguyễn Thị Bích, NXB đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh XB 2006, các tác giả đã viết về sự kiện 2 như sau:
“Việc nhà Mạc thực hiện chính sách ngoại giao lúng túng, Mạc Đăng Dung cùng 40 quan lại cởi trần quỳ gối cửa ải Nam Quan dâng sổ sách, cắt đất 5 động phía đông cho nhà Minh là việc làm đáng chê trách”
[Sách giáo khoa lớp 10: “Hướng dẫn trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 10”, tr127., NXB đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh XB, 2006]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
1.10. Khi hiệu đính bản dịch “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1968, tại sự kiện I đã trình bày ở phần trên, cố giáo sư Đào Duy Anh đã chú thích 1 dòng chữ( mười lăm từ) nhưng rất quan trọng cho bản chất sự kiện số I. Chú thích ấy là tư liệu quan trọng cho học trò của ông là cố giáo sư Trần Quốc Vượng và một số giáo sư sử học khác sử dụng trong những công trình nghiên cứu sau này của họ.
Nhưng thật đáng tiếc đến sự kiện II, cố giáo sư Đào Duy Anh đã không chú thích gì về sự kiện lịch sử số II khi ông hiệu đính bản dịch (1968). Không những thế, trong tác phẩm “Lịch sử Việt Nam” của ông tái bản năm 2016, cố giáo sư Đào Duy Anh đồng quan điểm với sử thần Lê trung hưng về việc nhà Mạc cắt đất Đại Việt cho nhà Minh:
“Bấy giờ nhà Minh muốn lấy cớ hỏi tội họ Mạc đã cướp ngôi nhà Lê, phát binh 1 vạn(?) quân xâm lược nước ta. Họ Mạc phải nộp đất 5 động thuộc châu Vĩnh An( Quảng Yên) để xin hàng”
[Lịch sử Việt Nam. tr316, NXB văn học, 2016]
NHÀ MẠC CẮT ĐẤT 5 ĐỘNG CỦA ĐẠI VIỆT CHO NHÀ MINH
Tập hợp 10 dẫn chứng ở trên bắt đầu từ bộ quốc sử triều Nguyễn: “Cương mục” và các tác phẩm lịch sử của các sử gia cận đại và hiện nay nổi lên 2 điểm như sau:
- Số lượng châu, động mà các sử gia đưa ra tại sự kiện II, mâu thuẫn nhau quá lớn.
- 10 dẫn chứng ở trên đều đồng thuận với sử gia Lê trung hưng: Nhà Mạc cắt đất Đại Việt cho nhà Minh. Hầu hết những ghi chép này không lý giải phân tích gì sự kiện II mà chỉ hoàn toàn áp đặt theo sử chép và tự ý đưa ra số lượng châu, động khác nhau một cách tùy tiện, không thể lý giải nổi.
III. MỘT SỐ SỬ GIA CÓ QUAN ĐIỂM PHẢN BÁC SỰ KIỆN II
Gần như tuyệt đại đa số các sử gia nước ta đồng quan điểm về sự kiện II mà sử gia Lê trung hưng biên chép, nhưng cũng có một số sử gia có quan điểm phản bác nội dung sự kiện số II, tuy số lượng rất khiêm tốn, sau đây chúng tôi xin dẫn ra ý kiến từ 3 nhà sử học đương đại.
- Tham luận tại hội thảo vương triều Mạc năm 1994 tại Hải Phòng, nhà nghiên cứu lịch sử Hải Đoan đã viết về sự kiện 2 này như sau:
“Nhưng đến thế kỉ thứ 19, Phan Huy Chú trong lịch triều hiến chương loại chí lại chép Mạc Đăng Dung làm mất 2 châu: Như Tích, Chiêm Lãng và 4 động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát. Đến thế kỉ 20 Phan Bội Châu cũng ghi mất 6 động, lúc ghi mẩt 4 động trên và 2 châu Thanh và Khâm. Còn Trần Trọng Kim chỉ ghi là 5 động gồm: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Xung, Liễu Cát, La Phù và đất Khâm châu”
Như vậy, số đất đai của ta mà 1 số sử gia nói là Mạc Đăng Dung cắt dâng cho nhà Minh không thống nhất.
Một nguồn tài liệu đáng tin cậy về vấn đề này là nội dung bài biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung có đề cập đến. Trong bài biểu có:
“…còn việc quan thú Khâm châu tâu rằng 4 động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc 2 đô (chứ không phải châu, Hải Đoan chú) Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm châu. Nếu quả thực như lời ấy, thì đó là lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại…”
Mạc Đăng Dung nói lấp lửng như vậy, sau không rõ có trả hay không, vì thực tế nhiều điều như ông ta hứa như bỏ đế hiệu, như nộp người vàng đều thấy lờ đi. Trong tờ sắc dụ của vua Minh gửi Mạc Phúc Hải cũng không thấy nhắc đến việc bốn động này. Lại nữa tháng 11 năm Canh Tý (1540) bọn Mạc Văn Minh, Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang tờ hàng biểu của Mạc Đăng Dung tới Yên Kinh mất gần một năm trời. Đến 20 tháng 10 năm Tân Sửu (1541) Mao Bá Ôn mới trình được lên vua Minh, trong khi đó ngày 22 tháng 8 năm này Mạc Đăng Dung đã chết. Như vậy việc nộp đất cho giặc của Mạc Đăng Dung với tình hình sử liệu như trên cũng chưa thể khẳng định mà cần xem xét kĩ hơn”
[Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, tr70 – 71, hội khoa học lịch sử VN, 1996]
Kết luận cuối cùng của nhà nghiên cứu lịch sử Hải Đoan cũng chỉ dừng lại ở những đề nghị tiếp tục xem xét thận trọng sự kiện này.
- Tại hội thảo năm 1994 cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã có những quan điểm ngược lại với người thầy của ông (cố giáo sư Đào Duy Anh)
“3. Toàn thư lại chép… Việc “xin hàng” năm này Minh sử quyển 32 có chép nhưng không hề chép việc cắt đất mà chỉ chép vào năm Gia Tĩnh 20 (1541): Mao Bá Ôn về triều tâu Mạc Đăng Dung” đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần “thần Siêu trong Phương Đình dư địa chí mục Quảng Yên vỉết: “Mạc Đăng Dung nộp 2 châu Như Tích, Chiêm Lãng cho nhà Minh thuộc vào Khâm châu…đời sau lấy việc cắt đất bắt tội nhà Mạc. Nay xét( dẫn đủ các sách nói: Như Tích, Chiêm Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Thời La… 7 động đầu nhà Tống đều đặt động trưởng, niên hiệu Hồng Vũ (1368- 1400) nhà Minh đặt chức tuần ty ở Như Tích để thống hạt cả, năm thứ 2 Tuyên Đức( 1427) các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm cắt cho phụ vào Giao Chỉ, năm thứ 19 Gia Tĩnh (1540) Mạc Đăng Dung trả lại đất 4 động ấy cho nhà Minh, năm thứ 21 (1541) tri châu Lâm Huy Nguyên (của Minh) hoạch định lương giới nhưng chỉ còn Chiêm Lãng, Thời La mà thôi”. Nhà Mạc trả lại nhà Minh là trả lại đất lẩn, không phải cẳt đất để đút lót, thần Siêu đã soi tỏ sự vô tội của nhà Mạc. Cớ sao sử gia thời nay còn bới lại chuyện ấy? Là vì không biết xem xét tỉ mỉ và vì thiên lệch vậy!
Sử nhà Minh chép hệt như thần Siêu: Quan cát địa sứ của Minh đi hoạch định cương giới (1541) thì chỉ cỏ đất 2 châu mà đã là của Minh rồi, còn lại đều là tên đất khống! Đấy chẳng qua là đường lối “Thần phục giả vờ” (vassalitéfictive) của mọi triều đại Việt Nam”
[Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, tr34-35, hội lịch sử Việt Nam, 1996]
Bài viết của cố giáo sư Trần Quốc Vượng tại hội thảo vương triều Mạc năm 1994, những lập luận của ông đã dựa hẳn vào “Phương đình dư địa chí” của Nguyễn Văn Siêu không đủ sức thuyết phục và vẫn bỏ ngỏ các vấn đề tồn tại khác của sự kiện II. Đó là vấn đề: Diễn biến sự việc tại thời điểm trước và sau năm (1540), nguồn gốc sở hữu đất đai khu vực mà sử chép. Theo chúng tôi, bài viết của cố giáo sư Trần Quốc Vượng tại diễn đàn hội thảo cũng chỉ mang tính cảnh báo cần thận trọng nghiên cứu sự kiện lịch sử số II.
- Vào năm 2000, luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công tại Paris (Pháp) của PGS – TS Đinh Khắc Thuân (chức danh ngày nay). Đối với sự kiện II, ông đã có những quan điểm hoàn toàn mới, sâu hơn, cụ thể hơn, khách quan hơn từ các nguồn tư liệu quan trọng của Trung Quốc: Thù vực chu tư lục, Khâm châu chí, Minh sử…Trong tác phẩm: “Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam” ra đời năm 2012 của ông, đây là những trang viết sâu nhất, khách quan nhất về sự kiện II từ trước đến nay nhằm trả lại sự thật lịch sử sự kiện số II, ông viết:
“4. Vấn đề trả lại đất cho nhà Minh
Việc trả lại đất mà thường được gọi là: “Việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh” cũng từng bị phê phán khá gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là “chủ mưu” trong việc này bị lên án là người “không biết liêm sĩ”, là “phản quốc”. Theo nguồn sử liệu Việt Nam, Mạc Đăng Dung đã có ít nhất là 2 lần “cắt đất” cho nhà Minh. Đó là vào năm 1528, cắt hai châu Quy Thuận và năm 1540 cắt 1 số động cho nhập vào đất Khâm châu.
Về sự kiện năm 1540, hiện còn sự khác biệt về số động và tên gọi cả các động mà nhà Mạc trả lại cho nhà Minh được ghi trong những tác phẩm sử học khác nhau. Trong bảng 2(*), ta thấy số lượng động là 4, có chỗ lại ghi là 5, thậm chí là 6, còn tên các động này thì là Kim Lẫm, Tư Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát và La Phù hoặc Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương (An Lãng), La Phù, tại sao có sự khác biệt này? Thực tế số động mà nhà Mạc đã trả lại cho nhà Minh là bao nhiêu?
Những địa danh thuộc Khâm châu ở sát biên giới Việt Trung, xuất hiện khá sớm trong lịch sử từ những năm đầu công nguyên, khi Mã Viện dựng cột đồng trụ trên núi Phân Mao, mà ở đó cư dân địa phương được định vị bằng các tên gọi là “động”. Để bảo vệ đất biên giới, quân đội dựng doanh trại ở các động này, đặc biệt là ở các vị trí chiến lược quan trọng suốt theo chiều dài biên giới, sổ động ngày một đông dân cư và dần dần được liên kết với nhau với mục đích tăng cường khả năng quân sự, nên đã hình thành các “đô”. “Đô” được hình thành trên cơ sở được liên kết các động lại với nhau, tương tự hình thức xuất hiện đơn vị hành chính “tổng” sau này. Vùng biên giới đông bắc, vốn có 3 “đô” là: Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 “động” là: Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó, các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc “đô” Như Tích, còn các động Cổ sâm, Chiêm Lãng thuộc “đô” Chiêm Lãng, động Thời La cũng là “đô” Thời La. Mỗi “động” có người đứng đầu gọi là “động chủ”. Trong niên hiệu Chí Nguyên (1285-1314) thuộc vua Thế Tổ triều Nguyên, động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa vì có công với triều đình trong việc giữ gìn an ninh biên giới nên được ban ấn tín cai quản cả 7 động này. Năm 1368, năm nhà Minh thành lập hai vị tướng quân là Lưu Vinh Trung và Chu Lượng Tổ được phái đến vùng Khâm châu nhằm củng cố quyền lực của vương triều mới này. Họ đã đổi chức “động chủ” thành chức “động trưởng” và cấp cho ấn tín mới. Trong thời kì này, dân cư ở đây tương đối đông đúc, cụ thể như vào năm 1427, 4 động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Kim Lặc và Liễu Cát có 29 thôn với 292 hộ.
Như vậy, từ thời Tống đến thời Minh, xuất hiện 3 loại hành chính: Đô, động, thôn, mỗi đô gồm từ 1 đến 4 động, mỗi động có trên dưới 7 thôn, mỗi thôn có chừng 40 hộ, cả thảy 3 đô, 7 động trên lệ vào Khâm châu dưới thời Minh. Nhưng năm 1427, có 4 động thuộc về nhà Lê của Việt Nam. Sách Khâm châu chí chép “năm Tuyên Đức thứ 2 (1427), động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Kim Quảng và Động trưởng động Cổ Sâm là Hoàng Khoan, cùng với Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến kéo theo 4 động với 29 thôn, 292 hộ về An Nam”. Trong số 4 động trên, thì 3 động: Tư Lẫm, Kim Lặc và Liễu Cát thuộc về đô Như Tích, còn động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng. Khi theo về với nhà Lê, 3 động của đô Như Tích thuộc về phủ Vạn Ninh, còn động Cổ Sâm thuộc về phủ Tân Yên lúc bấy giờ. Các vị động trưởng này đều được nhà Lê phong thưởng chức tước, như động trưởng Hoàng Kim Quảng được phong là Kinh lược sứ đồng tri. Sau đó, vua Minh cho gọi các động trưởng này về nhưng không thành. Cụ thể là: “Tháng 9 năm chính thống thứ 5 (1440), ngự sử Chu Giảm phụng chiếu thư đem theo 3 ty đô, bố (bố chánh sứ), án (án sát sứ), đến Khâm châu chiêu dụ phản dân Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến. Nhưng cả 4 người đều không đến trình diện. Cuối cùng Chu Giám phải bỏ về. Nhưng vào năm 1540, khi nhà Minh đe dọa quân sự, con cháu các vị động trưởng này liền bỏ về, như trong lời tâu lên vua Minh Mao Bá Ôn viết:
“Các chức hành lệnh ở 4 động: Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc của Khâm châu, nguyên là chức tước của An Nam, lại có chú thêm là chức tham chánh phó sứ. Vậy xin chiếu nguyên ngạch biên vào sổ của Khâm châu và ưu đãi như hiện nay, chờ 3 năm sau, cấp lương theo cấp bậc”
Rõ ràng là nhà Minh đã lấy lại 4 động này trước khi diễn ra sự đầu hàng trên của nhà Mạc. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc Mạc Đăng Dung phải chấp nhận 1 việc đã rồi và kết cục ông đã phải giải trình trong biểu đầu hàng của mình rằng:
“Thủ thần Khâm châu tâu xưng là 4 động: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm châu. Nếu quả như vậy thì những đấy ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng các xứ ấy lệ vào Khâm châu”
Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của 4 động ở sát biên giới đông bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi sự đối mặt với lời viện cớ có tính tiền lệ có từ thời Tống rằng: “những đất mà nhà Tống đã chiếm đóng thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”. Tương tự như vậy, làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được 4 động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Mình? Thực tế chỉ có 4 động thuộc 2 đô như vừa trình bầy ở trên trả về đất Khâm châu”
[Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam, tr56 – 60, NXB khoa học xã hội, 2012]
Như ở trên chúng tôi đã viết: Đây là những trang viết mổ xẻ phân tích sự kiện II dài nhất và chất lượng nhất, với trình độ chuyên môn sâu về lịch sử. Ông đã chỉ rõ những diễn biến khách quan quá trình hình thành và kết thúc sự kiện II. Ngoài xã hội, nhiều nhà phê bình lịch sử chuyên nghiệp, không chuyên đã có những quan điểm phản bác về sự kiện II này như tác giả Huệ Thiên, Lê Văn Hòe, Trần Khuê vv…
- TIẾNG NÓI CHÍNH THỐNG CỦA GIỚI SỬ HỌC NƯỚC NHÀ VỀ SỰ KIỆN II
Mỗi một giai đoạn lịch sử từ các triều đại phong kiến trước kia hay nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, tính kế thừa từ những giá trị của lịch sử là vô cùng lớn lao, từ đó, từng giai đoạn lịch sử nhất định xuất hiện các bộ quốc sử do nhà nước quân chủ hay nước CHXCN Việt Nam biên soạn tiếp theo, tính kế thừa của lịch sử đã được các sử gia từng giai đoạn lịch sử cụ thể tiếp nối tuân thủ triệt để.
Vì vậy, các bộ sách biên chép về lịch sử như: “Lịch sử Việt Nam” do ủy ban khoa học xã hội Việt Nam chủ biên, xuất bản năm 1971. Hay, “lịch sử Việt Nam thế kỷ…” do viện sử học chủ biên, xuất bản năm 2007, là những bộ quốc sử nối tiếp được hiệu đính, biên dịch, chép thêm các giai đoạn lịch sử kế cận. Đồng thời công bố những phát hiện mới về lịch sử đất nước, các bộ sách lịch sử ra đời tiếp nối là tiếng nói chính thống của giới sử học nước nhà giai đoạn hiện nay. Lịch sử nhà Mạc là một bộ phận cấu thành lịch sử của đất nước, những ghi chép phân tích đánh giá từ những bộ lịch sử mới, là những quan điểm chính thống dẫn hướng chỉ đạo toàn bộ việc dạy học lịch sử dân tộc, cũng như định hướng công luận về lịch sử nước nhà. Đối với lịch sử nhà Mạc, hai cuốn quốc sử mới: “Lịch sử Việt Nam” xuất bản 1971 và 2007 đã có những đóng góp không nhỏ cho quá trình kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử. Viết về sự kiện lịch sử thứ II này, tại cuốn “Lịch sử Việt Nam”, tập 1 tái bản năm 1976 đã có những nhận định như sau:
“Thậm chí họ Mạc còn dựa vào thế lực của ngoại bang, đầu hàng, thỏa hiệp với nhà Minh để hòng đổi lấy sự “ủng hộ” của nước ngoài. Lúc bấy giờ, triều Minh đã suy vong và đang mắc kẹt trong những cuộc xung đột với phong kiến Mông Cổ ở phía bắc, với “giặc biển” ở phía đông và đặc biệt là với phong trào khởi nghĩa của nông dân trong nước. Trong tình hình đó, nhà Minh mà ý chí xâm lược đã bị đè bẹp bởi cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta vào đầu thế kỉ XV, rõ ràng không dám xâm phạm đến nước ta. Nhưng họ Mạc đã tỏ ra hèn hạ không kế thừa được truyền thống giữ nước vô cùng oanh liệt của dân tộc. Trước sự đe dọa của nhà Minh, Mạc Đăng Dung đã đầu hàng và đem dâng một phần đất của tổ quốc cho kẻ thù để mong được rảnh tay đàn áp nhân dân và đối phó với phe phái đối lập trong nước.”
[Lịch sử Việt Nam, tập 1, tr289 – 291, NXB khoa học xã hội Hà Nội, TB 1976]
36 năm sau ( 1971 – 2007), tại cuốn “Lịch sử Việt Nam”, quyển 3, thế kỉ XV – XVI do viện sử học Việt Nam chủ biên và xuất bản, tai mục: “Cuộc chính biến ở Đại Việt năm 1527 và mưu toan của nhà Minh” chép:
“Ý muốn chống cự lại quân Minh của nhà Mạc sớm tiêu tan, vì nhà Mạc không nắm biết được thực tình đầy khó khăn của nhà Minh lúc đó và mưu kế hư trương thanh thế từ xa của quân Minh, đã làm cho nhà Mạc hoảng sợ. Phía trước là quân Minh đe dọa, phía sau là lực lượng phù Lê diệt Mạc đang hoạt động mạnh mẽ. Trước tình thế đó, để giữ được quyền lợi của dòng họ, Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh đã chấp nhận đầu hàng”
[Lịch sử Việt Nam, thế kỉ XV- XV, q3, tr438 – 439, viện khoa học xã hội – viện sử học Việt Nam xuất bản, 2007]
Tại mục: “ Lịch sử vùng đất mà Mạc Đăng Dung cắt nhượng cho nhà Minh” chép:
“Nếu đối chiếu so sánh những ghi chép trong các nguồn sử liệu Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta thấy ai là chủ quyền đầu tiên, cũng như sự thay đổi về mặt địa lí hành chính của những địa danh nói trên là vấn đề rất phức tạp, ngày nay thật khó xác định rõ được. Chúng ta chỉ biết vùng đất tranh chấp đó ở thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI là nằm trong biên giới Đại Việt, sau đấy năm 1540, Mạc Đăng Dung cắt nhượng cho nhà Minh và vùng đất này thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc”
[Lịch sử Việt Nam, thế kỉ XV- XVI, q3, tr455, viện khoa học xã hội – viện sử học Việt Nam xuất bản, 2007]
Đối chiếu hai cuốn sách “lịch sử Việt Nam” ra đời cách nhau 36 năm (1971 – 2007), chúng ta nhận thấy những quan điểm chính thống từ các sử gia nước nhà đối với lịch sử vương triều Mạc nói chung hay sự kiện hai nói riêng là không thay đổi theo thời gian.
A – PHỤC HỒI SỰ KIỆN
- ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ SỰ KIỆN, XUẤT PHÁT TỪ SỰ GHI CHÉP CỦA SỬ
Quyển 2, sách, “Đại Việt sử ký toàn thư” NXB văn hóa thông tin ấn hành năm 2004 tại trang 621 sử chép:
“Mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Chí Vĩnh qua trấn Nam Quan mỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, rập đầu quỳ dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân, quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc lệ vào Khâm châu”
[ĐVSKTT, q2, tr621, NXB VHTT, 2004]
Chúng tôi gọi sự kiện trang 621 là (A), chỉ sau 20 dòng chữ tiếp theo tại trang 622, sự kiện A đột nhiên được viết hoàn toàn khác đi:
“Tháng 10 ngày 20, bọn Mao Bá Ôn về Yên Kinh tâu nói rằng: “Mạc Đăng Dung tự trói mình dâng lễ hàng ở cửa ải, xin tuân theo chính sóc, tước bỏ tiếm hiệu TRẢ LẠI ĐẤT 4 ĐỘNG ĐÃ XÂM CHIẾM”
[ĐVSKTT, q2, tr622, NXB VHTT, 2004]
Chúng tôi gọi sự kiện trang 622 này là (B)
So sánh 2 sự kiện nêu trên, tự bản thân từng câu, từng chữ đã tách thành 2 nội dung mang bản chất hoàn toàn mâu thuẫn nhau:
* Sự kiện A: Do chính người chép sử cung cấp.
* Sự kiện B: Lời viết thông qua một nhân vật trung gian là Mao Bá Ôn.
* Số lượng động khác nhau: 4 và 6
* Hành động của đối tượng sự kiện khác nhau:
– Cắt đất 6 động châu Vĩnh An trấn Yên Quảng của Đại Việt cho nhà Minh (A)
– Trả lại đất 4 động đã xâm chiếm của nhà Minh cho nhà Minh (B)
Lịch sử chỉ có một sự thật
(A) đúng thì (B) sai và ngược lại
- XÁC ĐỊNH CHÍNH XÁC NGUỒN GỐC CHỦ QUYỀN VÙNG ĐẤT TẠI SỰ KIỆN SỐ II
Tại mục “Lịch sử vùng đất mà Mạc Đăng Dung cắt nhượng cho nhà Minh” trong cuốn “Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV – XIV” xuất bản năm 2007, các sử gia ngày nay nhấn mạnh đến yếu tố chủ quyền đầu tiên đối với vùng đất tại sự kiện số II này:
“Nếu đối chiếu so sánh những ghi chép trong các nguồn tư liệu Trung Quốc và Việt Nam chúng ta thấy ai là chủ quyền đầu tiên, cũng như sự thay đổi về mặt địa lý hành chính của những địa danh nói trên là vấn đề rất phức tạp , ngày nay khó xác định rõ được.”
[Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV – XIV, q3, tr455, viện KHXH – viện sử học VN xuất bản, 2007]
Như vậy, mấu chốt quan trọng nhất của sự kiện II nằm tại vấn đề lịch sử vùng đất do sử chép, nghĩa là chủ sở hữu đầu tiên số đất đai này thuộc về Đại Việt hay Trung Hoa? Từ tính chất rất phức tạp của sự kiện số II, cộng với hành vi nghiêm trọng của việc “cắt đất”, đã đẩy sự kiện này của nhà Mạc thành 1 bản án trong lịch sử đất nước, tập trung rất nhiều sử gia, các học giả trong nước đã gắng công phiên án cho nhà Mạc, nhưng cho đến nay chưa có sử gia nào thành công. Các sử gia trong cuốn “Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV – XIV” nhận định tiếp:
“Trong quan hệ chính trị giữa nhà Mạc và nhà Minh, việc Mạc Đăng Dung cắt nhượng đất cho nhà Minh là vùng 2 đô NHƯ TÍCH – CHIÊM LÃNG cùng 4 động: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát là vấn đề nặng nề nhất, bị nhiều sử gia sau này lên án gay gắt. Tuy nhiên từ thế kỷ XIX, có học giả từng muốn phiên án cho Mạc Đăng Dung trong vấn đề này.”
[Lịch sử Việt Nam, t3, tr448, NXB VHTT, 2007]
Xuất phát từ những tính chất phức tạp, nghiêm trọng của sự kiện lịch sử số II, việc góp phần làm rõ sự thật lịch sử sự kiện số II không những xác lập lại lịch sử chân chính của nhà Mạc nói riêng, mà còn bổ xung những tư duy chiều sâu cho phương pháp nghiên cứu lịch sử. Góp phần tìm lại những giá trị nguyên thủy của lịch sử luôn chứa hai giá trị cốt lõi là: Khách quan và công bằng.
- Xác định chính xác nguồn gốc chủ quyền đất đai 2 châu (đô) Như Tích – Thiếp Lãng.
Nhằm xác định chính xác chủ quyền, sở hữu đất đai ban đầu vùng đất hai châu Như Tích – Thiếp Lãng, hành trình mà chúng tôi phải tìm tới từ những nguồn tư liệu sau đây:
* Tư liệu từ dư địa chí cổ Đại Việt và Trung Hoa.
* Từ liệu từ quốc sử Đại Việt, quốc sử Trung Hoa: Tống, Minh, Thanh.
Từ những bằng chứng xác đáng nhất sẽ là chìa khóa mở tiếp ra những diễn biến phức tạp của sự kiện lịch sử kéo dài từ 1427 đến 1540 tại khu vực biên giới đông bắc nước ta từ kỷ nhà Lê đến kỷ nhà Mạc.
1.1. Những bằng chứng chính xác, những căn cứ pháp lý quan trọng từ nguồn sách dư địa chí, bản đồ cổ Đại Việt quyết định nguồn gốc chủ quyền 2 châu Như Tích – Thiếp Lãng thuộc ai.
Có lẽ không quá khó, quá phức tạp để tìm ra nguồn tư liệu này của chính đất nước chúng ta, đó là:
Cuốn: “Ức trai di tập” của Nguyễn Trãi hay còn gọi là “An Nam vũ cống” được ông soạn năm 1435 và cuốn “Hồng Đức bản đồ” do triều đình vua Lê Thánh Tông lập năm (1467 – 1469).
1.2 Cuốn “Ức trai di tập – dư địa chí” hay “An Nam vũ cống”
“An Nam Vũ Cống” được Nguyễn Trãi soạn năm 1435. Đây là cuốn sách gồm 54 mục trình bày về vị trí địa lý, hình thể sông núi, thổ nhưỡng, tập tục cư dân toàn cõi Đại Việt. “An Nam Vũ Cống” được in từ bản khắc năm Tự Đức thứ 2 (1868), do hai nhà nghiên cứu Phan Duy Tiếp, Hà Văn Tấn hiệu đính, biên dịch và chú thích năm 1960. Trong 54 mục trình bày địa lý, tại mục “XXV Vân Cừ, Kim Tiêu, Phân Mao ở về An Bang”(sau tránh tên húy đổi làm An Quảng (Yên Quảng)) Nguyễn Trãi viết:
“Vân Cừ là tên sông, tên khác của sông Bạch Đằng, tiền Ngô Vương bắt Hoằng Tháo, Hưng Đại vương bắt Mã Nhi đều ở chỗ ấy. Phân Mao là tên núi, Kim Tiêu là cột đồng ở phía tây lộ phủ Hải Đông 300 dặm có dãy núi Phân Mao, ở nửa chừng dãy núi có cột đồng của Mã Viện dựng, lớn chừng 3 thước khoảng niên hiệu Nguyên – Hóa (806 – 820) đời Đường đô hộ là Mã Thông lại dựng cột đồng ở chỗ cũ đời Hán. An Bang xưa là bộ Ninh – Hải; tây và nam tiếp nối Hải Dương; đông và bắc giáp với Khâm châu, có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 6 châu, 302 làng xã, 44 trang. Đấy là phiên giậu thứ 2 ở phương đông vậy”
[Ức trai di tập – dư địa chí, tr34, NXB sử học, 1960]
Phần dẫn trên là một trong 54 mục mà Nguyễn Trãi viết. Sau đó vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Thiên Túng viết tập chú, Nguyễn Thiên Tích viết lời cẩn án. Lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích là một bản danh sách chép rõ tên các phủ, huyện, châu và số xã, thôn, trang, động, sách. Tại mục XXV trên của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Tích viết lời cẩn án chi tiết như sau:
“Cẩn án(*) phủ Hải Đông có 3 huyện , 4 châu, 101 xã:
Huyện Hoa Phong có 14 xã, 1 thôn
Huyện Yên Hưng có 25 xã, 1 thôn, 15 trang
Châu Vân Đồn (triều Lý là trang, thương nhân ngoại quốc ở đấy) có 10 trang, 1 phường
Huyện Hoành Bồ có 25 xã, 2 trang
Châu Tân An có 16 xã, 1 thôn, 53 trang
Châu Vạn Ninh có 18 xã, 2 trang, 4 động
Châu Vĩnh An có 3 xã
Phủ Dương Tuyền có 5 huyện, 2 châu, 201 xã
Huyện An phố có 30 xã
[Minh mở đường thủy vạn ninh, Vĩnh An phố. Trương phụ đặt đệ(quân thông tin liên lạc), thủy dịch(trạm đường thủy) thẳng đến Khâm châu, lại đặt mã dịch(trạm chạy ngựa) từ Gia Lâm đến Hoành Châu]
Huyện Hoành Cừ có 40 xã
Huyện Yên Nhiêu có 6 xã
Châu Như Tích có 67 xã, 4 động
Châu Thiếp Lãng có 11 xã, 9 động”
[Ức trai di tập – dư địa chí, tr34 – 35, NXB sử học, 1960]
Từ những khái quát thống kê không chi tiết ban đầu của Nguyễn Trãi trong “An Nam vũ cống”:
“An Bang xưa…có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 6 châu, 302 làng xã, 44 trang…”
Nguyễn Thiên Tích đã cụ thể hóa chi tiết đến từng địa phương như đã dẫn ở trên và điều cần quan tâm nhất ở nội dung này là: Nguyễn Trãi đã công nhận An Bang có 6 châu.
“An Bang xưa …. 6 châu…”
Nguyễn Thiên Tích triển khai chi tiết:
“phủ Dương Tuyền….
Châu Như Tích
Châu Thiếp Lãng…”
Như vậy, với nhận thức của cá nhân Nguyễn Trãi giai đoạn 1435 và của người cẩn án sau đó đã cùng thể hiện quan điểm Đại Việt sở hữu hai châu:
– Như Tích
– Thiếp Lãng
1.3 Cuốn dư địa chí “Hồng Đức bản đồ”