04/06/2017, 08:45

Bàn luận về câu tục ngữ: Đất rắn trồng cây khẳng khiu - Những người thô tục nói điều phàm phu.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến lời ăn tiếng nói. Bởi vì nó là biểu hiện nét đẹp của con người. Đã không ít những câu chuyện kể cho con cháu nghe, cha ông ta dùng những biểu tượng rất đẹp, rất quý để tượng trưng cho những lời nói đẹp, và những cái ghê tởm để tượng trưng cho những lời ...

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến lời ăn tiếng nói. Bởi vì nó là biểu hiện nét đẹp của con người. Đã không ít những câu chuyện kể cho con cháu nghe, cha ông ta dùng những biểu tượng rất đẹp, rất quý để tượng trưng cho những lời nói đẹp, và những cái ghê tởm để tượng trưng cho những lời nói xấu xa.

Cô bé nọ dịu dàng, nết na, giàu lòng thương người, được tiên ban phép lạ: mỗi một lời cô nói ra là nở thành hoa, sa thành ngọc. Còn ả nọ bụng dạ nanh ác, tiên phạt: hễ mở miệng nói mỗi tiếng là mỗi biến thành cóc nhái, rắn rết! Để răn dạy mọi người, các tác giả dân gian còn nói bằng câu tục ngữ:
 
Đất rắn trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.
 
Ca dao, tục ngữ xưa thật giàu hình ảnh và hữu ý! Mỗi câu đọc lên nghe sao bình dị mà vẫn sâu sắc, như câu tục ngữ trên đây chẳng hạn. Mở đầu bằng một hình ảnh sự vật rất giản dị “đất” và “cây”, người xưa đã xây dựng nên một mối quan hệ nhân quả thật sâu sắc: “Đất rắn” và “cây khẳng khiu”. Có người nói điều này thật bình thường, tất nhiên cây mọc trên đất không tốt sẽ khẳng khiu và trơ trụi là phải thôi. Nhưng cái hữu ý mà nghệ sĩ dân gian gửi tới chúng ta chính là: bản chất của đất không cần kiểm tra hay xét lọc gì mà chỉ cần nhìn nhưng bụi cây ngọn cỏ ở trên đó ta có thể thấy được đất tốt hay không tốt, cũng như ở câu sau: “Những người thô tục nói điều phàm phu”. Bằng cách so sánh ngầm: những con người “thô tục” cũng như “đất rắn” đã bộc lộ ngay bản chất, cái bản chất dù có giấu kín tới cỡ nào, nhưng “thô tục” tất dẫn đến phàm phu. Tục ngữ, ca dao xưa vốn ý nhị mà sâu sắc, nên điều mà các tác giả xưa muốn nói không phải là cái sự vật mà chính là cái ý nghĩa bóng bẩy mà tác giả gửi gắm trong sự vật ấy. Những bản chất xấu hay tốt đều bộc lộ qua hành động, suy nghĩ và lời nói.
 
Thật vậy, điều mà câu tục ngữ gửi gắm đến chúng ta thật hợp lí và phải lẽ! Cái mối quan hệ nhân quả giữa cái bản chất ẩn giấu kín với biểu hiện ra bên ngoài là thống nhất. Bởi vậy muốn hay, muốn tốt không thể lo che đậy bản chất mà phải cải tạo cái bản chất đi. Ví như đất khô cằn kia được cải tạo thành đất màu mỡ thì cây sẽ tươi tốt. Con người cũng vậy, phải làm thay đổi tính chất thô tục trong con người đi thì mới có thể làm cho anh ta nói ra được những điều thanh lịch. Suy rộng ra thì có làm cho con người ta thay đổi bản chất xấu xa trở thành con người lương thiện thì người ta mới suy nghĩ, hành động, nói năng tốt đẹp, Song việc đó không đơn giản. Bởi vì bản chất là cái đã ăn sâu vào sự vật, vào con người không thể một vài tác động, trong một thời gian ngắn mà làm thay đổi được. Ngay như những vùng đất khô cằn, bạc màu, con người muốn cải tạo cũng phải biết bao biện pháp khoa học, tác động vào đất hàng mấy năm, có khi hàng chục năm trời, đất mới trở nên màu mỡ được; huống chi là con người. Khi ta đem những điều hay lẽ phải để cải tạo bản chất con người, thì bên cạnh con người đó vẫn có không biết bao nhiêu điều xấu cũng tác động vào anh ta. Cái tốt chiến thắng cái xấu, hay ngược lại, còn do sự nỗ lực hay sự buông thả của bản thân người đó. Đó là cuộc đấu tranh bền bỉ, liên tục giữa hai thế lực nên không thể một sớm một chiều mà thay đổi một con người thô tục thành con người thanh lịch được.
 
Mặt khác, câu tục ngữ cũng muốn nêu lên một quy luật trong tự nhiên để nói lên một quy luật trong xã hội. Đất, môi trường sống của cây, mà khô cứng thì cây gầy khẳng khiu, không tươi tốt. Xã hội, môi trường sống của con người, mà xấu xa thì cũng không thể tạo ra được những con người tốt lên, có nếp sống tốt nảy nở và phát triển. Đồng thời từng con người tốt lên, có nếp sống văn minh lịch sự sẽ họp lại thành xã hội ngày càng văn minh hơn.
 
Gia đình là tế bào của xã hội. Ở đó con người sinh ra là đa tiếp thu sự giáo dục của các thế hệ lớn hơn. Một sự giáo dục bằng tình thương và trong tình thương. Đứa trẻ ngay từ bé có được lời nói lễ phép, thanh lịch; cư xử khôn khéo, văn minh; nếu tất cả người lớn trong gia đình đều có nếp sống văn minh đó.
 
Lớn hơn một chút, đến nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông, đại học... ở đâu cũng là môi trường trong sạch lành mạnh, thì đứa trẻ ấy sẽ có một bản chất lành mạnh, trong sáng, sẽ trở thành một công dân tốt, và một thành viên tốt trong gia đình. Và cứ thế phát triển đến các thế hệ tiếp theo.
 
Nhân dân lao động xưa kia, tác giả của các câu tục ngữ quí giá như câu trên đây, do hoàn cảnh, có thể là những người thất học, hoặc ít học. Nhưng không vì thế mà họ không lưu giữ những truyền thống văn hoá đẹp. Chính vì thế họ đã gửi gắm vào những câu tục ngữ, ca dao dễ nhớ, dễ thuộc những phương châm xử thế văn minh giàu bản sắc dân tộc để lưu truyền mãi mãi. Ngày nay, xã hội chúng ta, trình độ dân trí ngày càng cao, thì nếp sống văn minh càng phải được nâng cao. Trong phong trào xã hội "xã hội văn minh, gia đình văn hoá mới" chúng ta không thể không nhớ lời cảnh tỉnh của câu tục ngữ trên đây.

0