04/06/2017, 08:45

Bàn luận về câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" (3)

Kho tàng văn hoá Việt Nam ta vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn, Đi vào kho tàng văn hoá dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy một trang sử hào hùng, một câu chuyện li kì, một câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà mang nhiều ý nghĩa, Những câu tục ngữ, ca dao đó được đúc rút từ cuộc sống lao ...

Kho tàng văn hoá Việt Nam ta vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn, Đi vào kho tàng văn hoá dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy một trang sử hào hùng, một câu chuyện li kì, một câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà mang nhiều ý nghĩa, Những câu tục ngữ, ca dao đó được đúc rút từ cuộc sống lao động bình thường hàng ngày.

Nó ngắn gọn nhưng chứa đựng những chân lí sáng ngời, những phẩm chất cao quí, lưu truyền trong nhân dân ta từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" đã biểu hiện sinh động lòng biết ơn đối với người đã mang lại cho ta hạnh phúc. Câu tục ngữ được chúng ta nhớ đến không chỉ vì nó ngắn gọn dễ thuộc, dễ nhớ mà vì nó chứa đựng một ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy ta phải hiểu câu tục ngữ ấy như thế nào cho đúng?
 
Trong cuộc sống hàng ngày, nước rất cần cho sự sống, không những cho con người mà còn cho tất cả sinh vật tồn tại trên Trái Đất này. Có nước thì mới có những bãi mía nương dâu, những mùa màng bội thu trên khắp các miền quê. Cuộc sống của con người vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn cũng là nhờ những dòng nước đó, mỗi chúng ta phải biết nhớ đến nguồn - nơi đã sinh ra nước và đưa nước đi mọi nơi. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng của câu tục ngữ là gì? "Nước ở đây không chỉ là những dòng nước chảy ra từ nguồn mà còn là những thành quả chúng ta được hưởng. Và khi được hưởng những thành quả ấy, chúng ta phải biết ơn nhưng người đã tạo ra. "Uống nước" phải "nhớ nguồn". Đó cũng chính là tâm niệm, khát vọng muôn đời của con người Việt Nam sống ân nghĩa, thuỷ chung. Có thể nói lời nhắc nhủ của ông cha ta gửi trong câu tục ngữ là rất đúng đắn và chính đáng. Chúng ta phải nhớ ơn những người đã làm nên thành quả cho chúng ta hưởng. Ta được như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến công lao to lớn như trời bể của cha mẹ:
 
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
 
“Công cha”, “nghĩa mẹ” được so sánh với tất cả những gì cao cả, mênh mang nhất. Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra ta, nuôi nấng, dạy dỗ ta dành tất cả tình thương yêu cho chúng ta, hi sinh tất cả vì chúng ta. Tất cả những điều cha mẹ dành cho ta, ta lấy gì đền đáp cho được? Câu tục ngữ ‘‘Uống nước nhớ nguồn” đã nhắc nhở chúng ta phải biết ơn và kính yêu, hiếu thảo với cha mẹ, sống sao cho xứng đáng với công lao và tấm lòng của cha mẹ, ông bà. Ta lớn khôn, hiểu biết như ngày hôm nay là nhờ công lao dạy bảo của những người thầy, người cô đã không quản khó khăn dạy dỗ ta nên người. Ta được sống trong một đất nước hoà hình, tự do này là nhờ những người đã không tiếc công sức, xương máu của mình, hi sinh cho dân tộc, cho nhân dân. Chính câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” này đã giúp chúng ta hiểu được những công lao to lớn của các thế hệ ông cha, tỏ lòng biết ơn và kính trọng ông cha cùng các thế hệ đi trước.
 
Đất nước ta ngày nay có phong trào đền ơn đáp nghĩa những người có công với Tổ quốc. Chúng ta dã có những việc làm như tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, nhận chăm sóc những người già neo đơn, qui tụ mộ liệt sĩ„. Chúng ta, những người được hưởng những thành quả to lớn đang nhớ về “nguồn” và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người xả thân vì đất nước, hi sinh bản thân mình cho nhân dân. Hiện tại, được sống bình yên, hạnh phúc như thế này, chúng ta phải biết ơn những chiến sĩ công an, những anh bộ đội ngày đêm đang canh giữ biên cương, bảo vệ biển trời Tổ quốc thân yêu.
 
Tuy nhiên, trong xã hội ta ngày nay, cũng có một số người vô ơn, không biết kính trọng những người đã làm nên những thành quả cho mình được hưởng, có những kẻ chỉ biết thu vén cho lợi ích cá nhân, những kẻ đó thật đáng lên án và phê phán. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một bài học sâu sắc, bổ ích cho mãi chúng ta, là một lời khuyên chân thành nhắc chúng ta phải sống có đạo đức, biết hi sinh, cống hiến cho đất nước, dân tộc, để xã hội ta ngày càng văn minh, tiến bộ, gia đình ta ấm no, hạnh phúc. Câu tục ngữ còn giúp chúng ta biết cách cư xử đối cha mẹ, thầy cô và tất cả mọi người.
 
Với tất cả những giá trị to lớn ấy, câu tục ngữ không chỉ được mọi người biết đến mà còn sống mãi với tất cả mọi người hôm nay và mai sau.

0