Bản chất và vai trò của cách mạng xã hội

a) Khái niệm cách mạng xã hội Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình thái kinh tế – xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế – xã hội cao hơn. Theo nghĩa hẹp, cách mạng xã hội ...

a) Khái niệm cách mạng xã hội

Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình thái kinh tế – xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế – xã hội cao hơn.

Theo nghĩa hẹp, cách mạng xã hội là việc lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời, thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn.
Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, giành chính quyền vẫn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Bởi vì, chỉ khi nào giành được chính quyền, giai cấp cách mạng mới xác lập được nền chuyên chính của mình, tiến tới bảo đảm được quyền lực của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiến hóa xã hội cũng là hình thức phát triển của xã hội. Nhưng khác với cách mạng xã hội, nó là quá trình phát triển diễn ra một cách tuần tự, dần dần với những biến đổi cục bộ trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Song tiến hóa xã hội và cách mạng xã hội thống nhất biện chứng với nhau: cách mạng xã hội chỉ trở thành tất yếu lịch sử khi những tiền đề của nó được tạo ra nhờ tiến hóa xã hội. Ngược lại, cách mạng xã hội mở đường cho tiến hóa như là những quá trình kế tiếp nhau không ngừng trong sự phát triển của xã hội.
Cải cách xã hội cũng tạo nên sự thay đổi về chất nhất định trong đời sống xã hội, nhưng khác về nguyên tắc với cách mạng xã hội ở chỗ: cải cách xã hội chỉ tạo nên những biến đổi riêng lẻ, bộ phận trong khuôn khổ chế độ xã hội đang tồn tại; những cải cách xã hội có ý nghĩa thúc đẩy quá trình tiến hóa tạo tiền đề dẫn tới cách mạng xã hội. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong các chế độ xã hội có đối kháng giai cấp, phần lớn những cải cách xã hội là kết quả của phong trào đấu tranh của lực lượng tiến bộ, và trong những hoàn cảnh nhất định, chúng trở thành những bộ phận hợp thành của cách mạng xã hội. 
Đảo chính là thủ đoạn giành quyền lực nhà nước bởi một cá nhân hoặc một nhóm người nhằm xác lập một chế độ xã hội có cùng bản chất. Đảo chính không động đến chế độ xã hội và không phải là phong trào cách mạng của quần chúng, cho nên đảo chính khác hoàn toàn với cách mạng xã hội. 

b) Nguyên nhân của cách mạng xã hội

Nguyên nhân sâu xa của cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất phát triển đến một mức độ nhất định thì quan hệ sản xuất cũ trở nên lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của các lực lượng sản xuất. “Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”1.
Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện về mặt xã hội thành mâu thuẫn giữa giai cấp cách mạng, đại biểu cho lực lượng sản xuất mới với giai cấp thống trị dùng mọi thủ đoạn, đặc biệt là sử dụng công cụ nhà nước có trong tay để bảo vệ, duy trì quan hệ sản xuất lỗi thời. Để thay thế quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới cao hơn và làm cho nó trở thành quan hệ sản xuất thống trị nhằm giải phóng mình, giai cấp cách mạng phải tiến hành đấu tranh chống lại giai cấp thống trị, phải giành lấy chính quyền nhà nước. Do vậy, cách mạng xã hội là đỉnh cao của đấu tranh giai cấp và là bước nhảy vọt tất yếu trong sự phát triển của xã hội có giai cấp; vấn đề chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

c) Vai trò của cách mạng xã hội

Các cuộc cách mạng xã hội có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Chỉ có cách mạng xã hội mới thay thế được quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; mới thay thế được hình thái kinh tế – xã hội cũ bằng hình thái kinh tế – xã hội mới cao hơn. Cách mạng xã hội là bước chuyển biến vĩ đại trong đời sống xã hội về kinh tế – chính trị – văn hóa – tư tưởng. Trong các thời kỳ cách mạng xã hội, năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân được phát huy một cách cao độ, như C.Mác đã nói: cách mạng xã hội là đầu tàu của lịch sử.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh đầy đủ và rõ nét vai trò của cách mạng xã hội qua bốn cuộc cách mạng xã hội đưa nhân loại trải qua 5 hình thái kinh tế – xã hội nối tiếp nhau là: Cuộc cách mạng xã hội thực hiện bước chuyển từ hình thái kinh tế – xã hội nguyên thuỷ lên hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ; cuộc cách mạng chuyển chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến; cuộc cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xác lập chế độ tư bản chủ nghĩa; cuộc cách mạng vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản, xác lập chế độ xã hội chủ nghĩa và tiến lên cộng sản chủ nghĩa.
Cuộc cách mạng vô sản là một kiểu cách mạng xã hội mới về chất. Nếu tất cả các cuộc cách mạng xã hội trước chỉ là sự thay thế hình thức của chế độ chiếm hữu tư nhân, thay thế hình thức người bóc lột người, thì cách mạng vô sản nhằm xây dựng xã hội mới không có giai cấp để giải phóng triệt để con người. Đó là sự chuyển biến sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại.

d) Tính chất, lực lượng và động lực của cách mạng xã hội

Tính chất của một cuộc cách mạng xã hội được xác định bởi nhiệm vụ giải quyết mâu thuẫn kinh tế (mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất) và mâu thuẫn xã hội (giữa giai cấp bị bóc lột với giai cấp bóc lột) tương ứng. Nó phải giải quyết những mâu thuẫn giai cấp nào, xoá bỏ chế độ xã hội nào, xác lập chế độ xã hội nào. Chẳng hạn, cuộc cách mạng 1789 ở Pháp là cuộc cách mạng tư sản vì giai cấp tư sản và các tầng lớp lao động do giai cấp tư sản lãnh đạo đã thực hiện nhiệm vụ lật đổ giai cấp địa chủ phong kiến, xoá bỏ chế độ phong kiến, xây dựng chế độ tư bản.
Tính chất và nhiệm vụ của một cuộc cách mạng xã hội quy định lực lượng và động lực của cách mạng. Lực lượng của cách mạng xã hội là những giai cấp và tầng lớp nhân dân có lợi ích ít nhiều gắn bó với cách mạng và thúc đẩy cách mạng xã hội phát triển. Lực lượng cách mạng do tính chất của cách mạng quyết định và còn do cả những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi cuộc cách mạng xã hội quyết định. Có những cuộc cách mạng xã hội cùng một kiểu, nhưng do hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong nước và trên thế giới khác nhau, nên có những lực lượng cách mạng khác nhau.
Động lực của cách mạng xã hội là những giai cấp có lợi ích gắn bó chặt chẽ và lâu dài đối với cách mạng. Tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể, động lực của cách mạng xã hội cũng thay đổi.
Vai trò lãnh đạo trong cách mạng xã hội thuộc về giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại, là giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất mới, là giai cấp tiến bộ nhất trong số các giai cấp đang tồn tại. Chẳng hạn, giai cấp tư sản là giai cấp lãnh đạo trong cách mạng tư sản, giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo trong cách mạng vô sản.

0