Những phương thức tồn tại của vật chất

Tìm hiểu những phương thức tồn tại của vật chất nhằm trả lời cho câu hỏi: Những dạng cụ thể của vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình bằng cách nào. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng , các dạng cụ thể của vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình bằng vận động, không gian, thời ...

Tìm hiểu những phương thức tồn tại của vật chất nhằm trả lời cho câu hỏi: Những dạng cụ thể của vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình bằng cách nào.
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, các dạng cụ thể của vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình bằng vận động, không gian, thời gian.

a) Vận động

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, vận động không chỉ là sự thay đổi vị trí trong không gian (hình thức vận động thấp, giản đơn của vật chất) mà theo nghĩa chung nhất, vận động là mọi sự biến đổi. Ph. Ăngghen viết “Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất (…) bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy”1.
Khi định nghĩa vận động là sự biến đổi nói chung, thì vận động “là thuộc tính cố hữu của vật chất“, “là phương thức tồn tại của vật chất“2. Điều này có nghĩa là vật chất tồn tại bằng vận động. Trong vận động và thông qua vận động mà các dạng vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình, Một khi chúng ta nhận thức được những hình thức vận động của vật chất, thì chúng ta nhận thức được bản thân vật chất.
Với tính cách “là thuộc tính cố hữu của vật chất“, theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, vận động là sự tự thân vận động của vật chất, được tạo nên từ sự tác động lẫn nhau của chính các thành tố nội tại trong cấu trúc vật chất. Quan điểm về sự tự thân vận động của vật chất đã được chứng minh bởi những thành tựu của khoa học tự nhiên và càng ngày những phát kiến mới của khoa học tự nhiên hiện đại càng khẳng định quan điểm đó.
Vật chất là vô hạn, vô tận, không sinh ra, không mất đi và vận động là một thuộc tính không thể tách rời vật chất nên bản thân sự vận động cũng không thể bị mất đi hoặc sáng tạo ra. Kết luận này của triết học Mác – Lênin đã được khẳng định bởi định luật bảo toàn chuyển hóa năng lượng trong vật lý. Theo định luật này, vận động của vật chất được bảo toàn cả về mặt lượng và chất. Nếu một hình thức vận động nào đó của sự vật mất đi thì tất yếu nảy sinh một hình thức vận động khác thay thế nó. Các hình thức vận động chuyển hóa lẫn nhau, còn vận động của vật chất thì vĩnh viễn tồn tại cùng với sự tồn tại vĩnh viễn của vật chất. 
Dựa trên những thành tựu khoa học của thời đại mình, Ph.Ăngghen đã phân chia vận động thành 5 hình thức cơ bản. Đó là:
– Vận động cơ học (sự di chuyển vị trí của các vật thể trong không gian).
– Vận động vật lý (vận động của các phân tử, các hạt cơ bản, vận động điện tử, các quá trình nhiệt điện, v.v.).
– Vận động hóa học (vận động của các nguyên tử, các quá trình hóa hợp và phân giải các chất).
– Vận động sinh học (trao đổi chất giữa cơ thể sống và môi trường).
– Vận động xã hội (sự thay đổi, thay thế các quá trình xã hội của các hình thái kinh tế – xã hội).
Đối với sự phân loại vận động của vật chất thành 5 hình thức xác định như trên, cần chú ý về mối quan hệ giữa chúng là:
– Các hình thức vận động nói trên khác nhau về chất. Từ vận động cơ học đến vận động xã hội là sự khác nhau về trình độ của sự vận động, những trình độ này tương ứng với trình độ của các kết cấu vật chất.
– Các hình thức vận động cao xuất hiện trên cơ sở các hình thức vận động thấp, bao hàm trong nó tất cả các hình thức vận động thấp hơn. Trong khi đó, các hình thức vận động thấp không có khả năng bao hàm các hình thức vận động ở trình độ cao hơn. Bởi vậy, mọi sự quy giản các hình thức vận động thấp đều là sai lầm.
– Trong sự tồn tại của mình, mỗi sự vật có thể gắn liền với nhiều hình thức vận động khác nhau. Tuy nhiên, bản thân sự tồn tại của sự vật đó bao giờ cũng đặc trưng bằng một hình thức vận động cơ bản.
Chính bằng sự phân loại các hình thức vận động cơ bản, Ph.Ăngghen đã đặt cơ sở cho sự phân loại các khoa học tương ứng với đối tượng nghiên cứu của chúng và chỉ ra cơ sở của khuynh hướng phân ngành và hợp ngành của các khoa học. Ngoài ra, tư tưởng về sự khác nhau về chất và thống nhất của các hình thức vận động cơ bản còn là cơ sở để chống lại khuynh hướng sai lầm trong nhận thức là quy hình thức vận động cao vào hình thức vận động thấp và ngược lại.
Khi triết học Mác – Lênin khẳng định thế giới vật chất tồn tại trong sự vận động vĩnh cửu của nó, thì điều đó không có nghĩa là phủ nhận hiện tượng đứng im của thế giới vật chất. Trái lại, triết học Mác – Lênin thừa nhận rằng, quá trình vận động không ngừng của thế giới vật chất chẳng những không loại trừ mà còn bao hàm trong nó hiện tượng đứng im. Đứng im, theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, là một trạng thái đặc biệt của vận động – vận động trong cân bằng, nghĩa là những tính chất của vật chất chưa có sự biến đổi về cơ bản.
Đứng im chỉ là hiện tượng tương đối và tạm thời.
Đứng im là tương đối, vì trước hết hiện tượng đứng im chỉ xảy ra trong một mối quan hệ nhất định chứ không phải trong mọi quan hệ cùng một lúc. Thứ hai, đứng im chỉ xảy ra với một hình thái vận động trong một lúc nào đó, chứ không phải với mọi hình thức vận động trong cùng một lúc. Thứ ba, đứng im chỉ biểu hiện của một trạng thái vận động, đó là vận động trong thăng bằng, trong sự ổn định tương đối, biểu hiện thành một sự vật nhất định khi nó còn là nó chưa bị phân hóa thành cái khác. Chính nhờ trạng thái ổn định đó mà sự vật thực hiện được sự chuyển hóa tiếp theo. Không có đứng im tương đối thì không có sự vật nào cả. Do đó, đứng im còn được biểu hiện như một quá trình vận động trong phạm vi chất của sự vật còn ổn định, chưa thay đổi.
Đứng im là tạm thời vì vận động cá biệt có xu hướng hình thành sự vật, hiện tượng ổn định nào đó, còn vận động nói chung, tức là sự tác động qua lại lẫn nhau giữa sự vật và hiện tượng làm cho tất cả không ngừng biến đổi.
Ph.Ăngghen chỉ rõ “vận động riêng biệt có xu hướng chuyển thành cân bằng, vận động toàn bộ phá hoại sự cân bằng riêng biệt”1 và “mọi sự cân bằng chỉ là tương đối và tạm thời”2.

b) Không gian, thời gian

Trong lịch sử triết học, xung quanh các phạm trù không gian và thời gian đã có nhiều quan điểm khác nhau. Những người theo chủ nghĩa duy tâm phủ nhận tính khách quan của không gian và thời gian.
Vào thời thế kỷ XVII – XVIII, các nhà duy vật siêu hình tập trung phân tích các khách thể vĩ mô vận động trong tốc độ thông thường nên đã tách rời không gian và thời gian với vật chất.
Trên cơ sở các thành tựu của khoa học và thực tiễn, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng:
Bất kỳ một khách thể vật chất nào cũng chiếm một ví trí nhất định, có một kích thước nhất định, ở vào một khung cảnh nhất định trong tương quan với những khách thể khác. Các hình thức tồn tại như vậy của khách thể vật chất được gọi là không gian.
Mặt khác, sự tồn tại của các khách thể vật chất còn được biểu hiện ở mức độ lâu dài hay mau chóng, ở sự kế tiếp trước hay sau của các giai đoạn vận động. Các hình thức tồn tại như vậy được gọi là thời gian.
Không gian và thời gian gắn bó mật thiết với nhau và gắn liền với vật chất, là phương thức tồn tại của vật chất. Điều đó có nghĩa là không có một dạng vật chất nào tồn tại ở bên ngoài không gian và thời gian. Ngược lại, cũng không thể có thời gian và không gian nào ở ngoài vật chất. Ph.Ăngghen viết: “Các hình thức cơ bản của mọi tồn tại là không gian và thời gian; tồn tại ngoài thời gian thì cũng hết sức vô lý như tồn tại ngoài không gian“3. V.I.Lênin cho rằng, để chống lại mọi chủ nghĩa tín ngưỡng và mọi chủ nghĩa duy tâm thì phải “thừa nhận một cách dứt khoát và kiên quyết rằng những khái niệm đang phát triển của chúng ta về không gian và thời gian đều phản ánh thời gian và không gian thực tại khách quan”; “”kinh nghiệm” của chúng ta và nhận thức của chúng ta ngày càng thích ứng với không gian và thời gian khách quan, ngày càng phản ánh chúng một cách đúng đắn hơn và sâu sắc hơn”4.
Quan điểm của triết học duy vật biện chứng như trên đã được xác nhận bởi những thành tựu của khoa học tự nhiên. Chẳng hạn Lôbatsépxki, trong hình học phi Ơcơlít của mình đã bác bỏ tư tưởng của Cantơ về không gian và thời gian coi như là những hình thức của tri giác cảm tính ngoài kinh nghiệm. Bútlêrốp đã phát hiện ra những đặc tính không gian lệ thuộc vào bản chất vật lý của các vật thể vật chất. Đặc biệt thuyết tương đối của A.Anhxtanh đã xác nhận rằng, không gian và thời gian không tự nó tồn tại, tách rời vật chất mà nằm trong mối liên hệ qua lại phổ biến không thể phân chia.
Không gian và thời gian có những tính chất cơ bản sau đây:
– Tính khách quan, nghĩa là không gian và thời gian là thuộc tính của vật chất tồn tại gắn liền với nhau và gắn liền với vật chất. Vật chất tồn tại khách quan, do đó không gian và thời gian là thuộc tính của nó nên cũng tồn tại khách quan. 
– Tính vĩnh cửu và vô tận, nghĩa là không gian và thời gian không có tận cùng về một phía nào, xét cả về quá khứ lẫn tương lai, cả về đằng trước lẫn đằng sau, cả về bên phải lẫn bên trái, cả về phía trên lẫn phía dưới.
– Không gian luôn có ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao), còn thời gian chỉ có một chiều (từ quá khứ tới tương lai). Khái niệm “không gian nhiều chiều” mà ta thường thấy trong tài liệu khoa học hiện nay là một trừu tượng khoa học dùng để chỉ tập hợp một số đại lượng đặc trưng cho các thuộc tính khác nhau của khách thể nghiên cứu và tuân theo những quy tắc biến đổi nhất định. Đó là một công cụ toán học hỗ trợ dùng trong quá trình nghiên cứu chứ không phải để chỉ không gian thực, không gian thực chỉ có ba chiều.

0