Bài văn phân tích viên quan phụ mẫu trong "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn số 6 - 8 Bài văn phân tích viên quan phụ mẫu trong "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn
Trước cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của con người luôn rơi vào cảnh khốn khổ, lầm than. Thật vậy, đứng trước cảnh tượng ấy đã có biết bao nhà thơ, nhà văn không kìm nổi sự phẫn nộ, niềm cảm thương cho những kiếp người nhỏ bé. Chúng ta biết đến sự khốn cùng bóc lột qua tác phẩm "Tắt ...
Trước cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của con người luôn rơi vào cảnh khốn khổ, lầm than. Thật vậy, đứng trước cảnh tượng ấy đã có biết bao nhà thơ, nhà văn không kìm nổi sự phẫn nộ, niềm cảm thương cho những kiếp người nhỏ bé. Chúng ta biết đến sự khốn cùng bóc lột qua tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và sự tha hóa, biến chất của một con người từ anh nông dân lương thiện thành con quỷ dữ bị xã hội loài người chối bỏ qua tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao. Nhưng đó chưa phải là tất cả, và đỉnh cao của sự khốn nạn đầy thối rữa của xã hội cũ được thể hiện sắc sảo bằng hình ảnh viên quan phụ mẫu qua truyện ngắn "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn.
Chắc hẳn chỉ cần đọc qua nhan đề của truyện thôi chúng ta cũng có thể hình dung ra được phần nào nội dung câu chuyện. Thân làm quan, là người được ăn trên ngồi chốc, là người sống bằng thuế máu của dân đáng lẽ ra phải chăm lo cho đời sống nhân dân, nhưng sau cùng thì dân có thân dân tự lo, quan giàu sang quan hưởng thụ. Và đó cũng là bộ mặt thối tha vô nhân tính của xã hội lúc bấy giờ.
Câu chuyện được bắt đầu với những chi tiết đáng lo ngại về tình trạng của một con đê. Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên lên to quá, khúc đê làng...thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thầm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất. Đứng trước tình cảnh nguy thế này hàng trăm con người cố gắng, dốc hết sức mình, người cầm thuổng, kẻ cầm cuốc, đội đất, vác tre, lặn lội bì bõm dưới bãi bùn lầy ướt như chuột lột để cứu vớt con đê đang trên mức báo động.
Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng sức người nào có địch được với sức trời. Mặc người người kiệt sức, mệt lả đi, mặc cho không gian đang hỗn độn bởi tiếng tiếng trống, tiếng ốc thổi liên hồi nhưng thiên nhiên hung dữ vẫn tiếp tục công việc của nó, mưa vẫn trút xuống tầm tã, mực nước dưới sông nhanh chóng dâng lên khiến tình thế nguy càng thêm nguy. Nếu cứ như thế này thì con đê rơi vào tình huống nguy kịch mất, mạng sống của hàng trăm nghìn con người nhỏ bé sẽ bị chôn vùi trong nước lũ.
Những lúc như thế này thật sự cần một người lãnh đạo, cần một nguồn lực to lớn để bảo vệ con đê, duy trì sinh tồn của con người, thế nhưng ngoài những con người chân lắm tay bùn nghèo khổ đang vật vã chống chọi để tìm đường sống thì không có một ai hỗ trợ hay giúp đỡ. Gần con đê, cách đó khoảng bốn năm trăm thước có một ngôi đình, nó cũng nằm trên mặt đê nhưng cao và vững chãi, nếu con đê chẳng may có vỡ thì cũng chẳng hề tổn hại một chút nào gì đến. Và nơi cao ráo, an toàn đó là chỗ mà quan phụ mẫu, người được là cha mẹ dân đang an nhàn hưởng thụ cuộc sống phú quý của mình.
Thời xưa làm quan lớn là được ăn trên ngồi chốc, được sống mà an nhàn chẳng cần phải suy nghĩ. Đúng vậy, mặc kệ thiên hệ, mặc kệ nhân dân người vật vã, kẻ giãy dụa quằn quại thì đó cũng chẳng là việc của quan, nhiêu đó chẳng đủ để thu hút sự chú ý của những kẻ lãnh huyết, vô tình. Đọc xong chúng ta tràn ngập nỗi bất bình, có phẫn uất có khinh bỉ.
Mọi bất bình đều hướng về phía tên quan phụ mẫu. Đó là một kẻ vô trách nhiệm, một tên tay sai nghiện cờ bạc, đắm chìm trong thói xa hoa phung phí. Nhưng nếu chỉ ở điểm này thì hắn không khác gì tầng lớp quan lại hay bọn nhà giàu quý tộc lúc bấy giờ, khốn nạn hơn cả là hắn lại là kẻ ngồi trên đệm êm, kẻ bưng nước, người hầu hạ xung quanh đầy thư thái trong khi cả dân làng đang vật vã đấu tranh với con đê để bảo vệ mùa màng, bảo vệ tính mạng.
Trách nhiệm của hắn là gì, hắn được chỉ thị xuống vùng này để làm gì có lẽ hắn đã quên vì giờ đây trong đầu hắn chỉ toàn khói thuốc men say cùng với bao tiền bạc mà hắn sẽ thắng được trong trò chơi cờ bạc ấy.
Hình ảnh viên quan phụ mẫu bây giờ trở thành kẻ ác phụ, vô tâm thấy con dân mình, người mà mình đang bóc lột để ăn trên ngồi chốc, họ cũng là đồng bào, là nhân dân với mình mà bây giờ khi được trở mình làm quan lớn hắn lại quên ngay tình nghĩa ngày nào.
Hắn được cử xuống để giúp dân mà chỉ như bù nhìn, hắn như kẻ bạo chúa đang thi hành mệnh lệnh bất kể xung quanh có ra sao thì nhân dân bên dưới chỉ như nô lệ và việc lao động vất vả vốn là nghĩa vụ mà họ phải làm, hắn dửng dưng vô tâm chẳng có chút thương xót hay quan tâm nào cả.
Mỗi giây mỗi phút trôi qua người dân phải vật lộn với thiên nhiên, tình huống éo le như ngàn cân treo sợi tóc vậy mà bao khổ cực ấy chẳng đáng để bận tâm bằng sự gay cấn của ván bài mà hắn đang đánh dở. Giá như hắn có thể tận tâm, tận lực với việc của dân chúng bằng một phần mà hắn ham vui cờ bạc thì tốt biết mấy. Hắn bỏ sức vào cờ bạc và đó là một sự tập trung cao độ, một sự cố gắng rất lớn để thắng được ván bài.
Thật vậy, lúc con đê đang lâm vào nguy kịch tột bậc và có người đoán "dễ có khi đê vỡ" thì hắn lại thản nhiên "mặc kệ". Đỉnh điểm của kẻ khốn nạn là khi có người hốt hoảng chạy vào bẩm báo chuyện đê vỡ thì hắn lại quát tháo đầy tức giận "Đê vỡ rồi, thời ông cắt cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày!...". Hắn tức giận vốn chẳng phải vì chuyện đê bị vỡ mà là chuyện tên tay sai chạy vào phá ván bài đang trong thế thắng của hắn, hắn đổ tất cả trách nhiệm lên những người đang cố gắng để cứu vớt con đập, hắn vô tâm đến đáng hận.
Cao trào của sự châm biếm mà tác giả đặt vào tác phẩm là khi con đê bị vỡ, nước lênh láng ngập khắp ruộng đồng, nhà cửa thì viên quan "đáng kính" lại được ván bài ù, hắn reo lên vui sướng, bao nhiêu tiền của cuối cùng cũng về được với tay hắn. Niềm vui của hắn lộ rõ trên cái khuôn mặt đáng khinh của hắn, hắn đã sống chà đạp lên biết bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu người đã phải gồng mình để kiếm sống rồi đóng thuế máu để cho hắn ăn chơi sa đọa. Và hắn là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp thống trị ác bá vô nhân đạo trong xã hội lúc bấy giờ.
Đây là mặt thối nát của xã hội mà ai cũng biết đến, ai cũng muốn đấu tranh để xóa bỏ, nhiều người đứng lên đấu tranh nhằm chống lại chế độ thối nát ấy nhưng vừa kịp vùng dậy đã bị chúng đàn áp thảm thương, chúng dẹp đi ý định nổi dậy của dân từ trong suy nghĩ, đã có nhiều sự hi sinh đáng tiếc, nhưng sau cùng không có gì là vô ích. Cuối cùng con người cũng được Đảng thắp lên ánh sáng soi lối chỉ đường để đấu tranh giành lại tự do vốn có của con người mà đáng ra họ phải được hưởng.
Trong tác phẩm "Sống chết mặc bay" tác giả Phạm duy Tốn đã khéo léo sử dụng biện pháp tương phản để bộc lộ bản chất thật sự của giai cấp quan lại lúc bấy giờ, chúng là những kẻ vô nhân đạo, coi thường mạng sống dân, ham mê cờ bạc. Và đó cũng là mặt tối của xã hội lúc bấy giờ, những người thấp cổ bé họng thì luôn sống trong nghèo khổ, chịu cảnh áp bức và không có quyền con người.
Còn những kẻ giàu có quyền thế thì được làm chủ xã hội, chúng tự tạo ra luật của mình và bắt người khác phải tuân theo, vô nhân tính trong chúng đã khiến chúng thui chột đi tính người, chúng chỉ là những con quỷ hút máu không hơn không kém. Nhưng rồi đau thương nào cũng sẽ đến hồi kết và một thời đại tươi đẹp hơn sẽ đến với con người, sẽ không còn đau thương, mất mát, không còn bị vùi dập kiệt quệ đến tột cùng khổ đau, cuộc sống sẽ bớt lầm than và khổ cực.
Khép lại tác phẩm ta như vẫn còn nghe được tiếng la hét, tiếng kêu thảm thiết của những người dân nghèo khổ, họ là những con người nhỏ bé đầy đáng thương và bị chà đạp dã man bởi giai cấp thống trị. Nhưng đau thương này rồi sẽ đến hồi kết, thật vậy con người đã sát cánh cùng nhau đứng lên chống lại bọn cầm quyền vô tâm, hách dịch khi được ánh sáng của Đảng soi đường chỉ lối.
Cuộc sống sẽ trở về với đúng nghĩa của nó, xã hội sẽ không còn phân biệt giàu sang, không còn kẻ nào vui cười trên nỗi buồn của người khác nữa. Đó mới chính là xã hội, một thế giới đáng sống.