Bài văn phân tích tác phẩm "Một người Hà Nội" số 3 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải
Nguyễn Khải là nhà văn giỏi quan sát chuyện đời, chuyện người, say mê giảng giải, triết lí về mọi sự bằng một tư duy phân tích sắc sảo. Nét độc đáo ở những trang viết của ông là mối quan hệ giữa "chuyên người" với "chuyện mình", giữa "chuyện đời" với "cái tôi" trải nghiệm chặt chẽ ...
Nguyễn Khải là nhà văn giỏi quan sát chuyện đời, chuyện người, say mê giảng giải, triết lí về mọi sự bằng một tư duy phân tích sắc sảo. Nét độc đáo ở những trang viết của ông là mối quan hệ giữa "chuyên người" với "chuyện mình", giữa "chuyện đời" với "cái tôi" trải nghiệm chặt chẽ đến mức luôn có xu hướng làm thành một kết cấu trần thuật kép: vừa "phản ánh" vừa "biểu hiện", vừa nhằm "tác động" vừa "tự nhận thức", vừa xác định chân lí theo kinh nghiệm cá nhân vừa muốn bàn bạc, đối thoại với những kinh nghiệm khác.
Chính cái tôi tác giá, một cái tôi có khá năng in đậm dấu ấn lên câu chuyện (rất thông minh khi phát hiện và lật xới vấn để, dễ dàng nắm bắt được trạng thái tinh thần thời đại phía sau những ứng xử thường ngày, kể chuyện mà cứ như đang suy nghĩ - luận bàn về câu chuyện với rất nhiều đúc kết khôn ngoan) đã giúp Nguyễn Khải khẳng định vị trí chắc chắn trong tâm trí những bạn đọc yêu thích thứ văn chương giàu chất trí tuệ mà vẫn tựa vững trên tấm lòng trìu mến, thân thiện đối với con người.
Khi tự chia hành trình sáng tác của mình thành hai giai đoạn (trước năm 1978 và từ 1978 trở đi), nhà văn không chỉ muốn nói đến mối quan hệ giữa "con người" và "thời thế", đến những sự điều chỉnh cần thiết và tất yếu trong thế giới quan của ông ở giai đoạn thứ hai, mà còn gián tiếp triết lí về cái hữu hạn của nghệ thuật trước cái vô hạn của đời sống. Từ đây ông sẽ lấy triết lí này làm nguyên tắc sáng tạo: khước từ cung cách độc thoại của kiểu nhà văn đứng cao hơn bạn đọc để làm một người đề xuất vấn đề, gợi mở đối thoại, chia sẻ cảm xúc và chiêm nghiệm riêng trên tinh thần tôn trọng bạn đọc, trao cho họ quyền phán xét chân lí.
Nếu trước năm 1978, Nguyền Khải chủ yếu theo đuổi cảm hứng chính luận và tập trung vào các vấn đề chính trị - xã hội thì từ năm 1978 về sau, ông dành mối quan tâm chủ yếu cho con người, trước hết là con người cá nhân, có thân phận, danh phận, bổn phận cụ thể đang đan dệt nên cái dòng cháy sôi sục, ồn ào, đầy biến động của cõi nhân gian.
Một người Hà Nội, được hoàn thành ngày 19 - 1 - 1990 (theo ghi chú cuối truyện) là một truyện ngắn nghiêm túc, một cuộc đối thoại cởi mở về con người: Phải chăng bản lĩnh cá nhân, lòng tự trọng của mỗi cá nhân là cốt lõi của nhân cách? Phải chăng sự sâu sắc, thâm trầm, lối sống sang trọng, lịch lãm, có vãn hoá làm nên vẻ đẹp của người Hà Nội?
Được viết trong bối cảnh xã hội Việt Nam trên con đường đổi mới đang biến chuyên mau lẹ, nhiều cuộc "đụng độ" gay gắt giữa hai hệ giá trị cũ - mới xảy ra khi cơ chế kinh tế thị trường phát huy ảnh hướng rộng khắp và quan hộ giao lưu đa chiều đem đến nhiều kinh nghiệm mới mẻ, làm mất giá nhiều kinh nghiệm cũ, Một người Hà Nội là nơi tác giả gửi gắm những điều mình chiêm ngẫm và trăn trở về khả năng bảo tồn những giá trị mà ông tin là tinh tuý nhất của người Việt: Văn hoá Thăng Long, Tràng An.
Liệu mảnh đất ngàn năm văn hiến ấy trước cơn lốc kinh tế thị trường có đánh mất gương mặt tinh thần sang trọng, hào hoa được hun đúc suốt trường kì lịch sử? Ma Văn Kháng khi viết Mùa lá rụng trong vườn (1985) cũng đã ít nhiều chạm đến câu hỏi này. Cùng thời điểm đó, đạo diễn Trần Văn Thuỷ làm bộ phim tài liệu nghệ thuật Hà Nội trong mắt ai đã không giấu cái nhìn phê phán có tính cảnh báo đối với những biểu hiện phi ván hoá cúa thủ đô đang hàng ngày bày ra ngay trước mắt du khách (bộ phim đem lại những tiếp nhận đa chiều).
Một người Hà Nội có thể xem như một tiếng nói đối thoại sắc sảo Nguyễn Khải góp vào mối quan tâm chung của những ai nặng lòng với vẻ đẹp kinh kì (ý hướng đối thoại rất rõ vì nhà văn đã đưa truyện này vào một tập truyện có tên Hà Nội trong mắt tôi, in năm 1995). Người đọc dễ dàng nhận ra Nguyễn Khải dành cho Hà Nội một tình yêu và niềm tự hào sâu sắc đến thế nào và ông cũng coi trọng truyện ngắn Một người Hà Nội thế nào.
Với ông, Hà Nội là "đất kinh kì" (tên một truyện khác trong tập), là nơi hội tụ tinh hoa cả nước: "cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội". Mà đâu chỉ văn chương! Chọn một người phụ nữ như nhân vật bà Hiền làm một "lát cắt" nhỏ về Hà Nội, ông muốn kí thác tình yêu bền chặt và sự kì vọng đối với truyền thống văn hoá dân tộc vào những con người luôn luôn biết cách nuôi dưỡng "nếp nhà".
Chính nhờ họ mà nét đẹp riêng của kinh kì qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử vẫn nguyên cốt cách, không gì có thể làm phiêu tán, phôi pha. Tính thời sự của tác phẩm do vậy lại gắn với nhu cầu đối thoại về văn hoá Hà Nội. Người như bà Hiền có phải là hiện thân của cái văn hoá ấy không?
Bà Hiền - điểm tựa chính cho chủ đề tác phẩm, được khắc hoạ nổi bật ở cả hai mặt: tính cách và tư tưởng. Qua điểm nhìn của người kể chuyên xưng "tôi", tính cách bà Hiền hé lộ dần, một tính cách "động" mà hoá ra ổn định từ đầu đến cuối. Tư duy nghiên cứu đã đảm bảo cho câu chuyên liên tục là những khám phá bất ngờ, "níu chân" bạn đọc. Từng bước hoàn thiện chân dung bà Hiền theo dòng chảy thời gian với bao đổi thay thời cuộc, mỗi lần gặp gỡ nhân vật là thêm một lần người kể chuyện ngỡ ngàng.
Tác phẩm xâu chuỗi bốn tình huống nhận thức, cố ý tạo nên mạch truyện tưởng lan man, ngẫu hứng mà kì thực đan xen uyển chuyển, chặt chẽ, kết dính thành một hành trình nhận thức từ thấp đến cao (tình huống bà Hiền chọn chồng, tình huống bà bị "ngờ" là tư sản, tình huống các con bà tình nguyện đi chiến đấu và tình huống bà phải bày tỏ thái độ trước lối sống thủ đô thời kinh tế thị trường). Cảm quan lịch sử ở đây rất đậm nét.
Mỗi tình huống tương ứng với một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những phát hiện của người kể chuyện về bà Hiền là mạch phát triển tuần tự: từ hoài nghi đến nể phục, từ e ngại đến tin cậy, từ tò mò đến cảm động, trân trọng. Tình huống nhận thức trong Một người Hà Nội khác với trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu ở chỗ: không gay cấn, éo le, người kể chuyện không "bừng ngộ" mà "tiệm ngộ" dần dần cùng độ dài thời gian suy tư, chứng nghiệm, giống như một mạch ngầm văn bản.
Có thể xem bà Hiền như chứng nhân cho những biến thiên lịch sử kéo dài từ trước Cách mạng tháng Tám đến thời kì đất nước tưng bừng công cuộc đổi mới. Qua bao biến động dữ dội, Bà Hiền vẫn vững vàng một bản lĩnh sống, đầy trách nhiệm công dãn mà không khi nào đánh mất mình "một đời không để bị ai cám dỗ".
Bà luôn lấy lòng tự trọng làm nguyên tắc xử thế, lấy văn hoá làm thước đo giá trị sống: "là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống luỳ tiện, buông tuồng". Bà là một "thể phách" và một "tinh anh" của Hà Nội, vượt lên mọi biến suy của thời gian, mọi nông nổi của thói thời thượng để người đọc được nhẹ nhõm mãi niềm tin "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" (ca dao).
Vẻ đẹp "người Hà Nội" trong bà Hiền thể hiện trước hết ở việc gìn giữ "nếp nhà". Gốc gác Hà Nội cho bà một căn cốt vững vàng từ nền giáo dục gia đình. Cha mẹ bà đã là bằng chứng cho việc người ta có thể giàu có mà vẫn lương thiện, giàu có mà không "trọc phú". Cô Hiền thuở trẻ được cha mẹ cho mở phòng tiếp khách văn chương (gọi là xa lông văn học).
Với ai đó thì đây là cơ hội để lấy được tấm chồng danh giá hoặc chỉ đơn giản, có dịp phô diễn sự thức thời (kiểu bà Phó Đoan xây sân quần trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng chẳng hạn), nhưng với cô Hiền và gia đình cô, đấy là nhu cầu giao tiếp để mở mang tầm mắt, để hấp thụ thêm cái tao nhã cứa văn chương nghệ thuật. Thế nên việc cô Hiền chọn chồng đã khiến tất cả người quen biết bất ngờ. Họ bất ngờ vì họ tư duy theo thói thường.
Cô Hiền đứng ngoài cái thói thường ấy. Có lẽ cô nhắm tới một cuộc hôn nhân đảm bảo duy trì truyền thống "giàu có lương thiện" của gia đình và cô phải đóng vai người "nội tướng" để giữ vững "nếp nhà". Đấy là sự lựa chọn của bản lĩnh cá nhân và của tình yêu Hà Nội sâu xa trong máu thịt.
Những năm Hà Nội bị tạm chiếm, gia đình cô không tản cư (điều này gây ra sự ngờ vực ở không ít người về lập trường yêu nước của cô) nhưng thực chất cô không tản cư chỉ vì "không thể rời xa Hà Nội, không thể sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất nào khác". Một tình yêu kiên định bắt nguồn từ một niềm tin vững chắc vào sự ngay thẳng (nhưng có lẽ cũng vì vậy mà cực đoan nghĩ rằng chỉ ở Hà Nội mới duy trì được lối sống đẹp?)
Khi Hà Nội được giải phóng, khi "văn hoá thời chiến", "văn hoá bình dân" lên ngôi, bà Hiền càng có ý thức nuôi dưỡng dưới mái nhà mình nét thanh lịch vốn có, từ cách ăn, cách mặc đến cách xưng hô. Theo bà, đấy cũng là văn hoá, bà muốn các con bà nhận ra "văn - hoá - người" ngay từ những chuyện nhỏ nhặt, thường tình nhất: "Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ, còn sau này muốn sống ra sao là tuỳ".
Bà không uốn mình theo lối ứng xử dễ dãi của số đông. Cái sâu sắc ở người phụ nữ, người mẹ, người Hà Nội ấy không phải ai cũng nhận ra. Nhân vật "tôi" lúc đầu đã nghĩ bà "đích thị là tư sản" nên bảo vợ con "tránh xa" để khỏi liên luỵ, rồi sau đó lại cho bà là kẻ thủ cựu, cố chấp, không hợp thời. Có lẽ mãi sau này, khi gặp những kẻ không còn khả năng "biết xấu hổ", không còn lòng tự trọng mà chỉ còn sự trăng tráo thô bỉ, "tôi" mới thật hiểu trí lự của bà Hiền.
Có một người mẹ như thế, tất sẽ có những người con "không sống bám vào sự hi sinh của bạn bè", tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ. Trong bữa tiệc gia đinh mừng ngày Dũng trở về từ chiến trường miền Nam, người - con - trai - bà - Hiền đã nói rất ít về những chuyện vui, những chiến công:
"Anh nói rằng trong nửa năm nay, anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người. Bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục" (Hà Nội của anh đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc hoà bình, thống nhất). Rồi anh kể về tình yêu mẹ của người đồng đội tên là Tuất, về sự can đảm phi thường của mẹ Tuất lúc anh đến báo tin Tuất đã hi sinh.
Niềm vui được sống trở về không làm chàng trai còn rất trẻ ấy quên chia sẻ nỗi đau của người khác. "Chất Hà Nội" từ thế hệ người mẹ như bà Hiền, như mẹ Tuất đang được chuyển giao thật tự nhiên sang thế hệ những người con như Dũng, Tuất. (Đối diện với họ, nhân vật tôi phải giật mình bởi những nhận xét ồn ào, vội vã: "tôi đã nói điều gì thất thố?").
Để có thể gìn giữ nghiêm cẩn nề nếp gia phong, người phụ nữ đương nhiên phải đóng vai trò "nội tướng" (tục ngữ có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm"). Bà Hiền thực hiện tư tưởng nam nữ bình quyền theo cách riêng: dứt khoát mà vẫn thừa tinh tế. Bà chủ động chấm dứt sinh đẻ với nhận thức thật đúng đắn: sinh con nghĩa là phải nuôi dạy con nên người, phải chuẩn bị chu đáo cho mỗi đứa con có khả năng sống tự lập "khỏi phải sống bám vào anh chị" (lại vẫn lấy nguyên tắc tự trọng làm chuẩn).
Bà chê trách người cháu: "Mày bắt nạt vợ mày quá, không để nó tự quyết định bất cứ việc gì, vậy là hỏng". Bà điều hành gia đình bằng những phép tính khôn ngoan, nhìn xa trông rộng "và luôn tính đúng vì không có lòng tự ái, sự ganh đua, thói thời thượng chen vô. Không có sự lãng mạn hay mơ mộng vớ vẩn. Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ". Như vậy chồng và con bà không nể trọng sao được?
Có một chi tiết nhỏ tưởng bình thường mà thật đắt giá: thấy cậu con trai xưng hô không hợp với quan hệ gia đình (gọi anh là đồng chí), bà "cau mặt gắt" nhưng khi ông chồng cũng phạm chính lỗi đó, bà chí "thở dài, quay người đi". Một người vợ biết tôn trọng chồng là biết nhượng bộ, nhường nhịn đúng lúc. Nghiêm khắc, kĩ lưỡng uốn nắn con cái từng li từng tí, nhưng bà bao giờ cũng hiểu con và luôn biết dành cho chúng quyền tự quyết định. Bà đảm đang, tháo vát mà không ích kỉ lạnh lùng. Tình nghĩa thuỷ chung của vợ chồng chị vú em đối với gia đình bà nói lên điều đó.
Nhưng một người "nội tướng" mẫu mực chúng ta có thể gặp ở nhiều nơi. Cái làm nên tính cách riêng của bà Hiền, khiến bà - một phụ nữ bình thường trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam - trở nên cá biệt, phi thường chính là bản lĩnh cá nhân, sự lịch lãm và lối sống sang trọng. Dù có lúc bị ngờ vực, bị soi xét bằng cái nhìn định kiến, bao giờ bà Hiền cũng vẫn là mình - một cái tôi khôn ngoan, giàu tự trọng, biết người biết ta. Thuở trẻ trung, nhan sắc hơn người, bố mẹ lại giàu có, cô Hiền đã không buông mình cho thói hợm hĩnh, đua đòi ăn chơi hưởng lạc như vô số kẻ tầm thường khác.
Sau này người phụ nữ ấy sẽ tạo lập tổ ấm của mình bằng chính bàn tay tài hoa, chăm chỉ và cái đầu giỏi tính toán, cho nên gia đình bà lúc nào cũng giữ được phong cách sống đàng hoàng, ấm áp. Bà "có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả" (giữa những cái nhìn kì thị với sự giàu sang cực đoan đến mức cháu cũng nghi ngại cô, thì phải có bản lĩnh lớn lắm mới có thể ung dung mà sống như bà Hiền).
Không bao giờ xu thời, nhưng cũng không quay lưng với thời cuộc, bà tự giác điều chỉnh công việc làm ăn mỗi khi cơ chế thay đổi. Tỉnh táo và công bằng, bà phê phán sự lạc quan tự mãn thái quá của nhiều người trong những ngày đất nước mới độc lập: "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ!" (có phải lại thêm một cái giật mình tự phản tính của tác giả?).
Bà không tán thành quan điểm "không khuyến khích cá nhân làm giàu" của chế độ mới nhưng không phản kháng mà cố gắng thu xếp sao cho gia đinh mình vừa không vi phạm luật pháp vừa không đánh mất truyền thống riêng. Một câu nói nhẹ nhàng giải thích việc bà không bị "học tập cải tạo" cho thấy bà rất công tâm: "các bà không biết nhưng Nhà nước lại rất biết". Con người ấy luôn độc lập trong nhìn nhận đánh giá và rất ít vướng vào định kiến.
Thông minh, thức thời, tháo vát,... đó là tính cách của bà Hiền trong cuộc sống đời thường. Tính cách ấy rất đáng để nể phục. Nhưng bản lĩnh ứng xử trước thời cuộc (luôn "là mình" mà không thiếu trách nhiệm với cộng đồng, tính toán khôn ngoan mà vẫn đằm thắm một tấm lòng đôn hậu) mới thực sự là những giá trị làm nên nhân cách của bà, làm nên văn hoá sống, làm nên cái đẹp. Khi hàng trăm thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường đánh đế quốc Mĩ, người con trai cả của bà Hiền tình nguyện nhập ngũ, bà không ngăn cản con, cũng không nhân đó mà khoe lòng yêu nước.
Bà trả lời thẳng thắn "tao đau đớn mà bằng lòng". Trong văn học thời chiến tranh của ta hình như chưa một bà mẹ nào phát biểu thế cả. Nguyễn Khải đã rất sâu sắc để cho nhân vật công khai đối thoại với những quan niệm giản đơn về chủ nghĩa ái quốc. Người đọc nào yêu chuộng sự trung thực sẽ rất cảm động vì tin vào cuộc đấu tranh nội tâm - dù chỉ được hé mở qua một câu nói - chắc chắn nhiều giằng xé mà người mẹ - người công dân như bà Hiền phải trải qua.
Bà mẹ nào có thể vui khi đứa con phải đi vào nơi hiểm nguy, nhưng bà hiểu con "nó dám đi cũng là biết tự trọng". Bà không che giấu niềm kiêu hãnh: "tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè". Với việc ra đi của đứa con thứ hai, bà vẫn ứng xử trên nguyên tắc tự trọng và niềm kiêu hãnh như vậy vì theo bà, ngăn cản con là "bảo nó tìm đường sống để các bạn phải chết", "đấy cũng là cách giết nó". Bà đặt danh dự cao hơn sự sống, mất danh dự tức là chết về tinh thần, nhân phẩm.
Mang đậm cốt cách Hà Nội, trong sâu thẳm con người bà Hiền là cái tâm linh của Hà Nội. Tâm linh ấy được bồi đắp trên truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Khi con người tin rằng mình đang giữ gìn một giá trị, thì tự khắc nó tìm được khả năng đề kháng trước mọi biến suy và cám dỗ. Bà Hiền ý thức mình là người Hà Nội nên cái mà bà tha thiết bảo vệ và phát huy là cái chất Hà Nội.
Bà không chỉ dạy dỗ con cái sống có văn hoá mà còn nỗ lực tạo dựng một môi trường văn hoá trong gia đình (mỗi tháng đều tổ chức một bữa ăn bạn bè làm sống dậy những nét sinh hoạt và giao tiếp sang trọng, đẹp đẽ như truyền thống kinh kì). Giữ nếp nhà là cách để giữ nếp người. Sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy tâm lí thực dụng mà phòng khách nhà bà Hiền - thế giới riêng của bà - vẫn giữ nguyên phong cách lịch lãm, quý phái của hơn nửa thế kỉ trước với tấm bình phong bằng gỗ chạm, bộ sa lông gụ, sập gụ, tủ chùa, lọ men Thuý hồng, lư hương đời Hán, liễn hấp sâm Giang Tây,...
Những thứ đồ trưng bày đều là cổ vật quý giá, mang trong mình tính trang nghiêm, cổ kính của nhiều tầng văn hoá, biểu hiện cốt cách văn hoá của chủ nhân. Căn phòng khách có thể coi là biểu tượng cho con người có thế giới tâm hồn thanh sạch, luôn bình tâm trước mọi đổi thay. Và con người - chủ nhân của không gian ấy - cũng là một "cổ vật" hay một giá trị không phai nhoà của một thời vàng son.
Hình ảnh bà Hiền đang lau đánh chiếc bát thuỷ tiên tưởng như đơn giản mà chứa đựng tất cả cái không khí Tết Hà Nội đặc trưng, đó sẽ là hình ảnh chắc chắn trong tương lai con người hiện đại phải nặng lòng hoài nhớ khi cái nhịp sống công nghiệp và xu hướng đô thị hoá ào ạt có nguy cơ tước đoạt hết những khoảng không gian yên tĩnh để di dưỡng tinh thần. Nhà văn đã dự cảm trước nguy cơ đó khi nêu câu hỏi: “Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà lại không buôn được vài ngàn củ thuỷ tiên", "ví thử có thuỷ tiên liệu còn có người biết gọt tỉa thuỷ tiên?".
Và còn đáng buồn hơn nếu cách sống ồ ạt xô bồ đã khiến con người không còn biết bình tĩnh mà thưởng thức vẻ đẹp trang trọng của một giỏ thuỷ tiên. Phòng khách nhà bà Hiền là thế giới thực nhưng cũng đầy tính tượng trưng. Bà vẫn tỉnh táo, thức thời, có điều bà đã vượt lên trên thói thường nhờ cái tầng văn hoá tâm linh vô hình mà ám ảnh. Mối bận tâm của bà bây giờ có thể chỉ là chuyên cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn.
Cây si ấy gợi liên tưởng đến sức sống trường tồn của tự nhiên mà cũng là sự hữu hạn của tự nhiên. Chính ý thức con người (việc làm kịp thời của Sở Văn hoá Hà Nội) sẽ khắc phục tính hữu hạn đó. Cây si nối quá khứ với hiện tại, là hoá thân của linh hồn Hà Nội, là niềm tin của người Hà Nội vào những giá trị bất diệt.
Cuộc đời bà Hiền cũng như câu chuyện về cây si đã làm sáng tỏ chân lí mà nhà văn tâm niệm: "nói cho cùng, để sống được hằng ngày, tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững”.
Câu chuyện kết thúc khi những hoài nghi, bất bình của người kể chuyện vể cách ứng xử thô bạo ông gặp trên đường phố Hà Nội đã được hoá giải bởi những chiêm nghiệm của bà cô "ngoài bảy mươi tuổi" mà vẫn "giỏi quá", "khiêm tốn và rộng lượng quá". Bước ngoặt nhận thức khiến người kể chuyện, trong niềm hi vọng lạc quan, đã nảy ra một so sánh thật đẹp: "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ".
"Hạt bụi vàng" nhỏ bé nhưng là tinh tuý tạo nên ánh vàng "sáng chói" cho đất kinh kì. Nó cũng trở thành biểu tượng cho con ngựời Hà Nội: bình dị mà lớn lao, hữu hạn về thân xác mà vô hạn về tâm hồn. Trong cảm hứng ngợi ca, tự hào, ngòi bút Nguyên Khải không khỏi thoáng gợn chút rưng rưng tiếc nuối (hay một nỗi lo âu vẻ viễn cảnh phôi pha cái đẹp cổ truyền trước dòng chảy cuồn cuộn của dời sống thời kinh tế thị trường), phải chăng vì thế mà ông mơ ước: "Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!".
Một người Hà Nội rất đậm dấu ấn của tư duy tiểu thuyết: cốt truyện được nới lỏng, ít sự kiện, biến cố nhưng được kết cấu thành nhiều tình huống nhận thức. Sau mỗi lần gặp gỡ, người kể chuyện lại có thèm một phát hiện mới, một nhận thức mới về bà Hiền, để cuối cùng người đọc tự hoàn chỉnh chân dung người phụ nữ Hà Nội ấy. Thường xuyên tác giả đặt một sự việc, một vấn đề dưới nhiêu cách nhìn (khi công khai, khi ngầm ẩn), biện pháp đối sánh này là sản phẩm của tư duy dân chủ trong tiểu thuyết, tạo ra quan hệ bình đẳng giữa nhà văn và bạn đọc, đưa đời sống vào nhiều "toạ độ" đánh giá để mời gọi bạn đọc tham gia đối thoại.
Bà Hiền có phải người Hà Nội điển hình không? Cách sống của bà, những ứng xử của bà có gì hạn chế?,... tất cả thực ra vẫn còn là những giả định, hình dung, những câu hỏi ngỏ vì tác giả đã luôn nhấn mạnh vào cái nhìn chủ quan của người kể chuyện. Như vậy, tôn trọng kinh nghiệm cá nhân không có nghĩa người đọc phải coi kinh nghiệm ấy là chân lí.
Truyện không sa vào lí luận nặng nề hay nhàm tẻ mà có sự đan xen giọng điệu khá linh hoạt: đằng sau / ẩn trong giọng của người kể chuyện, thấp thoáng có những giọng khác. Hình tượng người kể chuyên ưa triết lí, suy ngẫm, lại xưng "tôi", thậm chí tự tiết lộ tên mình là Khải (lời con trai bà Hiền: "Mẹ ơi! Đồng chí Khải đến"), nghĩa là mang rất nhiều chi tiết tiểu sử tác giả, đã gợi cảm giác thân mật và tin cậy, rất thích hợp cho cuộc giao tiếp cởi mở giữa nhà văn với người đọc.
Qua hình tượng người kể chuyện, hiển hiện một Nguyễn Khải có nhu cầu tự vấn, tự nhận thức lại về nhiều vấn đề tưởng đã là chân lí. Cảm hứng triết luận nghiêm túc không hoàn toàn lấn át cảm hứng tự trào - đấy là cái duyên riêng của tác giả Một người Hà Nội.