31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Hai chữ nước nhà" của Trần Tuấn Khải hay nhất

Trong rất nhiều những sáng tác văn chương được lưu hành công khai trên văn đàn hợp pháp ba mươi năm đầu thế kỉ XX, bài thơ: Hai chữ nước nhà nhận được sự đón chào nồng nhiệt của công chúng độc giả. Bởi lẽ sáng tác đó đã nói hộ tấm lòng và trái tim yêu nước của người dân Việt Nam lúc ...

Trong rất nhiều những sáng tác văn chương được lưu hành công khai trên văn đàn hợp pháp ba mươi năm đầu thế kỉ XX, bài thơ: Hai chữ nước nhà nhận được sự đón chào nồng nhiệt của công chúng độc giả. Bởi lẽ sáng tác đó đã nói hộ tấm lòng và trái tim yêu nước của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.


Là người có trái tim yêu nước sôi nổi, thiết tha, Trần Tuấn Khải xót xa tận đáy lòng trước hiện tình đau thương của đất nước. Để giãi bày tâm sự của mình, ông hoá thân vào các nhân vật lịch sử. Tâm trạng phẫn uất, đau thương của các nhân vật lịch sử trước cảnh nước mất nhà tan cũng chính là tâm trạng của ông. Tình cảm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng chân thành và xúc động cho mạch thơ yêu nước của Trần Tuấn Khải tuôn chảy vào lòng người.


Bài thơ Hai chữ nước nhà nằm trong tập Bút quan hoài, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1924. Lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược, Trần Tuấn Khải đã chọn một khoảnh khắc lịch sử đặc biệt để câu chuyện thêm phần xúc động. Đó là giờ phút chia li vĩnh biệt của hai nạn nhân vong quốc: cha con ông Nguyễn Phi Khanh. Cảnh tình ấy khiến lời dặn dò của người cha hoá thành lời trăng trối thấm đầy máu và nước mắt.


Tâm trạng phẫn uất đau thương cùng với lời trăng trối thấm máu và lệ được nhà thơ diễn tả bằng một lời thơ lâm li, thống thiết của thể song thất lục bát nên có sức rung động và truyền cảm mạnh mẽ.Cuộc chia li của hai cha con diễn ra ở chốn ải Bắc, nơi tận cùng của đất nước.


Người cha li biệt gia đình, quê hương xứ sở để lê tấm thân tàn tới chốn lưu đày biệt xứ. Người con quay trở lại quê hương đất nước mình nhưng tình cảnh cũng chua xót không kém cha: cũng chỉ là một nạn nhân vong quốc! Trong tâm trạng u uất của hai cha con, cảnh vật nhuốm một màu thê lương, tang tóc:


Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,

Cõi giời Nam gió thổi đìu hiu,

Bốn bề hổ thét chim kêu


Và cảnh vật thê lương tang tóc càng làm tăng thêm nỗi sầu muộn, buồn đau trong lòng người:Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.Bốn câu song thất lục bát với những từ ngữ, hình ảnh cũ mòn, ước lệ mà lại có sức gợi cảm, tạo được không khí đau thương của cả thời xưa và nay!


Trong không khí tang tóc đau thương của đất nước, tình cảnh của hai cha con càng éo le, chua xót: người con những muốn đi theo cha để làm tròn đạo hiếu, người cha phải dằn lòng khuyên con quay trở lại để lo tính việc trả thù nhà, đền nự nước. Tình cha con tuy thật da diết, nhưng nghĩa nước còn sâu đậm hơn nhiều! Tình nhà nghĩa nước giằng xé, khiến cả hai cha con đều tột cùng đau đớn, xót xa:


Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,

Chút thân tàn lần bước dặm khơi,

Trông con tầm tã châu rơi

Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên


Trong bối cảnh không gian và tâm trạng như thế, lời trăng trối của người cha thật thiêng liêng, xúc động và có sức truyền cảm mạnh mẽ, khiến người con phải khắc cốt ghi xương. Để lời trăng trối của mình tăng thêm sức mạnh, người cha chỉ ra cho người con tội ác tày trời của quân giặc và hiện tình bi thảm của đất nước:


Than vận nước gặp khi biến đổi,

Để quân Minh thừa hội xâm lăng,

Bốn phương khối lửa bừng bừng

Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ,

Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,

Làm cho xiêu tán hao mòn,

Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!


Lời thơ tràn đầy sự phẫn uất và xót đau da diết, làm xúc động tận tâm can người đọc. Người đọc những năm 20 của thế kỉ XX cũng là những nạn nhân vong quốc, dễ dàng cảm nhận nỗi đau của cha con ông Nguyễn Phi Khanh như chính nỗi đau của mình. Sau khi miêu tả hiện tình đất nước và tội ác của quân giặc, người cha trực tiếp bày tỏ nỗi lòng của mình:


Thảm vong quốc kể sao xiết kể,

Trông cơ đồ nhường xé tâm can,

Ngậm ngùi đất khóc giời than,

Thương tâm nòi giống lầm than nỗi nàyỊ

Khối Nùng Lĩnh như xây khối uất,

Sông Hồng Giang nhường uất cơn sầu,

Con ơi! Càng nói càng đau

Lấy ai té độ đàn sau đó mà?


Tám câu song thất lục bát cũng là tám câu cảm thán với những từ ngữ, hình ảnh đầy cảm xúc: kể sao kể xiết, xé tâm can, ngậm ngùi, khóc, than, thương tâm… đã có tác dụng diễn tả sâu sắc, mạnh mẽ nỗi đau đớn, xót xa trong tâm trạng người cha.Dường như người cha đã quên đi nỗi đau và số phận của bản thân mình, ông chỉ nghĩ đến nỗi đau thương và số phận của cả đất nước, dân tộc.


Một tấm lòng như thế, thật xiết bao cảm phục! Từ trong đau thương, nhân vật trữ tình vụt lớn lên. Và lòng nhiệt tình yêu nước của ông còn làm rung động cả ngàn đời sau.Nhiệt tình ấy được kí thác vào lời trao gửi cho con, cho cả thế hệ sau: Con ơi! Con nhớ lấy lời cha khuyên.


Câu chuyện của người cha xưa hay chính nỗi lòng của nhà thơ luôn trăn trở về đất nước? Sự trăn trở ấy đã làm nên một giọng thơ tâm huyết đầy bi phẫn có tác dụng rung vào dây đàn yêu nước thương nòi của mọi lòng người, (Xuân Diệu).

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0