31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Đò Lèn" của Nguyễn Duy số 10 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Đò Lèn" của Nguyễn Duy hay nhất

Trong đời sống văn học, có những bài thơ, câu thơ, khi ta mới đọc một lần chưa thuộc được, nhưng có cái gì đó nó cứ ám ảnh ta như một “ma lực” đầy hấp dẫn, tâm trí ta không thể nguôi ngoai được. Bởi lẽ những vần thơ ấy đã chạm vào ngõ ngách sâu kín tâm hồn ta, rung lên cái phần tiềm ...

Trong đời sống văn học, có những bài thơ, câu thơ, khi ta mới đọc một lần chưa thuộc được, nhưng có cái gì đó nó cứ ám ảnh ta như một “ma lực” đầy hấp dẫn, tâm trí ta không thể nguôi ngoai được. Bởi lẽ những vần thơ ấy đã chạm vào ngõ ngách sâu kín tâm hồn ta, rung lên cái phần tiềm thức của tình cảm ấp ủ trong ta lâu nay. Cuộc sống bộn bề với những toan tính mưu sinh lắm khi không còn thời gian để ta tĩnh lặng, sống lại những kí ức đẹp đẽ, những hoài niệm về tuổi thơ…


Thơ Nguyễn Duy đã làm thức dậy trong ta tất cả nét đẹp nhân bản ấy. “Nghĩa vụ công dân cao cả nhất của các nhà văn là viết cho hay, đánh thức những phần tốt đẹp nhất của lòng người, giúp cho con người được sống đánh giá các phần được sống ở trần gian” (Vũ Quần Phương). Thiết nghĩ đấy là thiên chức cao cả, là trách nhiệm lớn nhất của những cây bút tài năng mà nặng “tâm” với đời, với người.


Nguyễn Duy tên là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ (nay thuộc thành phố Thanh Hóa). Năm 1965, ông nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường nổi tiếng ác liệt thời chống đế quốc Mĩ như Khe Sanh, đường 9 Nam Lào. Xuất ngũ ông theo học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1977 đến nay, ông làm đại diện thường trú của báo Văn nghệ ở phía Nam. Như vậy trước khi cầm bút Nguyễn Duy đã “cầm súng” với tư cách là một chiến sĩ, theo đúng nghĩa đen của từ láy. Có lẽ, chính sự từng trải, cuộc thử thách giữa sống và chết, giữa chung thủy và phẫn nộ giúp ông có được cái tâm bền vững và đằm sâu.


Nguyễn Duy có cả một mảng thơ quan trọng dành cho ông thể hiện tâm trạng của mình về những người trong gia đình, bạn bè, anh em, từng để lại kỉ niệm sâu sắc trong đời ông từ thuở ấu thơ đến khi đã luống tuổi. Bài Đò Lèn là một kí ức về bà ngoại trong những năm tháng đầy vất vả, cực nhọc khiến ông vô cùng xúc động và khâm phục.


Khác với bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt viết về người bà nhóm lên bếp lửa ngoài đời và cũng nhóm lên sự ấm áp của tình thương, của hi vọng, nâng bước chân người lính hành quân trên con đường dài ra trận hoặc trên đường đời, bài Đò Lèn nghiêng về thể hiện đúng dáng vẻ người bà với đức hi sinh âm thầm, nhẫn nại cho đến khi “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Bài thơ khiến cho người đọc càng nghiền ngẫm, nhập tâm càng xúc động đến rơi lệ. Bóng dáng người bà như thế trong ta ai cũng có một phần dù hoàn cảnh sống có khác nhau.


Bài thơ gồm sáu khổ thơ, tái hiện lại những mẫu kỉ niệm về người bà đã lùi rất xa về thời gian nhưng trong nỗi nhớ thì hiện hình mồn một. Khổ thơ đầu có những chi tiết thật xúc động và dí dỏm:


“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”


Cứ thế hình ảnh “tôi” và “bà” cùng song hành trên con đường nỗi nhớ của nhà thơ. Kỉ niệm thật giản dị và chân thực, không thơ mộng cao siêu gì cả. Tuổi thơ “ngày hai buổi tới trường”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn chùa Trần” thật hồn nhiên biết bao nhưng với chúng ta, nó đã trở thành kí ức đẹp đẽ mà sau này đi xa và lớn lên ai cũng lưu luyến, nhớ nhung. Lời thơ mộc mạc diễn tả được cái vô tư trong sáng pha chút nghịch ngợm đáng yêu của tuổi ấu thơ.


Tác giả còn hồn nhiên lắm, thích thú được “níu váy bà đi chợ Bình Lâm”. Hình ảnh bà cháu thật gần gũi, ấm áp và dân dã. Cháu đã nương tựa vào bà để sống, để lớn lên, coi đó như một lẽ tất nhiên. Bước chân tung tẩy theo bà đi chợ để lại dấu ấn của một thời hồn nhiên, trong sáng. Nhà thơ bồi hồi nhớ lại:


“Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”


Cảm giác của nhà thơ lúc ấy như đang sống giữa “hai bờ hư – thực”. Bà là hình ảnh “thực” ở đời còn thánh Phật là của cõi “hư”. Có lẽ đây là ấn tượng lôi cuốn nhà thơ mạnh nhất nên phần sau còn được nhắc đến nhiều lần. Bà đã hòa nhập vào cái thế giới huyền ảo ấy, thế giới của sự trong lành và của lòng tốt, đức độ, bao dung. Chữ “thơm lắm” nghe sao mà vương vấn ấm áp, đầy quyến rũ. Mùi hương ấy khiến nỗi nhớ không còn mốc thời gian:


“Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)


Kỉ niệm hiện về đầy sức ám ảnh. Nhà thơ sống lại với dĩ vãng vì nó có sức hút kì lạ, có “bàn chân đất” và có “bóng cô đồng”, có “củ dong riềng luộc sượng”, cũng có “mùi huệ trắng hương trầm”. Vừa cụ thể vừa hư vô. Những đêm sống với đền Sòng Sơn như thế cho đến mãi sau này tác giả vẫn ghi sâu trong trí nhớ bao vóc dáng hình và cả không khí linh thiêng mà người ta hay nhắc đến câu: “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”.


Hương khói nhập nhòa “mờ mờ nhân ảnh”, bóng bà hiện về trong nỗi nhớ, mãnh liệt mà bảng lảng như làn sương thu. Cái “thơm lắm” của hương trầm linh thiêng phải chăng còn là cái “thơm lắm” của tâm hồn bà. Những bông huệ trắng trên bàn thờ của bà hôm nay mang mùi hương xưa vời vợi. Đắm mình trong thế giới huyền ảo cao siêu ấy nhà thơ “giật mình” nhận ra:


“Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”


Lời thơ có gì bùi ngùi, xót xa trước kí ức về người bà vật lộn với cuộc sống để mưu sinh cho mình và cho con cháu. Bà “cơ cực” mà “tôi đâu biết” vì tác giả còn hồn nhiên, vô tư quá! Lời thơ phảng phất một nỗi sám hối, tự trách mình mặc dù mình không có lỗi. Nhà thơ gạt đi lớp sương khói để nhìn bà ở phần trần gian cho rõ hơn.


Đó là sự thực diễn ra hàng ngày mỗi sáng mỗi đêm về. Những địa danh cụ thể mà tác giả nhắc đến ở khổ thơ trên kéo ta trở về với thực tại một trăm phần trăm. Trong văn chương, tái hiện cuộc sống cũng là một cách bộc lộ thái độ, tình cảm. Nguyễn Duy dùng những từ ngữ thật sát với hiện thực để phơi bày cho được những cơ cực của bà. Người đọc rất xúc động trước câu thơ: “Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”.


Chữ “thập thững” gợi lại rất đúng những bước cao, bước thấp, mò mẫm trên con đường gồ ghề mà sức khỏe của bà thì không còn nhiều. Đọc câu thơ thấy cả một sự cô đơn âm thầm và gió lạnh từ quá khứ thổi về. Chữ “thập thững” gợi hình nhưng cái chính là gợi cảm, có cái gì tội nghiệp trong đó.


Người cháu nhớ lại và thương bà nhiều lắm! Và còn nhiều lắm những bước chân như thế của bao người bà, người mẹ ta gặp trên đường đời. Bà không đếm được và ta cũng không đếm được những bước chân còm cõi trong đêm. Trời đất chứng giám cho đức hi sinh của bà và nhắc ta đừng quên.


Hai khổ thơ tiếp theo diễn tả một xúc cảm khác, mặc dù không xa lạ với phần trên: “Tôi trong suốt đời giữa hai bờ hư thực giữa bà tôi và tiên, Phật thánh thần cái năm đói củ dong riềng luộc sượng cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm Bom Mĩ dội – nhà bà tôi bay mất đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”.


Xin hãy đừng vội mà cho rằng nhà thơ đã hạ cái “thánh thần” đi để nâng “bà” của mình lên. Như thế e không được, vì chốn ấy bà đã từng cúi mình cơ mà! Đó là phần thuộc đời sống tâm linh của bà. Vậy những dòng thơ trên nên hiểu theo nghĩa tự sự, nghĩa là sự thực thế nào, nhà thơ kể lại thế ấy.


Chùa chiền “bay tuốt” rồi, bà không còn nơi để đi lễ nữa. Hiện hữu và tâm linh, đời thường hay cao siêu? Nhà thơ đứng giữa hai miền đất ấy, một chút phân tâm nhưng rồi cái đọng lại vẫn là hình ảnh người bà với bước chân như ngày nào: “Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”.


Người ta thường nói “Phật tại tâm”. Bà tu tâm bằng lòng thương và đức hi sinh, bằng những bước chân cặm cụi trong đêm. Bà đã hóa thân vào tiên, vào Phật tự lúc nào không hay. Nhưng bà vẫn là bà thôi! “bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Câu thơ đọc lên mới đầu ta chỉ hiểu là diễn tả việc làm của người bà.


Đơn giản thế thôi nhưng thơ không chấp nhận sự thưởng thức đơn giản, thô thiển. Đằng sau câu thơ là một bức họa để cháu tặng bà, ghi nhận những năm tháng gian nan để biết ơn. Câu thơ không dừng lại bởi bàn chân bà còn đi và rồi… Bà đi mãi… không về, để lại trong Nguyễn Duy một nỗi nhớ vời vợi, mênh mông.


Bà đã trở về với đất một cách giản dị, giản dị nhưng cao cả. Đằng sau bàn chân đất và bên trong chiếc áo nâu vá víu là một tâm hồn, một trái tim canh cánh bao nỗi niềm con cháu. Nguyễn Duy không thêm lời bởi vì đến đây cần một sự lắng đọng để suy ngẫm, chiêm nghiệm – Thơ có kiểu tự sự rất thơ! Đoạn kết trong bài là cả một sự trăn trở:


“Tôi đi lính… lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”


Cái dấu ba chấm giữa câu thơ đo đếm những bước chân hành quân những đêm ngủ giữa rừng và bao trận đánh, tháng năm. Đời người thì hữu hạn “Nhân sinh ba vạn sáu ngàn thôi” (Nguyễn Công Trứ), bà đã về với tiên tổ. Bà đã đi trọn một kiếp người. Hương trầm vẫn tỏa đâu đây chứng giám cho sự thành tâm và khâm phục của cháu với bà. Một chút sám hối nữa lại trở đi trở về làm cho Nguyễn Duy lớn thêm lên về tâm hồn và tư tưởng. Bạn đọc yêu thơ Nguyễn Duy vì cái tài nhưng quan trọng là cái tâm.


Bài thơ khép lại khi một kiếp người đã khép lại: “bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”. Đọc câu thơ thấy có cái gì yên lặng đến vô cùng. Bà đã ra đi thanh thản bình dị, chìm lẫn vào cỏ xanh. Nhưng đấy là sự kinh dị của vàng ngọc. Mỗi người bà, người mẹ hi sinh cho đời ở những mức độ và lĩnh vực khác nhau, nhưng giống nhau ở trái tim đầy yêu thương.


“Sống trong cái chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời”(Mẹ Tơm – Tố Hữu)


Hai câu cuối trong bài Đò Lèn phảng phất bi kịch tâm trạng của tác giả. Muốn gửi đến bà một tiếng nói biết ơn và thương mến bà nhưng “dạ đài cách mặt khuất lời” (Kiều – Nguyễn Du). Bài thơ kết thúc cũng là lúc nỗi xót xa trỗi dậy trong nỗi niềm của thi nhân.


Để hiểu thêm về tác giả và bài thơ này, ta hãy đọc thêm vài đoạn thơ mà Nguyễn Duy dành cho cha mẹ, ông bà. vẫn là lời lẽ mộc mạc, thành thực, ẩn chứa một nỗi buồn sâu lắng:


“Rơm rạ ơi, ta trở về đây

Xin cúi lạy vong linh làng mạc

Bà và mẹ hóa cánh cò cánh vạc

Ông và cha man mác kiếp trâu cày ”(Về đồng)


Có lúc ông liên hệ giữa thơ và đời như để nhắn nhủ mình:


“Ta đi mơ mộng trên trời

Để cha cuốc đất một đời chưa xong”


Ông nhắc nhở mọi người cần biết sống chung thủy với quá khứ:


“Bà nuôi mẹ, mẹ nuôi con

Liệu mai sau các con còn nhớ không?

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”


Trong luồng mạch cảm xúc đó, bài Đò Lèn ẩn chứa sự cúi đầu trước một “vong linh làng mạc”. Có thể xem bài thơ này thay cho một nén nhang mà nhà thơ thắp lên để tưởng nhớ bà. Vì thế đọc thơ lên ta thấy câu chữ lúc nào cũng nặng trĩu sự tưởng nhớ, hoài niệm: “Thơ không chỉ là văn chương mà chính là gan ruột” (Tố Hữu).

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0