Bài văn phân tích tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử hay nhất
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một nhận định rất sâu sắc về phong trào thơ Mới như sau: “Đời chúng ta nằm trong vòng một chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng ...
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một nhận định rất sâu sắc về phong trào thơ Mới như sau: “Đời chúng ta nằm trong vòng một chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Nếu như Xuân Diệu luôn đắm say với những cảm xúc thiết tha, rạo rực băn khoăn thì nhà thơ Hàn Mặc Tử lại gắn liền với sự kỳ dị, điên cuồng và trong thế giới kỳ dị điên cuồng đó người ta vẫn tìm thấy một tình yêu đến đau đớn, khắc khoải hướng về cuộc đời trần thế, dẫu nó đã để lại cho ông nhiều bất hạnh, bi ai. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của Hàn Mặc Tử, được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất và hay nhất của phong trào thơ Mới cũng như trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 trong một gia đình công giáo nghèo tại Quảng Bình, nổi tiếng là thần đồng thơ từ những năm 15, 16 tuổi. Phong cách thơ của ông có sự đan xen kết hợp giữa những hình ảnh thân thuộc, trong trẻo, thanh khiết, thiêng liêng nhất với những thứ rùng rợn, ma quái, cuồng loạn đã tạo nên một diện mạo thơ vô cùng kỳ dị và phức tạp.
Đây thôn Vĩ Dạ sáng tác năm 1938 in trong tập thơ Điên, sau đổi tên thành Đau thương, bài thơ ra đời trong hoàn cảnh mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với cô gái gốc Huế là Hoàng Thị Kim Cúc dường như đã trở nên vô vọng khi hai người vừa cách biệt cả địa vị lẫn địa lý.
Trong sự hẫng hụt đến tột cùng ấy Hàn Mặc Tử đã viết rất nhiều thơ về sự kiện này, trong đó khác biệt có bài Đây thôn Vĩ Dạ được viết trong lúc bệnh tình của Hàn Mạc Tử trở nặng nhưng lại nhận được tấm bưu thiếp của người xưa, điều ấy đã khơi gợi lên trong lòng ông sự vui sướng, niềm ham sống vô cùng, tất cả đều được thể hiện một cách trọn vẹn trong bài thơ này.
Không chỉ vậy Đây thôn Vĩ Dạ còn là thông điệp mà Hàn Mặc Tử muốn gửi gắm cho cả cuộc đời này, là nỗi niềm khát khao, tha thiết với cuộc sống trần thế một cách mãnh liệt của nhà thơ.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Ở khổ thơ đầu của bài thơ phong cảnh thiên nhiên của thôn Vĩ Dạ, một góc của xứ Huế mộng mơ đã được mở ra với dáng vẻ trong sáng thanh khiết dưới cái nắng mai dịu dàng. Câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” mang một âm sắc đặc biệt bởi đã số chữ đều mang thanh bằng đã đem đến một cảm giác rất Huế, rất ngọt ngào êm ái tựa như bức rèm mỏng đã mở ra và khơi gợi nên mạch cảm xúc mộng và thơ cho toàn bộ tác phẩm.
Câu hỏi tu từ ấy cũng khiến ta có một mối băn khoăn không dứt về chủ thể “anh”, đó là câu hỏi nhớ mong của một cô gái xứ Huế, mang ý trách móc, hờn dỗi một cách duyên dáng chàng trai sao không chịu tỏ lòng mình, rồi cũng có ý nhắc nhở, mời mọc người bạn cũ về thăm Huế.
Hoặc đó cũng có thể là tiếng lòng của Hàn Mặc Tử, vừa chất vấn, cũng vừa nhắc nhở bản thân sao “không về chơi thôn Vĩ” và trong cái “không về” ấy là cả một dự cảm đớn đau về cuộc đời bất hạnh, trước đó anh đã không về được thì có lẽ sau này cũng không thể về được nữa, Hàn Mặc Tử đã chẳng còn nhiều thời gian, đành lỡ hẹn với Huế và người xưa.
Có thể nhận ra được rằng về Huế có lẽ là nỗi trăn trở, nuối tiếc vô cùng của thi sĩ, đó không chỉ là nơi ông từng gắn bó một thời gian dài mà ở tại nơi ấy còn có người con gái mà ông yêu thương tha thiết, chẳng biết nàng có đợi không, nhưng ông vẫn chỉ hướng về người. Sau câu hỏi tu từ mang đậm nỗi khát khao cháy bỏng được về lại Huế một lần, thì Hàn Mặc Tử đã dùng những câu thơ rất đẹp để tái hiện lại cảnh thôn Vĩ Dạ đầy chất thơ và mộng ảo.
Đó là cảnh thôn quê trước buổi bình minh với những nét vẽ tươi tắn và đặc sắc, đó là vẻ đẹp của nắng với hai từ “nắng” lặp lại trong một câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Có thể nói rằng ngòi bút của Hàn Mặc Tử là một ngòi bút tài hoa trác tuyệt, người sẵn sàng phá vỡ cái quy tắc lặp từ tối kỵ của thi ca để tạo nên một bức tranh với cái nền vàng nhàn nhạt, ánh nắng nhu hòa tràn ngập khắp không gian, khiến vần thơ cũng như được thổi bừng sức sống ấm áp và tươi trẻ.
Và cái nắng ở đây cũng rất riêng ấy là “nắng hàng cau”, phải nói rằng cau là biểu tượng của xứ Huế, loài cây có lợi thế về chiều cao, lúc nào cũng vươn lên thẳng tắp và đón nhận một cách trọn vẹn nắng trời, toàn cây lấp lánh những ánh sáng xanh vàng, khiến hồn người trở nên yêu đời hơn cả.
Rồi “nắng mới lên” lại cũng là những cảm tưởng mới về hình ảnh nắng của thôn Vĩ đó không phải là cái nắng gay gắt đổ lửa giữa trưa hè mà đó là cái nắng trong trẻo, thanh khiết, dịu dàng hoàn toàn tương khớp với “nắng hàng cau”, cũng mang một sức sống mới, tựa như tâm hồn của thi nhân lúc nhận bưu thiếp của người cũ, có lẽ phải nói rằng đó là biểu tượng của sự khởi đầu.
Dưới vẻ đẹp của nắng vàng bao phủ là vẻ đẹp của khu vườn xứ Huế với một màu xanh rất “mướt” đầy sức gợi với màu “xanh như ngọc”. Chỉ một từ “mướt” thôi nhưng đã gợi ra cái sự trù phú, non tươi, mỡ màng tràn đầy sinh khí của khu vườn thôn Vĩ, rồi cũng gợi ra cảnh một khu vườn mới tắm sương đêm đang còn đọng nước, từng giọt sương trong trẻo đang lung linh dưới ánh mặt trời, phản chiếu lại những tia nắng mới khiến cho từng tán lá xanh phát sáng, khơi gợi liên tưởng về một màu xanh ngọc ngà, trong trẻo, tươi mát.
Câu thơ lại thêm một từ “ai” phiếm chỉ khiến cho toàn cảnh bức tranh trở nên có hồn và tình tứ hơn cả, từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của người thôn Vĩ trong câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hàn Mặc Tử đã dùng bút pháp “thi trung hữu họa” của văn học trung đại với những nét vẽ vừa thanh của lá trúc lòa xòa làm nổi bật lên cái nét đậm của một khuôn mặt chữ điền duyên dáng, phúc hậu của người con gái. Đó là gương mặt mang những nét đẹp phẩm chất mà người ta vẫn mong cầu ở người con gái, nhân hậu, thủy chung, mang tướng hình có phúc phần về sau.
Hết tả cảnh ngày tươi tắn, trong trẻo, Hàn Mặc Tử lại đưa người đọc về với cảnh đêm của xứ Huế, có nước có mây, có thuyền và đặc biệt là có cả ánh trăng, thi liệu quen thuộc trong thơ của tác giả. Có thể thấy rằng giữa hai khổ thơ có sự chuyển đổi cảm xúc rất rõ rệt từ tình yêu đời, lòng vui sống tựa như nắng mai thì Hàn Mặc Tử lại trở về với cảm giác hoang mang, lo lắng với những cảm giác bất an, buồn rầu tựa như cảnh sông nước mênh mông lạnh lẽo.
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hai câu thơ đầu tả thực cảnh mây trời, sông nước xứ Huế với lối ngắt nhịp 4/3 tựa như bẻ đôi câu thơ làm hai nửa, tạo cảm giác hụt hẫng khó tả, điệp từ “mây”, “gió” lại mang đến sự đóng khung trong việc tả cảnh. Như vậy dường như mây và gió chẳng hề liên quan gì đến nhau, đường ai nấy đi trong khi từ xưa tới nay mây đi theo gió đã là chuyện kinh thiên định nghĩa, điều này bộc lộ rõ nội tâm và dự cảm không lành của Hàn Mặc Tử trước sự chia ly, cách biệt ghê gớm, đó là sinh tử, chứ chẳng còn là khoảng cách hay tâm hồn nữa.
Từ điệu chảy lững lờ, ngập ngừng “buồn thiu” của dòng sông Hương nổi tiếng đi vào thơ đã trở thành hình ảnh nhân hóa phản chiếu nỗi lòng sầu muộn của thi nhân trước số phận. Mà có lẽ rằng “hoa bắp lay” chính là cuộc đời của tác giả, nhạt nhòa, buồn tẻ và lặng lẽ chán chường.
Hai câu thơ tả cảnh sông nước dường như đã xóa tan đi cái mộng cảnh biêng biếc, tươi trẻ tràn ngập sức sống và hơi ấm tình người trong khổ thơ đầu, là sự bừng tỉnh của tác giả trước cảnh ngộ thê lương của bản thân, trước con đường tăm tối vô hương, vô sắc hiện hiện tại.
Rồi dường như không chịu đựng được cái đau đớn của thực cảnh Hàn Mặc Tử lại tiếp tục chìm vào cõi mộng với ánh trăng vàng, vốn là tri kỷ tri âm suốt đời của tác giả ở chốn cô đơn này. Trăng xuất hiện rất diễm lệ là cả một dòng sông dát ánh trăng vàng, cả một con thuyền chuyên chở trăng, trăng đã đem đến cho tác giả một hiện thân về trần thế tươi đẹp, về cuộc đời mà tác khao khát được chiếm lĩnh hòa nhập.
Câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?” ẩn hiện sự lo lắng của tác giả trước sự hữu hạn của đời mình, lo rằng liệu bản thân còn kịp tận hưởng ánh trăng sáng, hay chính là cuộc đời vốn còn nhiều nuối tiếc.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Khao khát về cuộc sống trần thế của tác giả càng trở nên nổi bật trong khổ thơ cuối khi đi vào cụ thể ấy là khao khát về hơi ấm tình người, Hàn Mặc Tử muốn thoát khỏi cái cảm giác cô độc, lạnh lẽo muốn tận hưởng cuộc sống bằng tình yêu. Cõi đời đã được chỉ rõ bằng hình bóng của giai nhân, là người trong mộng tưởng của tác giả thế nhưng “Mơ khách đường xa, khách đường xa” ý thơ lặp lại đã diễn tả một cảm giác xa lạ, hình bóng người con gái ấy đang dần khuất ra khỏi tầm với của tác giả, cứ xa mãi mà dần vụt mất đến độ đôi mắt u sầu của người quá thi sĩ cũng phải xót xa “Áo em trắng quá nhìn không ra”.
Có lẽ đời này đã định hai người không chung một điểm cuối, chỉ có thể bất lực nhìn cái cõi trần thế, cái bóng hình giai nhân lần lượt trở nên vô tung vô ảnh, còn thi nhân thì chết lặng trong nỗi sầu muộn cô đơn. Và khi thi nhân không thể hòa nhập vào với thế giới mà mình khao khát ông lại phải quay về với thế giới của mình, một thế giới mờ mịt “mờ nhân ảnh” thiếu vắng đi tình người, bị cách li, phải đối mặt với cái chết cận kề, sắp xa rời đi cái trần thế mà ông vẫn khao khát nắm giữ, đó là nỗi đau đớn không tưởng.
Đặc biệt tâm hồn ấy của nhà thơ còn mãi luẩn quẩn trong một câu hỏi băn khoăn, băn khoăn về tình cảm của người xưa, liệu rằng cô gái ấy có từng một lần có tình cảm với ông, hay cô gái ấy có biết đến mối duyên thầm lặng mà ông chẳng dám ngỏ đã bao năm. Rõ ràng rằng ta có thể cảm nhận được niềm hy vọng mong manh về mối duyên tình đã lỡ dở, bởi vì một tấm bưu thiếp mà lại dấy lên trong lòng thi nhân nhiều cảm xúc, thế nhưng kết lại vẫn là nỗi cô đơn, trống vắng và đau khổ của một con người còn nhiều điều tiếc nuối với thế gian.
Có thể trích đôi lời Hoài Thanh về thơ Điên của Hàn Mặc Tử để nói về Đây thôn Vĩ Dạ, đó là “Một nguồn sáng tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì nhưng thường là một thứ buồn, dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế.
Lời thơ như dính máu”. Đọc thơ ta yêu cái khát khao được sống được yêu, yêu cái ánh mắt nhìn đời đầy tươi đẹp thế nhưng cũng xót xa cho số phận của người thi sĩ, một cuộc đời đớn đau khiến Hàn Mặc Tử không thể mộng ước lâu được, nên cuối cùng vẫn phải quay về cái chốn cô đơn lạnh lẽo, không người yêu, không hơi ấm tình người, đợi chờ cái chết trong đau khổ và tuyệt vọng.