31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" số 9 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử hay nhất

Hàn Mặc Tử một nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam. Nhắc đến ông, chúng ta lại nhắc tới một người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh. Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta càng cảm nhận rõ hơn ngòi bút sắc sảo, sự tinh tế của Hàn Mặc Tử. Bài thơ về xứ Huế mộng mơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, là tiếng ...

Hàn Mặc Tử một nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam. Nhắc đến ông, chúng ta lại nhắc tới một người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh. Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, ta càng cảm nhận rõ hơn ngòi bút sắc sảo, sự tinh tế của Hàn Mặc Tử.


Bài thơ về xứ Huế mộng mơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, là tiếng lòng tha thiết về quê hương, nhưng cũng đượm vẻ u buồn, man mác như dòng sông Hương hiền hòa với những câu hò đượm chút tình của Huế:


Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên


Mở đầu bài thơ bằng một câu hỏi tu từ, như lời trách nhẹ nhàng, không có chút giận hờn nào của một cô gái Huế với chàng trai mà cô thầm thương trộm nhớ. Câu thơ còn chứa đựng sự mong đợi, sự trách móc nhẹ nhàng, sao lâu rồi anh không về thăm thôn Vĩ. Đó còn là một lời mời “dịu ngọt”, thôn Vĩ hiện lên, vẻ đẹp không mang nét hùng vĩ như cảnh “Đèo Ngang” hay mang trong mình sự huyền bí hư không, dưới ngòi bút của chính tác giả, hiện lên với vẻ đẹp trữ tình, mộng mơ, đúng chất Huế.


Cái đẹp được tả từ ánh nắng ban mai “nắng mới”, ánh sáng tinh khiết nhẹ nhàng buổi sớm soi rọi xuống những “hàng cau” xanh mướt như đón lấy những tia nắng đầu tiên đó. Tất cả như được phủ kín với ánh sáng, một thử ánh sáng tinh khôi, dưới ánh sáng đó tất cả vạn vật như rực lên sức sống đang tuôn trào.


Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Một khoảng vườn hiện lên trước mắt chúng ta, ta có thể cảm nhận được dù có nhắm mắt cũng có thể cảm thấy cái màu xanh mượt mà, ngời lên dưới ánh ban mai. Nhà thơ đã dùng hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” để diễn tả sức sống tươi mát, nhựa sống của cây cối đang đâm chồi nảy lộc.


Giữa khung cảnh thiên nhiên trữ tình đó, hình ảnh con người như thấp thoáng đâu đây “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chúng ta thường nhắc đến mặt tròn, mặt trái xoan… hiếm ai nhắc đến “mặt chữ điền”, chỉ một khuôn mặt hiền lành, phúc hậu.


Con người thấp thoáng, ẩn hiện sau “lá trúc” mơ màng, hình ảnh hư thực. Đây có phải là người ghé thăm thôn Vĩ, là người con gái mà tác giả thầm thương trộm nhớ, một cô gái Huế dịu dàng, duyên dáng. Thôn Vĩ nằm cạnh dòng sông Hương hiền hòa, xinh đẹp, những thửa vườn xanh mát, nằm cạnh đôi bờ sông Hương, vẻ đẹp hiện lên bâng khuâng:


Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?


Câu thơ tả cảnh thiên nhiên, nhưng chứa đựng nỗi lòng của người thi sĩ. Chúng ta thường nói “gió thổi mây bay”, gió và mây cùng đi chung một hướng. Vậy mà trong thơ của Hàn Mặc Tử “gió theo lối gió, mây đường mây”. Có một sự chia lìa đến não lòng. Dòng nước sông Hương cũng đượm vẻ buồn hiu hắt với “hoa bắp lay” hai bên bờ. Cảnh vật như có sự chia lìa, lay động.


Phải chăng đây cũng là tâm trạng của chính tác giả trước nỗi nhớ người mà mình thương yêu, sự nuối tiếc khi không gặp được người trong mộng. Hình ảnh “thuyền và trăng” thường hay xuất hiện trong thơ ca “gió trăng chưa một thuyền đầy” – Nguyễn Công Trứ. Và trong bài thơ này, Hàn Mặc Tử cũng mượn hình ảnh đầy chất trữ tình đó để nói lên nỗi lòng của mình “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”.


Ánh trăng soi bóng dưới dòng sông Hương, dòng sông của thi nhân không còn mang hình ảnh đơn thuần mà trở thành “sông trăng”, làm cho cả dòng sông và cảnh vật trở nên lung linh, huyền ảo. Có ai ngờ được rằng “dòng nước buồn thiu” vì “hoa bắp” bay theo ánh chiều tà lại có thể trở thành một dòng “sông trăng” nên thơ như thế.


“Thuyền ai” là thuyền của một người xa lạ, hay phải chăng là con thuyền mang theo người mà nhà thơ thầm thương trộm nhớ, hình ảnh vừa thân quen, vừa xa lạ. Câu hỏi tu từ hiện lên day dứt, khắc khoải “Có chở trăng về kịp tối nay”. Câu hỏi nhưng không có câu trả lời, là sự nuối tiếc, hay là sự lỡ dở trong tình yêu, “kịp” khiến cho câu thơ trở nên vội vàng, gấp gáp hơn, dường như đang cố gắng chạy đua để bắt kịp với những chờ mong, hay với tình yêu mà nhà thơ hằng ấp ủ?


Nhưng tất cả những khắc khoải, nhớ thương ấy chỉ là trong tiềm thức, dễ dàng tan biến như chính ánh trăng dưới dòng sông Hương kia. Hiện thực chỉ một giấc mơ đến phũ phàng:


Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?


Nhà thơ đã sử dụng những điệp ngữ “khách đường xa... khách đường xa” làm cho giọng thơ trở nên sâu lắng, nỗi nhớ trong ký ức, nỗi buồn ở hiện tại. Tất cả như mờ đi bởi màu áo trắng, màu sáng tinh khôi ấy hiện lên dưới ánh sáng của mặt trời, là màu tượng trưng cho màu đồng phục của những nữ sinh Huế.


Và trong bài thơ này nó còn là màu nhớ nhung của chính tác giả. Dưới làn sương mờ buổi sớm mai “sương khói mờ nhân ảnh” hình ảnh màu trắng ấy như nhạt nhòa, như ẩn, như hiện, trở nên xa vời, khó nắm bắt. Giữa cái hư không ấy, câu thơ cuối như một sự thất vọng của chính tác giả “Ai biết tình ai có đậm đà?”.


Sự thất vọng của một tình yêu không bao giờ được đáp lại, lời thơ như phảng phất sự u sầu. Bài thơ kết thúc bằng sự ngậm ngùi. Nhà thơ không nói với ai mà chỉ nói với chính lòng mình, sự băn khoăn không biết tình cảm kia có “đậm đà” hay chỉ hư ảo như màu áo trắng trong không rõ ràng trong làn sương mờ buổi sớm.


Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là sự kết hợp tuyệt đối giữa cảnh và tình. Qua đó, ta càng khâm phục hơn nghị lực sống của chính tác giả, cùng sự tài hoa của một nghệ sĩ giàu tình yêu thương.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0