31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Bàn về đọc sách" của Chu Quang Tiềm số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Bàn về đọc sách" của Chu Quang Tiềm hay nhất

Làm người, muốn mau trưởng thành thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Đối với tuổi trẻ chúng ta, học tập là nhiệm vụ hàng đầu, có tầm quan trọng đặc biệt. Có học tập chăm chỉ, thường xuyên, mới có học vấn, có kiến thức, từ đó mà rèn luyện trí tuệ, tâm hồn, đạo đức để ...

Làm người, muốn mau trưởng thành thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Đối với tuổi trẻ chúng ta, học tập là nhiệm vụ hàng đầu, có tầm quan trọng đặc biệt. Có học tập chăm chỉ, thường xuyên, mới có học vấn, có kiến thức, từ đó mà rèn luyện trí tuệ, tâm hồn, đạo đức để tiến bộ. Để có học vấn, chúng ta cắp sách tới trường, tiếp thu lời thầy cô giảng dạy, trao đổi với bạn bè.


Để có học vấn, chúng ta lắng nghe và suy ngẫm những điều cha mẹ, ông bà, anh, chị em trong gia đình dạy bảo, góp ý. Và chúng ta cũng có thể tích luỹ vốn kiến thức trong quá trình giao tiếp xã hội. Trước mặt chúng ta, bao nhiêu con đường mở ra, đưa chúng ta tới kho tàng trí tuệ, giúp chúng ta nâng cao học vấn. Trong những con đường ấy, có một con đường...


Nó im lặng, vắng vẻ, âm thầm, không bóng người, không tiếng nói, nhưng nó lại chứa đầy ánh sáng, ngân vang những âm thanh để soi sáng cho ta, giục giã, dẫn dắt chúng ta. Con đường đó là... đọc sách. Đối với con người nói chung, tuổi trẻ nói riêng, việc đọc sách có một ý nghĩa, tác dụng đặc biệt. Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn. Muốn hiểu thấu công việc mang tính trí tuệ - văn hoá này, chúng ta hãy tìm đọc và suy ngẫm những ý kiến của nhà mĩ học Trung Hoa Chu Quang Tiềm trong bài chính luận đặc sắc Bàn về đọc sách.


Bài viết khá dài, bao gồm bảy đoạn với những lí lẽ phong phú, sâu sắc, kết hợp những hình ảnh so sánh, liên tưởng sinh động hấp dẫn, dễ hiểu. Ta có thể chia văn bản ấy thành ba phần: Phần 1 (từ đầu đến "...bàn chưa hết") : Tác giả nêu vấn đề mình sẽ "kiến giải" - bàn về việc đọc sách. Phần 2 (từ "Học vấn...." đến "... phát hiện thế giới mới") : Tác giả phân tích ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách. Phần 3 (từ "Lịch sử càng tiến lên..." đến hết): Tác giả hướng dẫn vài cách đọc sách.


Xem xét bố cục, nội dung và cách thể hiện, ta thấy đây là một văn bản chính luận - nghị luận về một vấn đề xã hội - khá sáng tỏ, mạch lạc, chặt chẽ. Phần 1 là đặt vấn đề, phần 2, 3 giải quyết vấn để, không có phần kết thúc vấn đề, do đây là bài trích, chứ không phải một văn bản trọn vẹn. Đọc văn bản này, chúng ta hiểu và suy ngẫm thú vị nhất là hai phần cuối của đoạn trích.


1. Sách là kho tàng quý báu, di sản tinh thần, những cột mốc trên con đường tiến hóa của nhân loại Về giá trị của sách và ý nghĩa, tác dụng trong việc đọc sách, nhà mĩ học viết như thế. Và ông nhấn mạnh: "Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hóa, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát".


Điều đó nghĩa là việc đọc sách giúp chúng ta khám phá và sử dụng kho tàng tinh thần của nhân loại, từ những thành tựu - những hiểu biết, những việc làm và cách làm để thúc đẩy cuộc sống tiến lên - chúng ta "xuất phát", chúng ta đi tiếp con đường nhân loại đã đi, đã đạt tới từng "cột mốc", từng chặng, từng chặng, ngắn, dài khác nhau. Chu tiên sinh còn nhấn mạnh thêm: "Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ...".


Điều đó nghĩa là thế nào ? Phải chăng mỗi quyển sách, trăm ngàn quyển sách thuộc các môn khoa học, văn học, nghệ thuật đã tích tụ kinh nghiệm và tư tưởng của cha ông hàng nghìn nãm để tặng lại cho chúng ta - những người thuộc thế hệ sau - biết bao điều quý báu, bao lời dạy thiết thực ? Đọc sách, lắng nghe và làm theo những lời dạy đó, thế hệ trẻ ngày nay sẽ làm vừa lòng thế hệ đi trước, đáp lại thịnh tình của cha ông, giải toả giúp cha ông những trăn trở, những khao khát thể hiện trong sách.


Đọc sách, làm theo lời dạy, rút kinh nghiệm theo những điều nhân loại đã đúc kết để nối tiếp con đường nhân loại đang đi chính là cách mà những người được hưởng thụ di sản tinh thần nhân loại đền ơn, đáp nghĩa thế hệ đi trước. Cũng có thể nói đó là "trả món nợ" cho quá khứ. Tóm lại, đọc sách có ý nghĩa và tác dụng vô cùng to lớn. Đó là cách chuẩn bị thiết thực, chủ động, hiệu quả để mỗi chúng ta "làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới".


Chu Quang Tiềm sơ kết về ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách bằng một hình ảnh ví ngầm "làm được cuộc trường chinh vạn dặm" thật thú vị. Việc đọc sách nhằm nâng cao nhận thức, bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn, tình cảm, rèn giũa hành động,... để lớn lên về tinh thần, trưởng thành trong cuộc sống của mỗi người chúng ta vốn là một ý niệm trừu tượng, trở nên cụ thể, dễ hiểu, lôi cuốn, hấp dẫn biết bao!


2. Đọc sách như thế nào là tốt nhất ? Theo Chu Quang Tiềm, muốn đọc sách đạt hiệu quả cao, chúng ta cần : a) Tránh "hai cái hại" : Một là đọc không sâu, đọc "liếc qua" thì rất nhiều, nhưng lưu tâm thì rất ít. Học sinh Trung học cơ sở thường hay đọc sách kiểu" cưỡi ngựa xem hoa". Cầm cuốn truyện, hay tập sách về khoa học, nhiều bạn đưa mắt, lướt qua trang này, trang khác, hình vẽ này tiếp hình vẽ khác, xem nhân vật này ra sao, xấu đẹp thế nào, gặp ai, "đánh đấm" hay trêu chọc, tán tỉnh ai, nhằm thỏa trí tò mò, chứ không chú ý tới lời văn, câu thơ, sự việc, hình ảnh... nhất là ý nghĩa sâu xa, ý tưởng thâm thuý của câu chuyện, của tập sách.


Có một số bạn lại chỉ háo hức, ham mê xem loại "tranh truyện", khoái chí với các pha "đùng đoàng", những hình vẽ kì quặc, lạ mắt. Các bạn ấy, một ngày ngốn hàng chục cuốn sách, đến mức mắt hoa, óc mệt, chẳng thu lượm được điều gì bổ ích. Khi đọc sách giáo khoa, xem vào bài tập thì... trí tuệ mịt mờ, chẳng hiểu gì. Kiểu đọc sách ấy là kiểu "ăn không tiêu", dễ sinh "đau dạ dày" , đúng như Chu Quang Tiềm cảnh báo.


Thứ hai, tác giả cảnh báo : đó là bệnh "đọc lạc hướng", thiếu lựa chọn sách, gặp sách nào đọc sách ấy mà không tìm những cuốn sách bổ sung, phụ trợ và nâng cao học vấn mình đang cần tiếp nhận, trao đổi. Cách đọc sách ấy, ông Chu ví như người chiến sĩ đánh trận không tìm đúng mục tiêu, "chỉ đá bên đông, đấm bên tây", hậu quả là "tự tiêu hao lực lượng".


Rất nhiều bạn học sinh chúng ta - nhất là các học sinh ở thành phố - đã bị cuốn vào lối đọc này. Nào truyện tranh, báo cười, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết tâm lí, lại cả thơ tình yêu, cả những hỏi đáp về chuyện nọ, chuyện kia và... thậm chí có bạn tìm đọc một số sách bói toán nữa, ... Đọc sách kiểu ấy thì không chỉ tự tiêu hao lực lượng mà có khi lại bị những quyển sách có nội dung xấu, nội dung không phù hợp... đánh gục.


Người xưa từng nói : "Đa thư loạn mục" (đọc nhiều sách thì rối mắt). Lời cảnh báo của ông Chu tuy chỉ là một cách so sánh nhẹ nhàng đủ gợi cho chúng ta liên hệ tới biết bao thực tế nặng nề, khiến chúng ta giật mình, lo sợ. b) Theo "hai điều lợi" : Ở phần cuối văn bản, ông Chu gợi ý và hướng dẫn chúng ta nên theo một vài cách đọc sách hữu ích. Một là "đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ".


Với học sinh, có lẽ chúng ta nên lựa chọn những sách nào - bao gồm cả sách văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, tin học, ngoại ngữ, y học, đời sống - sát hợp lứa tuổi, trình độ và yêu cầu học vấn của từng lớp, từng cấp học. Trong quá trình đọc mỗi cuốn sách, ta biết "Đọc - Hiểu - Suy ngẫm" ở từng bài, từng chương, thậm chí ở từng từ ngữ, câu, từng sự việc, hình ảnh. Có vậy mới thu lượm được phần tinh tuý, cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của người viết sách gửi cho ta. Sách cũ trăm lần xem chẳng chán Thuộc lòng, ngâm nghĩ một mình hay.


Ông Chu đã tóm tắt lợi ích của việc đọc sách đúng đắn - đọc kĩ, đọc sâu - bằng hai câu thơ thú vị. Đúng là "Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất". Đọc ít, đọc kĩ có tác dụng lớn lao như vậy. Còn biết bao cách đọc ít, đọc kĩ với biết bao tác dụng khác nữa mà mỗi người đọc sách có ý thức, chủ động, nhằm một mục đích đúng đắn có thể tự tìm ra được.


Cách thứ hai của việc đọc sách chủ động, hữu ích mà ông Chu Quang Tiềm gợi ý: Phải biết lựa chọn sách. Theo ông Chu, nên chia sách làm hai loại : loại chuyên sâu và loại thưởng thức. Chúng ta hiểu điều đó thế nào ? Loại sách "chuyên sâu" là sách đi sâu vào những chuyên ngành khoa học, kĩ thuật, sách văn học tập trung vào một chủ đề, có chung thể loại.


Với học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, sách "chuyên sâu" chính là những cuốn sách giáo khoa của các bộ môn khoa học tự nhiên (sách Toán, Lí, Hoá, Sinh, Kĩ thuật), bộ môn khoa học xã hội nhân văn (sách Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và một vài tác phẩm tham khảo, ngoại khóa phục vụ cho nội khoá.


Còn loại "sách thường thức", đối với học sinh chúng ta là những cuốn bàn về cuộc sống, những tờ báo, tạp chí thông tin và hướng dẫn chúng ta về thời trang, về cách ứng xử và biết bao điều khác trong cuộc sống ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội,... Tuỳ hoàn cảnh, tuỳ năng lực mỗi người mà phối hợp, lựa chọn hai loại sách "chuyên sâu" và "thường thức". Đối với học sinh lớp cuối cấp Trung học cơ sở, có lẽ chúng ta nên tập trung ưu tiên đọc loại sách có ích nhất, loại "chuyên sâu" của học sinh Trung học cơ sở.


Từ đó mà mở rộng tầm nhìn, đọc thêm một số sách thông thường. Đó là một cách "học tập chăm chỉ", một cách đọc sách khoa học nhất, đúng như ông Chu nhắc nhở "không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn". Bàn về việc đọc sách là điều thật thú vị. Biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu danh nhân cổ kim, trong nước, trên thế giới từng có nhiều lời vàng ngọc khuyên dạy chúng ta.


Cụ Nguyễn Trãi đã từng nói : "Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách" và cụ Nguyễn Binh Khiêm cũng viết: Khôn nghề cờ bạc là khôn dại Dại chốn văn chương, ấy dại khôn. Đọc bài Bàn về đọc sách của ông Chu Quang Tiềm, chúng ta hiểu rằng : Đọc sách là một con đường quan trọng để tích luỹ, nâng cao học vấn. Cần kết hợp giữa đọc rộng và đọc sâu, giữa loại sách thường thức và loại sách chuyên môn.


Việc đọc sách phải có kế hoạch, có mục đích kiên định, chứ không thể tuỳ hứng và phải vừa đọc, vừa nghiền ngẫm kĩ. Tác giả đã trình bày những ý kiến xác đáng ấy bằng bài viết có lí lẽ chặt chẽ, có dẫn chứng và những ví von, so sánh rất sinh động. Trong thời đại văn hóa, các phương tiện nghe nhìn đang bùng nổ hiện nay, việc đọc sách đối với học sinh là biểu hiện của một phong cách văn hóa kiên định, bản lĩnh, vô cùng bố ích mà mỗi chúng ta không thể thờ ơ, không thể coi thường.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0