31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích nhân vật cụ Mết trong "Rừng xà nu" số 6 - 10 Bài văn phân tích nhân vật cụ Mết trong "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành

Nếu như trong tác phẩm “Người lái đò” của nhà văn Nguyễn Tuân đã vẽ nên một nhân vật ông lái đò dũng cảm, hiên ngang chiến đấu với sức mạnh của thiên nhiên, thì cụ Mết của tác giả Nguyễn Trung Thành trong tác phẩm Rừng xà nu được nổi bật lên bởi sự vững chắc, rắn rỏi được tạc nên bởi ...

Nếu như trong tác phẩm “Người lái đò” của nhà văn Nguyễn Tuân đã vẽ nên một nhân vật ông lái đò dũng cảm, hiên ngang chiến đấu với sức mạnh của thiên nhiên, thì cụ Mết của tác giả Nguyễn Trung Thành trong tác phẩm Rừng xà nu được nổi bật lên bởi sự vững chắc, rắn rỏi được tạc nên bởi núi rừng Tây Nguyên.


Không được tập trung khai thác như nhân vật Tnú, thế nhưng cụ Mết vẫn gây được những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Ngay từ khi xuất hiện, một vị già làng dưới ngòi bút của tác giả được thể hiện qua những chi tiết “một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”, hay “mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng… ngực căng như một cây xà nu lớn”. Bằng nghệ thuật miêu tả, hình ảnh cụ Mết hiện lên đầy oai hùng, vững chãi, tràn đầy sức mạnh cả về sức khỏe lẫn tinh thần.


Không chỉ thế, núi rừng mạch nguồn Tây Nguyên đã làm nên cho cụ một giọng nói “ồ ồ, dội vang trong lồng ngực”. Những lời cụ nói như ra lệnh, không bao giờ cụ khen tốt hay giỏi nếu vừa ý thì nói “Được”. Lời nói của cụ đã truyền sức mạnh vào trong những bài giảng về lịch sử oanh liệt của dân làng Xô Man, tiếng nói thiết tha trang nghiêm khi răn dạy con cháu “Nghe rõ chưa các con? Rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy”.


Đặc biệt, sức mạnh ấy đã được bùng nổ khi cụ ra mệnh lệnh chiến đấu khi hay tin Tnú bị giặc đốt cháy mười ngón tay: “Chém! Chém hết”. Giọng nói của cụ là tiếng của cả dân tộc, là tiếng nói của lịch sử, đã dẫn dắt biết bao thế hệ lớn lên, trưởng thành và biết chiến đấu vì đất nước.


Cụ Mết còn là một người có tình yêu sâu sắc, gắn bó máu thịt với quê hương. Cụ dạy Tnú, cùng các thế hệ sau rằng: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn núi nước này còn”. Cụ luôn nhắc nhở những người con xa quê rằng: dù đi tới phương trời nào cũng phải luôn ghi nhớ và trân trọng về cội nguồn dân tộc.


Cụ luôn tự hào vì được sinh ra và lớn lên cùng với nắng gió Tây Nguyên, cùng với những rặng xà nu bạt ngàn luôn hiên ngang trước sóng gió. Cụ khẳng định rằng: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”. Với cụ Mết, từng giọt nước ta uống, từng bát cơm ta ăn mà đất nước mang lại đều thật đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao.


Chính vì những tư tưởng ấy, cụ đã dẫn dắt dân làng Xô man cùng những bài giảng giáo dục hết sức vẻ vang về lịch sử dân tộc. Cụ am hiểu về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc “đánh thằng Mỹ phải đánh lâu dài”. Đặc biệt hơn nữa, cụ là một người có tính kỉ luật rất lớn khi tổ chức, chỉ huy dân làng lánh vào rừng đợi thời cơ đánh giặc: “Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa, ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông”.


Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cụ đã trở thành một chỗ dựa vững chắc cho dân làng Xô man. Cụ động viên dân làng lo dự trữ lương thực để có thể đủ ăn tới ba năm bởi “đánh mỹ phải đánh dài”. Tuy trong lòng cụ sục sôi vì nỗi căm thù quân giặc, nhưng cụ vẫn giữ bình tĩnh, sáng suốt để tìm ra con đường đúng đắn nhất để lãnh đạo dân làng chiến đấu. Tinh thần của cụ luôn hừng hực, khí thế tựa như những đại đại thụ Xà nu tại chốn rừng Tây Nguyên.


Với vẻ ngoài hào kiệt, uy nghi là thế, cụ lại mang trong mình một trái tim dạt dào tình yêu thương với dân làng. Khi Tnú được trở về chỉ với những đốt tay còn sót lại sau khi bị giặc đốt, cụ kìm nén những cảm xúc đau buồn để khích lệ anh “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được”.


Khi kể cho dân làng nghe về cái chết của vợ con Tnú, cụ cũng không kìm nổi sự căm phẫn tiếc thương, cụ thương cho những người con, người cháu vô tội của cụ đã bị giết bởi những tên giặc mạn rợ, cụ thương cho cuộc đời của Tnú, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt”. Trải qua biết bao sự mất mát, chia ly bởi bom đạn, cụ vẫn phải rơi những giọt nước mắt bởi dân làng, người thân của cụ. Chính cử chỉ vụng về ấy đã bộc lộc trái tim nhân hậu, yêu thương đồng bào của cụ. Cụ đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim, xoa dịu nỗi đau của biết bao con người. Cụ Mết chính là linh hồn của cả một dân tộc Việt Nam và dân làng Xô Man nói riêng.


Hình ảnh cụ Mết tuy ít xuất hiện trong bài, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Trung Thành, nhân vật cụ Mết với những phẩm chất ưu tú hơn người, đã mang trọn những tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên. Trong lịch sử của chúng ta, không có ít người như cụ Mết, thế nhưng hình ảnh của cụ già làng sánh vai cùng cây xà nu đại thụ trong Rừng xà nu sẽ sống mãi cùng mọi thế hệ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0