Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 6 - 9 Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Khoa Điềm với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Ông viết tác phẩm giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Bắc Nam. Thời kì mà cuộc sống của nhân dân vô cùng gian nan thiếu thốn. Tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ dân tộc ...
Nguyễn Khoa Điềm với Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ. Ông viết tác phẩm giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Bắc Nam. Thời kì mà cuộc sống của nhân dân vô cùng gian nan thiếu thốn. Tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ dân tộc thật đẹp.
Qua hình ảnh người mẹ Tà Ôi mà người đọc sẽ cảm nhận được bóng dáng và phẩm chất cao đẹp của người mẹ Việt Nam anh hùng. Những người phụ nữ chịu thương chịu khó giàu đức hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến. Đó là một con người rất mực thương con nhưng cũng vô cùng yêu nước. Dường như đứa con yêu quý và đất nước thân thương; nuôi con nên người và đánh giặc giải phóng quê hương là những gì trọng đại nhất, cao quí nhất của người mẹ này trong những năm đất nước phải gồng mình chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Bài thơ là khúc hát ru, tác giả ru cho em Cu Tai ngủ nhưng đồng thời cũng là miêu tả hình ảnh người mẹ. Những lời ru của người mẹ trong tác phẩm là những lời ru thầm sâu thẳm trong trái tim người mẹ chứ nó không được cất lên thành lời. Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng. Vì kết cấu bài thơ như những khúc hát ru nên bài thơ cứ trở đi trở lại một số khúc giống nhau như những nét nhạc chủ đạo trong một bài hát.
Bài thơ có ba khúc ru. Mỗi khúc hát ru là một đoạn thơ. Ở đoạn thơ thứ nhất, người mẹ ru con khi địu con trên lưng và giã gạo nuôi bộ đội. Giấc ngủ của em nghiêng nghiêng theo nhịp chày, thấm mồ hôi lao động vất cả của mẹ. Người mẹ Tà Ôi thương con nhất mực không lúc nào chịu rời con đã lấy lưng làm nôi và đôi vai gầy làm gối cho con. Và lời ru con của mẹ cất lên bên cối gạo giữa sàn nhà cũng chính là lời tâm sự, lời tự nhủ, lời mẹ thầm nói với chính mình. Lòng yêu con của mẹ gắn liền với tình thương yêu bộ đội:
Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân...
Giấc mơ của người con cũng chính là ước mơ của mẹ, tất cả hội tụ lại trong tình thương yêu sâu sắc những anh bộ đội cụ Hồ. Tình thương vô bờ bến và niềm hi vọng của người mẹ đối với đứa con được tác giả sử dụng những hình ảnh vô cùng độc đáo. Với hình ảnh người mẹ Tà Ôi địu con tỉa bắp trên núi Kai Lưi:
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng.
Tác giả khéo léo sử dụng hình ảnh mặt trời vào những câu thơ này. Cùng là mặt trời nhưng ở mỗi câu thơ lại là một cách miêu tả khác nhau của tác giả. Mặt trời trong câu thơ trên là hình ảnh mặt trời thực tế, mặt trời đem lại ánh sáng, sự sống cho cây cỏ, muôn loài, cụ thể ở đây là những cây ngô cho nhiều bắp to. Còn hình ảnh mặt trời ở câu thơ sâu là hình ảnh mặt trời ẩn dụ. Tác giả nói em Cu Tai là mặt trời của mẹ. Tình yêu thương con vô hạn, mong đợi ở con rất nhiều.
Con là nguồn sống, là niềm vui, là niềm hạnh phúc, là tất cả tương lai của mẹ. Hai câu thơ, hai hình ảnh tôn nhau lên, đối ý với nhau, đã làm nổi bật tình thương yêu sâu sắc và niềm hi vọng lớn lao của người mẹ đối với đứa con. Lời ru của người mẹ Tà Ôi ngân nga trong trái tim mẹ khi mẹ địu con đi tỉa bắp vẫn hướng về đứa con thơ yêu quí của mình. Lòng thương yêu con của mẹ trong hoàn cảnh này gắn liền với tình thương yêu dân làng – những người dân lao động nghèo đói:
Mẹ thương A Kay, Mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạy bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi.
Hình ảnh người hiện lên ngày càng đẹp. Mẹ địu con trong tư thế chuyển lán, đạp rừng. Mẹ địu con đi đánh trận cuối. Lòng yêu con của mẹ đến đây đã gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Thương con bao nhiêu thì mẹ thương đất nước bấy nhiêu. Mẹ gửi gắm vào giấc mơ của đứa con nhỏ, niềm khao khát được gặp Bác Hồ và hơn hết là mông đất nước sớm được độc lập tự do.
Con mơ cho mẹ được gặp Bác Hồ
Mai sau con lớn thành người tự do
Người mẹ Tà Ôi không cất tiếng hát ru bên cánh võng hay chiếc nôi mà tiếng hát ru ấy được ngân lên trong trái tim người mẹ khi địu con giã gạo, tỉa bắp trên núi, khi mẹ “chuyển lán”, “đạp rừng” hoặc trên đường ra chiến trường để giành trận cuối. hình ảnh một người mẹ lao động, trực tiếp sản xuất, phục vụ cho chiến đấu của toàn dân tộc được hiện lên rõ ràng trong những câu văn của Nguyễn Khoa Điềm.
Tình thương con, thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước hoà quyện vào nhau trong tấm lòng của một người mẹ miền núi yêu nước trong những năm tháng chống Mĩ khó khăn, gian khổ. Theo bước chân của người mẹ, không gian cũng được mở rộng dần từ sân khi mẹ giã gạo đến ngọn núi Kai Lưi khi mẹ đi tỉa bắp rồi cả những con suối. Ước mơ, khát vọng của mẹ cũng được gửi gắm qua lời hát ru tha thiết, nặng tình nghĩa ấy càng lúc càng lớn dần.
Một đất nước mà văn học dân gian đã đúc kết thành một câu như đinh đóng cột: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, thì những người phụ nữ anh hùng giỏi nuôi con, giỏi đánh giặc luôn luôn có mặt ngoài cuộc đời. Cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đương thời, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần hoàn chỉnh thêm tượng đài bất tử về người mẹ chiến sĩ trong thời kì kháng chiến vừa gần gũi, thân thương vừa cao cả,vĩ đại. Hình tượng ấy vẫn luôn lặng lẽ toả sáng bồi đắp tình yêu tổ quốc cho bao thế hệ con người Việt Nam.