31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi số 8 - 9 Bài văn phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm

“Trong vũ trụ bao la có lắm kì quan, duy chỉ có trái tim người mẹ là vĩ đại hơn hết”. Bởi lẽ đó mà những bài thơ hay viết về mẹ luôn truyền đến cho người đọc những rung cảm sâu xa và mãnh liệt. Với cách lựa hình thức lời ru hoà quyện trong những dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu…đã ...

“Trong vũ trụ bao la có lắm kì quan, duy chỉ có trái tim người mẹ là vĩ đại hơn hết”. Bởi lẽ đó mà những bài thơ hay viết về mẹ luôn truyền đến cho người đọc những rung cảm sâu xa và mãnh liệt. Với cách lựa hình thức lời ru hoà quyện trong những dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu…đã giúp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thành công trong việc truyền tải những cảm xúc chân thành, sâu lắng của mình về hình tượng người mẹ trong những năm kháng chiến chống Mĩ qua bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ".


Tác phẩm viết về hình ảnh người mẹ dân tộc Tà ôi nhưng qua đó người đọc cảm nhận được bóng dáng và phẩm chất cao đẹp của người mẹ Việt Nam. Đó là người người mẹ chịu thương, chịu khó, giàu tình thương yêu và đức hi sinh. Nhà thơ khắc hoạ hình tượng ngưòi mẹ thông qua công việc thầm lặng hàng ngày rất đỗi bình dị bằng bút pháp hiện thực song lại lan tỏa rất nhiều cảm xúc đến người đọc. Từ những hình ảnh tiêu biểu: “mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi, vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối”, hằng ngày địu con lên rẫy tỉa bắp, địu con đi để giành trận cuối… đặc biệt hình ảnh đối lập: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”…giúp chúng ta đã cảm nhận đựoc bao vất vả, khó nhọc trĩu nặng trên đôi vai gầy của mẹ. Nhưng từ muôn vàn khó khó khăn, vất vả ấy đã ngời sáng tâm hồn bao la, cao cả của người mẹ Việt Nam.


Tâm hồn cao đẹp ấy trước hết được thể hiện ở tình mẫu tử thiêng liêng hoà trong âm vang của điệp khúc lời ru trìu mến, dạt dào tình yêu thương xuyên suốt bài thơ. Vì yêu con mẹ đã mẹ thầm lặng hi sinh cả cuộc đời mình. Điều này đã từng được Nguyễn Khoa Điềm diễn tả qua hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài “Mẹ và quả”


“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”


Đúng vậy, đối với mẹ, con là mặt trời của mẹ – một hình ảnh ẩn dụ giầu chất thơ và gợi nhiều liên tưởng. Con là hạnh phúc, là nguồn sáng vô tận thắp sáng trong lòng mẹ bao niềm tin yêu, lòng dũng cảm để vượt qua bao gian lao, khó nhọc trong những tháng năm đất nước đầy đau thương.


Cao cả, thiêng liêng biết bao khi tình yêu con của mẹ gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Cái riêng hoà trong cái chung cứ ngân vang trong lời ru lắng sâu tình cảm “Mẹ thương Akay”, mẹ thương bộ đội”, “mẹ thương làng đói”, “mẹ thương đất nước”. Niềm tin, tình yêu tổ quốc và khát vọng tự do, độc lập mẹ gửi gắm vào giấc mơ của Akay:


“Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều.

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,

Mai sau con lớn làm người tự do”.


Lời ru của mẹ nuôi con ngày một lớn khôn đó là những chiến công thầm lặng mẹ đã cống hiến cho dân tộc, góp phần biến giấc mơ của Akay thành hiện thực. Những việc làm thầm lặng hằng ngày của mẹ tuy giản dị song vô cùng có ý nghĩa, là biểu hiện tấm lòng của hậu phương dành cho tiền tuyến. Chính những điều đó đã nâng tầm vóc hình tượng người mẹ trở thành một biểu tượng cao đẹp.


Cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác đương thời, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần hoàn chỉnh thêm tượng đài bất tử về người mẹ chiến sĩ trong thời kì kháng chiến vừa gần gũi, thân thương vừa cao cả ,vĩ đại. Hình tượng ấy vẫn luôn lặng lẽ toả sáng bồi đắp tình yêu tổ quốc cho bao thế hệ con người Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0