31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyên ngắn "Vợ nhặt" số 8 - 10 Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyên ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân

Kim Lân là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam. Trong các sáng tác của ông, người ta có thể tìm thấy giá trị hiện thực đậm nét, những lời tố cáo đanh thép nhưng có lẽ giá trị lớn nhất, cao nhất là giá trị nhân đạo. Từ bóng tối hoàn cảnh, Kim Lân muốn làm toả ...

Kim Lân là một cây bút truyện ngắn nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam. Trong các sáng tác của ông, người ta có thể tìm thấy giá trị hiện thực đậm nét, những lời tố cáo đanh thép nhưng có lẽ giá trị lớn nhất, cao nhất là giá trị nhân đạo. Từ bóng tối hoàn cảnh, Kim Lân muốn làm toả sáng chất thơ của hồn người. Ánh sáng tình người toả ra hào quang đặc biệt của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và cảm động. Giá trị nhân đạo xuyên suốt các tác phẩm của Kim Lân và có thể nhận thấy rõ nhất trong truyện ngắn “Vợ nhặt” . Kim Lân khi nói về tác phẩm này đã cho biết: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.


Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính thể hiện ở nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau. Song nhìn chung, giá trị nhân đạo trong văn chương bắt nguồn từ thái độ thương yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, sự đồng cảm với những đau khổ cũng như ngợi ca, đề cao những khát vọng của con người, bên cạnh đó cũng là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực áp bức, bóc lột người lao động. “Vợ nhặt” của Kim Lân là một truyện ngắn mang đậm giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc bởi sự xót thương của Kim Lân giành cho những số phận bất hạnh, sự trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cũng như niềm khát khao hạnh phúc, hướng tới tương lai của những con người dưới đáy xã hội.


Đến với “Vợ nhặt”, có lẽ ấn tượng đầu tiên, ngay lập tức tác động đến độc giả là cảnh ngộ, số phận bi thảm của con người trong nạn đói. Kim Lân đã viết về cái đói bằng cả trái tim yêu thương, xót xa giành cho những kiếp người nhỏ bé, đáng thương mà nổi bật lên là các nhân vật bà cụ Tứ, anh cu Tràng và người vợ nhặt. Cả ba nhân vật đều là nạn nhân của cơn bão táp đói khát khủng khiếp, họ bị quăng quật, vùi dập đến biến dạng nhân hình và nhân tính.


Nhân vật Tràng là một người nông dân nghèo sống cùng mẹ già ở xóm ngụ cư – thời đó xóm ngụ cư bị xem là xóm của nhưng kẻ ăn nhờ ở đậu và rất bị coi thường. Anh ở trong một túp lều xiêu vẹo trên một mảnh vườn mọc toàn cỏ dại và mưu sinh bằng việc đẩy xe bò thuê. Tràng còn là một thanh niên xấu xí được miêu tả với hai con mắt nhỏ tí, lúc nào cũng gà gà đăm đắm như nhìn vào bóng chiều, thân hình to lớn, vập vạp, thô kệch , cái lưng thì rộng như lưng gấu, cái đầu trọc nhẵn… Không những thế, Tràng còn có cái tật vừa đi vừa nói lảm nhảm, than thở điều anh ta nghĩ. Điều này cho chúng ta thấy Tràng còn là một người ngờ nghệch và ngốc nghếch, thậm chí có phần dở hơi nữa. Nhân vật Tràng, dưới ngòi bút của Kim Lân, giống như một sản phẩm lỗi của tạo hóa… Đến đây Kim Lân hoàn toàn cho ta thấy anh cu Tràng là một trong những con người nghèo khổ và thuộc lớp người đáy cùng của xã hội thời bấy giờ.


Bà cụ Tứ, mẹ Tràng là người phụ nữ cao tuổi, khuôn mặt bủng beo, u ám, mắt kèm nhèm, bước đi lọng khọng. Lẽ ra ở cái tuổi gần đất xa trời ấy bà lão phải được hưởng hạnh phúc an nhàn bên con cháu. Thế nhưng, nạn đói có trừ ai. Bà vẫn phải còng lưng mang gánh mưu sinh, lo từng bữa rau bữa cháo. Hơn thế nữa, bà cụ luôn bị dằn vặt vì giữa năm đói khát, bà không làm tròn trách nhiệm của người mẹ, không lo được đầy đủ cho con, để con phải lấy vợ theo cái cách đầy mỉa mai, chua chát – nhặt vợ. Cả thể xác lẫn tâm hồn người mẹ nghèo đều vì cái đói mà trở nên mòn mỏi, đau xót.


Đói, ai cũng khổ. Giọt nước mắt xót thương của Kim Lân là giành cho tất cả những con người của năm đói. Nhưng có lẽ, đến nhân vật người vợ nhặt chúng ta mới thấy hết sức tàn phá khủng khiếp của nạn đói đến nhân hình, nhân tính con người. Ở nhân vật này, cái đói hiện hình “trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “thị gầy sọp hẳn đi”. Không những thế, cái đói cũng làm thị quên hết sự ý nhị, duyên dáng của người phụ nữ. Thị chao chát, trỏng lỏn và vô duyên. Thậm chí, chỉ dựa vào vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc của Tràng, thị sẵn sàng theo không về làm vợ người. Nhưng, dưới ngòi bút Kim Lân, thị đáng thương nhiều hơn đáng trách. Nếu không bởi cái đói, cái chết dồn ép đến bước đường cùng, làm sao thị phải bán đi tự trọng, bán đi nhân phẩm mình một cách rẻ rúng, vô sỉ như thế?


Bên cạnh tình cảm xót thương, đồng cảm cho số phận của những con người khốn cùng trong nạn đói, giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” còn được thể hiện qua thái độ trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người, đó là lòng nhân ái, tình yêu thương giữa những người cùng khổ.


Đầu tiên là nhân vật Tràng. Khi đẩy xe bò thuê, thấy người đàn bà đói thì Tràng cho ăn, dù anh ta chẳng có dư giả gì. Trong nạn đói miếng ăn là cả vấn đề sinh mạng nên hành động có vẻ ngẫu hứng đó của Tràng là một nghĩa cử cao đẹp. Sau đó, chỉ bằng vài câu nói đùa, người đàn bà theo về làm vợ, Tràng cũng chấp nhận dù anh ta cũng hơi sợ. Tâm tư, tình cảm của Tràng đặt trong tình cảnh này thật đáng quý, đáng trân trọng. Tấm lòng cao quý của con người còn được thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ. Việc Tràng lấy vợ làm bà ngạc nhiên đến sững sờ, nhưng nghĩ lại bà hiểu ra biết bao cơ sự. Bà thương cho số kiếp nghèo, bèo bọt, thua thiệt của con trai vì nghèo không ai lấy nên mới phải nhặt vợ. Bà dằn vặt vì không tròn bổn phận làm cha, làm mẹ để con rơi vào hoàn cảnh chua xót.


Thương con bao nhiêu, bà cụ thương người bấy nhiêu. Bà nhìn người đàn bà xa lạ với ánh mắt ái ngại, cảm thông và ý nghĩ xuất phát từ tấm lòng bao dung, nhân hậu: “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…” Thế nên bà cụ sẵn sàng cưu mang, chấp nhận nàng dâu mới. Còn người vợ nhặt, dù bị nạn đói vùi dập đến mất hết cả tự trọng thì khi trở thành người thân trong gia đình Tràng, ở thị lại toát ra vẻ đẹp của người vợ hiền, dâu thảo. Thị cũng ngại ngùng, e thẹn như bao thiếu nữ ngày đầu về nhà chồng. Về đến nhà Tràng, thị chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, tay vân vê tà áo.


Dưới bàn tay vun vén, đảm đang của thị, cuộc sống nghèo khổ, u ám của mẹ con Tràng trở nên tươi sáng hơn. Nhà cửa, sân vườn được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch. Chính Tràng cũng nhận thấy thị “rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn” như trước nữa. Như vậy, qua nhân vật Tràng, cụ Tứ và người vợ nhặt, Kim Lân đã ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam. Họ luôn sống nhân ái, giàu tình cảm, trong hoạn nạn đã nhường cơm sẻ áo, cưu mang đùm bọc nhau. Và có lẽ, chính nhờ tình thương ấy sẽ giúp cuộc sống của họ trở nên tươi sáng, tốt đẹp hơn!


Có ai đó đã từng nói rằng: “Đói nghèo, đau đớn hay bệnh tật có thể cướp đi sinh mệnh nhưng bạn sẽ thực sự chết khi không còn niềm tin và khát vọng sống”. Với Kim Lân, để nhân vật của mình có thể đi tới tương lai tốt đẹp, ông không chỉ trao cho họ tình yêu thương mà lớn lao hơn là khát vọng sống, khát vọng tình yêu mãnh liệt. Đối với nhân vật Tràng, khi anh ta dang tay cưu mang người đàn bà giữa cơn đói khủng khiếp, ở đó không chỉ có tình người, tấm lòng sẵn sàng sẻ chia bất hạnh mà tiềm ẩn cả một khát vọng mãnh liệt về tình yêu và hạnh phúc gia đình. Với một anh chàng vừa xấu xí, thô kệch lại vừa nghèo đói và dở hơi thì việc lấy được vợ là không thể hi vọng. Cưu mang người đàn bà cũng chính là tự tìm cho mình tình yêu và hạnh phúc tương lai với một mái ấm gia đình “cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy.


Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng.”. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc biến Tràng từ người đàn ông ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn trở thành người đàn ông có trách nhiệm, một người con có hiếu. “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Không chỉ vậy, khát vọng hạnh phúc, tương lai đã thôi thúc Tràng nghĩ đến việc tự đứng dậy tìm đường sống cho mình, vực dậy hoàn cảnh khốn cùng hiện tại. Trong đầu óc anh ta bắt đầu nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới. Có lẽ, Tràng cũng sẽ đi cướp kho thóc Nhật, phá tan xiềng xích nô lệ. Tràng tin tưởng rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi.


Không chỉ Tràng, người vợ nhặt của Kim Lân cũng mang khát vọng sống đáng trân trọng. Giữa cái đói bủa vây, đe dọa tính mạng, thị đã không ngần ngại bỏ qua lòng tự trọng của bản thân, xin vào vài câu nói đùa để theo không người đàn ông xa lạ về làm vợ. Kim Lân đã chứng minh, thị vốn không phải người chao chát, chỏng lỏn, vô liêm sỉ như vậy. Tất cả bắt nguồn từ khát vọng được sống mà thôi. Cũng chính sự xuất hiện của thị đã đem đến ánh sáng cho cuộc sống u tối của những người dân nghèo xóm ngụ cư, cho mẹ con Tràng. Nguồn sinh khí ấy có được xuất phát từ một con người có ước vọng cao cả vào sự sống, tương lai.


Khi nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc…ta dễ nghĩ đến những người trẻ tuổi. Nhưng thật kì lạ, trong “Vợ nhặt”, chính người già nhất, “gần đất xa trời” nhất trong tác phẩm lại là người nói nhiều đến hi vọng và ngày mai hơn cả. Đó là nhân vật bà cụ Tứ. Bà muốn gieo vào lòng các con niềm lạc quan, tin tưởng và tương lai. Đầu tiên là hành động thúc giục Tràng thắp đèn. Ánh sáng thắp lên làm lan tỏa ánh sáng tình người, niềm vui hạnh phúc giữa khung cảnh bi thảm, tang thương. Nhưng hơn thế, bà cụ chính là đang động viên các con nhen nhóm trong lòng ánh sáng của tin và hi vọng. Đọc tác phẩm, có lẽ chúng ta sẽ không thể nào quên bữa cơm ngày đói của gia đình bà cụ Tứ. Thế nhưng, nói về cái món “chè khoán” đắng chát và nghẹ bứ cổ họng bà cụ vẫn “tươi cười, đon đả”. Thực chất, bà sao không hiểu cái thảm đạm của bữa ăn này. Nhưng trong cảnh đói nghèo, bà còn có thể làm gì hơn được.


Bà cụ chỉ đang cố đè nén lại mọi uất ức, tủi hờn cho một kiếp sống để mà vui mà mừng, tránh cho các con nghĩ tới những điều đau khổ, tuyệt vọng. Trong cảnh xã hội đang chết đói, có được một bữa ăn thì dù đó là cháo cám cũng là niềm hạnh phúc đáng quý mà bà mẹ muốn giành cho các con. Tiếng cười của bà cụ như bóp nghẹt trái tim độc giả, xót xa và đáng thương biết bao. Không chỉ vậy, bà còn vẽ ra trước mắt các con viễn cảnh tương lai tươi sáng, bắt đầu từ những việc bình dị nhất, thiết thực nhất với gà, lợn, ruộng vườn…khiến các con tin tưởng nó không quá xa vời. Xa hơn nữa, là một ước mơ có phần đau đớn về ngày mai, “rồi may ông giời cho khá.


Biết thế nào hở con? Không ai giàu ba bọ, không ai khó ba đời”. Bà cụ Tứ dùng một triết lý dân gian đúc kết kinh nghiệm cha ông truyền lại để nhắc nhở với các con và khẳng định các con bà hoàn toàn có quyền tin tưởng vào ngày mai hạnh phúc, đủ đầy. Bà cụ không chỉ ước ao, hi vọng cho bà. Bà tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình trong sự vun vén cho con, ước mơ cho con cháu sau này. Có thể người ta sẽ nói bà cụ viển vông, hão huyền. Bởi lẽ, trong cái thời người chết đói đầy đường, đến cháo cám mà “trong xóm cũng khối nhà chả có cám mà mà ăn” thì những hi vọng của bà lão thật phi thực tế. Nhưng, chúng ta không thể không thừa nhận, trong mọi trường hợp, niềm tin luôn tồn tại như một sức mạnh vô hình khiến con người vượt qua tất cả. Chính những niềm tin bà cụ Tứ đã gieo vào lòng các con đã đem đến cho gia đình khốn khổ ấy một sự “thay đổi mới mẻ và khác lạ”.


Những mảnh đời nghèo khó đến với nhau, cùng chắp lại thành một cuộc đời ấm áp, nhen nhóm hy vọng. Giá trị nhân đạo của “Vợ nhặt” không chỉ được biểu hiện trực tiếp qua tâm trạng nhân vật mà còn được gián tiếp bộc lộ qua bố cục câu chuyện. Thời gian trong truyện vận động theo chiều hướng bắt đầu đi từ chiều tàn chạng vạng, đêm tối tới ánh sáng từ “tuyệt vọng” tới “hy vọng”, từ “một ngọn đèn” hiếm hoi được khêu lên đến hình ảnh “lá cờ đỏ” phấp phới trong trí nhớ của Tràng. Đó là những dấu hiệu tích cực, là sự tin tưởng vào khả năng thay đổi cuộc sống, hoàn cảnh của nhà văn và nhân vật. Một nhân cách, một khát vọng và một sự chuẩn bị cho tương lai yên ổn chắc chắn sẽ khiến mỗi người tự tin hơn. Và, ta thấy đâu đó, ở cuối truyện, thông qua hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới và đoàn người đói đi trên đê, một tương lai tươi sáng đang đến rất gần!


Như vậy, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã chứng minh giá trị nhân đạo nhân đạo sâu sắc của ngòi bút Kim Lân. Giá trị nhân đạo không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm thương yêu con người, sự trân trọng phẩm chất tốt đẹp của con người mà nhà văn còn bộc lộ sự chống lại chế độ xã hội phát xít thực dân đã bóp nghẹt cuộc sống của con người, đẩy những người dân nghèo chất phác, lương thiện tới bước đường cùng. Đặc biệt hơn, giá trị nhân đạo của “Vợ nhặt” không dừng lại ở tư tưởng xáo rỗng mà thiết thực hơn, Kim lân đã chỉ ra cho những người nông dân giải pháp để vượt qua hoàn cảnh khốn cùng. Đó chính là đấu tranh chống lại chế độ xã hội, đòi quyền con người, tự mình đi tìm tương laic ho chính mình!

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0