Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyên ngắn "Vợ nhặt" số 5 - 10 Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyên ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân
"Vợ nhặt" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của Kim Lân. Truyện kể về chuyện anh cu Tràng nhà nghèo ở xóm ngụ cư đã nhặt được vợ khi trận đói đang diễn ra kinh khủng, người chết đói đầy đường. Truyện ngắn đã phản ánh nỗi đau khổ và niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc của người ...
"Vợ nhặt" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của Kim Lân. Truyện kể về chuyện anh cu Tràng nhà nghèo ở xóm ngụ cư đã nhặt được vợ khi trận đói đang diễn ra kinh khủng, người chết đói đầy đường. Truyện ngắn đã phản ánh nỗi đau khổ và niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc của người nghèo, qua đó nói lên số phận con người trong xã hội cũ, cái đêm trước khi cách mạng bùng nổ. Giá trị lớn nhất của truyện "Vợ nhặt" là giá trị nhân đạo.
Cho đến nay trong nền văn học hiện đại Việt Nam chưa có tác phẩm nào viết về trận đói năm Ất Dậu - 1945 thật hay, thật xúc động như truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân. Cảm hứng nhân đạo dào dạt từ đầu truyện đến cuối truyện. Truyện "Vợ nhặt" đã phản ánh nỗi đau khổ tột cùng của nhân dân ta, của người nghèo trong trận đói năm Ất Dậu. Đoàn người từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên "xanh xám như những bóng ma" nằm ngổn ngang khắp các lều chợ. Quạ đen đậu trên nhừng ngọn cây bay vù lên "như những đám mây đen" trên nền trời. Mùi gây của xác người vẩn lên khắp xóm chợ. Người chết đói như ngả rạ. Sáng nào cùng ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường!
Đói và chết đói đâu chỉ riêng ai! Mẹ con Tràng, cái nhà "vắng teo đứng rúm ró" trên mảnh vườn đầy cỏ dại. Của nhà là một tấm phên rách. Niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Cơ ngơi ấy đã làm cho nàng dâu mới thất vọng tiếng thở dài". Bà cụ Tứ "mặt bủng beo u ám". Anh cu Tràng "bước mệt mỏi", cái đầu "trọc nhẵn chúi về đằng trước" với bao lo lắng chật vật. Đám trẻ con xóm chợ, trước đây tinh nghịch thế, giờ đây chúng nó "ngồi ủ rủ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích". Trước nhà kho trên tỉnh có mấy chị con gái "ngồi vêu ra". Đặc biệt nhân vật "thị", cái đói đã cướp đi tất cả. Không họ tên, tuổi tác, không gia đình, anh em. Không quê hương bản quán.
Hình hài tiều tụy, xơ xác đáng thương. Áo quần "tả tơi như tổ đỉa". Thị "gầy sọp hẳn đi", khuôn mặt lưỡi cày "xám xịt", chỉ còn thấy hai con mắt. Con đường phía trước của thị là vực thẳm, là chết đói. Cái đói đã cướp đi của thị tất cả. Chị nghe Tràng nói "muốn ăn gì thì ăn", thấy anh ta vỗ vỗ vào túi khoe "rích bố cu", hai con mắt "trũng hoáy" của thị tức thì "sáng lên". Tình tiết thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc, trông có vẻ thô lỗ, nhưng không đáng chê, trái lại rất đáng thương. Thị đang đói, thị đã nhịn đói nhiều ngày, thị cần được ăn, thị cần được sống. Kim Lân rất nhân hậu khi nói về thị, khi nói về sự đói khát của người nghèo.
Cái xóm ngụ cư càng về chiều "càng xơ xác, heo hút" nhà cửa "úp súp, tối om", những khuôn mặt "hốc hác u tối". Bữa cơm đón nàng dâu mới của bà cụ Tứ là một nồi cháo cám. Người con gái giữa trận đói như một thứ vứt đi, có thể "nhặt" được. Thị lấy chồng không một quả cau, không một lá trầu, chẳng có "quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau". Về nhà chồng, đứng trước mẹ chồng, nàng dâu mới "khép nép", "cúi mặt xuống tay vân vê tà áo đã rách bợt". Tối tân hôn, "tiếng khóc tỉ tê" của những gia đình có người mới chết đói vọng đến thô thiết não nùng. Sáng tinh mơ tiếng trống thúc thuế dội lên từng hồi "dồn dập, vội vã".
Bằng những chi tiết rất hiện thực, rất điển hình, Kim Lân đã thể hiện tình cảm xót thương, lo âu cho số phận của người nghèo khổ trước hoạn nạn, trước nạn đói đang hoành hành. Đáng quý hơn nữa, ông đã đứng về phía nhân dân, về phía người nghèo vạch trần và tố cáo tội ác của Nhật - Pháp bắt nhổ lúa trồng đay, bắt đóng thuế, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, gây ra trận đói năm Ất Dậu làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Truyện "Vợ nhặt" đã biểu lộ một tấm lòng trân trọng đối với hạnh phúc của con người. Cách kể của Kim Lân rất hóm hỉnh về tình huống anh cu Tràng nhặt vợ và những tình tiết xoay quanh nàng dâu mới. Chỉ một vài câu "tầm phơ tầm phào", Tràng đãi thị 4 bát bánh đúc thế mà hắn nhặt được vợ! Nhặt được vợ nhưng hắn cũng phải liều: "Chặc, kệ!". Hắn nghĩ thóc gạo này nuôi thân còn khó, lại còn "đèo bòng". Trên đường dẫn vợ mới nhặt được về nhà xin phép mẹ già, anh cu Tràng vui như mở cờ trong bụng. Kim Lân tả đôi mắt và nụ cười của anh con trai cục mịch này để làm nổi bật niềm hạnh phúc mới nhặt được vợ. Tràng "phởn phơ khác thường". Hắn "tủm tỉm cười nụ". Hai mắt "sáng lên lấp lánh". Có lúc cái mặt hắn "cứ vênh lên tự đắc với mình".
Hình ảnh Tràng và thị đi bên nhau trông "hay đáo để". Tràng khoe hai hào dầu, rồi cười hì hì, bị thị "phát đánh đét" vào lưng với câu mắng yêu: "Khỉ gió". Tràng nghển cổ thổi tắt phụt ngọn đèn con, bị thị mắng: "Chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!". Những tình tiết ấy rất hay nói lên tình yêu mạnh hơn cái chết. Cảnh mẹ chồng gặp nàng dâu mới thật vô cùng cảm động. Vượt qua phong tục tập quán ăn hỏi cưới xin, chẳng có dăm ba mâm, bà cụ Tứ thương người đàn bà xa lạ, thương con và thương mình, bà nhận nàng dâu mới: "Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng".
Tình thương của bà mênh mông, bà nghĩ "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được...". Bà dịu dàng yêu thương gọi nàng dâu mới là "con". Lòng đầy thương xót, bà nói với hai con: "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá...". Qua đó, ta càng hiểu sâu hơn cái lẽ đời. Nhân dân lao động nghèo khổ đứng trước tai hoạ, họ đã dựa vào nhau, san sẻ tình thương, san sẻ vật chất cho nhau để vượt qua mọi thử thách, hướng tới ngày mai với niềm tin và hi vọng: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời...". Người đọc cảm thấy ngọn đèn "vàng đục" chiếu sáng trong mái lều đêm tân hôn của vợ chồng Tràng là ngọn đèn hi vọng và hạnh phúc ấm no.
Bữa cháo cám đón nàng dâu mới là một chi tiết mang giá trị nhân đạo tiêu biểu nhất trong truyện "Vợ nhặt". Bà cụ Tứ gọi là "chè khoán... ngon đáo để". Bà tự hào nói với hai con là " xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy". Trong bữa cháo cám, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Cảnh gia đình mẹ con vô cùng "đầm ấm hòa hợp" hạnh phúc. Sau này, vợ chồng con cái Tràng có thể có những bữa cơm nhiều thịt cá ngon lành hơn, nhưng họ không bao giờ có thể quên được bữa cháo cám buổi sáng hôm ấy. Vị cháo cám "đắng chát" mà lại ngọt ngào chứa đựng bao tình thương của mẹ. Kim Lân sống gần gũi người nhà quê, ông hiểu sâu sắc tâm lí, tình cảm của họ. Ông đã làm cho những thế hệ mai hậu biết cái đắng chát trong cuộc đời của ông cha, cảm nhận được cái hương đời, cái tình thương của lòng mẹ,... mà không một thứ cao lương mĩ vị nào có thể sánh tày?
Kim Lân đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất, nồng hậu nhất về sự đổi đời của người dân cày Việt Nam. Mừng cho anh cu Tràng có vợ, bọn trẻ con tinh nghịch reo lên: "Chông vợ hài". Việc Tràng có vợ, dân ngụ cư xóm chợ cảm thấy "có một cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối của họ". Bà cụ Tứ vui sướng vì con trai đã có vợ, bà như trẻ lại, nhẹ nhõm, tươi tỉnh "rạng rỡ hẳn lên". Vợ Tràng trở thành người đàn bà "hiền hậu đúng mực". Tràng như từ một giấc mộng bước ra. Anh ngủ dậy cảm thấy "êm ái lửng lơ". Hạnh phúc đến quá bất ngờ. Việc hắn có vợ sau một ngày một đêm mà hắn "vẫn ngỡ ngàng như không phải".
Sự đổi đời còn được thể hiện ở cảnh vật. Mẹ và vợ Tràng đã dậy sớm, quét tước thu dọn lại nhà cửa, sân ngõ. Tiếng chổi quét sàn sạt. Hai cái ang nước được kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã được hót sạch. Mẹ chồng, nàng dâu mới, con trai, ai cũng muốn góp phần sửa sang tổ ấm gia đình hạnh phúc. Họ không nghĩ đến cái chết mà hướng về sự sống, về hạnh phúc và sự đổi đời. Tràng cảm thấy hắn đã "nên người", hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này!
Một chi tiết rất hay là vợ Tràng sau khi nghe tiếng trống thúc thuế đã báo tin ở mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không nộp thuế, người ta phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Còn anh cu Tràng thấy trong óc mình "lá cờ đỏ bay phấp phới". Cách mạng sắp đến. Nạn đói sẽ bị đẩy lùi. Hình ảnh lá cờ đỏ cuối truyện không chỉ tô đậm giá trị nhân đạo mà còn tạo nên âm hưởng lạc quan đầy chấn động, như một dự cảm về ngày mai ấm no, hạnh phúc.
Hạnh phúc của Tràng và niềm vui của mẹ già tuy muộn mằn nhưng đáng quý và đáng trân trọng biết bao! Cổ kim đông tây đã có ai nhặt được vợ? Cái đói do bọn Nhật, Pháp gây ra đã cướp đi tất cả tính mạng và phẩm giá con người. Một sự thật được khẳng định: niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc, khao khát sống mạnh hơn cái chết. Cái vị đời ngọt ngào và tình người ấm áp đã tỏa sáng giá trị nhân đạo truyện "Vợ nhặt" mà ta trân trọng.