Bài văn phân tích đoạn trích "Con chó Bấc" số 5 - 10 Bài văn phân tích đoạn trích "Con chó Bấc" trong "Tiếng gọi nơi hoang dã" của G.Lân-đơn
Tiếng gọi nơi hoang dã là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn người Mĩ, Jack London, người vẫn thường được so sánh với nhà văn vĩ đại của Nga - M. Gorki. Tác phẩm khác biệt ở chỗ nhân vật chính không phải là một con người mà là một chú chó có tên là Bấc, nó đã từng ...
Tiếng gọi nơi hoang dã là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhà văn người Mĩ, Jack London, người vẫn thường được so sánh với nhà văn vĩ đại của Nga - M. Gorki. Tác phẩm khác biệt ở chỗ nhân vật chính không phải là một con người mà là một chú chó có tên là Bấc, nó đã từng được thuần hóa và có một thời gian sống chung với con người, có những lúc chú đã rất hạnh phúc vì được cưng chiều. Nhưng bất hạnh thay cuộc đời của Bấc không mãi bằng phẳng, nó đã phải trải qua nhiều biến cố gian nan, vất vả phải vật lộn với cái lạnh, cái rét giữa vùng đất tuyết Alaska để kéo xe cho những người đào vàng. Và cuối cùng cuộc sống thiên nhiên hoang dã đã thức tỉnh bản năng của loài chó sói bên trong Bấc, nó quyết định từ bỏ cuộc sống thuần chủng trở về với mẹ thiên nhiên, sống chung với loài sói.
Đoạn trích Con chó Bấc kể về giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Bấc khi nó gặp được người chủ nhân từ, hết lòng yêu thương cưng chiều, sau những tháng ngày qua tay nhiều chủ khác nhau. Hình ảnh Bấc được nhà văn xây dựng khéo léo và xúc động, thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, đầy yêu thương cũng như nhiều lo âu của một con vật từng bị tổn thương quá nhiều.
Trước khi gặp Thooc-tơn, Bấc mang thân phận là một chú chó thuần chủng, nhưng tâm hồn của nó luôn ám ảnh một cô đơn, lạnh lẽo và trống trải, bởi từ khi sinh ra đã phải gặp nhiều những thăng trầm trong cuộc sống, từ việc đổi chủ nhiều lần khiến nó không tài nào thích nghi được, đến việc phải kéo xe giữa trời tuyết giá lạnh đến độ suýt chết. Chính bởi điều nó đã nảy sinh trong tâm hồn của Bấc những nỗi sợ vô hình về việc không có người chủ nào có thể gắn bó lâu dài với nó, thành ra Bấc cũng không dám đặt quá nhiều tình cảm, bởi nó sợ mất mát, sợ cảm giác trống trải đến ám ảnh cả trong mơ.
Chỉ đến khi gặp Thooc-tơn Bấc mới lại dần mở lòng mình ra lần nữa và lần này nó thực sự yêu quý và muốn gắn bó mãi mãi với người chủ nhân từ, bao dung và hết mực yêu thương nó cho nó cảm giác về một mái ấm, cho nó "tình yêu thương, một tình yêu thương thực sự và nồng nàn". Thứ tình cảm ấy khác hẳn với những gì mà nó từng nếm trải trong đời, đó không phải là kiểu tình cảm "làm ăn cùng hội cùng phường, là "trách nhiệm ra oai hộ vệ", hay thứ tình cảm có phần lịch sự xa cách "trịnh trọng và đường hoàng".
Trước khi gặp Thooc-tơn Bấc không biết và cũng không hiểu thế nào là một gia đình, bởi những người chủ trước đó đã không cho nó được hơi ấm, được tình yêu thương cũng như sự cưng chiều trân trọng như một người bạn, người thân thiết, họ chỉ đơn giản coi nó là một con vật nuôi dùng vào những mục đích khác nhau. Chính vì thế nên Bấc phải chịu cảm giác cô đơn trống trải trong một thời gian dài, có lẽ vì xót thương cho con vật có tâm hồn tổn thương và mất mát thế nên thượng đế đã để nó gặp được Thooc-tơn, người chủ cuối cùng, cho nó một quãng thời gian thật hạnh phúc, được đếm trải thứ tình cảm mới lạ, "sôi nổi, nồng cháy, yêu thương đến tôn thờ, thương yêu đến cuồng nhiệt".
Bấc không được miêu tả rõ ràng về hình dáng, kích thước hay bộ lông thay vào đó tác giả lại tập trung làm nổi bật tâm hồn Bấc và cách mà Bấc yêu thương chủ, từ đó có thể thấy rằng Bấc là một chú chó vô cùng thông minh và có linh tính. Bấc thấu hiểu tất cả những tình cảm mà Thooc-tơn đã dành cho mình, sự cưng chiều che chở, tấm lòng yêu thương của Thooc-tơn đối với nó không chỉ đơn giản là của một người chủ đối với thú cưng mà nó đã vượt qua giới hạn giống loài, giữa Bấc và Thooc-tơn tồn tại một thứ gọi là tình cảm gia đình mà ở đó, Bấc là đứa con bé bỏng ngoan ngoãn được nâng niu, quý báu. Bấc đủ khôn ngoan để nhìn nhận được sự tử tế, nhân từ và tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người chủ mới thế nên dần dà trong tâm hồn nó đã có những biến đổi nhất định, nó cũng muốn đáp lại, đối xử với Thooc-tơn như cái cách mà anh đã làm với nó.
Dĩ nhiên rằng Bấc không thể bày tỏ tình cảm bằng những lời mắng yêu, những câu trò chuyện thì thầm mà Thooc-tơn vẫn thường dành cho nó mỗi ngày, nhưng Bấc biết cách dùng hành động để chứng minh tình cảm của mình với người chủ yêu quý. Sống bên cạnh Thooc-tơn cứ mỗi lần được âu yếm là Bấc lại cảm thấy "quả tim mình nhảy tung ra khỏi cơ thể vì quá ngây ngất", và để đáp lại thứ tình cảm tuyệt vời lâng lâng ấy Bấc dùng tư thế đặc biệt của loài chó để hưởng ứng "nó bật dậy bằng hai chân, miệng cười, mắt long lanh, họng rung lên những âm thanh không thốt nên lời", dường như thể nó đang muốn nói lời gì đó với Thooc-tơn rằng nó đang xúc động, đang quá đỗi sung sướng, nó chưa từng được hạnh phúc như thế này vậy.
Sự thông minh và ngoan ngoãn vượt bậc của Bấc cũng khiến Thooc-tơn phải bật thốt lên rằng "Trời đất, đằng ấy cứ như biết nói ấy!", biểu lộ rằng anh cũng hiểu những gì Bấc muốn nói, điều đó lại càng khiến Bấc hạnh phúc hơn. Rồi có lẽ xuất phát từ cuộc đời cô đơn và lạnh lẽo quá lâu thế nên khi gặp Thooc-tơn Bấc được hưởng quá nhiều niềm vui thế nên nó lại càng trân trọng, càng sợ mất đi, nó vẫn thường "cắn yêu" vào đôi bàn tay của, đến mức hằn cả vết răng vừa như một cách đánh dấu chủ quyền, vừa là cách Bấc bộc lộ Thooc-tơn về tình cảm sâu nặng mà nó dành cho anh. Hoặc cũng có khi là Bấc muốn nắm lấy đôi bàn tay ấm áp và bao dung của người chủ đáng kính không xa rời.
Nhưng nổi bật hơn cả ngoài những hành động "quá trớn" do quá xúc động thì bình thường Bấc lại dành phần lớn thời gian để dành cho Thooc-tơn thứ tình cảm tôn thờ. Bấc thông minh và biết điều, nó biết ơn người chủ đã ra tay cứu nó khỏi cái chết, cái đói, cái lạnh lẽo, cái mệt mỏi của của sống đày ải ở Alaska, thế nên trong mắt nó có lẽ Thooc-tơn không chỉ là một người chủ mà đích thực là người đã tái sinh cuộc đời của nó thêm lần nữa. Thế nên mọi tình cảm của Bấc chỉ muốn xoay quanh chủ, sống và tôn thờ chủ không rời một phát giây, nhưng nó không dám đòi hỏi quá nhiều, phần lớn thời gian Bấc dùng để yên lặng bên cạnh Thooc-tơn. Không phải là nó không muốn được vuốt ve nhưng nó đã kiềm mình lại để không săn đón tình cảm của Thooc-tơn, nó không muốn chủ của mình thấy phiền chán, dường như ta cảm nhận được bên cạnh một tâm hồn yêu thương, sung sướng cuồng nhiệt là một tâm hồn cẩn thận và có chút dè dặt, tinh tế của Bấc.
Nó luôn biết cách khiến chủ hài lòng, nó luôn ngoan ngoãn, tôn trọng chủ, luôn nằm phục dưới chân Thooc-tơn hàng giờ, "mắt háo hức, tỉnh táo, ngước lên mặt anh, chăm chú xem xét, hết sức quan tâm theo dõi từng biểu hiện thoáng qua, mọi cử động hoặc thay đổi trên nét mặt". Điều đó có thể thấy rằng Bấc vô cùng trân trọng khoảng thời gian được ở bên Thooc-tơn bằng một tâm hồn nhạy cảm, bằng một thứ tình cảm thiêng liêng, gắn bó đặc biệt như một gia đình. Tuy nhiên cuộc sống quá hạnh phúc cũng khiến Bấc trở nên nhạy cảm, lo được lo mất nhiều hơn, bởi nó ý thức được rằng có lẽ không còn ai có thể yêu thương và đối xử với nó tốt như vậy ngoài Thooc-tơn. Thế nên ngay cả trong mơ Bấc vẫn luôn lo sợ về một cuộc sống cô độc, lạnh lẽo sẽ lặp lại lần nữa, điều ấy khiến ta càng thương xót cho một chú chó thông minh nhưng gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời.
Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình, đặc biệt là cách khắc họa nội tâm của một nhân vật đặc biệt - chú chó Bấc, nhân vật không hề có một lời thoại nào John London đã thành công ghi vào lòng người đọc ấn tượng về một chú chó thông minh, ngoan ngoãn,với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Đồng thời qua đó tác giả đề cao thứ tình cảm vượt qua giới hạn giống loài của Thooc-tơn và Bấc, họ đã đối xử với nhau như những người bạn tri âm, tri kỷ, dành cho nhau những tình cảm thiêng liêng đáng quý, thấu hiểu lẫn nhau tựa như một gia đình.