Bài văn phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" số 6 - 6 Bài văn phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận lớp 9 hay nhất
Năm 1958, hưởng ứng phong trào viết về cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Huy Cận cũng xông xáo lên đường. Đoàn thuyền đánh cá là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày tại vùng mỏ Quảng Ninh của nhà thơ. Bài thơ là cảm hứng trước thiên nhiên đất nước, con người ...
Năm 1958, hưởng ứng phong trào viết về cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Huy Cận cũng xông xáo lên đường. Đoàn thuyền đánh cá là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày tại vùng mỏ Quảng Ninh của nhà thơ. Bài thơ là cảm hứng trước thiên nhiên đất nước, con người và niềm vui, niềm tin tưởng dạt dào trước cuộc sống mới. Đặc biệt, vẻ đẹp của thiên nhiên vũ trụ được miêu tả hết sức sinh động và đẹp đẽ.
Mở đầu bài thơ, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước với cảnh hoàng hôn trên bến cảng quê hương:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Không gian trong thơ là biển cả, thời gian là buổi hoàng hôn. Trong thơ xưa, không gian, thời gian này gắn với nỗi buồn, niềm chia biệt. Nhưng trong thơ Huy Cận, cảnh sắc lại rất tươi tắn, không nhuốm nỗi buồn nào. Nhà thơ nhân hoá mặt trời như vị khách của vũ trụ, biển cả là ngôi nhà trần thế, gợn sóng dạt dào là then cài vững chắc, màn đêm là cửa sập… Viết về thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn nhưng thiên nhiên ấy không hề xa lạ mà ấm áp hơi thở của cuộc đời. Các động từ “cài”, “sập” diễn tả hành động mạnh mẽ, dứt khoát khi vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi, yên tĩnh hoàn toàn.
Thay thế cho sức sống của vũ trụ trên biển đã khép lại là cảnh lao động của con người đang mở ra. Không tập trung miêu tả hành động cụ thể của bức tranh lao động, tác giả ca ngợi sự giàu có, bao dung của biển cả:
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Liệt kê một loạt các loài cá ngon và quí chứng tỏ sự giàu có, phong phú về các loại cá của biển Đông. So sánh cá như “đoàn thoi”, nhân hoá chúng “dệt” tấm lụa trắng lung linh trong lòng biển nhằm ngợi ca vẻ đẹp huyền ảo của biển đêm. Phép liên tưởng độc đáo và sáng tạo “cá Song lấp lánh đuốc đen hồng” gợi vẻ đẹp của đêm hội hoa đăng trong lòng biển. Cá bơi từng đàn như rước đuốc, đuôi cá quẫy làm tung toé ánh trăng vàng. Một bức tranh sơn mài với những màu sắc rực rỡ, tráng lệ. Biển quê hương đầy ắp ân tình nuôi dưỡng biết bao thế hệ
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào
So sánh lòng biển với lòng mẹ. Tình mẹ bao la, hy sinh hết mực như biển quê hương đã nuôi dưỡng bao đời nay những thế hệ lớn lên từ các làng chài. Câu thơ là lời tri ân biển, bộc lộ những ân tình sâu sắc của biển Quê hương. Nếu mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền mạnh mẽ ra khơi trong buổi hoàng hôn nắng tắt thì kết thúc bài thơ là hình ảnh rạng đông, bình minh ngày mới, đoàn thuyền trở về với chiến lợi phẩm:
Vảy bạc, đuôi vàng loé rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi
Các tính từ chỉ màu sắc “bạc”,” vàng”, “hồng” diễn tả cái tươi sáng của buổi bình minh. Phép nhân hoá vầng mặt trời “đội biển” khoe màu của ngày mới khiến câu thơ giàu sức biểu cảm. Bình minh đi lên từ đêm tối. Màu mới hay đây chính là hình ảnh của cuộc sống mới đang mang lại những niềm vui phơi phới trong lòng con người lao động.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Giọng thơ mang âm hưởng khoẻ khoắn, hào hùng lạc quan. Với bút pháp lãng mạn, Huy Cận đã khắc hoạ nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ, thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước cuộc sống lao động mới.