Bài văn phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn rất hay
Đề: Phân tích bài thơ ‘Đập đá ở Côn Lôn‘ để thấy ý chí sắt đá của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. BÀI LÀM Sau khi gửi cho Toàn quyền Pháp một bức thư dài gần 12 trang (1906) đả kích chính sách cai trị của thực dân, chỉ trích sự tham nhũng và bất lực của quan lại Nam triều, đòi ...
Đề: Phân tích bài thơ ‘Đập đá ở Côn Lôn‘ để thấy ý chí sắt đá của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh.
BÀI LÀM
Sau khi gửi cho Toàn quyền Pháp một bức thư dài gần 12 trang (1906) đả kích chính sách cai trị của thực dân, chỉ trích sự tham nhũng và bất lực của quan lại Nam triều, đòi chính phủ bảo hộ phải cải cách guồng máy chính trị, thanh trừng ‘tệ lậu’ - Nhân việc phản kháng thuế ở Quảng Nam năm 1908, cụ bị bắt về tội ‘xúi dân làm loạn’ - bị toà án Nam triều kết án trảm quyết - nhưng nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, cụ được giảm án và bị đày đi Côn Đảo. Bài thơ ‘Đập đá ở Côn Lôn’ cụ viết trong lúc bị lưu đày và phải đi đập đá.
Tác giả đã mượn điển tích bà Nữ Oa, em gái vua Phục Hy rèn đá ngũ sắc để vá trời, nói lên sứ mạng giải phóng dân tộc, một việc làm quá sức mình.
Ta thử phân tích bài thơ trên để tìm hiểu chí hướng của tác giả:
‘Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn’
Thân dù bị lưu đày, cụ chẳng phải hạng tù tầm thường mà là người quân tử đứng nơi trung chính trong thiên hạ (sách Mạnh Tử nói: Lập thiên hạ chí tử chính vị). Non nước Côn Lôn còn tượng trưng cho chí hiên ngang của bậc anh hùng giữa vùng núi cao, bể rộng:
‘Lừng lẫy làm cho lở núi non’
Đất anh hùng bổn phận mình phải ra tay xẻ núi lấp sông. Cụ cho việc ‘Khai sơn, phá thạch’ của kẻ làm trai đứng trong vũ hụ là một việc làm chứng tỏ chí khí của mình (chữ lở có nghĩa là: phá thạch).
‘Xách búa đánh tan năm bảy đống ‘.
Dù gặp những trở ngại, chông gai cũng quyết vượt qua, với ý chí quả quyết tiến đến thành công:
‘Ra tay đập bể mấy trăm hòn ‘.
‘Đập đá ‘ đã chứng tỏ được hành động mạnh bạo của cụ trong việc san bằng những trở ngại, để tiến hành những công việc. Những danh từ cụ thể ‘năm bảy đống’, ‘mấy trăm hòn’ đã tượng trưng một cách rõ rệt những trở lực:
‘Tháng ngày bao quản thân sành sỏi’.
Năm, tháng trôi qua, gian khổ, đem thân ra để đền nợ nước, cứu giúp đồng bào, cụ vẫn xem thường. Thân thể dù phải tiêu hao, vẫn rắn chắc như mảnh sành và hòn sỏi qua thử thách của thời gian:
‘Mưa nắng chi sờn dạ sắt son ‘
Trải bao sương tuyết, dày dạn với nắng mưa, cụ vẫn bền lòng, chắc dạ. Chí khí anh hùng càng toả rạng. ‘Thất bại là mẹ của thành công’, cụ quyết mưu chí kiên nhẫn để đợi thời cơ:
‘Những kẻ vá trời khi lỡ bước ‘
‘Đội đá vá trời’ là một việc làm quá với sức người, dù có thất bại cũng là sự thường. Người anh hùng nuôi chí lớn, trước sự thất bại, cụ chỉ xem đó là một phút lỡ đường:
‘Gian nan nào sá sự con con... ‘
Tranh đấu vì dân, vì nước, cuộc đời dù có phải ra sao cũng không quản ngại, đối với việc đày đoạ thân thể cực nhọc về thể xác trong việc đập đá cụ có xem ra gì đâu. Việc cứu dân cứu nước kia mới đáng kể.
Công việc đập đá là một hình phạt nặng nhọc của tù nhân ở Côn Đảo đã được cụ lồng vào một khung cảnh hùng vĩ và sinh động. Dưới ngòi bút của thi nhân, việc đập đá tầm thường đã được thi vị hoá, từ địa vị một tù nhân khổ sai, cụ nghiễm nhiên là một bậc anh hùng đem tài sức ra ‘khai sơn, phá thạch’, ‘đập đá vá trời’ Việc đập đá biến thành một công việc vô cùng to tát, cao quý: Cứu nước, cứu dân.
Bài thơ trên thuộc thể thất ngôn bát cú, theo Đường luật, gieo vần lưng, những chữ cùng vần là: non, hòn, son, con.
về bút pháp, bài ‘Đập đá ở Côn Lôn’ có một sắc thái sinh động, lời văn rất hùng hồn, cương quyết. Những tiếng ‘đánh tan’, ‘đập bể’ cho ta thấy chí khí hào hùng và hiên ngang của cụ. Những trở ngại được tượng trưng bằng ‘năm bảy đống’, ‘mấy trảm hòn’ rất cụ thể. Những tính từ ‘sành sỏi’ ‘sắt son’ nói về đức tính của kẻ anh hùng, nhưng vẫn liên kết với ý trên là hòn đá, cho ta thấy dù trong cảnh khổ cụ vẫn bền lòng.
về phép đối ngẫu, hai câu thực trong bài thơ trên đối rất chỉnh về lời. Trong câu luận phần đối chỉnh nhất là ‘thân sành sỏi’ ‘dạ sắt son’ - Xuất sắc nhất là trong 8 câu thơ, tác giả không để câu nào lọt ra ngoài ý đập đá, văn tứ do đó rất có hệ thống - vần gieo rất già dặn, ‘non’ với ‘hòn’ với ‘con’, tuy chữ dùng cùng một vần nhưng đọc lên ta thấy những âm điệu trong bài thơ rất uyển chuyển.
Qua bài thơ ‘Đập đá ở Côn Lôn’, chí hướng của cụ Phan càng tỏ rõ hơn trong việc tranh đấu để giải phóng quê hương, đòi lại chủ quyền cho Tổ quốc. Trong cảnh đoạ đầy, tù tội, tấm lòng sắt đá không hề lay chuyển. Con đường đã vạch sấn, dù cho chông gai, nguy hiểm, cụ vẫn vượt qua:
'Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn’.
Tài ‘khai sơn phá thạch’, chí khí anh hùng tuy bị dồn ép vào khoảng đất Côn Lôn, nhưng cụ đã thức tỉnh được một số người đang đắm mình trong vòng cương toả, mải chạy theo công danh, phú quý, quên cả nước non. Cảnh gông cùm, xiềng xích là cơ hội để cho cụ tĩnh tâm mài lưỡi gươm chí khí, nung nâu thêm tấm lòng ái quốc làm sáng tỏ tài chọc trời khuấy nước:
‘Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn Lừng lẫy làm cho lở núi non’...
Vì tội yêu nước, cụ bị giam cầm, hành hạ đủ điều, làm tù nhân khổ sai, đập đá. Cụ cho đó là một thử thách mà người anh hùng phải chịu trong cơn quốc biến để trải mật phơi gan cùng tuế nguyệt:
‘Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son ‘.
Chí hướng đã định, sự nghiệp cách mạng dù phải tạm bế tắc trong chốn lao tù, chưa phải là bước đường cùng. Lòng tin tưởng vô biên ở ngày mai huy hoàng của đất nước gợi cho cụ một niềm hứng khởi, cụ quên hẳn cảnh gian nan hiện tại. Kẻ ‘vá trời’ ‘lấp biển’ trong cơn lỡ bước, bị lưu đầy thường:
‘Những kẻ vá trời nay lỡ bước,
Gian nan nào sá sự con con’.
Trước bạo lực của cường quyền, trước những sự khủng bố tinh thần của thực dân dưới mọi hình thức, ta thấy cụ Phan không nao núng. Chí khí luôn luôn hướng về việc cứu dân, cứu nước không vì tư lợi cá nhân, cụ đã gây được một uy tín lớn lao với dân quốc. Do đó, chí hướng của cụ là chí hướng của một nhà cách mạng chân chính.
Dù nay đã thành người thiên cổ, cụ Phan Châu Trinh đã lưu lại danh thơm muôn thuở. Gian nan chẳng kể, thân thế không màng, với một bầu nhiệt huyết, cụ tranh đấu để đưa Tổ quốc đến vinh quang. Nhắc đến người xưa, ngâm lại vần thơ cũ, ta cảm thấy anh linh cụ như còn phảng phất đâu đây để vui mừng xem hậu thế tiến mạnh trên đường phục hưng xứ sở. Để kết luận, ta mượn những vần thơ của cụ Sào Nam đã tưởng niệm nhà cách mạng quá cố của dân tộc.
‘Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương phách hoá thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân '.