Phân tích bài tho Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Đề: Phân tích nhân vật trữ tình trong bài thơ ‘Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác‘ của Phan Bội Châu. ''Tấm lòng son sắt, tinh thần lạc quan ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước mãnh liệt đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường trước sau không hề chùn bước của Phan Bội Châu ...'' BÀI LÀM ...
Đề: Phân tích nhân vật trữ tình trong bài thơ ‘Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác‘ của Phan Bội Châu. ''Tấm lòng son sắt, tinh thần lạc quan ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước mãnh liệt đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường trước sau không hề chùn bước của Phan Bội Châu ...''
BÀI LÀM
Trong thời gian nước ta bị thực dân Pháp thống trị, nhiều chiến sĩ yêu nước đã bị bọn thực dân giam giữ tù đày. Nhiều tù nhân - chiến sĩ đó đã sáng tác thơ văn ngay trong nhà tù để tỏ chí mình, vừa để động viên lẫn nhau; hình thành nên cả một dòng văn học trong tù, với không ít tác phẩm đầy nhiệt khí quật cường yêu nước hay thấm thìa ý vị trữ tình đa dạng. Một trong những tác phẩm xuất sắc ấy là bài thơ ‘ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác’ của Phan Bội Châu viết trong bối cảnh một cái án tử hình đang treo sấn chờ tác giả của nó ở Đông Dương.
Hình ảnh người tù trong bài hiện lên trong một tư thế hết sức đàng hoàng, đẹp đẽ, tư thế ‘phong lưu’ của một trang ‘hào kiệt’. Với giọng khẳng định nhấn mạnh hai lần chữ ‘vần’, ta không hề thấy một chút tự ti buồn nản ở người tù. Đối với cụ, đây chỉ là một dịp nghỉ ngơi sau khi đã ‘chạy mỏi chân’ vì bôn ba trên đường cứu nước, cảnh ngục tù, án tử hình... không hề có một tác động tiêu cực nào đối với Phan Bội Châu. Trái lại, hoàn cảnh gian nan đe doạ ấy hình như chỉ càng kích thích khí phách quật cường, bản lĩnh son sắt của nhà chí sĩ yêu nước này.
Tuy nhiên, cụ không phải lên gân, giả bộ để tự an ủi mình nguôi khuây nạn tù đày. Cụ vẫn nhìn thẳng vào thực tế khắc nghiệt, không hề có ý xoa dịu cảnh ngộ gay go mà bản thân đang phải chịu đựng. Cụ nhận rõ tình huống gian nan cao độ khi ấy của thân phận mình - một người đang bị thực dân săn lùng ráo riết, buộc phải xa quê hương đất nước, nếm trải cuộc đời long đong, căng thẳng suốt bấy lâu:
‘Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu’.
Trong tình thế và tâm trạng ấy, người ta càng khâm phục ý chí lạc quan, niềm tin không lay chuyển của tác giả vào sự nghiệp cứu nước đầy gian nan thử thách chất chồng. Cụ tự nhủ, dù sao đi nữa, vẫn quyết ‘dang tay ôm chặt’ lấy công cuộc kinh bang tế thế - trị nước, cứu đời. Cụ tín tưởng ‘Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp’ tự hẹn mình còn sống thì còn đấu tranh cho sự nghiệp, nguy hiểm bao nhiêu đó nữa cũng không thể nhụt chí, nản lòng.
Tấm lòng son sắt, tinh thần lạc quan ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước mãnh liệt đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường trước sau không hề chùn bước của Phan Bội Châu - nhà yêu nước số một của dân tộc ta hồi đầu thế kỉ này. Bài thơ này thật đáng quý. Nó đã khắc hoạ được một bức chân dung tinh thần rất cao cả, đẹp đẽ của nhà yêu nước lớn đầu thế kỉ. Cùng với ‘Nhật kí trong tù ‘ của Hồ Chí Minh sau này, những tác phẩm viết trong ngục của Phan Bội Châu là một di sản vô giá của chúng ta. Nó để lại cho đời đời con cháu được chiêm ngưỡng một nhân cách kì diệu: vẫn ngời ngợi một chí lớn hào kiệt, hiên ngang một tư thế phong lưu, sắt son một niềm tin tươi sáng ngay giữa gông cùm tù ngục, trước cái chết đang rình rập bủa vây.
Thế hệ trẻ của chứng ta đang bước vào thế kỉ mới. Hãy ôn lại cho thật thấm nhuần bản lĩnh son sắt ấy của một nhà yêu nước lớn đầu thế kỉ này, coi đấy như một thứ hành trang tinh thần quý báu, một nguồn năng lượng siêu sạch giúp ta trưởng thành, vững vàng hội nhập với thế giới hôm nay.