Bài thơ Đồng Chí, Lặng lẽ Sapa trong đề học kì 1 môn Văn lớp 9 Hai Bà Trưng (Hà Nội)
Bài thơ Đồng Chí, Lặng lẽ Sapa trong đề học kì 1 môn Văn lớp 9 Hai Bà Trưng (Hà Nội) Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Hai Bà Trưng, Hà Nội: Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ ‘Đồng Chí’ và giải thích cụm từ “đôi tri kỉ”. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HAI BÀ ...
Bài thơ Đồng Chí, Lặng lẽ Sapa trong đề học kì 1 môn Văn lớp 9 Hai Bà Trưng (Hà Nội)
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Hai Bà Trưng, Hà Nội: Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ ‘Đồng Chí’ và giải thích cụm từ “đôi tri kỉ”.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HAI BÀ TRƯNG
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 NĂM 2016 – 2017
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 9
Thời gian làm bài 90 phút
Phần I : Trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu có viết:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục)
1: Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ và giải thích cụm từ “đôi tri kỉ”.
2: Xét theo cấu tạo ngữ pháp, câu thơ cuối đoạn thuộc kiểu câu gì? Nêu ngắn gọn tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó trong văn cảnh.
3: Dựa vào đoạn thơ trên, viết đoạn văn (khoảng 12 câu), theo cách lập luận diễn dịch trình bày suy nghĩ của em về cơ sở hình thành tình đồng chí keo sơn của những người lính cách mạng, trong đó có sử dụng một câu cảm thán và một lời dẫn trực tiếp (Gạch chân và ghi chú).
Phần II : Cho đoạn trích sau:
Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục)
1: Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào, của ai?
2: Những từ in đậm trong câu: “Ơ, bác vẽ cháu đấy ư?” thuộc những từ loại nào? Nêu công dụng của những từ loại ấy trong câu trên.
3: Trong đoạn trích, nhân vật anh thanh niên đã từ chối khi họa sĩ vẽ mình, muốn giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn. Chi tiết này giúp em hiểu thêm điều gì về anh thanh niên?
4: Từ nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm và những hiểu biết xã hội, hãy nêu suy nghĩ của em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về đức tính khiêm tốn của con người trong cuộc sống.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Phần I1: HS nêu đúng:
– Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Đầu năm 1948, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên Việt Bắc.
– Giải nghĩa cụm từ “đôi tri kỉ”: Tri kỉ: biết mình; đôi tri kỉ: Đôi bạn thân thiết (hiểu bạn như hiểu mình)
2: HS nêu được:Theo cấu tạo ngữ pháp, câu thơ cuối là kiểu câu đặc biệt.
Tác dụng:– Về nghệ thuật: Tạo nhịp điệu, là bản lề khép mở ý thơ…
– Về nội dung: Giúp thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà thơ: biểu hiện sự cô đặc, dồn thụ sức nặng tư tưởng, cảm xúc của tác giả…
3: HS hoàn thành đoạn văn diễn dịch:
Mở đoạn: Đạt yêu càu về hình thức, nội dung:
Thân đoạn: Biết bám vào ngữ liệu, khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật, có dẫn chứng, lí lẽ làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí keo sơn của những người lính cách mạng trong đoạn thơ:
Chung hoàn cảnh xuất thân…
Chung mục đích chiến đấu, lí tưởng…
Chung gian khổ, chung niềm vui…
Phần II
1: Tên tác phẩm: Lặng lẽ Sa Pa
Tác giả: Nguyễn Thành Long
2: HS chỉ ra được:Từ “Ơ“: thán từ -> Bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên.
Từ “ư“: tình thái từ -> Dùng để hỏi
3 nêu được một đức tính tốt đẹp khác của anh thanh niên: Đức tính khiêm tốn.
4: HS phải đảm bảo những yêu cầu về:
Nội dung: Trình bày ý hiểu về tính khiêm tốn; thấy được vẻ đẹp, ý nghĩa của tính khiêm tốn trong cuộc sống của mỗi cá nhân, con người Việt Nam từ đó có những liên hệ cần thiết…
Hình thức: là một đoạn văn nghị luận (tự chọn kiểu lập luận) có sự kết hợp với các phương thức biểu đạt, diễn đạt sinh động, độ dài theo quy định…
* Lưu ý: Khuyến khích HS có suy nghĩ riêng, tuy nhiên phải lí giải hợp lí, thuyết phục. Phần liên hệ cần chân thành. Không cho điểm đoạn có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực.