31/03/2021, 14:49

Bài soạn "Thuốc" số 5 - 6 Bài soạn "Thuốc" của Lỗ Tấn lớp 12 hay nhất

A.. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM 1. Tác giả Lỗ Tấn (1881 -1936), tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi thành Chu Thụ Nhân, là nhà văn cách mạng Trung Quốc. Bóng dáng của ông bao trùm cả văn đàn Trung Quốc thế kỷ XX. Nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Quách Mạt Nhược từng nói: " Trước ...

A.. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả

Lỗ Tấn (1881 -1936), tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi thành Chu Thụ Nhân, là nhà văn cách mạng Trung Quốc. Bóng dáng của ông bao trùm cả văn đàn Trung Quốc thế kỷ XX. Nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc là Quách Mạt Nhược từng nói: " Trước Lỗ Tấn chưa hề có Lỗ Tấn; sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn"


Quê ông ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang miền Đông Nam Trung Quốc. Bút danh của Lỗ Tấn ghép từ họ mẹ (bà Lỗ Thụy) và chữ Tấn hành, nghĩa là: ' Đi nhanh lên". Năm 13 tuổi, chứng kiến cảnh người cha bị bệnh vì không có thuốc mà chết, ông ôm ấp nguyện vọng học nghề thuốc. Nhờ học giỏi, ông được nhận học bổng của Nhật. Ông chọn học nghành Y để chữa bệnh cho những người nghèo, ốm mà không có thuốc và chết vì ngu dốt và mê tín,... như cha mình. Đang học trường cao đẳng Y khoa Tiên Đài thì ông đột ngột thay đổi chí hướng. Một lần xem phim ông thấy những ngươid Trung Quốc khỏe mạnh hăm hở xem quân Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga (thời kì chiến tranh Nga - Nhật, 1901- 1905). Ông giật mình và nhận ra rằng: Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần. Và thế là ông chuyển sang làm văn nghệ.


Làm văn nghệ, ông dùng ngòi bút để phanh phui các "căn bệnh tinh thần" của quốc dân, lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa. Toàn bộ sáng tác của ông chủ yếu là ba tập truyện ngắn, nhiều tập tạp văn (bình luận chính trị, xã hội, văn nghệ) đều tập trung phê phán các căn bệnh tinh thần khiến quốc dân mê muội, tự thỏa mãn. Chủ đề " phê phán quốc dân tính" trong sáng tác của ông càng trở nên sâu sắc thấm thía, vì nhà văn viết với thái độ tự phê bình nghiêm khắc. Nếu cả dân tộc thực sự nhận thức được như nhà văn thì họ sẽ trở nên vô địch. Sự vươn mình vĩ đại của dân tộc Trung Hoa ngày càng chứng tỏ điều đó.


2. Tác phẩm

Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động ngũ tứ bùng nổ.
Tác phẩm nói về các căn bệnh "đớn hèn" của dân tộc Trung Hoa do nhân dân thì chìm đắm trong mê muội, lạc hậu mà những người cách mạng thì hoàn toàn xa lạ với nhân dân, nhà văn muốn cảnh báo: Người Trung Quốc cần suy nghĩ nghiêm túc về một phương thuốc để cứu dân tộc".


3. Tóm tắt tác phẩm: Mở đầu tác phẩm là cảnh lão Hoa Thuyên dốc tiền để mua chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ Hạ Du vừa bị giết để chữa bệnh lao cho thằng Thuyên, con trai lão..Thằng Thuyên ăn chiếc bánh bao tẩm máu- phương thuốc cổ quái- với sự hi vọng của vợ chồng lão Hoa Thuyên là sẽ khỏi. Mọi người trong quán trà sáng hôm đó cũng tin rằng phương thuốc ấy sẽ chữa khỏi bệnh cho thằng Thuyên. Nhân đó họ bàn về Hạ Du, người tử tù vừa bị chém và cho anh là đồ điên. Chiếc bánh bao tẩm máu người đã không chữa khỏi bệnh cho thằng Thuyên. Chẳng bao lâu, thằng Thuyên chết. Kết thúc tác phẩm là cảnh bà mẹ của Hạ Du và mẹ của thằng Thuyên đi viếng mộ con vào tết thanh minh. Họ bước qua con đường mòn ngăn cách giữa mộ những người chết chém, chết tù với mộ những người nghèo trong nghĩa địa để an ủi, chia sẻ nỗi đau của nhau. Họ rất ngạc nhiên trước vòng hoa được đặt trên mộ Hạ Du. Mẹ Hạ Du khóc và kêu oan cho con.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 111 sgk ngữ văn 12 tập 2

Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người mang ý nghĩa gì?

Bài làm:
Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, nó đều tập trung vào ẩn ý nghệ thuật của Lỗ Tấn. Ông đã mượn hình ảnh này để phản ánh những con người lạc hậu, những tư tưởng ấu trĩ đang ăn mòn tâm hồn của người dân Trung Hoa.

Ở tầng nghĩa thứ nhất, chiếc bánh bao trước hết mang ý nghĩa thực chính là thực phẩm mà người dân trung hoa vẫn ăn hằng ngày. Nhưng trong tác phẩm này, nó trở thành một vị thuốc “thần” để cứu người, một vị thuốc mà khiến người ta chết nhưng con người vẫn tin vào đó để truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Một phương thuốc chữa bệnh mê tín, lạc hậu dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.


Ở tầng nghĩa thứ hai, “Chiếc bánh bao tẩm máu đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt” để gợi nhắc về bệnh u mê, lạc hậu của quần chúng và bi kịch của những chiến sĩ cách mạng tiên phong. Một ví dụ điển hình chính là bố mẹ thằng Thuyên vì gia trưởng đã áp đặt cho con mình sử dụng phương thuốc này và dẫn đến cái chết thê thảm của nó. Và tất cả những con người có mặt trong quán trà cũng suy nghĩ ấu trĩ và lầm lối như vậy. Chiếc bánh bao vô tri vô giác kia đã trở thành kẻ giết người. Đây chính là sự ấu trĩ đến điên cuồng, không chịu tìm phương pháp nào, chỉ răm rắp nghe theo phương pháp không lối thoát này.


Tầng nghĩa thứ ba của hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người còn là tư tưởng và con đường đi sai lầm của những người làm cách mạng. Những người tiên phong đi trước quá xa rời quần chúng, không đi sâu tìm hiểu và nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Máu để tấm chiếc bánh bao chính là máu của chiến sĩ Hạ Du đã hi sinh mình để cống hiến cho đất nước. Nhưng nhân dân Trung Hoa lại cho rằng anh là kẻ phản bội, là giặc nên căm phẫn. Mẹ Hạ Du thì xấu hổ không hiểu con mình, chú của Hạ Du thì thì tố cáo cháu để lấy tiền thưởng. Hạ Du là chiến sĩ cách mạng nhưng lại không gần dân để gây nên kết cục thê thảm như vậy. Hạ Du là tiêu biểu nhưng còn rất nhiều chiến sĩ nữa cũng đang trong tình trạng u mê, xa rời quần chúng như vậy.


Như vậy, hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại: nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.


Câu 2: Trang 111 sgk ngữ văn 12 tập 2
Hình tượng người cách mạng Hạ Du hiện lên như thế nào? Qua cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du, Lỗ Tấn muốn nói lên điều gì?
Bài làm:
Mặc dù chỉ được miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác, nhưng hình ảnh Hạ Du có một vị trí đặc biệt, là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Đó là hình tượng người cách mạng giác ngộ sớm, có lí tưởng cách mạng rõ ràng(lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, dành độc lập). Hạ Du là một người dũng cảm hiên ngang, dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài. Trong truyện, nhà văn tỏ thái độ trân trọng, kính phục nhân cách của người cách mạng Hạ Du nhưng cũng ngầm phê phán Hạ Du xa rời quần chúng, xa rời đến mức mẹ Hạ Du cũng không hiểu, chú Hạ Du thì coi cháu mình là "làm giặc" và đi tố giác để lấy tiền thưởng, người dân lấy máu Hạ Du để chữa bệnh…Tuy nhiên, chính vòng hoa tưởng niệm Hạ Du ở phần kết thúc truyện đã hé mở tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện niềm tin của tác giả, một ngày kia, sẽ chấm dứt bi kịch của người cách mạng tiên phong và quần chúng sẽ được tình ngộ.


Qua cuộc bàn luận trong quán trà về Hạ Du, Lỗ Tấn muốn nói lên mối quan hệ giữa cách mạng và quần chúng. Đây là thời kỳ đầu của cách mạng, thời kỳ khủng hoảng, cách mạng không gần dân, xa dân quần chúng chưa được giác ngộ. Quần chúng chưa hiểu về cách mạng họ xem những người cách mạng là giặc, là những kẻ chán sống muốn chết. Lời của bác Cả Khang gọi Hạ Du là "thằng quỷ sứ", rồi "cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa thế thôi",... Hình ảnh người cách mạng cô đơn, lẻ loi không được sự ủng hộ của quần chúng. Hạ Du dũng cảm là vậy thế nhưng anh bị xử tử ai cũng nghĩ là đáng, mẹ anh nghĩ con chết oan và còn thấy xấu hổ. Hình ảnh người cách mạng chỉ hiện lên gián tiếp qua lời bàn luận của người dân trong quán trà thế nhưng nó mang dụng ý vô cùng lớn đó là sự khẳng định của Lỗ Tấn về việc Cách mạng xa rời quần chúng. Khi quần chúng chưa biết, chưa hiểu về cách mạng thì sự hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng chỉ là vô nghĩa. Vì thế cách mạng cần phải gần dân hơn. Tư tưởng của Lỗ Tấn cũng giống như tư tưởng của Hồ Chí Minh khi người cho rằng nhân dân là gốc rễ của cách mạng " Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong".


Câu 3: Trang 111 sgk ngữ văn 12 tập 2
Không gian nghệ thuật của truyện là tù hãm, ẩm mốc, bế tắc nhưng thời gian nghệ thuật thì có tiến triển. Từ mùa thu trảm quyết đến mùa xuân thanh minh đã thể hiện sự suy tư lạc quan của tác giả. Tìm hiểu ý nghĩa hình ảnh vòng hoa.

Bài làm:
Không gian nghệ thuật của truyện là tù hãm, ẩm mốc, bế tắc nhưng thời gian nghệ thuật thì có tiến triển. Câu chuyện xảy ra trong hai buổi sớm vào hai mùa thu, mùa xuân có ý nghĩa thời gian tượng trưng. Buổi sáng đầu tiên có ba cảnh: cảnh sáng tinh mơ đi mua bánh bao tẩm màu người, cảnh pháp trường và cảnh cho con ăn bánh, cảnh quán trà…Ba cảnh gần như liên tục, diễn ra trong mùa thu lạnh lẽo. Bối cảnh quan trà và nới đương phố là nơ tụ tập của nhiều loại người, do đó hình dung được dư luận và ý thức xã hội. Buổi sáng cuối cùng là vào dịp tiết Thanh minh-mùa xuân tảo mộ. Mùa thu lá rụng, mùa xuân đâm chồi nảy lộc gieo mầm. Từ không gian nghệ thuật đó, chúng ta có thể thấy được suy tư lạc quan của Lỗ Tấn rằng mùa thu lá rụng nhưng mùa xuân nó lại đâm chồi nảy lộc. Cách mạng Trung Quốc giờ có thể tàn tạ nhưng rồi nó sẽ đổi khác, tiến lên và giành chiến thắng. Ông vẫn có niềm tin về tương lai tươi sáng của cách mạng dân tộc.


Ý nghĩa của hình ảnh vòng hoa. Nghĩa địa của làng mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ ,có một con đường mòn ở giữa chia làm hai:Nghĩa địa người chết chém phía bên trái nghĩa địa người nghèo phía bên phải .Con đường mòn là biểu tượng cho một tập quán xấu đã trở thành thói quen.Hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn để đến gặp nhau vì đồng cảm ở tình thương con sâu sắc. Cả hai bà mẹ cùng rất kinh ngạc khi thấy trên mộ Hạ Du có một vòng hoa : “hoa trắng hoa hồng nằm khoanh trên nấm mộ khum khum”.Bà mẹ Hạ Du cứ lẩm bẩm câu hỏi “Thế này là thế nào?”.Câu hỏi vừa hàm chứa sự sửng sốt ,vừa ẩn giấu niềm vui vì có người đã hiểu con mình. Đồng thời đã là câu hỏi thì đòi hỏi có câu trả lời. Việc làm của Hạ Du đã khiến mọi người phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.


Với vòng hoa, Lỗ Tấn đã bày tỏ sự trân trọng và tiếc thương đối với người chiến sĩ cách mạng tiên phong. Đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng của ông với cuộc cách mạng Tân Hợi. Rõ ràng vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du như muốn khẳng định một chân lý lịch sử và cách mạng: Trong trạng thái mê muội, tê liệt của quần chúng thuở ấy, vẫn có người nhớ đến, tiếc thương ngưỡng mộ và quyết tâm noi gương người cách mạng tiên phong đã ngã xuống vì đại nghĩa. Vòng hoa thể hiện cho xu thế cách mạng, cho niềm lạc quan đối với tiền đồ cách mạng. Vòng hoa trong truyện “Thuốc” là một dự cảm về con đường bão táp, một tia lửa hôm nay sẽ báo hiệu một đám cháy ngày mai. Có thể xem vòng hoa là cực đối lập của “chiếc bánh bao tẩm máu”, phủ định vị thuốc là bằng chiếc bánh bao tẩm máu, tác giả mơ ước tìm kiếm một vị thuốc mới- chữa được cả những bệnh tật về tinh thần cho toàn xã hội với điều kiện tiên quyết là mọi người phải giác ngộ cách mạng, phải hiểu rõ “ý nghĩa của sự hi sinh” của những người cách mạng.


Luyện tập
Bài tập 1: trang 111 sgk ngữ văn 12 tập 2

Hãy nêu ý nghĩa các chi tiết: nghĩa địa người chết chém bên trái, nghĩa địa người chết bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn.

Bài làm:
Các chi tiết nghĩa địa người chết chém bên trái, nghĩa địa người chết bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn ở phần gần cuối tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Ở không gian nghĩa địa. Nhân vật chính của bức tranh này là hai bà mẹ. Họ đều có điểm chung là có con bị chết trẻ, họ cùng đến nghĩa địa để viếng con. Những người con của họ đều được chôn tại “miếng đất dọc chân thành phía Tây vốn là đất công”. Điều khác biệt là những đứa con ấy được chôn ở hai phía của nghĩa địa được ngăn cách bằng “con đường mòn, nhỏ hẹp, cong queo” do “những người hay đi tắt giẫm mãi mà thành”.


Con đường tạo ra bởi thói quen, bởi thành kiến ngự trị lâu ngày, thói quen ăn sâu thành nếp nghĩ trong đầu óc mọi người, bởi thế con đường này không chỉ để đi mà con đường này còn là con đường của thành kiến, được tạo ra bằng sự u mê, dẫn tới sự đối xử không bình thường, thành sự ngăn cách tự nhiên, bất khả kháng của những con người trong xã hội ấy. Đứa con của bà Hoa được chôn ở “phía tay phải” nơi dành cho “những người nghèo”, còn đứa con của bà Hạ thì chôn ở phía tay trái, nơi dành cho “những người chết chém hoặc chết tù”. Con đường trở thành ranh giới ước định giữa “dân” và “giặc. Điểm nổi bật lên từ nghĩa địa này là “cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ” mà từ đó toát lên ý nghĩa biểu trưng là các nhà giàu, tức tầng lớp thống trị trong xã hội Trung Hoa thời đó, tồn tại trên sự hi sinh xương máu của “dân” và của “giặc”, “dân” bị bóc lột, bị bần cùng hóa mà chết dần chết mòn trong đói khổ, còn nếu chống đối thì bị qui là “giặc” và tất yếu là phải chết. Cả hai loại chết đều cùng vì khổ đau, vì bị áp bức nhưng lại bị phân biệt đối xử rõ ràng qua hai nửa của nghĩa địa được ngăn cách bằng con đường của thành kiến mê muội ấy.


Hình tượng con đường xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của Lỗ Tấn. Nó trở thành hình tượng ẩn dụ thể hiện mối quan tâm đặc biệt của nhà văn về vận mệnh của quốc gia. Trong tác phẩm này, nó mang nhiều ý nghĩa. Con đường mòn tượng trưng cho tập quán xấu, nếp nghĩ cũ. Và đây là con đường đã cũ không thể đưa Trung Hoa đi đến tương lai. Do đó cần phá bỏ con đường, xóa bỏ ranh giới ngăn cách của lòng người. Trung Hoa cần phải tìm ra con đường mới. Lỗ Tấn nói: Đường là cái gì? Chính là chỗ chưa có đường đi mà ra, từ chỗ chỉ có gai góc mở ra.


Bài tập 2: trang 111 sgk ngữ văn 12 tập 2
Câu hỏi của bà mẹ trước vòng hoa trên nấm mộ người tử tù "Thế này là thế nào? " có ý nghĩa gì?

Bài làm:
Ở phần cuối tác phẩm mẹ của Hạ Du ra thăm mộ con vào tết thanh minh và bà thấy vòng hoa trắng trên mộ Hạ Du bà đã hỏi "thế này là thế nào?" Câu hỏi này có nhiều ý nghĩa. Nếu người dân lúc đó đã giác ngộ thì chắc chắn đã không có hình ảnh con đường mòn phân chia ranh giới hai khu mộ và không có câu hỏi của bà mẹ người tử tù "Thế này là thế nào?" khi thấy vòng hoa trắng trên mộ Hạ Du. Câu hỏi đó thể hiện sự ngạc nhiên nhưng không giấu được cảm xúc mừng thầm của người mẹ. Hiện tượng đó cho thấy đã có biểu hiện của sự giác ngộ trong số những người dân địa phương, và hứa hẹn sự giác ngộ cho mọi người trong một ngày không xa. Cái câu hỏi Thế này là thế nào?” trong đoạn cuối truyện được láy đi láy lại như một điệp khúc. Nó cũng tác động đến cảm nghĩ của người đọc y như điệp khúc kể khổ trong truyện cầu phúc … Trong Cầu phúc cũng là một bà mẹ đau khổ, bâng khuâng tự trách. Trong Thuốc lại một bà mẹ đau khổ khác, cũng vấn vương mà tự hỏi "Thế này là thế nào?". Người đọc yên sao được trước những câu hỏi như thế.. Hình như nhân vật trong truyện hỏi thẳng vào chính mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

0