31/03/2021, 14:50

Bài soạn "Mưa" số 4 - 6 Bài soạn "Mưa" của Trần Đăng Khoa lớp 6 hay nhất

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Trần Đăng Khoa viết bài thơ này năm 1967, khi đó tác giả mới chín tuổi, được mọi người gọi là "thần đồng thơ ca". 2. Sử dụng rộng rãi phép nhân hoá kết hợp với sự quan sát tinh tế, tác giả đã miêu tả sinh động cảnh vật thiên nhiên trước và ...

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Trần Đăng Khoa viết bài thơ này năm 1967, khi đó tác giả mới chín tuổi, được mọi người gọi là "thần đồng thơ ca".

2. Sử dụng rộng rãi phép nhân hoá kết hợp với sự quan sát tinh tế, tác giả đã miêu tả sinh động cảnh vật thiên nhiên trước và trong cơn mưa rào ở làng quê, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân "Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa".

Nhà thơ đã tả mưa với nhiều sự vật khác nhau trước và trong cơn mưa, mỗi sự việc thể hiên sự tinh tế trong quan sát, miêu tả hồn nhiên mà tài tình của tác giả.


II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Bài thơ tả cơn mưa rào mùa hạ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, kèm với mưa thường có dông, sấm chớp, gió mạnh.

Bài thơ tả cơn mưa qua hai giai đoạn: Lúc sắp mưa và khi trời mưa. Bốn câu cuối cùng khi trời mưa có thể tách thành một phần riêng. Từ đó, có thể chia bài thơ thành ba phần.

Phần 1: Từ đầu đến Ngọn mùng tơi / Nhảy múa: Khung cảnh sắp mưa.

Phần 2: Tiếp đến Cây lá hả hê: Khung cảnh khi mưa.

Phần 3: Còn lại: Hình ảnh người nông dân trong mưa.


Câu 2. Bài thơ làm theo thể tự do, ngắt nhịp linh hoạt, gồm các nhịp 1, 2, 3, 4 mà chủ yếu là nhịp 2. Điều đó tạo thuận lợi cho việc diễn tả một cách phóng túng những quan sát về sự vật của người viết.


Câu 3. Tác giả đã quan sát và miêu tả sinh động trạng thái, hoạt động của cây cối, loài vật trước và trong cơn mưa.

a) - Các con vật khi sắp mưa có phản ứng khác nhau:

+ Mối trẻ bay cao, mối già bay thấp.

+ Gà con rối tít tìm nơi ẩn nấp.

+ Kiến hành quân đầy đường.

- Các cây cỏ cũng mỗi loài mỗi vẻ:

+ Muôn nghìn cây mía múa gươm.

+ Cỏ gà rung tai nghe.

+ Bụi tre tần ngần gỡ tóc.

+ Hàng bưởi đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lốc.

+ Cây dừa sải tay bơi.

+ Ngọn mùng tơi nhảy múa.

- Trong cơn mưa:

+ Cóc nhảy chồm chồm.

+ Chó sủa...

+ Cây lá hả hê.

Những động từ như: hành quân, múa, rung tai, nghe, đu đưa,... ; những tính từ như: rối rít, tròn trọc lốc, mù trắng, chéo, chồm chồm, hả hê,... được sử dụng rất đúng chỗ, góp phần diễn tả sinh động cảnh vật.

b) Phép nhân hoá được sử dụng hết sức rộng rãi

Ông trời mặc áo, mía múa gươm, kiến hành quân, cỏ gà rung tai nghe, bụi tre tần ngần gỡ tóc, hàng bưởi bế lũ con đầu tròn trọc lốc, sấm ghé xuống sân khanh khách cười, cây dừa sải tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa,...

Phép nhân hoá này làm cho cả thế giới cây cỏ, thiên nhiên hoạt động sinh động, đa dạng như thế giới con người. Thiên nhiên như đang vào trận chiến: ông trời mặc áo giáp đen, mía múa gươm, kiến hành quân nhưng lại vẫn có những hoạt động bình dị khác như gỡ tóc, bơi, nhảy múa, bế con,...

Phép nhân hoá được sử dụng thành công là nhờ sự quan sát tinh tế của tác giả, kết hợp với sự liên tưởng dồi dào. Nhân hoá nhiều, nhưng không có sự lặp lại, mà có những nét độc đáo.


Câu 4. Bài thơ chỉ tả cảnh thiên nhiên, đến cuối bài mới hiện ra hình ảnh con người:

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Ồng bố chỉ là một người nông dân bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường, ông đội cả sấm, cả chớp, cả một trời mưa. Hình ảnh người nông dân có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như là một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của một em bé chín tuổi, người cha đi cày quả là một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ.


III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu 1. Để có thể học thuộc lòng đoạn thơ này, nên chú ý tới trình tự miêu tả các sự vật. Em có thể tóm tắt các sự vật được miêu tả theo trình tự:

(1) Những con mối, (2) Gà con, (3) Ông Trời, (4) Muôn nghìn cây mía, (5) Kiến, (6) Lá khô, (7) Bụi bay, (8) cỏ gà, (9) Bụi tre, (10) Hàng bưởi, (11) Chớp, (12) Sấm, (13) Cây dừa, (14) Ngọn mùng tơi, (15) Mưa, (16) Đất trời,...

Nhìn vào bản tóm tắt này em dễ dàng nhớ bài thơ. Sau nhiều lần đọc theo bản tóm tắt, em có thể đọc theo trí nhớ.


Câu 2. Khi học bài thơ này, chưa chắc em đã có dịp quan sát mưa rào hay mưa xuân. Vì vậy hãy nhớ lại những trận mưa mà em đã gặp. Sau đó có thể quan sát gián tiếp bằng hình ảnh trong phim, bằng việc đọc các bài thơ, bài văn viết vể mưa. Kết hợp với lí thuyết văn miêu tả mà em đã học, em có thể miêu tả được cảnh mưa mà em lựa chọn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

0