31/03/2021, 14:50

Bài soạn "Mẹ hiền dạy con" số 2 - 6 Bài soạn "Mẹ hiền dạy con" lớp 6 hay nhất

Trả lời câu 1 (trang 152 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1): Đọc truyện Mẹ hiền dạy con và lập bảng tóm tắt năm sự việc đã diễn ra giữa mẹ con thầy Mạnh Tử (thuở nhỏ), theo mẫu. Lời giải chi tiết: 1. Bắt chước đào, chôn, lăn, khóc: Chỗ này không thể cho con ta ở được 2. Bắt chước cách nô ...

Trả lời câu 1 (trang 152 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Đọc truyện Mẹ hiền dạy con và lập bảng tóm tắt năm sự việc đã diễn ra giữa mẹ con thầy Mạnh Tử (thuở nhỏ), theo mẫu.

Lời giải chi tiết:

1. Bắt chước đào, chôn, lăn, khóc: Chỗ này không thể cho con ta ở được
2. Bắt chước cách nô nghịch, buôn bán điên đảo: Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được
3. Bắt chước tập cách lễ phép, cắp sách vở: Chỗ này là chỗ con ta ở được đây
4. Hỏi người ta giết lợn làm gì: Nói đùa “để cho con ăn đấy” → mua thịt cho con ăn
5. Bỏ học về nhà chơi: Cầm dao cắt đứt tấm vải: “ Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”.


Trả lời câu 2 (trang 152 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Ý nghĩa của việc dạy con trong ba sự việc đầu là gì? Trong hai sự việc sau là gì? Ở hai sự việc về sau, về ý nghĩa có gì khác với ba sự việc đầu? Hãy nêu lên tác dụng của cách dạy con của bà mẹ thầy Mạnh Tử.

Lời giải chi tiết:

Ở ba sự việc đầu của bà mẹ Mạnh Tử là vấn đề chọn môi trường sống có lợi nhất (tránh môi trường bất lợi) cho việc hình thành nhân cách của trẻ thơ. Để ngăn ngừa triệt để từ xa, để tạo cho con có thể phát triển đúng hướng, phương pháp giáo dục tối ưu đầu tiện là đưa đối tượng giáo dục hoà vào môi trường sống phù hợp với nó trong thời gian sớm nhất.

Ở sự việc thứ tư, mẹ vô tình nói đùa với con và bà đã sớm nhận ngay ra sai lầm về phương pháp dạy con của mình. Bởi vậy, bà lập tức sửa sai bằng cách mua thịt cho con ăn. Bà muốn dạy con không được nói dối, phải thành thật.

Ở sự việc cuối cùng: khi cậu con trai bỏ học về nhà, bà mẹ đột ngột cắt đứt tấm vải mình đang dệt. Hành động lạ thường này nhất định tác động mạnh mẽ tới đứa con. Lời nói của bà mẹ là để giải thích việc làm khác thường của mình, đồng thời cho con một bài học sâu sắc, phê bình nghiêm khắc về khuyết điểm con vừa mắc phải.

* Cách dạy con của bà mẹ Mạnh Tử có tác dụng tích cực trong việc hình thành, phát triển nhân cách của cậu bé.


Trả lời câu 3 (trang 152 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Em hình dung bà mẹ Mạnh Tử là người như thế nào?

Lời giải chi tiết:

Qua các sự việc trên ta thấy bà mẹ Mạnh Tử là một người mẹ tuyệt vời, thông minh, khéo léo, tinh tế, cương quyết trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái.


Trả lời câu 4 (trang 152 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Nêu nhận xét về cách viết truyện trung đại Mẹ hiền dạy con.

Lời giải chi tiết:

- Cốt truyện đơn giản, nhân vật được miêu tả qua ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện, qua hành động, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật

- Là thể loại văn xuôi chữ Hán

- Nội dung có tính giáo huấn


Luyện tập

Trả lời câu 1 (trang 153 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về việc: Bà mẹ thầy Mạnh Tử đang ngồi dệt vải trông thấy con bỏ học về nhà chơi, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung.

Trả lời:

Bà mẹ thầy Mạnh Tử đang ngồi dệt vải trông thấy con bỏ học về nhà chơi, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung. Cử chỉ của bà mẹ thể hiện thái độ rất giận trước ý thức kém cỏi của con. Tấm vải đang dệt là công sức lao động bao ngày nhưng bà mẹ sẵn sàng huỷ nó đi để biến thành một lời dạy nghiêm và sâu sắc. Nhờ bài học đầy ý nghĩa đó, Mạnh Tử đã trở nên nghiêm túc và chăm chỉ hơn trong học tập. Hành động của Mạnh mẫu vừa thể hiện sự thương yêu, vừa thể hiện trí tuệ và sự kiên quyết trong việc dạy con của người mẹ. Đúng là nếu không có một bà mẹ vĩ đại, thầy Mạnh Tử sẽ không bao giờ có thể trở thành một nhà hiền triết vĩ đại được.


Trả lời câu 2 (trang 153 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Từ chuyện mẹ thầy Mạnh Tử xưa, em có suy nghĩ gì về đạo làm con của mình.

Trả lời:

Chuyện mẹ con thầy Mạnh Tử khiến chúng ta phải suy nghĩ về đạo làm con. Làm con, thiết nghĩ trước hết phải lấy việc tôn kính cha mẹ làm đầu. Không những thế, để làm vui lòng cha mẹ, mỗi chúng ta cần phải ra sức học hành. Con cái học hành chăm chỉ, giỏi giang, đó cũng là ước nguyện, là niềm hi vọng trọn đời của cha mẹ. Học hành chăm chỉ, giỏi giang, thiết nghĩ đó cũng là cách đền đáp công ơn có ý nghĩa nhất của con cái đối với cha mẹ của mình.


Trả lời câu 3 (trang 153 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Có hai yếu tố Hán Việt đồng âm:

- tử - chết , tử - con

Cho biết các kết hợp sau được sử dụng với nghĩa nào?

Công tử, tử trận, bất tử, hoàng tử, đệ tử, cảm tử.

Trả lời:

Trong các từ: tử trận, bất tử, cảm tử ("từ tử được dùng với nghĩa chết). Các từ còn lại, từ tử được dùng với nghĩa là con.


Tóm tắt

Mạnh Tử lúc nhỏ tính hay bắt chước, người mẹ phải ba lần chuyển nhà (gần nghĩa địa → gần chợ → gần trường học) để có môi trường sống tốt cho con. Bà mẹ Mạnh Tử dạy con vừa có đạo đức vừa có chí học hành, thương con nhưng không nuông chiều, ngược lại rất kiên quyết.


Bố cục

Bố cục: 2 đoạn

- Đoạn 1 (Từ đầu ... đến “cắt đứt đi vậy”): Quá trình dạy con của bà mẹ.

- Đoạn 2 (Còn lại): Kết quả.


Nội dung chính

Bà mẹ thầy Mạnh Tử là người mẹ, người thầy với tấm lòng yêu thương con hết mực. Bà có ý thức về việc dạy dỗ con từ nhỏ - một người phụ nữ bình dị mà khéo léo, sâu sắc trong cách dạy con.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

0