Bài soạn: "Nói với con" số 6 - 6 Bài soạn: "Nói với con" của Y Phương lớp 9 hay nhất
Câu 1 . Nhận xét về bố cục của bài thơ. Trả lời: Qua lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình, căn dặn về lẽ sống. Bài thơ được bố cục thành hai phần : - Từ đầu đến “Ngày đầu ...
Câu 1. Nhận xét về bố cục của bài thơ.
Trả lời:
Qua lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình, căn dặn về lẽ sống. Bài thơ được bố cục thành hai phần :
- Từ đầu đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
- Phần còn lại.
Hãy khái quát nội dung cơ bản của từng phần, từ đó chỉ ra mạch phát triển cảm xúc, cách thể hiện chủ đề của nhà thơ (đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống). Nhờ bố cục như thế mà chủ đề bài thơ được bộc lộ như thế nào, bài thơ có khả năng tác động như thế nào tới bạn đọc ?
Câu 2. Người con được lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Tìm và phân tích những hình ảnh nói lên điều ấy.
Nhận xét về cách sáng tạo hình ảnh của tác giả.
Trả lời:
Khi làm bài tập này, cần đọc kĩ đoạn 1 của bài thơ, cần hiểu cách nói, cách diễn tả tình cảm của người dân miền núi. Nhìn chung, đó là cách nói thích ví von qua hình ảnh cụ thể, diễn tả mộc mạc mà gợi cảm, mạnh mẽ. Gắn với lối xây dựng hình ảnh như thế, Y Phương dùng cách viết điệp cú pháp nhằm tạo nhịp thơ :
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười...
Cũng cần phân tích giá trị miêu tả, giá trị biểu cảm của các từ cài, ken trong hai câu thơ:
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.
Câu 3. Phân tích những vẻ đẹp của "người đồng mình” qua lời người cha nói với con.
Trả lời:
Vẻ đẹp của “người đồng mình” nên được phân tích qua từng mặt cụ thể :
- Trong cuộc sống lao động
- Tình cảm gia đình, quê hương
- Ý chí, đức tính
Khi phân tích từng vẻ đẹp ấy, cần chú ý các hình ảnh thơ đặc sắc cùng giọng điệu thơ chứng tỏ tình cảm thương yêu, cảm phục của tác giả. .
Câu 4. Theo cảm nhận của em, điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua lời Nói với con là gì ? Điều ấy có ý nghĩa như thế nào với con trên đường đời ?
Trả lời:
Bài tập này phát huy cảm nhận mang tính cá nhân. Vì thế, mỗi người có thể khái quát điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con một cách khác nhau. Tất nhiên, điều ấy phải gắn với nội dung cảm xúc, với chủ đề của tác phẩm. Có thể nói tới tình cảm gia đình sâu nặng, lòng thuỷ chung với cội nguồn. Có thể nói tới vẻ đẹp của “người đồng mình”... Nếu hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc, có lẽ điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con ở đây là lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời.
Suy nghĩ xem lòng tự hào, niềm tự tin ấy có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người trên con đường trưởng thành, trong cuộc sống và trong sự nghiệp.