Bài soạn "Mấy ý nghĩ về thơ" số 3 - 6 Bài soạn "Mấy ý nghĩ về thơ" của Nguyễn Đình Thi lớp 12 hay nhất
Bài 1 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1 Nguyễn Đình Thi lí giải như thế nào về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người? Trả lời - Để làm nổi bật đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người, Nguyễn Đình Thi đã phân tích, lí giải về mối quan hệ ...
Bài 1 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nguyễn Đình Thi lí giải như thế nào về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người?
Trả lời
- Để làm nổi bật đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người, Nguyễn Đình Thi đã phân tích, lí giải về mối quan hệ giữa thơ với tâm hồn của con người bằng cách đưa ra một loạt dẫn chứng:
+ “Ta nói trời hôm nay nên thơ, nhưng chính ra là lòng chúng ta mong một nỗi niềm vui buồn nào mà muốn làm thơ, hoặc đọc thơ về trời xanh. Mưa phùn như chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ".
+ “Làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt".
+ Những câu, những lời thơ diễn lên “làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc".
+ “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống".
➜ Tác giả muốn nhấn mạnh giữa thơ với tâm hồn con người có sự tác động qua lại lẫn nhau.
- Tiếp theo tác giả đưa ra đặc điểm của thơ để khẳng định thơ diễn tả tâm hồn con người.
+ “Thơ là một thứ nhạc", “Một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý" nhưng nói chung những cái đó là “của tâm hồn".
+ Nhịp điệu thơ được hình thành từ những cảm xúc, hình ảnh và trong khoảng im lặng “cũng là nơi lưu trú ngụ kín đáo của sự xúc động".
- Cuối cùng tác giả kết luận “đường đi của thơ là đi thẳng vào tình cảm". Điều đó có nghĩa thơ là phương tiện biểu hiện của tâm hồn con người.
Bài 2 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Những yếu tố đặc trưng khác của thơ (hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực...) đã được Nguyễn Đình Thi đề cập ra sao?
Trả lời
Bên cạnh việc thể hiện tâm hồn con người, nhiều yếu tố đặc trưng cơ bản khác cũng được Nguyễn Đình Thi đề cập đến:
- Hình ảnh thơ: “là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy", ví như “những tia lửa loé lên khi búa đập vào sắt trên đe" được thu lượm kết nên một bó sáng.
- Tư tưởng trong thơ: “những tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của nhà thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự".
- Cảm xúc trong thơ: “Cảm xúc là phần xương thịt hơn cả đời sống tâm hồn", “bất cứ cảm xúc tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ".
- Cái thực trong thơ: “là những hình ảnh sống có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc. Đó là những hình ảnh chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước".
Bài 3 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Ngôn ngữ thơ có gì đặc biệt so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác. Nguyễn Đình Thi quan niệm như thế nào về thơ tự do, thơ không vần?
Trả lời
* Ngôn ngữ thơ so với ngôn ngữ của các thể loại văn học khác có sự khác biệt ở chỗ: nó có nhịp điệu, có tính nhạc và ý ở ngoài lời “thi tại ngôn ngoại".
- Ngôn ngữ khác: trong truyện, kí – ngôn ngữ kể chuyện; trong tác phẩm kịch – ngôn ngữ đối thoại.
- Ngôn ngữ thơ: giàu cảm xúc, nhịp điệu, nhạc điệu. Nhịp điệu là cách ngắt câu ngắt đoạn, tiếng bằng tiếng trắc, thanh bổng thanh trầm, nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, tâm hồn.
* Nguyễn Đình Thi trực tiếp bày tỏ quan niệm về thơ tự do và thơ không vần.
- Trước tiên, các tác giả công nhận vai trò sức mạnh của vần, nhịp, luật thơ, sau đó sử dụng thao tác lập luận bác bỏ để khẳng định không có nó người làm thơ vẫn thành công. "Theo tôi những luật lệ của thơ từ âm điệu đến vần đều là những vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Không phải hễ thiếu những vũ khí ấy trên trận đánh nhất định thua. Thiếu vũ khí ấy trận đánh gay go thêm nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng".
- Đưa ra quan niệm: “Tôi nghĩ rằng không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần"
- Định hướng cách hiểu về thơ:
“Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác mà trước hết nên lo sao phải nói lên được những tình cảm tư tưởng mới của thời đại. Dùng bất cứ hình thức nào miễn là thơ diễn được đúng tâm hồn con người mới hiện nay." Đây chính là vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi.
* Nhận xét:
- Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi đúng đắn, tiến bộ, sát thực với tình hình thơ ca thời đại.
- Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bài 4 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Nêu rõ tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật lập luận đưa dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh... để làm sáng tỏ từng vấn đề đặt ra.
Trả lời
Nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong bài tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ được thể hiện ở nghệ thuật lập luận, đưa dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh:
- Hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ sắc sảo. Tác giả sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận so sánh, phân tích, giải thích bác bỏ, cách suy nghĩ logic.
- Cách lấy dẫn chứng: độc đáo, tinh tế, sát thực có tác dụng soi sáng cho luận điểm.
- Từ ngữ giàu có, ngôn ngữ chọn lọc được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo.
- Cách viết có hình ảnh, chân thực, độc đáo gợi nhiều liên tưởng.
Bài 5 trang 60 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay còn có giá trị không? Vì sao?
Trả lời
Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi dẫu đã cách đây hơn nửa thế kỉ, song vẫn còn nguyên giá trị, vì:
- Sáng tác thơ ca và thưởng thức thơ là những hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ, bất kì thời đại nào con người cũng có nhu cầu thể hiện tư tưởng.
- Dẫu quan niệm về thơ có đổi mới về một số mặt thi pháp nhưng luận điểm cơ bản trên đây vẫn còn giữ nguyên giá trị.
- Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc định hướng sáng tạo và cảm thụ thơ ca.
Tổng kết
Tháng 9-1949, có một sự kiện văn nghệ đáng chú ý: đó là Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ theo đường lối của Đảng để phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với kịch của Lộng Chương, văn của Nguyễn Tuân, Hội nghị còn tranh luận về thơ của Nguyễn Đình Thi và mở rộng ra một số vấn đề thuộc quan niệm về thơ. Nguyễn Đình Thi đã phát biểu quan niệm của mình về thơ trong bài Mấy ý nghĩ về thơ đăng trên Văn nghệ số 10 - 1949. Bài tiểu luận này của Nguyễn Đình Thi nêu lên những quan niệm mới mẻ, có chiều sâu về thơ, trong đó có những suy nghĩ, đề xuất của tác giả có thể gọi là táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ:
- Trước hết, tác giả khẳng định thơ là tiếng nói tâm hồn của con người, nhưng tâm hồn đó phải có tư tưởng và được biểu hiện bằng hình ảnh. “Thơ là nơi tư tưởng, tình tự, quấn quýt với hình ảnh như hồn với xác để tạo ra cái biết toàn thể, biết bằng tất cả tâm hồn, không phải chỉ biết bằng ý niệm, bằng tri thức”.
- Sau đó, tác giả phân tích những yếu tố đặc trưng khác của thơ:
+ Hình ảnh phải từ cảm xúc mà có, mà lóe sáng trong thơ và hiện lên một cách tự nhiên trong lòng nhà thơ.
+ Nhịp điệu, nhạc điệu trong thơ quan trọng nhất là nhịp điệu, nhạc điệu bên trong tâm hồn nhà thơ.
+ Ngôn ngữ trong thơ phải có hồn, có sức gợi, phải kết tinh trong đó tình cảm, cảm xúc của thi nhân.
+ Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với trái tim người đọc.
- Tác giả quan niệm thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích.
- Về thơ tự do, thơ không vần, Nguyễn Đình Thi có một số quan niệm rất mới, có thể nói là rất táo bạo trong bối cảnh lúc bấy giờ: “Không có vần đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ.” Điều này là rột sự “phá cách" đối với thợ truyền thông.
Bài nghị luận về quan niệm thơ của Nguyễn Đình Thi được viết ra bằng cả tấm lòng của thi nhân với những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ, có ý nghĩa cách tân, lại được viết bằng một lập luận trong sáng, chặt chẽ và một cách viết tài hoa. Hơn nửa thế kỷ đã qua, những quan niệm về thơ của ông vẫn có giá trị đối với ngày nay.