Bài soạn "Hội thoại" (tiếp theo) số 3 - 6 Bài soạn "Hội thoại" (tiếp theo) lớp 8 hay nhất
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Lượt lời là gì ? Trong một cuộc thoại, chẳng hạn cuộc thoại gồm hai người, mỗi người có thể được nói nhiều lần. Lúc này, người này là người nói, người kia là người nghe. Lúc sau, lại có sự đổi lại, người này là người nghe, người kia là ...
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Lượt lời là gì ?
Trong một cuộc thoại, chẳng hạn cuộc thoại gồm hai người, mỗi người có thể được nói nhiều lần. Lúc này, người này là người nói, người kia là người nghe. Lúc sau, lại có sự đổi lại, người này là người nghe, người kia là người nói. Cuộc hội thoại có thể diễn ra bằng nhiều lần nói - nghe, nghe - nói như vậy. Mỗi lần nói như vậy được gọi là một lượt lời.
Vậy, một lượt lời là một lần có một người tham dự hội thoại nói.
2. Lưu ý
- Cần phân biệt người chính thức tham dự hội thoại với người không chính thức. Người không chính thức là người tình cờ có mặt, người quan sát, hoặc người không đủ tư cách,... Trong cuộc hội thoại, chỉ có người đủ tư cách mới có quyền được nói. Điều này có nghĩa là chỉ người chính thức mới có được lượt lời. Người dự thính sẽ không có lượt lời ấy.
- Lượt lời cần phải được luân phiên đúng lúc. Nếu đang ở vị trí người nghe mà nghe chưa hết đã nói cắt ngang lượt lời của người khác sẽ bị coi là cướp lời, cắt lời. Cướp lời, cắt lời là một hành động kém văn hoá, thiếu tôn trọng người khác.
- Khi nói chuyện với người ở cương vị xã hội cao, người trên vai thì nhiều lúc, người dưới vai phải biết nhường lời. Việc nhường lời ở đây được coi là một biểu hiện của hành động lịch sự, có văn hoá.
- Trong khi giao tiếp, những người tham dự cần phải biết tiếp lời lẫn nhau. Không nên để cuộc giao tiếp ngừng lại quá lâu mà chưa có ai nói, hoặc ngược lại lượt lời của người này chưa xong, người khác đã cướp lời. Việc luân phiên lượt lời cần diễn ra sao cho thật nhịp nhàng để cuộc giao tiếp diễn ra liên tục và tự nhiên.
II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1. Qua cách miêu tả cuộc thoại giữa các nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng, chị Dậu và anh Dậu trong Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố, các em thấy tính cách của nhân vật được thể hiện qua lượt lời của các nhân vật như sau :
- Cai lệ hống hách, luôn ra oai. Ví dụ :
+ Thằng kia ! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à ? Nộp tiền sưu mau !
+ Mày định nói cho cha mày nghe đấy à ? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất !
- Người nhà lí trưởng nịnh bợ, khúm núm đối với cai lệ nhưng lên mặt với chị Dậu. Ví dụ :
+ Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy !
+ Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không ? Đây ! Chị hãy nói với ông cai, để ông ấy ra đình kêu với quan cho !....
- Chị Dậu là người yêu thương chồng con nên biết nín nhịn, cam chịu nhưng khi cần thiết, tính cách của chị lại có thể trở nên hết sức dứt khoát, mạnh mẽ và quyết liệt. Ví dụ :
+ Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho !
+ Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ !
+ Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem !
- Anh Dậu luôn sợ sệt, ngại va chạm, né tránh việc xô xát với người khác, nhất là kẻ có "máu mặt". Ví dụ :
U nó không dược thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội.
Câu 2. Các em có thể thấy phần trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố có những nội dung chính sau đây :
a) Sự chủ động tham gia hội thoại của chị Dậu và cái Tí đi ngược chiều nhau.
- Khi thấy mẹ về, cái Tí vồn vã bắt chuyện mẹ, sốt sắng hỏi chuyện mẹ về việc của bố, hỏi thăm mẹ về việc bị cai lệ đánh. Nhưng lúc đó, trong tâm trạng buồn chán vì đã bán cái Tí và sắp phải đưa con sang nhà Nghị Quế, chị Dậu không muốn bắt chuyện với cái Tí và chị giữ thái độ "không nói gì" với con.
- Nhung khi biết được việc mẹ bán mình cho nhà Nghị Quế, cái Tí chủ yếu là khóc lóc và tỏ lời van xin mẹ cho mình được ở nhà với thằng Dần, với cái Tỉu. Trong khi đó chị Dậu là tìm hết lời này đến lời khác để an ủi, vỗ về để cái Tí nghe lời mình sang ở nhà Nghị Quế.
b) Việc miêu tả diễn biến cuộc thoại như vậy là phù hợp với diễn biến của từng trạng thái nhân vật trong tác phẩm.
c) Sự hồn nhiên và hiếu thảo của cái Tí qua phần đầu cuộc thoại đã làm tăng kịch tính của câu chuyện :
- Cái Tí càng hồn nhiên và hiếu thảo bao nhiêu thì sự đau xót trong lòng người mẹ - chị Dậu - càng tăng lên bấy nhiêu.
- Cái Tí càng hồn nhiên và hiếu thảo bao nhiêu thì lòng yếu con, thương con, không muốn rời xa con càng tăng lên bấy nhiêu.
Câu 3. Sự im lặng của nhân vật "tôi" trong câu chuyện Bức tranh của em gái tôi (SGK Ngữ văn 6, tập hai) biểu thị :
- Sự ngỡ ngàng, bất ngờ của nhân vật "tôi" trước cái nhìn đầy yêu thương của người em gái đối với mình. Đây là điều thường ngày nhân vật "tôi" không nhận ra được.
- Sự xấu hổ đến không dám nói thành lời khi thấy mình chỉ nhận ra toàn cái xấu của em gái, trong khi đó người em lại nhận ra biết bao điều tốt đẹp của mình.
Câu 4. Việc im lặng hay cất tiếng nói thành lời tuỳ thuộc vào thời điểm và hoàn cảnh của từng người.
- Nếu việc nói chỉ đem lại cái tiêu cực, cái bất lợi thì lúc ấy Im lặng là vàng. Im lặng lúc đó là giữ gìn được tình bạn, tình đoàn kết ; im lặng lúc đó là tránh được to tiếng, tránh được điều qua tiếng lại không cần thiết...
- Nhưng nếu có lúc đáng nói mà không nói, phải nói mà không dám nói vì sợ sệt, vì sự cầu an thì lúc đó chúng ta lại cảm thấy Và dại khờ là những lũ người câm.