Bài soạn "Luyện tập lập luận chứng minh" số 6 - 6 Bài soạn "Luyện tập lập luận chứng minh" lớp 7 hay nhất
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 41 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Trong tiết luyện tập trên lớp, khi được yêu cầu tìm những dẫn chứng chứng tỏ nhân dân Việt Nam xưa nay luôn sống theo đạo lí "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn", có bạn đã nêu ra... Bài tập ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 41 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Trong tiết luyện tập trên lớp, khi được yêu cầu tìm những dẫn chứng chứng tỏ nhân dân Việt Nam xưa nay luôn sống theo đạo lí "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn", có bạn đã nêu ra...
Bài tập
1. Trong tiết luyện tập trên lớp, khi được yêu cầu tìm những dẫn chứng chứng tỏ nhân dân Việt Nam xưa nay luôn sống theo đạo lí "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn", có bạn đã nêu ra :
a) Những câu ca dao như "Công cha như núi Thái Sơn…", những bài hát như Huyền thoại mẹ.
b) Câu danh ngôn của M.Go-rơ-ki : "Không có mặt trời thì hoa không nở, không có tình yêu thì không có hạnh phúc, không có đàn bà thì không có tình yêu, không có Người mẹ thì cả nhà thơ, cả anh hùng đều không có !".
Em hãy cho biết : Trong những dẫn chứng được nêu ra đó, dẫn chứng nào đáp ứng được yêu cầu của bài luyện tập ?
2. Hai bạn HS tranh luận với nhau về cách chứng minh một câu nói của người xưa : "Nếu lúc còn trẻ tuổi không chịu học thì lớn lên liệu có thể làm được việc gì có ích ?". Bạn thứ nhất cho rằng : phải chia phần chứng minh trong Thân bài thành các bước :
Bước 1 : Chứng minh rằng nếu còn trẻ mà ta lại không chịu học.
Bước 2 : Chứng minh rằng lớn lên ta sẽ không làm được việc gì.
Kết luận rút ra : Vì vậy, không nên lơ là học tập lúc còn trẻ.
Theo em, có thể làm bài theo cách của bạn đó được hay không ? Vì sao ?
3. Bạn thứ hai lại muốn chứng minh theo một trình tự khác. Trình tự ấy như sau :
Bước 1 : Chứng minh rằng, từ xưa đã thế và ngày nay lại càng như thế, muốn làm tốt bất cứ việc gì thì con người cũng phải có kiến thức, nghĩa là phải học.
Bước 2 : Chứng minh rằng tích luỹ kiến thức là công việc dài lâu, vì thế, phải bắt đầu từ khi còn nhỏ tuổi, chứ không thể đợi lúc đã lớn lên.
Bước 3 : Chứng minh rằng, do đó, những người khi nhỏ tuổi chịu khó học thì lớn lên làm việc rất tốt ; và ngược lại, những người khi còn nhỏ không chịu học thì lớn lên sẽ không làm được việc gì.
Kết luận rút ra : Vì vậy, không nên lơ là học tập từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Em thấy có nên làm bài theo cách này không ? Vì sao ?
4. Bạn Hùng là người rất chịu khó tìm đọc những đoạn văn chứng minh hay của các bạn HS, đúng theo tinh thần "Học thầy không tày học bạn". Trong một buổi học nhóm, Hùng đưa ra khoe với các bạn một đoạn văn chứng minh mà bạn mới sưu tầm. Đoạn văn đó như sau :
"Nhưng vì sao công cha lại như núi Thái Sơn và vì sao nghĩa mẹ lại như nước trong nguồn ? Bởi vì cha mẹ là người đã sinh thành ra ta, đã nuôi dưỡng ta, chẳng quản muôn ngàn vất vả. Mẹ đến với ta, với tình yêu như suối nguồn, dịu dàng, ngọt mát, qua những lời ru êm đềm, qua làn gió từ tay Người quạt những đêm hè, qua hơi ấm của tình mẫu tử sưởi lòng ta trong cái giá rét của đêm đông. Còn cha lại đến với đời ta, lớn lao, vững chãi như núi Thái Sơn, để ấp ủ ta trong đôi tay chắc khoẻ của Người. Cha dạy ta điều hay lẽ phải, uốn nắn ta, nâng đỡ ta đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã".
Có bạn khen đoạn văn ấy viết hay, nhưng hình như không phải một đoạn văn viết theo kiểu chứng minh. Em có đồng ý với ý kiến của bạn đó không ? Hãy nói rõ vì lẽ gì mà em đồng ý (hay không đồng ý).
Gợi ý làm bài
Câu 1. Để đáp ứng được yêu cầu của bài luyện tập, các dẫn chứng cần phải thoả mãn các điều kiện dưới đây :
a) Có nội dung phù hợp với chủ đề của bài tập : nhân dân ta luôn nhớ ơn những người đi trước (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô, những người sản xuất và chiến đấu vì quê hương đất nước...) đã khơi nguồn, vun đắp, giữ gìn để làm nên các thành quả cho thế hệ hôm nay được hưởng.
b) Là các lẽ phải và sự thật đúng đắn, hiển nhiên, được rút ra một cách chân thực, chính xác từ thực tế đời sống, hoặc từ nghệ thuật, văn chương, trong thời xưa và trong cả thời nay.
c) Là của người Việt, nói về đạo lí sống của người Việt, chứ không phải của bất kì dân tộc nào khác.
Dựa vào đó, em có thể dễ dàng xác định dẫn chứng nào đáp ứng được, còn dẫn chứng nào không đáp ứng được yêu cầu của bài luyện tập.
Câu 2. Không nên hiểu máv móc rằng : Các luận điểm trong một bài văn nghị luận nhất thiết phải tương ứng với các vế câu của đề bài. Luận điểm và việc phân chia luận điểm ở bài văn chứng minh chỉ có ý nghĩa khi :
- Mỗi luận điểm đều có thể chứng minh được.
- Việc chứng minh phải làm cho luận điểm có sức thuyết phục.
- Việc phân chia và sắp xếp các luận điểm phải thật sự giúp ích cho việc làm sáng rõ điều phải chứng minh đó (đã được đề bài quy định).
Bạn HS thứ nhất đã phân chia luận điểm và sắp xếp trình tự của các luận điểm theo đúng trình tự các vế câu của đề bài. Nhưng bạn đó đã không chú ý rằng, theo cách làm ấy, vế câu như : "Nếu lúc trẻ không chịu học" không phải là luận điểm, mà chỉ là một giả thiết, cho nên không thể chứng minh, và nếu có chứng minh được thì việc làm ấy cũng không có ý nghĩa gì. Vì thế, ta không thể làm bài theo cách này.
Câu 3. Ngược lại, ta có thể và nên làm bài theo cách của bạn thứ hai, vì cách làm ấy đảm bảo được các yêu cầu đã nói ỏ trên.
Câu 4. Đoạn văn mà bạn Hùng sưu tầm được là đoạn văn được viết ra với mục đích làm cho hiểu rõ vì sao công cha lại như núi Thái Sơn và vì sao nghĩa mẹ lại như nước trong nguồn. Trong khi đó, đoạn văn chứng minh lại được viết nhằm mục đích làm cho ta thấy rõ một nhận định nào đó là đáng tin, là có thật.