Bài soạn "Cây bút thần" số 4 - 6 Bài soạn "Cây bút thần" lớp 6 hay nhất
I. Về thể loại Văn bản Cây bút thần thuộc thể loại truyện cổ tích. Truyện cổ tích thường có những đặc điểm như: Phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân Nhân vật trong truyện thường có một số kiểu như: nhân vật bất hạnh (người mồ côi, con riêng, người ngốc nghếch, người có hình ...
I. Về thể loại
Văn bản Cây bút thần thuộc thể loại truyện cổ tích. Truyện cổ tích thường có những đặc điểm như:
Phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân
Nhân vật trong truyện thường có một số kiểu như: nhân vật bất hạnh (người mồ côi, con riêng, người ngốc nghếch, người có hình dạng xấu xí,…), nhân vật ngốc nghếch, nhân vật có tài năng lỳ lạ, nhân vật thông minh, nhân vật là động vật,…
Thường mang tính hoang đường, kỳ ảo, đóng vai trò là cán cân công lý, thể hiện khát vọng công bằng, niềm tin và ước mơ của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, cái tốt với cái xấu.
II. Tóm tắt
Truyện kể về nhân vật Mã Lương là một cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng cậu rất thông minh và có tài vẽ giỏi, cậu luôn ao ước có một cây bút vẽ. Cậu được thần thưởng cho cây bút thần, từ đó, cậu vẽ các sự vật đều trở thành vật thật. Em vẽ cho dân làng những đồ vật mà họ thiếu, việc đến tai địa chủ, hắn bắt em vẽ cho hắn, nhưng em không vẽ và trừng trị tên địa chủ thích đáng, rồi bỏ đi nơi khác. Đến vùng khác, em vẽ tranh để kiếm sống, nhưng vô tình để lộ tài năng. Nhà vua bắt em về và yêu cầu em vẽ theo ý muốn, nhưng em không vẽ và bị giam vào ngục. Vua cướp bút thần để vẽ nhưng không thành, Mã Lương được thả và đồng ý vẽ theo ý muốn của vua. Em vẽ biển, vẽ sóng to gió lớn để trừng trị tên vua tham lam. Sau đó, không ai biết Mã Lương đi đâu, có người nói em về quê cũ, nhưng có người nói em đi khắp nơ, dùng cây bút thần vẽ cho người nghèo khó.
III. Bố cục
Văn bản Cây bút thần có thể được chia thành 4 đoạn:
Đoạn 1: từ đầu => “em vẽ cho thùng”, nội dung: Mã Lương học vẽ và có bút thần, em vẽ cho người dân nghèo những thứ mà họ cần
Đoạn 2: tiếp => “phóng như bay”, nội dung: Mã Lương dùng bút thần chống lại tên địa chủ
Đoạn 3:tiếp => “lớp sóng hung dữ”, nội dung: Mã Lương dùng cây bút thần để trừng trị tên vua tham lam
Đoạn 4: còn lại, nội dung: những truyền tụng về Mã Lương và cây bút thần
IV. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Mã Lương thuộc kiểu nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích là nhân vật có tài năng lỳ lạ, luôn dùng tài năng của mình để giúp đỡ mọi người và trừng trị những kẻ độc ác, tham lam. Một số nhân vật tương tự trong truyện cổ tích giống với Mã Lương là Thạch Sanh, Sọ Dừa,…
Câu 2:
Những yếu tố đã giúp Mã Lương vẽ giỏi:
Do em chăm chỉ luyện tập hằng ngày, có năng khiếu và lòng đam mê hội họa
Những bức tranh mà em vẽ là do những kiến thức thực tế hằng ngày mà em tiếp xúc
Được thần ban cho cây bút thần để thổi linh hồn cho vật vẽ
Có thể nói, tài năng của Mã Lương là do em có lòng đam mê, có năng khiếu thực sự kết hợp với những ngày tháng khổ công tập luyện, là sự quan sát và tiếp xúc với cuộc sống xung quanh mình. Chỉ Mã Lương mới có thể sử dụng cây bút thần, chứng tỏ em là một cậu bé có tài năng, đức độ, xứng đáng được sở hữu báu vật này.
Câu 3:
Đối với những con người nghèo khổ, Mã Lương vẽ cho họ những vật dụng lao động hằng ngày, từ cái cày, cái cuốc, cái thùng,… để họ tự mình lao động và kiếm ra của cải vật chất. Việc làm này của Mã Lương là hoàn toàn đúng đắn, em đã giúp người dân giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, nhưng vẫn đề cao sự quan trọng của lao động trong đời sống.
Đối với những người tham lam, Mã Lương hoàn toàn cự tuyệt việc vẽ theo ý muốn của chúng hoặc là em vẽ khác yêu cầu để chế giễu và cuối cùng trừng trị chúng thích đáng.
Qua những điều trên, chúng ta có thể nhận thấy, Mã Lương được các vị thần tin tưởng và giao cho cây bút thần cũng là giao cho em sứ mệnh giúp đỡ những người nghèo khó và trừng trị những kẻ tham lam, độc ác.
Câu 4:
Trong truyện, có rất nhiều những chi tiết lí thú và gợi cảm:
Mã Lương vẽ chim, chim tung cánh bay và cất tiếng hót. Mã Lương vẽ cá, cá bơi lội tung tăng
Mã Lương dùng cây bút thần để vẽ bánh để ăn, vẽ lò để sưởi và vẽ thang để trốn thoát
Nhà vua bắt Mã Lương vẽ rồng, em lại vẽ một con cóc ghẻ, bắt vẽ phượng, em lại vẽ một con gà trụi lông
Nhà vua bắt Mã Lương vẽ biển, em vẽ biển, vẽ cá, vẽ thuyền cho nhà vua ra khơi, cuối cùng em vẽ trận cuồng phong để trừng trị những kẻ tham lam, độc ác. Sự trừng phạt này khiến cho người đọc rất hả hê, đây có thể coi là một chi tiết đắt giá trong truyện, cái ác luôn bị tiêu diệt
Câu 5:
Ý nghĩa của truyện Cây bút thần:
Truyện thể hiện ước mơ của nhân dân có được sức mạnh và khả năng kỳ diệu để giúp đỡ những người nghèo khổ, đồng thời trừng phạt những con người tham lam, độc ác. Bên cạnh đó, truyện cũng nhằm khắng định nghệ thuật chân chính phải được nuôi dưỡng từ thực tế, gắn liền với tài năng, đức độ, tinh thần say mê sáng tạo và chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho mục đích chính đáng của con người. Truyện cũng thể hiện ước mơ và niềm tin vào khả năng kỳ diệu của con người.