31/03/2021, 14:42

Bài phân tích tác phẩm "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" số 7 - 8 Bài phân tích tác phẩm "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" của La Quán Trung

"Tam quốc diễn nghĩa" là kiệt tác của La Quán Trung, bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, gồm có 120 hồi. Với tài kể chuyện siêu việt, ‘Tam quốc diễn nghĩa" cuốn hút người đọc mãi mãi không thôi. Hồi nào cũng hay, cũng mới lạ, đủ mặt anh hùng và gian hùng: "Tào Tháo uống rượu luận anh ...

"Tam quốc diễn nghĩa" là kiệt tác của La Quán Trung, bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, gồm có 120 hồi. Với tài kể chuyện siêu việt, ‘Tam quốc diễn nghĩa" cuốn hút người đọc mãi mãi không thôi. Hồi nào cũng hay, cũng mới lạ, đủ mặt anh hùng và gian hùng: "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng", "Hồi trống cổ thành", "Hoa Dung lộ", "Trận Xích Bích", "Trận Quan Độ", "Khổng Minh bảy lần bắt Mạnh Hoạch",... "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng "là một hồi cực kỳ hấp dẫn và thú vị.


Tào Tháo và Lưu Bị cùng đối tửu, cùng luận anh hùng, người thì kín đáo, kẻ thì kiêu hùng, chuyện trò "vui vẻ" hôm nay, nhưng mai kia thì một mất một còn giữa cõi sa trường với trăm vạn hùng binh, hàng nghìn chiến mã, máu chảy thành suối, thây chất thành đồi…


Nói về thế thì lúc bấy giờ ba anh em Lưu, Quan, Trương đang nương nhờ Tào Tháo, khác nào cá nằm trên thớt, vô cùng hiểm nghèo. Nếu lộ tung tích Thiên cơ thì cái chết cầm chắc, vì Tào Tháo là một tay đa nghi, quỷ quyệt. Lưu Bị làm vườn, bề ngoài tựa như vui thú điền viên, nhưng bên trong là để Tào Tháo khỏi ngờ. Với Quan Trường thì việc làm đó của anh mình là không xứng đáng, vì đó là "việc của kẻ tiểu nhân" và khẽ nhắc "sao anh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ". Câu nói: "Hai em biết đâu ý anh!" thể hiện đức tính kín đáo, cẩn trọng của Lưu Bị.


Việc Tào Tháo sai Hứa Chử và Trương Liêu dũng tướng thân cận đến mời Lưu Bị là một tình huống bất ngờ và bất lợi, vì Quan Vũ và Trương Phi thì đi vắng, mời đến dinh Thừa tướng để làm gì, nên Lưu Bị đã "giật mình’ hỏi: "việc gì khẩn cấp thế, hai ông?". Không đi hoặc nấn ná trì hoãn đều không ổn. Lưu Bị phải theo Hứa Chử, Trương Liêu đến dinh yết kiến Thừa tướng. Lưu Bị "sợ tái mặt" khi nghe Tào Tháo cười và hỏi về chuyện làm vườn. Khi Tào Tháo "cầm tay… dắt vào sau vườn nhà", Lưu Bị nói một cách tự nhiên: "Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi".


Tháo nhắc lại chuyện "rừng mơ" khi trước đi đánh Trương Tú. Chuyện nhãn có mơ xanh trên cành mai hái xuống và thưởng, có rượu nấu vừa chín. "Cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu". Cũng là một cách dàn cảnh "rỉnh mồi". Cảnh Tào Tháo và Lưu Bị ngồi uống rượu có phải là cảnh "tri kỷ tửu phùng thiên bôi thiểu" hay là cảnh "anh hùng tương ngộ đối tửu", hay là canh con hổ đang sắp vồ mồi? Tào Tháo và Lưu Bị. Chủ và khách "ngồi đối diện uống vui vẻ". Cả hai đều "đóng kịch" và "thủ vai diễn" tài tình!


Chợt mây đen mù mịt, cơn mưa to sắp kéo đến, nghe quân sĩ nói đến vòi rồng, khi Tào Tháo và Lưu Bị "đang cùng dựa vào bao lơn ngắm xem", thì câu chuyện lại chuyển sang để tài mới. Không phải vô cớ mà Tào Tháo hỏi Lưu Bị về sự biến hoá của con rồng. Không phải là chuyện vui, vô cớ. Sâu xa là một điều ám chỉ, một sự thăm dò. Sự biến hoá của con rồng là sự biến hoá của Lưu Bị hay của Tào Tháo?


Tào Tháo vốn là một thi sĩ rất giỏi thơ văn nên khi ông ta nói về sự biến hoá của con rồng thật hay và nhiều ngụ ý: "Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì núp ở dưới sông. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến họá, cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bề. Rồng ví như anh hùng trong đời…"


Tào Tháo là một tay đa mưu túc kế, nên đã chủ động lái câu chuyên sang một hướng khác rất tự nhiên. Tào Tháo đã đưa Lưu Bị vào tình thế khó xử, khi hỏi: "Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng (đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe". Cuộc đối tửu giữa chủ và khách, hay là cuộc đấu trí giữa hai con người đều biết lòng dạ của nhau "muốn nuốt cổ trời đất", hay là hai con hổ đang tạo thế rình mồi. Lưu Bị tự coi mình là "người trần mắt thịt…" khi nghe Tào Tháo hỏi về anh hùng thời nay.


Khi Tào Tháo nói: "Huyền Đức không nên nhún mình quá /" thì Lưu Bị như phân bua: "Bị này được nhớ ơn Thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ không được biết". Khi bị ép "không biết mặt nhưng cũng có nghe tiếng chứ?" thì Lưu Bị mới lần lượt nêu ra tên tuổi 5 người: Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương. Cách nói của Lưu Bị rất tôn kính (gọi họ kèm tước hiệu): gọi Lưu Biểu là Lưu Cánh Thăng, Tôn Sách là Tôn Bá Phù, gọi Lưu Chương là Lưu Quý Ngọc. Mỗi người được nhắc đến, Lưu Bị đều chỉ ra được sức mạnh và thế lực của từng người.


Viên Thuật binh lương nhiều ở Hoài Nam.

Viên Thiệu như con hổ dữ hùng cứ ở Kí Châu; bộ hạ có nhiều tay tài giỏi.

Lưu Biểu nổi tiếng trong 8 kẻ tuấn kiệt, uy danh khắp cả chín châu.

Tôn Sách sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giang Đông…

Lưu Quý Ngọc đang hùng cứ ở Ích Châu…


Lưu Bị vừa chỉ ra cái mạnh của từng người đổ giới thuyết, vừa sử dụng câu nghi vấn để hỏi lại Tào Tháo như: "Có thể cho là anh hùng được chăng?", "có phải là anh hùng không ?". Chỉ có trường hợp Tôn Bá Phù thì Lưu Bị vừa khẳng định vừa nghi vấn: "Có một người, sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giàng Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?". Qua cách nói đó. ta thấy Lưu Bị rất khôn khéo, kín đáo, chỉ nói về cái sức mạnh quá khứ và hiện tại của mỗi người, có vẻ "thật thà" nói lên sự hiểu biết các anh hùng trong thiên hạ, và quan niệm về người anh hùng thời loạn như thế nào. Lưu Bị không hề nhắc đến Tào Tháo chắc có nhiều lí do. Đó là sự khéo léo, khôn ngoan, kín đáo rất mực.


Trái lại, Tào Tháo rất khinh bạc, coi thường, gọi thẳng họ tên, dùng ẩn dụ, chỉ ra sự bại vong tất yếu hoặc sự tầm thường của tình người mà Lưu Bị đã nêu lên. Tào Tháo lúc thì nói, lúc thì cười nói, và sử dụng toàn câu phủ định. Với Viên Thuật thì Tào Tháo khinh ra mặt, coi là "Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được". Tào Tháo cho rằng Viên Thiệu "Không thể gọi là anh hùng được /" vì con người này "nhút nhát, không quyết đoán", rất tầm thường: "thấy lợi nhỏ thì lợi quên mình…".


Tào Tháo cho Lưu Biểu "chỉ có hư danh không có thực tài".

Tốn Sách "nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng".


Lưu Chương thì bị Tào Tháo coi thường và khinh ra mặt. "… tuy là nhà tôn thất, nhưng chỉ là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được? ". Việc Tào Tháo uống rượu luận anh hùng khi các nhân vật mà Lưu Bị nêu ra. trong tay có hàng vạn hùng binh và ngựa tốt, có nhiều kiện tướng, đang hùng cứ một phương. Thế nhưng Tào Tháo đã chỉ ra cái yếu, cái tầm thường, sự bại vong tất yếu của họ. Cái tầm nhìn của Tào Tháo là một tầm nhìn chiến lược, rất sâu sắc, ơn tuệ hơn người. Nghĩ về chuyện Tào Tháo luận anh hùng, ta chợt nhớ đến câu nói của Từ Hải trong "Truyện Kiều" của thi hào Nguyễn Du:


"Khiến cho con mối tinh đời,

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già".


Khi cái thế chân vạc "Nguỵ - Thục - Ngô" chưa hình thành mà Tào Tháo với mưu cao, chí lớn đã đưa ra những dự báo tài lình. Quan niệm về anh hùng của Tào Tháo cũng rất sâu sắc: "Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ. có chí nuốt cả trời đất kia". Bốn tiêu chí mà Tào Tháo nêu ra phải chăng là tự nói về mình? Nếu coi "nhân, trí, dũng" là phẩm chất của người anh hùng là quan niệm về người anh hùng của Tào Tháo chưa đầy đủ, nhưng sự thật là với thanh gươm yên ngựa giữa thời Tam quốc loạn lạc, con người này đã giành được chức Thừa tướng, dưới trướng có hàng trăm vạn hùng binh, hàng nghìn kiện tướng đang tung hoành bốn cõi.


Một tình huống đầy kịch tính xảy ra khi Tào Tháo lấy tay trỏ vào Lưu Bị rồi lại trỏ vào mình nói rằng: "Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi". Câu nói ấy đã làm cho Lưu Bị "giật nảy mình" đánh rơi cả thìa và đũa xuống đất. Lưu Bị sợ vì tưởng Tào Tháo đã biết rõ mưu cao chí lớn của mình, biết rõ mình là một con rồng đang ẩn nấp. Tiếng sét cơn mưa nổ ra. Bất ngờ và ngẫu nhiên. Nhờ thế mà Lưu Bị nói như phân trần: "Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá" Câu trả lời của Lưu Bị như một sự bộc bạch "thật thà" về sự tầm thường của mình: "Đức Thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt. Huống chỉ là tôi đây sao lại không sợ!"


Trong cuộc luận anh hùng này, thực chất là cuộc đấu trí giữa Tài Tháo và Lưu Bị. La Quán Trung đã khép lại câu chuyện một cách khá nhanh gọn và hóm hỉnh như hạ màn một vở kịch đặc sắc: "Huyền Đức đã che đậy được hết việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng. Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Huyền Đức nữa". Trong "Tam quốc diền nghĩa", Tào Tháo được mô tả là một tay gian hùng quỷ quyệt. Còn trong lịch sử Trung Quốc, Tào Tháo lại được đánh giá khá cao.


Trong hồi thứ 21 "Tam quốc diễn nghĩa", ta thấy Tào Tháo rất trân trọng và lịch sự gọi Lưu Bị là Huyền Đức, là sứ quân. Qua việc luận anh hùng, ta thấy Tào Tháo đã dự báo diễn biến thời cuộc lịch sử rất đúng đắn, có tầm nhìn sâu rộng về thời thế sự thắng bại. Đó là một Thừa tướng "có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất". Việc Tào Tháo mời Lưu Bị đến dinh ăn tiệc mơ, uống rượu… để dò xét. Việc làm ấy là rất tự nhiên đối với những người đang tranh hùng xưng bá giữa thời loạn.


Nhân vật Lưu Bị kín đáo, khôn khéo, tự hạ thấp, tự tầm thường mình,… và đã "đóng kịch" rất giỏi. Nếu không có tiếng sét cơn mưa bất ngờ nổ ra, liệu Lưu Bị có che giấu nổi "thiên cơ" của mình khi đánh rơi thìa đũa? Nghệ thuật kể chuyện tạo tình huống, sử dụng ngôn ngữ đối thoại rất sống và linh hoạt đã tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện và khắc họa, tô đậm tính cách của Tào Tháo, Lưu Bị - kì phùng địch thủ ngày mai. Qua đó, ta càng thấy rõ ngòi bút của La Quán Trung thật già dặn, điêu luyện và thâm hậu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

0