Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận (Bài làm ở nhà)
Hướng dẫn Đề bài: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào? DÀN BÀI Mở bài: Thói hư tật xấu thường đến từ từ từng ...
Hướng dẫn
Đề bài:
Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính.
Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?
DÀN BÀI
Mở bài:
Thói hư tật xấu thường đến từ từ từng bước khiến ta bị tiêm nhiễm lúc nào không biết, để rồi chi phối cả mọi hành động việc làm của ta.
Do đó có ý kiến cho rằng: “Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”.
Thân bài:
Giải thích các khái niệm:
– Khách qua đường: Chỉ những người gặp bất chợt, tình cờ, không quen biết chi và cũng chẳng có chút quan hệ thân thiết chi, chỉ gặp một lần rồi sẽ quên ngay sau đó.
– Người bạn thân thiết ở chung nhà: hình ảnh chỉ những người có mối quan hệ khăng khít thân thiết chẳng thể rời nhau trong cuộc sống hằng ngày.
– Ông chủ khó tính: Hình ảnh chỉ người đã điều khiển sai khiến ta và bắt buộc ta phải chịu lệ thuộc hoàn toàn.
Bình luận:
Ý kiến nêu lên một quy luật thường thấy trong việc bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu.
+ Thói hư tật xấu đến từ từ, dần dần chứ không đến ngay một lúc. Khiến ta không đề phòng mà cũng không hề hay biết, để rồi cuối cùng nó chế ngự cả bản thân ta.
+ Thói hư tật xấu một khi trở thành người bạn thân thiết ở chung nhà với ta thì ta khó lòng mà dứt bỏ được. Thực tế cho thấy nhiều người bị thói hư tật xấu làm tội làm tình, hành hạ đủ điều mà không sao xa lánh nó được, nhất là khi nó đã trở thành ông chủ khó tính.
– Ý kiến nêu lên một bài học tu dưỡng:
+ Cần phải ý thức sự nguy hại của thói xấu tật hư, nó luôn luôn âm thầm từng bước thâm nhập vào mỗi chúng ta không trừ một ai cả.
+ Cuộc đấu tranh chống thói xấu tật hư là cuộc đấu tranh liên tục, thường xuyên, mỗi ngày mỗi giờ. Khi vướng thói xấu tật hư phải có nghị lực để quyết tâm từ bỏ.
+ Xây dựng những thói quen tốt.
Kết bài:
Khẳng định giá trị đúng đắn của câu nói trên. Đó là lời cảnh tỉnh cho mọi người và cũng là một kinh nghiệm quý giá để mọi người tu dưỡng, rèn luyện.
ĐỌC THÊM
Đề: “Ăn quả nhớ kẻ trồng căy” và “Uống nước nhớ nguồn”.
Từ ngàn xưa, ông cha ta thường răn dạy con cháu phải sống “Ân nghĩa thủy chung”, đã nhận ơn ai thì phải đền, phải đáp. Nghĩa tình đó đã được thể hiện rõ hơn qua hai câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn”.
Đó quả là một lời dạy, một lời giáo huấn thật đúng đắn và sâu sắc. Khi ta ăn một quả chín thơm nào ta phải nhớ đến người sớm hôm vun xới, chăm sóc nên nó. Khi ta được uống một ngụm nước mát dù ở nơi đâu ta cũng phải nhớ đến người đào giếng, khơi nguồn. Từ hình ảnh ấy, người xưa muốn khuyên dạy chúng ta khi hưởng một thành quả lao động nào đó thì phải nhớ đến người đã tạo dựng nên nó. Có một cách hiểu sâu xa hơn: là ta phải nhớ đến những người đã cho ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay.
Tại sao phải vậy? Bởi vì tất cả những của cải vật chất lẫn tinh thần trên đời này đều không phải tự nhiên mà có. Đó chính là thành quả, là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao người đã hi sinh để gây dựng nên. Chén cơm ta ăn hằng ngày là thành quả từ công sức mệt mỏi, cần cù “một nắng hai sương” của sự lao động của người nông dân. Bộ quần áo ta mặc, ngôi nhà ta ở hay những vật dụng rất nhỏ, đôi khi ta không chú ý tới cũng là thành quả của những người thợ, những người công nhân. Ngày nay, khoa học tiến bộ, biết bao công trình khoa học vĩ đại đã ra đời, cũng là công sức lao động không mệt mỏi cùng với trí óc sáng tạo của những người đi trước… Chúng ta là lớp người đi sau, thành quả của biết bao con người lẽ nào lại quên hay sao? Nước ta đã trải qua một thời gian dài đằng đẵng dưới sự áp bức của phong kiến Trung Quốc và thực dân xâm lược. Chúng ta phải biết rằng, ông cha ta chiến đấu dũng cảm, hi sinh máu thịt của mình để giành lấy độc lập, tự do cho ta được sống cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Vì thế ta phải ghi nhớ công ơn quá to lớn, vĩ đại này.
Tuy nhiên đó không phải là lời nói suông mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể như: đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách. Những việc làm này đã trở thành bài học giáo dục và lan rộng trên khắp đất nước. Từ đây, ta lại càng phải nhớ đến sự hi sinh tất cả, để thương yêu lo lắng cho ta của cha mẹ, thầy cô và càng thấy kính trọng, yêu quý họ hơn.
Hai câu tục ngữ trên không những là đạo lí làm người mà còn là phẩm chất rất cao quý mà mỗi chúng ta cần phải có. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn” vẫn mãi còn nguyên giá trị của nó và sẽ giúp ta thêm vững tin để bước vào tương lai.
(Lê Thị Hoài Châu)
Đề: Bàn về tình bạn, nhà văn Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki có nói: “Tình bạn trước hết phải chân thành, phải phê bình sai lầm của bạn, của đồng chí, phải nghiêm chỉnh giúp đỡ đồng chí sửa chữa sai lầm”.
Ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?
BÀI VĂN THAM KHẢO
Bạn về có nhớ ta chăng,
Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời.
Trăng lên khỏi núi mặc trăng,
Tình ta với bạn khăng khăng một niềm.
Nhân dân ta đã có không ít những câu ca dao rất hay nói về tình bạn. Bởi vì trong cuộc sống, ngoài tình cảm gia đình, thì tình bạn là tình cảm sớm có ở mỗi người, ai cũng có bạn. Tình bạn là một nhu cầu không thể thiếu ở con người. Nhưng cũng có rất nhiều quan niệm khác nhau về tình bạn. Tôi rất đồng ý với quan niệm của nhà văn Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki: “Tình bạn trước hết phải chân thành, phải phê bình sai lầm của bạn, của đồng chí, phải nghiêm chỉnh giúp đỡ đồng chí sửa chữa sai lầm”.
Đó là một quan niệm đúng đắn về tình bạn, một tình cảm đẹp đẽ và cao quý. Trước hết tình bạn cần nhất sự chân thành. Phải chân thành mới giữ được tình bạn bền vững. Không thể có tình bạn lâu dài nếu như trong tình bạn có sự giả dối. Có sống chân thành với bạn, chúng ta mới tin nhau, thổ lộ hết những băn khoăn, vướng mắc trong cuộc sống, những nguyện vọng thầm kín nhất cho nhau biết. Nhờ đó bạn bè trở thành tri kỉ, không thể xa rời nhau, luôn tin cậy nhau, giúp đỡ cho nhau vượt muôn ngàn gian khó trong cuộc sống. Đó là một tình bạn đẹp nhất.
Chân thành trong tình bạn là không tính toán, vụ lợi. Tìm đến kết thân là nhu cầu trong sáng của tình cảm khi ta cảm thấy người đó có những ý nghĩ, cư xử hợp với ta, và kết bạn là để bày tỏ tình cảm, để cho chứ không để đòi hỏi. Đòi hỏi sẽ dẫn người ta đến những tính toán lợi dụng. Sự lợi dụng nhất định sẽ đến một lúc nào đó sẽ lộ ra. Khi đó thì còn giữ được sự tôn trọng của bạn đối với ta chăng? Sớm muộn rồi tình bạn sẽ tan vỡ. Ta không chỉ mất bạn mà đánh mất cả chính mình.
Chân thành với bạn còn là sự quan tâm đến bạn. Có lẽ nào khi bạn gặp phiền muộn ta lại bỏ mặc bạn? Có lẽ nào khi bạn đạt được thành tích ta lại ghen tị? Giúp bạn khi bạn gặp khó khăn, động viên bạn khi bạn đau buồn là chất keo gắn kết những người bạn.
Tình bạn tri kỉ thường chỉ nảy sinh giữa hai người với nhau. Nhưng như vậy không có nghĩa là ta sẽ tách khỏi tập thể để tình bạn không bị hòa tan trong số đông. Tình bạn sẽ đẹp hơn lên nếu như ta biết kết hợp tình bạn thân thiết với quan hệ gắn bó trong một tập thể. Mỗi nhóm bạn với tình bạn đẹp giống như những tế bào khỏe mạnh cùng nhau tạo nên một tập thể vững mạnh.
Chơi thân với nhau không vì tình cảm mà bỏ qua cho bạn những sai lầm, mà ta phải nghiêm chỉnh phê bình những sai lầm của bạn, giúp bạn sửa chữa sai lầm. Có như vậy tình bạn mới bền chặt. Có thể sự phê bình của ta lúc đầu làm bạn phật ý mà xa lánh ta. Đừng vội lo lắng. Nếu ý kiến ta đúng thì khi nỗi giận đã nguôi, bạn sẽ hiểu ra lẽ phải, sẽ nhận ra sự chân thành hết lòng vì bạn của ta. Tình bạn qua thử thách đó sẽ đẹp hơn lên. Cũng có thể gặp người bạn vì sự phê bình thẳng thắn mà vĩnh viễn xa ta, cũng không nên vì thế mà quá đau buồn. Buồn đấy, nhưng ta cũng kịp nhận ra đó phải chăng là tình bạn chân chính? Liệu có đáng nuối tiếc tình bạn đó không? Hãy xem thất bại đó như bài học giúp mình chọn bạn tốt hơn.
Phê bình bạn là cần thiết, nhưng cũng phải có phương pháp khéo léo mới có hiệu quả. Trước hết sự phê bình xuất phát từ tình yêu thương bạn, vì bạn, chứ không vì thỏa mãn vài ấm ức nhỏ mọn mà nói cho hả. Cũng không nên đòi hỏi bạn phải tiến bộ ngay mà nôn nóng, gay gắt trong phê bình. Dù đó là thiện ý cũng không tránh khỏi làm bạn tự ái, mà khó nhận lỗi. Cách góp ý tốt nhất là nhẹ nhàng phân tích có tình có lí. Có thể tranh luận cởi mở sẽ dễ phát lộ nguyên nhân dẫn bạn đến sai lầm. Tìm được nguyên nhân của căn bệnh sẽ tìm được cách trị bệnh. Giúp bạn sửa chữa càng cần sự kiên nhẫn, nhất là đối với sai lầm đã trở thành thói quen xấu. Sự kiên nhẫn gần gũi của ta sẽ xóa đi mặc cảm tội lỗi, gạt bỏ cảm giác lẻ loi giữa tập thể để bạn tự tin mà tiến bộ dần lên.
Trong cuộc sống, không thiếu những người vì nể bạn, hoặc một chút mềm lòng vì nặng tình mà bỏ qua khuyết điểm của bạn, thậm chí bao che cho những tội lỗi bạn mắc phải. Những kiểu bạn bè như thế không tránh khỏi bị trả giá đau xót. Bởi sự bao che của ta dễ làm cho bạn dựa vào đó chối bỏ mọi sự giáo dục đúng đắn, lún sâu vào sai lầm. Trong xã hội hiện nay cũng không hiếm những “tình bạn” vụ lợi, thực chất đó đâu phải tình bạn, chỉ là sự “móc ngoặc” để làm ăn bất chính, bên nào cũng chỉ vì lợi ích của mình, đến lúc quyền lợi bị va chạm, hoặc âm mưu bại lộ, bất lợi cho bản thân, kẻ nhanh chân tháo chạy sẽ không từ thủ đoạn nào đổ tội cho kẻ kia để thoát thân. Mối quan hệ đó cần phải lên án không để họ nhân danh tình bạn làm mất ý nghĩa cao quý của hai chữ “tình bạn”.
Em cũng có một tình bạn, tuy chưa được hoàn hảo lắm, nhưng chúng em vẫn đang làm theo lời khuyên của Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki, nhà văn – người bạn lớn của bao thế hệ thanh niên ta. Và chúng em tin rằng, tình bạn từ thuở ấu thơ sẽ lớn lên theo tuổi chúng em và sẽ ngày càng trong sáng hơn.
(Học sinh Lê Hồng Hạnh)
Mai Thu